Du lịch sinh thái: Ẩn họa từ thiện ý

Thứ Ba, 11/06/2019, 17:00
Trên toàn thế giới, du lịch sinh thái đang phát triển chóng mặt. Những khẩu hiệu như "trở về với thiên nhiên" hay "thân thiện với môi trường" càng ngày càng “chắp cánh” cho loại hình du lịch đó. 

Tuy nhiên, so với du lịch thông thường, liệu du lịch sinh thái có thực sự tốt hơn cho trái đất  hay không?

Tôn chỉ bị bóp méo

Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế định nghĩa: Du lịch sinh thái là "hoạt động du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bao gồm bảo vệ môi trường và nâng cao điều kiện sống của người bản địa". 

Cụ thể hơn, du lịch sinh thái nhắm tới bốn mục đích: Hạn chế tối đa tác động đến tự nhiên; Nâng cao nhận thức về môi trường; Tôn trọng văn hóa bản địa; Hỗ trợ kinh phí bảo tồn tại điểm du lịch.

Những tôn chỉ ấy xuất phát từ mặt trái mà du lịch truyền thống gây ra. Từ đó, những người hoạt động trong ngành du lịch muốn giới thiệu đến du khách một hình thức du lịch mới thân thiện hơn, nhân văn hơn. Du lịch sinh thái được quảng cáo đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đó, và nó thực sự đã tạo cú hích lớn.

Tính trên toàn thế giới, ngành du lịch sinh thái đạt doanh thu 77 tỷ USD, cũng như tăng trưởng trung bình 10-30% mỗi năm. Tại châu Phi, phần đóng góp vào GDP của du lịch sinh thái chỉ đứng sau ngành công nghiệp khai khoáng. Du lịch sinh thái trở thành “cục nam châm” thu hút khách du lịch của các nước đang phát triển nhờ phong cảnh hoang sơ, còn ít bị tác động bởi con người.

Song, đó cũng là điểm khởi đầu cho những mặt trái. Tốc độ phát triển chóng mặt đòi hỏi các điểm đến du lịch sinh thái phải đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách. 

Ở các nước Đông Phi, tư nhân được phép mua quyền khai thác đất rừng để khai thác du lịch. Tại Kenya, 70% diện tích đất rừng được tư nhân khai thác. Con số này ở Tanzania và Uganda lần lượt là 50% và 40%.

Hoạt động thương mại hóa biến những vùng đất hoang dã trở thành các khu du lịch sinh thái. Để việc kinh doanh diễn ra thuận lợi hơn, các chủ đầu tư tiến hành bê tông hóa môi trường thiên nhiên. Họ xây đường sá, nhà cửa và các công trình kiên cố khác dọc những vùng đất hoang. Người dân bản địa bị thu hồi đất canh tác, khiến họ phải lang bạt sang những vùng đất khác kiếm kế sinh nhai.

Bên cạnh đó, du lịch sinh thái còn kéo theo đám đông hiếu kỳ ùn ùn kéo đến những vùng đất hoang dã. Tại khu bảo tồn Mara (Kenya) vào thập niên 1980, chỉ có khoảng 300 túp lều phục vụ du khách lưu trú qua đêm. Bây giờ số lượng lều lên tới 3.000, cùng 25 biệt thự. 

Những hoạt động đó, về bản chất, đã phá hủy môi trường tự nhiên của động vật hoang dã, đi ngược lại tôn chỉ của du lịch sinh thái nguyên bản.

Tuy nhiên, không hoạt động nào gây phản cảm và phản ứng mạnh mẽ hơn việc săn bắn động vật hoang dã. Ở một số quốc gia như Tanzania, Zimbabwe, Namibia và Nam Phi, chính phủ cho phép du khách được săn bắn trong một vài khu bảo tồn nhất định. 

Họ thu “bộn tiền” nhờ phí cấp phép, kể cả khi trở thành tâm điểm phản đối của dư luận. Thật khó có thể nói du khách sẽ nâng cao ý thức bảo tồn tự nhiên, nếu chứng kiến cảnh bắn giết xảy ra trong một khu du lịch sinh thái.

Những tác hại vô hình

Nếu là một du khách ủng hộ “du lịch xanh”, hẳn bạn sẽ ít nhiều phản đối cách thức phát triển du lịch nói trên ở châu Phi. Song, ngay cả trong trường hợp hạn chế tối đa tác động đến môi trường tự nhiên, bạn vẫn có thể gây hại cho sinh vật nơi đây. 

Thay vì gây hại trực tiếp và lập tức, du khách thường gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật hoang dã thông qua hoạt động du lịch sinh thái. Năm 2015, nghiên cứu của Benjamin Geffroy và các cộng sự đăng trên tạp chí chuyên ngành Những xu hướng trong sinh thái học và tiến hóa đã chỉ ra điều đó.

Theo lẽ thường, nếu bước chân vào một khu rừng hoang sơ, du khách sẽ chỉ nghe thấy tiếng chim hót hoặc vượn hú. Hiếm khi nào bạn được chứng kiến cảnh một con thỏ hay một con sóc chạy qua, bởi theo bản năng, chúng sẽ trốn tiệt nếu thấy con người xuất hiện. 

