Đời công nhân và những chắp vá dở dang
Quãng thời gian đã trải qua, tôi phần nào hiểu được guồng sống của một công nhân là như thế nào. Đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi mưu sinh của hàng ngàn công nhân từ khắp nơi trong nước đổ về.
Bỏ lại quê hương sau lưng, những con người này bám trụ lại với thành phố, với những bộ đồng phục, với ca sáng, trưa, chiều. Và với những nỗi nhọc nhằn của đời trong căn nhà trọ.
Niềm vui thì thiếu
Nguyễn Thị Ngân Bích năm nay 23 tuổi, quê ở Hải Dương. Hiện em là công nhân của một công ty may trong khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương). Bích có dáng người gầy gò, ốm yếu, đôi mắt thâm quầng do làm ca đêm. Em còn bị chứng tụt canxi nên thường xỉu bất chợt trong giờ làm.
4h30 chiều, khu trọ vẫn im lìm chưa ai đi làm về. |
Chính vì sức khoẻ của mình mà trước đó em đã bị cho thôi việc 2 lần ở 2 công ty khác nhau. Công ty may hiện tại là nơi thứ 3, cũng là nơi chịu cho em làm việc lâu nhất. Em nói lý do bởi vì công ty của em cần rất nhiều công nhân, không cần trình độ, lương không cao nên tuyển người rất dễ.
Tôi trò chuyện và kể với Bích khoảng thời gian làm công nhân hơn 12 năm trước. Bích nghe rồi cười, nói tôi còn may mắn, còn được học đến đại học, còn theo đuổi được ước mơ. Còn Bích thì khác.
Anh Cẩn ăn vội cơm để đi chạy xe ôm Grab. |
Ba em là tài xế chạy xe Bắc – Nam, một tai nạn mà lỗi trực tiếp từ người cầm lái đã làm chết 3 người, khiến gia đình em rơi vào cảnh lao đao. Bán xe, bán nhà bồi thường cho gia đình nạn nhân, ba em vẫn phải đi tù.
17 tuổi em đã bỏ học để theo mẹ buôn cám lợn ngoài chợ nuôi 3 em nhỏ. Quê nhà khó khăn và thiếu thốn, hai mẹ con chẳng được mấy tiền, nên em quyết định theo người chị họ vào Sài Gòn làm công nhân.
Lương căn bản hiện tại của em là 3 triệu 200 ngàn, cộng thêm tăng ca, phụ cấp đều đặn thì mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu. Tiền chi tiêu sinh hoạt và đóng tiền trọ, mỗi tháng em còn gửi về cho mẹ 2 triệu đồng, coi như vừa khít với số lương lãnh ra. Rồi lại cặm cụi làm lụng, tăng ca, lại nhận lương mỗi cuối tháng và cứ như vậy ngày trôi qua ngày.
“Ba em đã được về (ra tù) hồi năm ngoái rồi, nhưng sức khoẻ ba yếu lắm. Mẹ em là lao động chính, em phải gắng làm phụ với ba mẹ nuôi các em”, Bích nói.
Chú Trực đạp xe đi chợ. |
Từ phòng Bích nhìn qua khung cửa sắt, một phòng trọ có cửa khép hờ, Bích dắt tôi sang đẩy cửa vào rất tự nhiên. Đấy là phòng của em Nguyễn Minh Hiền, chị họ của Bích. Hiền làm ca ba, Bích vừa tan ca một nên hai chị em ríu rít kể chuyện.
Căn phòng khoảng 8m², lợp tôn treo chằng chịt quần áo. Hiền tốt nghiệp khoa Quản trị du lịch lữ hành, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Nhưng sau nhiều lần lận đận đi xin việc không được, em đã Nam tiến cùng em họ, nộp đơn vào làm công nhân.
Không báo, không đài, cũng không tham gia vào mạng internet, cuộc sống sôi động thời sinh viên của Hiền ngày nào được thay bằng vòng luẩn quẩn ăn, ngủ, xếp hàng sớm tối chấm công, và lên xưởng. Hiền cho biết, xóm trọ có 18 phòng nhưng mọi người không ai nhớ mặt ai mấy, cũng không chơi với nhau vì trái ca hoặc nếu rảnh thì chủ yếu tranh thủ ngủ bù sau giờ làm kiệt sức.
