Đưa tiếng lóng vào âm nhạc: Tào lao hay cách tân?

Thứ Tư, 28/11/2018, 10:44
“Âm nhạc giới trẻ bây giờ tào lao quá”, chuyện này vốn dĩ chẳng có gì mới, đúng là “biết rồi - khổ lắm - nói mãi”, nhưng lâu lâu một lần báo chí nước nhà lại phải cất lên điệp khúc này. 

Cái “lâu lâu một lần” ấy là mỗi bận mạng xã hội rần rần chuyền tay nhau những ca khúc với lời lẽ dễ dãi, như bê nguyên từ quán nước vào phòng thu, vô bổ có, xốc nổi có, tục tĩu cũng có.

Nạn âm nhạc suồng sã như chứng mụn cơm mãn tính, cứ cắt được ở chỗ này lại mọc lên ở chỗ khác, không sao trị dứt điểm được. 

Mấy năm trước, hai rapper Yanbi và Mr T vừa bị phạt vì ca khúc Phiếu bé ngoan với nội dung ca từ phản cảm, tưởng thế đã xong nhưng làng nhạc yên ắng chưa được bao lâu thì lại một loạt nào là Xếp hình, rồi Ô mai chuối, Như cái lò, Như lời đồn, lần lượt ra đời. Gần đây nhất, cư dân mạng lại sôi sục với một bài hát với tựa đề hết sức ngông nghênh: Anh đếch cần gì nhiều ngoài em.

Những người hoài cổ than thở nhớ ngày xưa âm nhạc có thời đã từng nên thơ biết mấy, viết tình ca thì “Khi thấy buồn em cứ đến chơi, chim vẫn hót sau vườn đấy thôi”, viết thế sự ca thì “Đời ta có khi là đốm lửa, một hôm nhóm trong vườn khuya”.

Còn ngày nay ư? Nghĩ đến ngày nay nhiều khi chỉ biết thở dài. Không phải thời đại không còn sản sinh ra nổi nghệ sĩ trẻ tiếp nối được di sản ca từ chân - thiện - mỹ đó nữa, vẫn có lẻ tẻ những Lê Cát Trọng Lý, Phạm Hồng Phước, Dương Cầm, Nguyễn Đức Cường, rồi hàng năm Sing My Song cũng khai quật ra được những viên ngọc thô ráp đấy thôi. 

Nhưng, những bảng xếp hạng âm nhạc, những ca khúc viral trong cộng đồng thanh niên đương thời, không hiểu sao, vẫn cứ tràn lan ngôn từ câu khách nhảm nhí.

Văn hào Dostoevsky viết: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” nhưng trong một thế giới mà chính cái đẹp không còn đẹp nữa thì liệu thế giới nào sẽ được cứu rỗi đây? Nên dù nghệ thuật có muốn hay không, nó cũng mang cái gánh nặng phải chuyên chở tình cảm tốt đẹp. 

Những năm cuối thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy từng gặp tai tiếng về những bài tục ca của mình.

Nhưng đó là nghe từ một phía, còn nếu nghe từ phía các nghệ sĩ trẻ tân thời, họ thậm chí tự cho rằng mình đang cách tân âm nhạc, họ còn tỏ thái độ “bì tị”, hỏi vì sao nước ngoài đã cởi mở với ngôn từ tục trong âm nhạc, còn nước mình lại chê trách là kém văn minh?

Suốt bao nhiêu năm qua, chúng ta cũng chỉ biết viện lí do không hợp thuần phong mỹ tục, cũng là một cái cớ qua loa để đỡ phải giải thích dông dài, tựa như người lớn khi không biết giải thích thế nào với trẻ con thì sẽ bảo: “Lớn lên sẽ hiểu” (!?). Vậy nếu không lấy “kim bài” thuần phong mỹ tục, người ta có thể phản biện thế nào với lớp trẻ?

Khi nghệ sĩ gạo cội cũng viết nhạc tục

Nghệ sĩ trẻ xốc nổi viết tục đã đành rồi. Nhưng, những nhạc sĩ có vai có vế trong lịch sử âm nhạc nước ta, họ cũng có chừa nhạc tục ra đâu. Như cố nhạc sĩ Phạm Duy chẳng hạn.

