Đời nữ gác tàu và những đôi mắt dõi nhìn theo lọn khói

Thứ Hai, 25/02/2019, 13:01
Có biết bao người nữ gác tàu vì trách nhiệm với công việc đã nhiều lần lỡ hẹn với người thân một chuyến về thăm quê, lỡ với em trai một lời hẹn dự đám cưới, lỡ với ông bà một cái giỗ tròn năm, và cũng biết bao năm chưa được đón một cái tết trọn vẹn bên gia đình...

Khi tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh và chị Đỗ Thị Lan, hai nhân viên cứu một bà cụ ngay trước đầu tàu đang lao tới, hai “nhân vật dũng cảm” của rất nhiều những bài báo vừa qua thì chị Minh vội nhắc tôi trước: “Em đừng kể về việc tụi chị cứu bà cụ làm chi, thật ra đó là phản xạ, là hành động hoàn toàn tự nhiên của tụi chị khi gặp tình huống nguy hiểm. Mà chị nghĩ bất kỳ ai trong tình huống đó đều hành động vậy, chứ không phải “nữ anh hùng” hay “dũng cảm” gì gì đâu...”. Tuy vậy, chị vẫn bàng hoàng và đầy cảm xúc khi nhớ về khoảnh khắc sinh tử ấy.

Trước khoảnh khắc sinh tử

Ca trực sáng 12-2 tại gác chắn Hãng Dầu, thuộc phường Thống Nhất, TP Biên Hoà, Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Minh (SN 1984) và Đỗ Thị Lan (SN 1986) sau khi đã kéo barie chắn, báo hiệu tàu đến thì một bà cụ hơn 70 tuổi sinh sống gần đấy đã chui qua barie để về nhà mặc cho chị Minh khuyên can. Không may, cụ vấp ngã. 

Trong khoảnh khắc sinh tử khi từ xa tàu đang băng đến, chị Minh đã quẳng cả cờ báo hiệu cố kéo cụ ra, cùng với sự giúp sức của chị Lan. Khi kéo được bà cụ qua bên vệ chắn cũng là lúc tàu hoả vừa băng qua, nhanh hệt như một bộ phim hành động.

Chị Minh cầm đèn báo hiệu cho tàu qua giữa đêm khuya.

Nụ cười hồn hậu, nét người giản dị và nói chuyện rất khiêm tốn, chị Minh kể rằng trông thấy tình huống nguy hiểm ấy, chị và đồng nghiệp không có thời gian để nghĩ. Chỉ biết rằng kéo người ra khỏi đó, phải cứu người. 

Chỉ vậy thôi! Điều mà chị Minh và chị Lan không ngờ là sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng, nhiều người lại quan tâm đến vụ việc đến vậy. Mỗi ngày, có nhiều phóng viên điện thoại hay đến tận nơi để tìm gặp. Chị trả lời và cũng chỉ mỗi một ý duy nhất “đó là phản xạ”. Chị hỏi tôi có biết vì sao bỗng dưng nhiều người quan tâm đến vậy không, trong khi ngoài xã hội còn nhiều người làm việc tốt lắm? 

Tôi giải thích theo cách nghĩ của tôi rằng bởi cuộc sống thường ngày, người ta tiếp nhận quá nhiều tin tức tiêu cực, nhiều chuyện không vui, nên hành động đẹp đầy nhân văn của các chị xem như một luồng nước mát tưới vào những khô cằn mệt mỏi. Nhưng chị vẫn ái ngại khi nhắc lại, vì vậy chúng tôi nói sang chuyện khác.

Bóng dáng nhỏ bé của hai nữ nhân viên gác tàu giữa màn đêm.

Những chuyến tàu mang theo nỗi nhớ nhà

Chị Minh tốt nghiệp Đại Học Thủy lợi, và theo học khoá đào tạo nghiệp vụ đường sắt. Chị được cắt cử làm nhiệm vụ ở nhiều chốt, nhiều tỉnh khác nhau trước khi chuyển về đây. 

Lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc, chồng chị Minh cũng là người trong ngành với công việc tu sửa bảo trì đường sắt. Hai anh chị đã có con gái 9 tuổi. Chị nói, đã 12 cái tết rồi chị toàn đón tết trong khu nhà ở tập thể của cơ quan. 