Bữa ăn tối của công nhân có cà, trứng chiên và canh rau. |
Chỉ có hai chị em Hiền với Bích là hay qua lại trò chuyện với nhau. Tôi thắc mắc sao hai chị em không ở chung cho nhẹ bớt tiền phòng. Hiền nói, do Hiền có người yêu thỉnh thoảng ghé chơi nên Bích ngại mà ở riêng.
Người yêu của Hiền trồng trọt cho một nông trại ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Những lần Hiền gom góp lương để đi xe đò lên thăm hay khi người yêu tằn tiện chi tiêu xuống thăm Hiền là những lúc em thấy hạnh phúc và quên hết mệt nhọc thường ngày.
Hiền và Bích làm cho tôi nhớ đến các bạn trẻ mà tôi đã từng gặp, từng trò chuyện và ghi chép về cuộc sống trong bài viết trước đây Những người trẻ vắt thanh xuân phơi mình phố thị, các em cũng như vậy, cũng độ tuổi ấy, rời bỏ quê hương vắt cả thanh xuân giữa lòng phố thị, tìm kiếm một lối đi riêng giữa tấp nập ồn ào. Mong sao tương lai tươi sáng hơn đang chờ đợi các em trên cuộc hành trình.
Các công nhân trong lúc giải lao. |
Nỗi buồn lại nhiều...
Tại các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất luôn luôn trong tình trạng cần tuyển công nhân với số lượng nhiều nên yêu cầu về trình độ rất thấp, thậm chí không yêu cầu gì.
Chỉ cần có bằng THCS trở lên là có thể đi làm, có người biết rõ là mượn hồ sơ, mượn bằng cấp của người khác để nộp vào làm với một cái tên khác, vẫn được nhận. Mặt khác, công nhân ở đây chủ yếu xuất thân nông thôn, rời làng quê vào thành phố làm thuê nên nhận thức còn nhiều hạn chế.
Họ không có điều kiện và cũng không có thời gian để nắm bắt kịp các sự kiện xảy ra hàng ngày. Không biết cách bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi được hỏi những vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động cũng như quyền lợi của người lao động, hầu như các bạn công nhân mà tôi tiếp xúc đều rất ậm ờ. Có lẽ chính vì vậy mà họ không biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong túi nilon kia giá trị nhất là vài con cá, vài quả trứng. |
Với mức thu nhập còn thấp, đa phần các công nhân thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần như vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu... Bao năm làm công nhân, họ chỉ biết làm bạn với công xưởng và mấy mét vuông phòng trọ.
Nhiều người đã không thể trụ vững, đã có những bế tắc và sa ngã vào rượu chè, số đề, cờ bạc và các tệ nạn khác. Ở khu trọ Linh Xuân (Thủ Đức) ai cũng biết chuyện buồn của chị Lệ. Họ chỉ tôi đi đến cuối dãy trọ.
Căn phòng trọ được cho là buồn nhất ấy tầm 12m², là nơi sinh sống của mẹ con chị Đặng Thị Lệ. Chị Lệ năm nay 38 tuổi, cùng con gái 6 tuổi đang học lớp 1. Chị đã làm công nhân may với thâm niên hơn 15 năm.
Học xong lớp 9, chị Lệ rời quê nhà ở Hậu Giang lên thành phố làm công nhân may với mức lương trung bình, ăn uống tằn tiện cũng còn có chút ít gửi về quê phụ cha mẹ. Cuộc sống thui thủi đi về sớm tối một mình trôi qua lặng lẽ cho đến khi chị gặp anh. Anh làm thợ sửa xe cho một cửa hàng xe máy. Anh chị thương nhau và dọn về sống chung.
Được một thời gian, chị phát hiện ra anh đã bị cho thôi việc từ lâu, những ngày anh ra khỏi nhà là tìm đến các sòng bài, bài bạc và đề đóm. Đến khi không giấu được nữa, chủ nợ tìm đến nhà mỗi ngày thì anh mới thú nhận do chán nản công việc với lương ít ỏi.
Bao nhiêu tiền của chị để dành đều mang ra trả nợ cho anh cũng không đủ, chị bán luôn chiếc xe máy đang trả góp của mình để anh thoát khỏi cảnh chủ nợ gây rối.
