Để những giấc mơ được viết nên...

Thứ Tư, 23/12/2020, 10:53
Có một khoảnh khắc rất đẹp về Michelle Obama. Đó là trong một buổi biểu diễn của huyền thoại âm nhạc Paul McCartney tại Nhà Trắng khi Barack Obama còn tại nhiệm.


Và trước mặt gia đình tổng thống cùng các quan khách, Macca đùa hóm hỉnh: “Bài hát tiếp theo đây là một ca khúc mà tôi đã rất háo hức được chơi ở Nhà Trắng, và tôi hy vọng là ngài tổng thống sẽ tha thứ cho tôi nếu tôi hát bài này”, rồi ông cùng ban nhạc tấu lên giai điệu đẹp đẽ vượt thời gian mang tên: Michelle. 

Trong đó có những câu rằng: “Michelle, người đẹp của tôi. Có những từ ngữ thật vần với nhau, Michelle của tôi, Michelle, người đẹp của tôi […] Tôi yêu em, tôi yêu em, tôi yêu em. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói”.

Những người phụ nữ Ấn Độ ở nơi quê cha đất tổ ủng hộ cho Kamala Harris. Kamala là đại diện cho niềm hy vọng và giấc mơ của họ.

Cảm hứng sáng tác Michelle của Paul McCartney tuyệt nhiên không liên quan gì tới Michelle Obama, thế nhưng khi ông hát bài đó cho đệ nhất phu nhân, người ta vẫn cảm thấy bài hát sinh ra dành cho bà – một người phụ nữ vô cùng đẹp.

“Một ngày mùa thu năm 1996, một thiếu nữ Ấn Độ mơ mộng đã được truyền cảm hứng trong khi đang ngồi trong một nhà nguyện. Cô không nhớ tên người phụ nữ đã phát biểu. Nhưng cô sẽ không bao giờ quên ngọn lửa đã được thắp lên để tạo nên một điều gì đó trong đời cô, và dùng cuộc đời ấy phụng sự những con người khác. […] Cô gái 17 tuổi ấy là tôi. Sau này tôi phát hiện ra người phụ nữ truyền cảm hứng ấy là Michelle Obama”,  Sindhu – một phụ nữ trung niên người Mỹ gốc Ấn đã gửi lá thư này tới cho Michelle, nhằm bày tỏ niềm cảm kích của mình vì đã giúp cô, từ một thiếu niên thuộc một cộng đồng dễ bị tổn thương, trở thành người thách thức. 

Sau khi nghe bài hùng biện của Michelle, ngay trong tuần đó, Sindhu đã đăng kí trở thành tình nguyện viên ở một bệnh viện rồi tham gia giảng dạy viết sáng tạo và văn chương cho những đứa trẻ không có điều kiện trong khu vực.

Đó là một câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường. Sindhu về sau đơn giản trở thành một người vợ, một người mẹ, một người đấu tranh vì nữ quyền, cô không trở thành một siêu sao, một chính trị gia, một tỉ phú, một thần tượng, cô cũng không theo đuổi bất cứ sự nghiệp nào có vẻ lộng lẫy đầy hào quang. 

Câu chuyện của Sindhu và Michelle Obama hoàn toàn khác với một câu chuyện truyền cảm hứng viển vông mà bạn thường được nghe hoặc học trong giờ đạo đức, kiểu như Henry Ford vì ngưỡng mộ nhà phát minh Thomas Edison nên cũng đã nuôi mộng phấn đấu làm một nhà phát minh và một nhà công nghiệp thay đổi thế giới; hay Barack Obama coi Nelson Mandela như một ngọn cờ soi sáng cho những lý tưởng của mình, và được truyền cảm hứng bởi hành trình “từ một tù nhân thành một tổng thống” của Mandela để một ngày kia chính ông cũng trở thành một nhà lãnh đạo da màu giàu sức ảnh hưởng. 

Sindhu không thành vĩ nhân nào cả, cô vẫn sống cuộc đời bé nhỏ của mình, cuộc sống một người phụ nữ tỉnh lẻ bên lề xã hội, nhưng là một cuộc sống mà cô được sẻ chia, được trao đi yêu thương và tìm thấy ý nghĩa.

Những con người bình thường tìm thấy ở Michelle Obama những phẩm giá mà bất cứ ai cũng có thể vươn đến - một giấc mơ Mỹ mới đang khởi đầu.

Thế giới này có thể sản sinh ra bao nhiêu vĩ nhân? Phần lớn chúng ta đều là người bình thường bị lãng quên trong lịch sử, không để lại dấu ấn gì, không để lại thành tựu gì đáng kể. Niềm cảm hứng sống mà Michelle lan tỏa, không phải để khiến ai đó cũng sẽ trở thành một đệ nhất phu nhân như bà, mà để mọi người, dù bạn là đệ nhất phu nhân hay chỉ là một nhân viên văn phòng, một tình nguyện viên, một sinh viên, dù bạn là ai đi chăng nữa, bạn cũng có thể trở thành một con người tốt đẹp hơn và khiến cuộc sống của những người quanh bạn tốt đẹp hơn.