Bé Chuột chơi đùa trong khi đợi mẹ

Dịp tết vừa qua, chị trực ngay đêm giao thừa.  Cứ mỗi lần trông thấy từng chuyến tàu đi qua, những cái nhướng người của hành khách từ trong toa tàu cố nhìn qua cửa sổ, chị nghĩ có lẽ những hành khách ấy đang muốn gửi lời chào mảnh đất mưu sinh để về với quê hương thì lòng chị lại nhoi nhói nhớ thương. Thầm chúc cho họ được đoàn viên hạnh phúc. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy, bao lâu rồi chị chưa có lại.

Chị Đỗ Thị Lan nhỏ tuổi hơn chị Minh nhưng đã có thời gian công tác chung khá nhiều năm, hai người là đồng nghiệp thân thiết, là cặp đôi hiểu ý nhau cả trong công việc cũng như khi tâm sự những nỗi niềm về cuộc sống, gia đình. 

Cái tết xa quê đầu tiên của chị Lan nhiều năm trước là cái tết úp mặt xuống bàn làm việc khóc nức nở. Chị ngại ngùng kể, lúc chị mới vào nghề, trông thấy chuyến tàu chạy qua, ẩn hiện trong ô cửa kính tàu, một vài buồng chuối ươm vàng hé ra, chị Lan nghĩ đến ngay đặc sản chuối Ngự Hà Nam quê mình. 

Chuẩn bị đón tàu.

Chị hồn nhiên nói thêm “Chuối Ngự quê chị là loại chuối dùng để tiến vua ngày xưa, rất ngon, rất quý…”. Chị còn bảo tôi, nếu có dịp về quê chị mà xem, chuối được trồng bạt ngàn trên mỗi thửa ruộng, trồng sum suê trên cánh bãi của người dân Đại Hoàng, một màu xanh thắm đượm của những đọt chuối non, hay một màu vàng rực rỡ vào mùa chuối chín đẹp như tranh vẽ nằm cạnh dòng sông Châu hiền hòa.

“Có lẽ ai đó trong toa tàu vừa qua ấy là người Hà Nam. Phải là người Hà Nam thôi, mùa Tết là mùa thu hoạch chuối lớn nhất, và cũng chỉ có người Hà Nam mới mang theo loại chuối đặc sản ấy đi khắp nơi”. Tôi lặng nghe chị nói và không rõ chị nói như vậy đúng không, có thể chuyến tàu thoáng qua đó đã chở theo một người đồng hương của chị, chở theo những đặc sản quê nhà. 

Cũng có thể bởi vì chị nhớ nhung quê nhà lâu quá nên khi nhìn hình ảnh buồng chuối vàng ươm thoáng qua, đã nghĩ về quê hương. Điều ấy đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là chuyến tàu ngang qua đã mang đến cho người phụ nữ xa quê ấy chút màu sắc lẫn hương vị quê nhà.

Những người xa quê, có ai chưa từng khao khát một chút hương quê đủ ấm để xoa dịu những khoảng trống trong trái tim mình? Có ai biền biệt quê hương đã lâu mà không một lần ngoảnh lại tự nghĩ về những ngày tháng đã qua?

Giữa đêm, một ông lão ăn xin mắc bệnh tâm thần ghé trước cửa chốt trực, có lẽ ông là người quen của các nhân viên trực nơi đây. Biết ông đến để kiếm thức ăn, chị Lan mang cho ông mấy miếng thanh long. Hỏi ông biết món gì không? Ông đáp “Hạt é!” và ăn một cách ngon lành. 

Một ca trực của chị Minh và chị Lan.

Chị Lan nhìn tôi cười: “Bạn thân của tụi chị đấy”. Những phiên gác cút côi giữa trời khuya, những hôm đầy muộn phiền tìm đến, được chia sẻ một phần thức ăn của mình cho một người kém may mắn, các chị lại thấy nhẹ nhàng hơn. Và cả những hôm chợt thấy đời cực nhọc, họ còn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người để rồi cố gắng bước tiếp trên con đường đã chọn.

Cuộc gặp gỡ của tôi và hai nữ nhân viên gác tàu Nguyễn Thị Minh và Đỗ Thị Lan ở gác chắn Hãng Dầu (KM 1698 + 993) bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại xin đường, điện thoại báo tàu đến của các tài xế lái tàu. 