Bao nhiêu tình cảm chị dành cho anh những tưởng đã làm anh thay đổi tâm tính mà từ bỏ thói hư tật xấu. Nhưng chỉ một thời gian anh lại tật cũ tái phát, lại sa vào nợ nần. Anh hứa lên hứa xuống bao lần đây là lần cuối cùng. Chị thương quá mà tin.
Khu nhà trọ công nhân tối tăm, chật hẹp và nhiều bụi bẩn. |
Khi chị báo tin với anh chị đã mang thai, anh lấy tiền dành dụm của chị nói sẽ về quê sắp xếp đưa cha mẹ vào cưới hỏi đàng hoàng. Trước ngày về, anh thủ thỉ với chị, bàn tính đường kinh doanh, buôn bán cho hai vợ chồng sau cưới tỉ mỉ ra sao. Rồi anh về quê.
Lâu quá không thấy anh liên lạc, chị lại gọi điện giục, anh lần lựa bảo nhà đang lo liệu, anh sẽ sớm vào. Hẹn mãi đến ngày chị gần sinh thì anh cũng quyết định đám cưới, mà nào có phải cưới chị, chị nghe người ta nói lại anh cưới một người phụ nữ ở quê. Trước đó anh còn tranh cãi với chị về đứa con bởi anh cho rằng chị lừa anh, đó nào phải là con của anh.
Chuyện buồn ấy của chị mới chốc mà đã 6 năm. Chị một mình nuôi con suốt 6 năm trời. Bây giờ con gái chị đã vào lớp 1. Đối với bất kỳ người mẹ nào, con cái là phước báu, là tất cả lẽ sống, là động lực để bước đi tiếp trong những ngày u ám nhất cuộc đời.
Tôi nghĩ vậy, bởi nếu không có đứa con làm động lực, liệu người phụ nữ bé nhỏ này có thể vượt qua. Tôi nghe các anh chị trong khu trọ kể rằng từ đó đến nay chị luôn im lặng, khép kín cuộc sống, rất ít trò chuyện với ai trong khu trọ. Chị khép cuộc đời mình gọn lại trong cánh cửa phòng trọ, trong cánh cổng công ty và dành trọn yêu thương cho con gái.
Và cơn ác mộng tín dụng đen
Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về đời sống công nhân, bạn nam có tên là Tình (25 tuổi) giọng Nghệ An trầm buồn bảo tôi: “Tụi em là công nhân cả đây chị. Mới ăn Tết cùng nhau ở khu nhà trọ này, chả ai có đủ tiền về quê đoàn tụ với gia đình”.
Hai năm trước Tình cưới vợ bằng số tiền tích cóp ít ỏi của cả hai vợ chồng. Tình còn là con trai cả trong gia đình, bố mất sớm, em phải phụ mẹ chăm các em. Khi mẹ ở quê phát bệnh tim khá nặng cần tiền mổ cũng là lúc vợ em sinh con.
Với tháng lương 5 triệu không đủ thiếu vào đâu, Tình cầm cố mọi thứ đang có, vay mượn bạn bè cũng không đủ. Cuối cùng, theo một dòng tin dán số điện thoại trên cột điện trước khu công nghiệp, Tình tìm đến với tín dụng đen.
Chuẩn bị bữa tối. |
Tình kể, thủ tục rất nhanh và đơn giản, thẻ công nhân, giấy chứng minh nhân dân, giấy tạm trú là em được họ cho vay 20 triệu. Mỗi tháng em phải trả 3 triệu trong vòng 10 tháng. Có tiền, tạm lo xong việc nhà và sau đó là những chuỗi ngày ám ảnh không quên của vợ chồng em.
Mỗi tháng nhận lương ra trang trải cho vợ con đang ở cữ, số tiền ít ỏi chẳng bao giờ đủ dẫn đến đóng tiền trễ hạn. Mà mỗi ngày trễ hạn sẽ bị cộng thêm 8 ngàn đồng, nếu trễ quá 1 tuần sẽ có người tìm đến tận nhà, tận công ty để đòi.