“Em như cục c... trôi sông
Anh như con chó ngồi trông trên bờ
[...] Anh như con đực chạy rông
Còn em như con mèo cái, chổng mông em gào”.

Có một khoảng thời gian, nhạc sĩ Phạm Duy dành thời gian viết 10 bài ông gọi là “tục ca”. Phía trên là một phần trong bài tục ca số một. Người tinh ý nhận ra những câu đó không xa lạ gì, đều được ông mượn từ kho tàng ca dao, hát đối dân gian của chính ông cha ta thuở trước.

Nghe hết 10 bài ca, ta thấy ông Phạm Duy chẳng “tha” ngôn ngữ lóng nào. Ông táo gan viết cả những chuyện tính dục, khiêu dâm, phi luân, thậm chí còn chẳng thèm bóng gió chơi chữ như nghệ sĩ trẻ ngày nay mà trần nhồng nhộng nói thẳng nói thật về những thứ khiến những người đoan chính thanh lịch phải đỏ mặt ngượng ngùng. 

Đến mức con rể ông là danh ca Tuấn Ngọc cũng “lắc đầu lè lưỡi” chẳng dám hát các ca khúc ấy. 

Nếu tìm trên internet, bạn cũng chỉ tìm được các bản thu âm do... Phạm Duy tự trình bày bằng lối hát í à dân gian tếu táo pha với chất blues, đồng quê phóng khoáng mà ông học hỏi được ở nước ngoài.

Thời điểm mới ra đời, cũng có nhiều người phản đối cho rằng nhạc này đồi trụy! “Có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật”, Phạm Duy chia sẻ lúc sinh thời. Còn bây giờ, người ta lại coi thứ nhạc đó chỉ chứng tỏ ông Phạm Duy sống “rất thật, rất hồn nhiên, rất hiên ngang”, như lời ca sĩ Ánh Tuyết.

Phải chăng, chỉ vì đó là Phạm Duy sáng tác nên tự động mọi sản phẩm đều được coi như mang giá trị văn hóa, bởi hậu bối nào dám chê một tượng đài lớn như ông? Còn nếu không, tại sao bậc tiền bối như ông đưa ngôn ngữ tục vào âm nhạc thì được, lớp trẻ làm lại bị chê là phản cảm? Hay, nhạc tục của ông và của nghệ sĩ bây giờ có điểm gì khác biệt?

Tất nhiên là khác biệt và có lẽ cái khác lớn nhất nằm ở bối cảnh sáng tác. Cùng là tục nhưng cái tục của Phạm Duy bám sâu vào tín ngưỡng phồn thực - một phần bản sắc văn hóa của người Việt chứ không phải cái tục nhất thời, mang cá nhân tính của riêng tác giả. 

Phạm Duy không kể cái tôi của mình mà chắt lọc tinh chất từ kho chuyện tiếu lâm dân gian, thơ của thi sĩ điên Bùi Giáng, ca dao dân ca, đôi khi là mượn chuyện xứ Tây để đả kích thói xấu xứ mình. 

Cũng là ngông nhưng mục tiêu sáng tác của Phạm Duy không phải để thể hiện chất ngông của bản thân, mà để nhạo báng một xã hội thị thành ở miền Nam thời chế độ cũ đang “đi từ chỗ ngả nghiêng tới chỗ băng hoại, với các vấn nạn mại dâm, ma túy, buôn lậu công khai, cướp bóc”.

Ngược lại, bước ra khỏi vỏ ốc cái tôi để chạm vào xã hội, đó dường như là điều mà một bộ phận nhạc sĩ trẻ còn đang thiếu. Họ mới chỉ biết cách viết dung tục mà chưa biết cách viết thâm thúy, mới chỉ có thể mua vui cho khán giả chứ chưa thể bắt khán giả phải ngẫm ngợi cho thời cuộc. Họ giỏi nói về mình mà quên mất cuộc sống còn nhiều nhức nhối xung quanh. 

Gay gắt thì như Lê Minh Sơn bình phẩm, rằng: “Các bạn ấy mà sáng tác chuyện xã hội thì cũng nhạt như nước lã thôi. Sống vờ thì nhạc cũng sẽ vờ”.