Mỗi ca trực của các nhân viên gác tàu thường kéo dài 12 tiếng. Mỗi tháng làm 12 ngày và 12 đêm, khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. Hôm nào thiếu nhân viên thì phải làm 24 tiếng/ngày. Theo thói quen ấy, dẫu cho có lúc được phép nghỉ ngơi đôi chút, các chị đều không dám ngủ. Trung bình mỗi ca sẽ đón từ 15 đến 17 chuyến tàu qua. 

Vào các dịp lễ Tết như vừa rồi, lượng tàu qua còn tăng gấp nhiều lần để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Những chuyến tàu trước và sau tết luôn nhộn nhịp chở theo bao niềm thương nỗi nhớ nơi quê nhà. Tàu đến sân ga trong sự vui mừng của người thân sau bao nhiêu ngày xa cách. Mấy ai hiểu được rằng để có được những chuyến tàu an toàn có sự đóng góp thầm lặng của những người ngày đêm gác chắn đường ngang.

Chị Mỹ Linh khi hạ thanh chắn xuống tại chốt Tô Ngọc Vân.

Nỗi niềm bên chốt chắn

Nếu có ai hỏi về chuyện gia đình, câu trả lời của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1985) sẽ là “đã qua một lần tàu”. Chị Mỹ Linh hiện đang là nhân viên gác chắn tàu tại chốt Tô Ngọc Vân (Quận Thủ Đức, TP HCM). Câu nói đùa của chị khiến người nghe cảm giác buồn buồn. Chị Linh đã li hôn và đang nuôi hai con gái, con gái lớn học lớp 8 và cô con gái nhỏ học lớp 5. 

Trước đây, khi có ai hỏi về chuyện hôn nhân của chị, nhiều bạn trêu rằng “gái qua một lần đò”, về sau có người “sáng kiến” rằng, là thân nữ làm nghề gác tàu phải là “qua một lần tàu” thì mới chuẩn.

Gần 15 năm làm nghề, cùng nhiều kỷ niệm vui buồn, nhiều lần đấu tranh tư tưởng nên tiếp tục theo nghề hay chọn một nghề khác nhẹ nhàng hơn bởi áp lực thời gian dành cho gia đình, cho con cái. Cuối cùng, chị vẫn làm công việc này.

Chị Mỹ Linh theo học khoá nghiệp vụ gác đường ngang vì từ nhỏ đã theo mẹ đến gác chốt chơi, chị từng rất thích nhìn mẹ trong màu áo xanh của nghề, cả chiếc nón mẹ đội, cả cách mẹ ra hiệu báo tàu đến… những hình ảnh ấy trong tâm trí chị khó có thể nào quên. 

Mẹ chị đã về hưu mấy năm nay. Mẹ thay chị chăm sóc hai cháu, lo cơm nước mỗi khi chị trực. Chị tâm sự, bởi mẹ là người trong nghề nên mẹ chị hiểu tất cả những khó khăn nặng nhọc mà chị đang gặp, nhờ có mẹ an ủi, động viên chị mà những ngày không vui rồi cũng trôi qua.

Chị Linh vui vẻ khoe với tôi rằng chị vừa được lên lương năm ngoái. Chị không tiết lộ con số cụ thể, nhưng trông chị thật vui. Tôi chợt nhớ có lần đọc trên một tạp chí mấy mẩu vụn, nội dung ví von cuộc đời con người cũng giống như một con tàu và con tàu ấy dù cho trên đường có gặp phải khó khăn gì thì nhiệm vụ của nó vẫn là tiến về phía trước. Con tàu nào, dù hành trình dài hay ngắn cũng đi qua nhiều ngả đường, gặp gỡ tại các gác chắn và dừng lại ở một sân ga. 

Vừa canh tàu vừa ngắm nhìn qua những ô cửa kính.

Cuộc gặp gỡ nào cũng cảm động, cuộc chia ly nào cũng nhiều đau đáu. Nhưng rồi như đã sắp đặt, mỗi con tàu một con đường, mỗi con người mỗi số phận, cứ phải hướng về phía trước mà đi.