Nếu không có tiền trả họ sẽ làm ồn ào lên cùng với những lời hăm doạ khiến em vừa lo sợ vừa rất xấu hổ. Còn nếu em mà có ý định lánh mặt, trốn tránh thì đi làm về bị chặn ở giữa đường cho mấy bạt tai dằn mặt là chuyện thường. Quá lo sợ, vợ chồng Tình thà kham khổ chịu đói, chịu khổ thêm để luôn trả nợ đúng hạn. May mắn trước Tết vừa rồi cũng vừa dứt nợ.
Tình nói: “Cùng đường mới tìm đến vay tiền của tín dụng đen chứ em cũng biết là quá nguy hiểm. Ở đây có người vì vay nhiều quá không trả nổi cả vốn lẫn lời đã bị chặt ngón tay, bị lấy xe máy, tivi, tủ lạnh mà vẫn chưa yên. Nghĩ lại em vẫn còn sợ lắm!”.
Tết rồi sau khi trả hết nợ tín dụng đen, gửi được 1 triệu đồng về cho mẹ già, vợ chồng Tình và con nhỏ đón Tết cùng dăm ba cái kẹo bánh mà công ty phát, ra vào thui thủi với mấy người đồng cảnh ngộ.
Thu nhập thấp, ngay cả cuộc sống bình thường cũng không đảm bảo nên hầu hết công nhân như Tình đều ngại lễ Tết. Hầu hết các mặt hàng sinh hoạt và tiêu dùng trong đời sống của công nhân mỗi năm lại đều tăng từ 10-15% mà thu nhập thì hầu như vẫn vậy, chưa được cải thiện nhiều khiến cuộc sống của đại đa số công nhân đều rất vất vả.
Cộng thêm việc nghỉ lễ, Tết nhưng các khoản như tiền điện, tiền nhà trọ phải đóng liền 2 tháng khiến nhiều người rất lo lắng, nhất là những công nhân đã có gia đình, con cái. Với họ, ngày lễ, Tết cũng là lúc hàng trăm thứ chi phí dồn tới, làm cho cuộc sống thêm khó khăn hơn.
Trò chuyện cùng tôi và Tình là anh Cẩn, anh Cẩn cùng vợ chồng Tình là hàng xóm trọ thân thiết nhiều năm nay. Ban ngày anh Cẩn làm công nhân lau chùi linh kiện máy tính, chiều tối anh chạy xe ôm Grab để kiếm thêm thu nhập.
Vợ anh Cẩn cũng là công nhân cùng công ty. Vợ chồng anh Cẩn đưa mẹ vào trông giúp 2 con, đứa con nhỏ hơn 10 tháng, còn anh lớn 5 tuổi bị mắc chứng bệnh vẩy nến, vừa bị liệt 2 chân và trí não kém phát triển. Trông dáng vẻ anh rất bặm trợn, ăn to nói lớn khiến người đối điện ngại ngần.
Nhưng trò chuyện với anh mới thấy anh hiền lành và kham khổ biết mấy. Anh nói, đời làm công nhân thì khỏi nói cũng biết rồi, cực khổ mấy cũng không dám lên tiếng, nói ra sẽ bị ghét, bị đì và cuối cùng là ép nghỉ việc. Ở đây, không một ai làm chủ cho công nhân các anh cả.
Tôi có làm một cuộc thăm dò nhỏ một số bạn làm công nhân tại các thành phố lớn như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai thì đa số thu nhập của họ nằm ở mức chừng 5-7 triệu đồng/tháng, đã tính cả tăng ca. Phải sống tằn tiện lắm mới đủ chi phí tối thiểu.
“Đời công nhân chúng tôi quanh năm suốt tháng cắm mặt, nào có biết vui chơi giải trí gì, tiết kiệm được bao nhiêu thì ráng tiết kiệm. Thế nhưng thu nhập cũng chỉ đủ lo thân, lo cho 2 đứa con và trả tiền nhà trọ.
Chỉ riêng ở xã này thôi (xã Đồng An) đã có hơn mấy chục ngàn người nhập cư làm công nhân, nhu cầu nhà trọ rất lớn. Nhà trọ thi nhau mọc lên bao nhiêu cũng không đủ. Chủ nhà trọ mặc sức hét giá. Một phòng 10m² từ 700 đến 1 triệu đồng/tháng; tiền nước từ 30 - 50 ngàn đồng/khối; tiền điện 4 - 5 ngàn đồng/số.
Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, đứa lớn đang học lớp 2, học ở trường xong là cô giáo chở về nhà dạy kèm luôn. Mỗi tháng ngoài học phí còn phải trả cho cô 550 ngàn nữa. Riêng cháu nhỏ học mẫu giáo mỗi tháng tốn hết 1 triệu đồng, cộng thêm 500 ngàn gọi là “bồi dưỡng” vì giao con cho cô từ sáng đến tối. Hôm nào cũng vậy, phải đến 9 – 10 giờ đêm 2 đứa con mới được gặp ba mẹ”, anh Lại Văn Hồ, công nhân Công ty Giày da Freetrend nói.
Những chắp vá...
4 giờ 30 chiều, những dãy phòng trọ ở KP 2, Phường Linh Trung vắng lặng như tờ, cửa đóng im ỉm, những bộ áo quần đơn sơ, những cánh áo đồng phục treo vắt vẻo trên mái nhà tìm chút gió hong khô. Đưa mắt mỏi tìm mới thấy một phòng trọ mở cửa.
Người đàn ông tên Bùi Dương Trực (46 tuổi), quê ở Ninh Thuận kể: “Chú làm công nhân từ năm 1997 đến nay, qua 4 công ty ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi tới Thuận An, thấy làm chỗ nào cũng nghèo, cũng khổ vậy. Năm 1999, lấy vợ. Và cuộc sống bắt đầu “cơm không lành, canh không ngọt” khi đứa con đầu lòng chào đời, cứ hục hặc nhau suốt vì chuyện tiền nong.
Chú Trực nhẩm tính để kể cho tôi dễ hiểu hơn. Thu nhập hồi ấy chưa đến 2 triệu trong khi phải nuôi con nhỏ, thuê phòng… thì bảo sao không cãi lộn? Vợ chồng trăn trở mãi rồi quyết định khăn gói về quê.
Với suy tính dù gì thì ở quê còn có ruộng, có ông bà giúp trông con, nên chắc không chết đói được. Ấy vậy mà người tính vẫn thua trời tính. Về quê khó khăn hơn, vì ruộng vườn không có nhiều, được ba mẹ chia cho hai sào đất, mà vốn cũng không có mấy, hai vợ chồng đi làm công nhân đã quá lâu, làm ruộng không quen.
Được mấy tháng tính làm nông dân không trọn vẹn, vợ chồng chú lại khăn gói lên thành phố. Lần này gửi con lại ở quê với ông bà. Chú làm bảo vệ trong khu công nghiệp, vợ chú làm tạp vụ cho một công ty gỗ. Chú lại trầm ngâm, bả làm chỗ bụi lắm, ho suốt. Đợi ráng thêm 2 năm nữa con chú ra trường, lúc đó khoẻ rồi, vợ chồng về nghỉ ngơi. Chú cười bảo tôi đã đến giờ đi chợ mua lặt vặt rau cá, nấu sẵn cơm chờ vợ về ăn.
Dãy nhà trọ khi tôi quay ra vẫn im lìm như khi tôi đến. Chị Kim Hoà bán tiệm tạp hoá nhỏ đầu hẻm vẫy tay gọi tôi. Chị đùa xin một kiểu ảnh, tôi chụp vài tấm rồi mở chị xem. Chẳng xin chép lại ảnh cũng không yêu cầu gửi hình. Chị xem và cười rất thích thú.
Chị Kim Hoà quê ở Cà Mau, chị có hơn 10 năm làm công nhân tại KCX Linh Trung kể rằng: “Năm 2001, khi vừa tròn 19 tuổi, chị hăm hở khăn gói theo nhóm bạn gần chục đứa lên Sài Gòn với giấc mơ đổi đời. Hồi đó thấy ai ở Sài Gòn về cũng tóc tai kiểu cọ, áo quần thời trang nên chị và bọn bạn ham lắm.
Nhưng kẹt nỗi chị trình độ không có, không đủ can đảm làm những việc thiếu lành mạnh, không an toàn, nên cuối cùng lao đầu vào làm công nhân cho công ty Hàn Quốc, cũng chẳng có tay nghề gì, chị vào tổ gấp xếp áo quần.