Nữ ca sĩ Bảo Anh và nhạc sĩ Khắc Hưng bị chỉ trích thậm tệ vì ca khúc “Như lời đồn”.

Tục hay - tục dở

Năm 1967, nhạc đàn thế giới nổi sóng với Je taime... moi non plus, một ca khúc mà thiên tài âm nhạc Serge Gainsbourg viết theo yêu cầu của người tình Brigitte Bardot - mệnh danh nàng Marilyn Monroe của nước Pháp. 

Nàng ngỏ ý muốn ông viết một bài hát thật đẹp về tình yêu, đáp lại nàng, ông liền sáng tác ca khúc này, nội dung về một cuộc đối thoại của cặp tình nhân khi họ đang làm chuyện... chăn gối.

Thời điểm ra đời, bài hát bị cấm phát sóng gần như trên khắp châu Âu và ngay tại quê nhà Pháp, nó cũng chỉ được phát sau 11 giờ đêm. Mặc dù thế, rất nhanh chóng, Je taime... moi non plus trở thành một bản nhạc tình kinh điển.

Nhưng, phương Tây không chỉ có một mình Serge Gainsbourg, mà Serge Gainsbourg cũng không phải người đầu tiên đem ca từ khiêu dâm vào âm nhạc. Họ có cả Chuck Berry, The Rolling Stones, Donna Summer, Madonna, The Who, Nirvana, Prince toàn những tên tuổi “có số có má” cả chứ không phải nghệ sĩ tầm thường.

Nghĩa là người phương Tây cởi mở hơn với ngôn từ tục trong âm nhạc, điều đó đúng nhưng không có nghĩa là họ dễ dãi. Họ cũng có tiêu chuẩn để đánh giá đâu là tục hay, đâu là tục dở.

Mới vài tháng trước, Kendrick Lamar - một rapper - được vinh danh giải thưởng Pulitzer cho những cống hiến trong âm nhạc với album D.A.M.N. 

Là một rapper, âm nhạc của Lamar đương nhiên chứa đầy ngôn từ tục tằn. D.A.M.N không phải ngoại lệ. Một thời gian ngắn sau đó, XXXTentacion - cũng là một rapper - bị hạ sát ở tuổi 20. 

Qua đời ở tuổi 20, lại trên tư cách là nạn nhân của bạo lực nhưng kỳ lạ là, anh lại chẳng nhận được nhiều sự cảm thông từ báo chí (dù trở thành một vụ ì xèo trên mặt báo), ngoài một số người hâm mộ và những kẻ tò mò, hầu như không ai quan tâm tới di sản âm nhạc anh để lại. Cái chết cũng không thể khiến cho âm nhạc của XXXTentacion được đánh giá cao hơn.

Cùng là dùng ngôn ngữ đường phố đấy nhưng người là huyền thoại, người thì đến chết vẫn không được nhìn nhận tử tế. Bởi vì có người coi ngôn ngữ đường phố chỉ như công cụ để tỏ bày triết lý, có người lại trở thành nô lệ phụ thuộc vào ngôn ngữ đường phố để thể hiện mình. 

Và nếu có cái gì khác trong xã hội phương Đông và xã hội phương Tây, có lẽ chỉ nằm ở chỗ người phương Tây đã quen với ngôn ngữ tục trong âm nhạc nên họ đủ công tâm để phân biệt được đâu là tục hay, đâu là tục dở, không đánh đồng tục nào cũng như nhau cả. Còn xã hội phương Đông vẫn còn e dè với những trần trụi tồng ngồng, nên khó tránh khỏi đôi khi vơ đũa cả nắm.

Nhưng là một người sáng tác, anh đang công cụ hóa “tục” ngôn hay là nô lệ của nó, anh sẽ tự rõ hơn ai hết. Trước khi so bì nước ngoài với nước ta, người sáng tác có thể tự vấn với mình điều đó. Dù sao, người làm nghệ thuật cũng cần chút bất cần với thái độ xã hội. Chỉ e hổ thẹn với lòng mình. Mà cái thẹn với lòng mình mới là đáng sợ.

Hiền Trang
.
.