Trực chung ca với chị Linh là Hoa. Hoa sinh năm 1988, em vừa đi làm lại được 2 tháng sau thời gian nghỉ sinh con theo chế độ. Điều thú vị là khi Hoa vừa hết thời gian thai sản, thì bé Chuột tròn 6 tháng cũng theo mẹ đến chốt. Ca ngày theo ngày, ca đêm theo đêm, bởi chồng Hoa cũng làm nghề gác tàu ở một chốt khác, hai vợ chồng thuê nhà ở trọ, với đồng lương vừa đủ trang trải, không thể kiếm người trông con, cũng không thể gửi trẻ vì thương con còn bé. 

Từ khi bé Chuột theo mẹ đến chốt trực, các nhân viên ở đây có thêm niềm vui trong những lúc đợi tàu, họ cùng chơi đùa, cùng chăm sóc, các chị gọi cháu bé con của Hoa là “cô nhân viên bé tuổi nhất ngành chắn tàu”. 

Mỗi lúc có tàu đến, Chuột được cho ngồi chơi một mình trong song chắn. Mấy hôm đầu chưa quen, tiếng khóc của em hoà với tiếng xe cộ qua đường, tiếng kèn thổi báo dòng người dừng lại, tiếng còi vang báo hiệu tàu đang đến khiến Hoa vô cùng sốt ruột. Đợi tàu vừa qua, thanh chắn vừa kéo lên là ngay lập tức chị chạy vào dỗ dành con, có khi nhìn gương mặt con tím tái vì khóc nhiều, xót xa mà không biết phải làm sao. 

Cũng may sao sau vài tuần thì bé Chuột quen dần, không khóc nữa, khi thấy mẹ đội nón bảo hộ, xắn tay áo, đeo khẩu trang là Chuột tự giác ngồi vào song cũi chắn, vẫy vẫy tay tạm biệt.

Vừa đẩy barie vừa quan sát hai bên đường, vừa cầm đèn báo hiệu và đeo một chiếc kèn trên cổ.

Và nỗi ám ảnh tai nạn

Những tưởng công việc đầy nặng nhọc và nguy hiểm này chỉ dành riêng cho phái mạnh. Thế nhưng, đi qua nhiều chốt chắn tàu, tôi nhận thấy chị em phụ nữ làm nghề này không ít. Có thể dễ nhìn thấy nhất là sự yêu nghề, đây là điểm chung hướng những nhân viên gác chắn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng đảm bảo an toàn đường sắt cho mọi người. Tôi đã từng thử đẩy một barie bằng hết sức lực của mình, nhưng không được, barie không một chút nhúc nhích. Các chị cười trêu tôi: “Nghề này phải được đào tạo, phải có thực hành quen việc thì mới làm trôi chảy được, không phải ai muốn làm đều làm được đâu”.

Đã lựa chọn nghề gác tàu thì xác định không có sự ưu ái nào cho nữ cả. Nữ cũng như nam, cũng phải học nghiệp vụ, vững lý thuyết lẫn thực hành. Nữ cũng như nam, cũng phân chia ca đều đặn, cũng áo mưa trùm kín ngày bão, cũng da sẫm màu ngày nắng cháy, cũng dãi nắng dầm sương sớm tối luôn sẵn sàng túc trực đảm bảo cho một chuyến tàu qua, đảm bảo an toàn cho hành khách qua đường, trách nhiệm ấy trên đôi vai nam gác tàu hay nữ gác tàu đều nặng nề như nhau. Nói chính xác hơn thì làm ngành gác tàu, phụ nữ chịu thiệt thòi hơn nam giới, bởi khi gặp tình huống ngoài mong muốn với người đi đường, các chị em phụ nữ luôn lo sợ bị hành hung. Chúng ta vẫn biết đấy thôi, nhiều tin tức trên báo đài gần đây, rất nhiều nhân viên gác chắn nữ bị mắng chửi, thậm chí là bị người đi đường ra tay đánh rất bạo lực.

Không ít lần những người gác tàu đã hạ thanh chắn, kéo barie ngăn đường báo hiệu để chuẩn bị cho tàu đến nhưng những người đi đường như cố tình không hiểu, họ vượt thanh chắn, chui qua barie, mặc kệ hiểm nguy của mình và cả nhân viên. 