Hồi đó lương chưa tới 1 triệu/tháng, nhưng nói thật cũng không thấy chật vật như bây giờ. Tụi chị sáu đứa thuê chung và chia nhau 300 ngàn tiền phòng trọ/tháng, thức ăn cũng rẻ. Vậy mà tằn tiện ghê lắm mỗi tháng cũng chỉ để dành được 100 – 200 gửi về quê.
Sau 10 năm lưu lạc, chị quen với chồng chị bây giờ là một thầy giáo dạy thể dục, hai vợ chồng dành dụm tiền cưới hỏi mở tiệm tạp hóa này, giờ bán buôn cũng đủ qua bữa thôi. Bán cho công nhân mà, lời lãi bao nhiêu xót xa bấy nhiêu, bởi mình từng làm công nhân, mình hiểu hơn ai hết. Đấy đời công nhân là vậy đó em!”.
Chị Ngô Thị Thương (33 tuổi), quê ở Thanh Hóa cho biết, 2 vợ chồng làm tại công ty ống nhựa đã 6 năm, cộng luôn các khoản tăng ca, trợ cấp độc hại, thu nhập chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Mỗi tháng, tiền trọ 1 triệu 200 ngàn; điện nước 300 ngàn; tiền học, gửi trẻ hai con hết 2,5 triệu nữa. Còn lại đủ thứ chi phí khác, từ ăn uống, quần áo, xăng xe… mỗi khi đi chợ chỉ dám mua thức ăn cho con, còn hai vợ chồng hết rau muống, lại cà, mắm, cá khô... Chị nói thêm, trong công ty có bữa trưa, cũng có chút thịt cá rồi, về nhà ăn rau muống thôi.
Tính toán có vẻ chi li vậy nhưng đi làm quan hệ với bạn bè đồng nghiệp, tháng nào có 1, 2 đám cưới thì tháng đó phải chắt chiu các thứ thêm nữa bằng không phải đi vay nợ.
“Mỗi lần nhận thiệp cưới dù bề ngoài tỏ ra vui vẻ chúc phúc cho người ta nhưng trong lòng lo lắng lắm. Nếu cả 2 vợ chồng cùng đi thì tiền mừng ít nhất cũng 800 ngàn, còn đi một mình thì 400 ngàn. Buồn hơn, Tết vừa rồi, vợ chồng chị gửi 2 con đi cùng người quen về quê ăn Tết với ông bà, còn 2 vợ chồng quanh quẩn ở đây, ra vô trông cho qua ba ngày Tết”.
Chị Thương nói đến đây thì ráng gượng cười, cái cười gượng của chị không giấu đi được nét mệt mỏi và buồn hiu của cuộc sống công nhân nơi phố thị.
Còn đó những tất bật toan tính, những hy sinh bản thân mình để chăm chút tương lai cho con cái, phụ giúp cho gia đình. Đời công nhân toan tính thiệt hơn với chính bản thân mình chỉ mong sao người thân yêu không phải chịu cảnh cơ cực.
Tôi trộm nghĩ, nếu như có điều kiện hơn, nếu như được chọn lựa thì chẳng mấy ai chọn làm công nhân từ sáng sớm đến tối mịt giam mình trong nhà máy, chẳng mấy ai chọn xa quê nhiều năm không dám trở về bởi tiếc từng đồng từng cắc đã làm ra không dám xài hoang phí. Đời công nhân đầu tắt mặt tối, với những guồng quay ca kíp căng thẳng từ năm này sang tháng nọ, lặp đi lặp lại những điều quen thuộc và nhàm chán.
Đời công nhân, với chen chúc tạm bợ sống trong các khu trọ tồi tàn nhưng không rẻ tiền, với những bữa cơm vội vã đạm bạc, bấp bênh nay đây mai đó, bị đối xử bạc bẽo, hôm nay thức dậy còn đi làm, không biết được ngày mai có bị cho nghỉ việc, có rơi vào thất nghiệp, có ở nhà ôm con hay không… Đời công nhân, có nhiều quá những nỗi niềm.
Như khi một bạn nắm tay tôi tạm biệt, bàn tay rụt rè, ngần ngại, tôi cảm nhận rõ những vết chai sần, cộm cứng giữa lòng tay bạn. Bỗng thấy thương tha thiết phận đời công nhân, mà cũng là những phận người.