Nhưng du lịch sinh thái đồng nghĩa với hàng ngàn người ùn ùn kéo đến các khu rừng, và thú hoang ở đó cũng dạn người hơn. Các công ty lữ hành đôi lúc còn chiều lòng du khách bằng cách "xua" một số con vật dạn người ra tiếp xúc với du khách.

Vậy thú hoang dạn người có thể gặp nguy hiểm như thế nào? Geffroy đã chứng minh được những con vật tiếp xúc với con người quá nhiều có xu hướng mất cảnh giác trước nguy hiểm. Sợ hãi và trốn chạy là bản năng của những loài vật nhỏ trước mối đe dọa từ kẻ săn mồi, nhưng những con người "thân thiện" lại khiến chúng dần mất cảnh giác. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng trở nên "ngờ nghệch" trong tự nhiên, và dễ bị ăn thịt hơn. 

Quan sát của Geffroy với những loài thú hoang như sóc và chim cho thấy: Những cá thể tiếp xúc với con người nhiều thường chậm chạp hơn, có tỷ lệ thoát khỏi động vật ăn thịt thấp hơn so với những cá thể cùng loài sinh trưởng trong môi trường hoang dã.

Đường nhựa cắt ngang những khu bảo tồn nhằm phục vụ giao thông và du lịch.

Bên cạnh thú săn mồi, những kẻ săn trộm cũng là mối đe dọa tiềm tàng. Kenya đã cấm săn bắn động vật hoang dã kể từ năm 1977, nhưng lại không thể ngăn chặn hoàn toàn hoạt động săn bắn trái phép. Sự phát triển của du lịch sinh thái khiến hoạt động giám sát càng khó khăn hơn, bởi những con vật vốn trốn tiệt khi thấy con người, giờ đây lại có xu hướng vô tư lự rảo bước trước những kẻ săn trộm để rồi bị bắn gục.

Để kết luận, Giáo sư Daniel Blumstein, một trong những người thực hiện nghiên cứu cùng Geffroy cho biết: "Về mặt lý thuyết, du lịch sinh thái cố gắng làm những điều tích cực để bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học. 

Tuy nhiên, dù có thiện ý đến đâu, du khách cũng hoàn toàn không thể nhận thức được tác động tiêu cực họ gây ra. Nếu bước chân vào một vùng đất hoang dã, con người không thể không gây tác động nào".

Ví dụ tiêu biểu là những tour ngắm rùa biển đẻ trứng trong đêm ở Florida, Mỹ. Các nhà khoa học chỉ ra: So với những cá thể rùa bò lên bờ biển đẻ trứng trong im lặng, những cá thể được đám đông du khách quan sát mất nhiều thời gian hơn để đào một hố cát, cũng như gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đẻ trứng. Từ đó, họ đặt giả thuyết rùa biển và nhiều loài vật hoang dã khác có thể gặp căng thẳng khi bị làm phiền bởi con người.

Hướng đi nào cho tương lai?

Trên thực tế, những vấn đề do du lịch sinh thái mang lại, như đã đề cập, cũng hiện hữu trong hoạt động du lịch đơn thuần. Ngoài ra, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích do nó đem lại. 

Ở các quốc gia châu Phi như Kenya hay Tanzania, du lịch sinh thái giúp thổ dân có nguồn thu nhập ổn định nhờ trình diễn lối sống văn hóa bản địa trước du khách. Thay vì sống cảnh nay đây mai đó giữa thiên nhiên, họ có thể an cư lạc nghiệp.

Du lịch sinh thái có thể ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường tự nhiên như lời Blumstein. Điều đó cũng đồng nghĩa du khách có thể hạn chế tối đa những tác động xấu bằng cách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở những nơi họ đặt chân tới.

Du lịch sinh thái khiến nhiều loài vật dạn người hơn.

Hành động của chính phủ cũng góp phần điều chỉnh hành vi của du khách theo hướng tích cực hơn. Tại Kenya, số vụ săn bắn trộm đã giảm đến 85% sau khi chính phủ công bố điều luật tử hình những kẻ săn trộm, thay vì phạt tù và phạt tiền như trước kia.

Tập trung chia sẻ ý thức và trách nhiệm với môi trường cho du khách có thể là một hướng đi phù hợp cho du lịch sinh thái trong tương lai. Thiên nhiên hoang dã là món quà vô giá, và con người cần hiểu hơn về nó để tiếp tục bảo vệ. Những hoạt động thân thiện với môi trường là phương án hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. 

Trên thực tế, hoạt động này diễn ra khá tích cực và có hiệu quả với đa số những tour du lịch sinh thái. Những du khách tham gia du lịch sinh thái có xu hướng gìn giữ môi trường tốt hơn so với các loại hình du lịch khác.

Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng trong hoạt động du lịch sinh thái vẫn thuộc về những công ty lữ hành, những người hưởng lợi chính từ việc này. Họ cần tiến hành những tour du lịch sinh thái theo đúng tôn chỉ của nó, thay vì sử dụng cụm từ "du lịch sinh thái" làm công cụ quảng bá kinh doanh. 

Sẽ chẳng có du khách yêu thiên nhiên nào muốn đến một miền đất lạ mà ở đó động vật hoang dã bị bắn giết, hay phải chứng kiến cảnh những khu du lịch sinh thái ngập trong rác.

Hải Sơn
.
.