Nếu bị ngăn lại, người thì càu nhàu thầm chửi, có người văng tục thành tiếng, có người sẵn sàng đánh cả nhân viên. Cả chị Minh, chị Lan, chị Linh, chị Hoa và nhiều nữ nhân viên khác đều có suy nghĩ như nhau rằng mình phận nữ, ai làm gì, hung dữ thế nào cũng im lặng nín chịu. Chứ lúc đó mà đôi co qua lại, lỡ xảy ra chuyện gì, mình phận nữ mình chịu thiệt thòi mà thôi. Chưa kể mất thời gian không quan sát được tàu, không hoàn thành nhiệm vụ, hậu quả còn nặng nề hơn. 

Có nhiều nghề người ta cho là làm dâu trăm họ, nhưng nghề này, có lẽ là làm dâu nghìn họ, vạn họ. Hôm ghé chốt trực của chị Minh và chị Lan, tôi còn chứng kiến cảnh một người đàn ông say xỉn dừng trước chốt chắn sau khi bị ngăn không cho vượt qua đường ray liền giở giọng trêu ghẹo chị Lan bằng những lời lẽ khiếm nhã. Sau khi tàu qua, tôi hỏi chị sao không phản ứng. Chị cười, bảo quen rồi, họ nói thì mặc họ.

Cô Yến năm nay 54 tuổi, đã theo nghề gác tàu được 35 năm trước khi về hưu. Nhà cô ở ven đường sắt khu Kha Vạn Cân (Thủ Đức, TP. HCM). Cô Yến về hưu năm ngoái nhưng thời gian làm nghề khá lâu và bỗng dưng rời xa những công việc thân quen khiến cô lâu lâu lại nhớ nghề. Cô thường sang đường, tìm vào chốt chắn ngang gần nhà để trò chuyện, tâm sự về nghề gác tàu với các nhân viên. Riết thành thân thuộc, có hôm cô phụ đẩy thanh chắn với các nhân viên, phụ ra hiệu ngăn khách đi đường một cách thuần thục và chuyên nghiệp vào giờ cao điểm mà 2 nhân viên không thể kiểm soát hết. Tôi hỏi thăm nhà cô có ai theo cô làm nghề này không. Cô lắc đầu. Cô không muốn và không cho 3 con của cô theo nghề. Các con cô hiện tại đều làm một ngành khác, ổn định thời gian và không nguy hiểm. 

Tôi hỏi thêm cô nguy hiểm như thế nào thì cô cho hay, nhiều năm trước cô từng chứng kiến một người đồng nghiệp bị tàu cán qua đời khi đang cố đẩy một người say rượu cố tình băng qua đường ngang. Lại một lần khác, 4 năm trước, người bạn học chung ngành với cô bị khởi tố vì thiếu sót trong công tác gây tai nạn nghiêm trọng. 

Giọng cô buồn buồn: “Ông ấy giờ vẫn chưa ra tù. Tội nghiệp, hình như còn 1 năm nữa là được về hưu, được hưởng lương hưu như cô bây giờ, được nghỉ ngơi rồi, ấy vậy mà một lần sơ sót…”. Cô không nói nữa. Tôi cũng không dám hỏi gì thêm.

Đã có nhiều người phụ nữ dành cả thanh xuân để gác chắn tàu, giống như cô Yến vậy. Các cô, các chị đã gắn bó gần cả cuộc đời với ngành đường sắt, với những con tàu ngược xuôi, với những giao lộ chắn ngang đầy nguy hiểm, với những lần tủi thân bật khóc khi bị người tham gia giao thông thiếu ý thức chửi mắng, hành hung...

Có biết bao người nữ gác tàu vì trách nhiệm với công việc đã nhiều lần lỡ hẹn với người thân một chuyến về thăm quê, lỡ với em trai một lời hẹn dự đám cưới, lỡ với ông bà một cái giỗ tròn năm, và cũng biết bao năm chưa được đón một cái tết trọn vẹn bên gia đình...

Khi đèn báo hiệu tàu qua tắt đi, thanh chắn được kéo lên, dòng người từ hai bên đường vui vẻ tiến tới, ai cũng cười vui, ai cũng bận bịu cho những mục tiêu của mình. Khi ấy, các nữ nhân viên lại trở về với chốt gác, lật sổ ghi lại lịch sử tàu qua. Ghi lại cho mình thêm một kỷ niệm với nghề.

Bùi Kiều Trang
.
.