Đầu tháng 11 vừa qua, Kamala Harris trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên. Và không chỉ thế, bà còn là một người gốc Ấn. Ngày mà đảng Dân chủ giành chiến thắng, ở cách xa nửa vòng Trái Đất, trong ngôi làng nhỏ Thulasendrapuram chỉ có số nhân khẩu vào khoảng 350 người, rất nhiều người đã ăn mừng, đốt pháo, ca hát và cầu nguyện thần Shiva. Thulasendrapuram là quê gốc của Kamala Harris, nơi mẹ bà ra đời trước khi tìm đường sang Mỹ.

Hàng trăm phụ nữ nông thôn ở Ấn Độ đã “hành hương” tới ngôi làng này để cùng chúc tụng. Ở một đất nước mà tỉ lệ phụ nữ mù chữ lên đến gần 40%, ở một đất nước mà phụ nữ thường xuyên bị rình rập bởi những vụ tấn công tình dục man rợ, ở một đất nước mà chỉ 18% phụ nữ được tiếp cận với những sản phẩm băng vệ sinh và hơn 80% còn lại phải dùng những bộ quần áo cũ bẩn thỉu để thấm máu trong kỳ kinh nguyệt, ở một đất nước mà phụ nữ đừng mong làm trưởng thôn và nếu muốn làm thủ tướng như Indira Gandhi thì hẳn phải có sẵn một gia thế hiển hách, ở một đất nước như thế, sự kiện một phụ nữ cùng dòng máu với họ, cùng xuất thân khiêm tốn như họ lại vươn lên đến chóp đỉnh quyền lực tại một cường quốc thế giới giống như là một giấc mơ không ai dám mơ.

Viji Vijayalakshmi, một học sinh trung học ở ngôi làng bé nhỏ cách Nhà Trắng gần 8000 dặm đường, phấn khích nói muốn quyết tâm đạt được ít nhất là 10% những gì mà Harris đã thực hiện và trở thành một tiểu Kamala Harris trong tương lai. Không, chúng ta không mù quáng ảo tưởng rằng việc Kamala Harris  trở thành một phó tổng thống có thể ngay lập tức thay đổi cuộc đời những cô bé Ấn Độ sống trong những mái nhà dột nát. Có lẽ cuối cùng thì, cô bé Viji cũng sẽ chẳng bao giờ trở thành một Kamala Harris thứ hai, nhưng chí ít, chúng cũng đã bắt đầu biết mơ, và giấc mơ tuy có thể không dẫn đến đâu, nhưng vẫn cứ phải bắt đầu từ những giấc mơ.

“Kamala Harris đã làm nứt cái vách ngăn cản bước những thiếu niên gốc Ấn. Giờ thì, chúng tôi đã sẵn sàng để phá tan cái vách ngăn ấy”, Mira Patel – một cô bé 17 tuổi người Mỹ gốc Ấn đã viết như vậy trong bức tâm thư đăng trên tạp chí Vogue dành cho lứa tuổi teen. 

Hình ảnh Harris trong bộ đồ trắng lên phát biểu trong giây phút chiến thắng lịch sử là một khoảnh khắc siêu thực với những cô bé da màu trên khắp nước Mỹ và trên khắp thế giới. 

Và điều mà Mira Patel học được từ Kamala Harris, một điều đơn giản không ngờ - bạn không cần phải trở thành chính khách để áp dụng đươc nó - đó là phải luôn nói hết những điều cần nói, như Harris đáp lại trong cuộc tranh luận với Mike Pence, đương kim phó tổng thống dưới thời Trump, mỗi khi bị ông này chặn lời: “Thưa ngài phó tổng thống, tôi đang nói”. Phải rồi, ta đâu cần là người quan trọng nhất mới có quyền được nói?

Thời Barack Obama còn ở cương vị tổng thống, bên ngoài căn phòng Bầu Dục, ông cho treo một bức tranh của họa sĩ Norman Rockwell mang tên “Vấn đề mà chúng ta đều cùng chung sống”, một bức tranh sơn dầu được vẽ năm 1964 với hình ảnh một bé gái da màu mặc váy trắng được hộ tống bởi những vị thống chế trong quân đội, và trên bức tường phía sau, một chữ “nigger” (mọi đen) rất đậm nét. 

Bức tranh mô tả ngày mà bé Ruby Bridges – đứa trẻ da màu đầu tiên trong ngày đầu tiên nhập học ở một ngôi trường toàn người da trắng. Năm 2011, khi Bridges có dịp gặp gỡ Barack Obama tại Nhà Trắng, Obama đã không ngần ngại thừa nhận với bà rằng: “Tôi nghĩ sẽ là công bằng khi nói, nếu không nhờ bà thì tôi đã không ở đây và chúng ta sẽ không thể ngắm bức tranh này cùng nhau”.

Song, hẳn đây không phải di sản quan trọng nhất. Sự kiện người anh hùng nhỏ tuổi Ruby Bridges đã bước vào ngôi trường trong làn sóng phản đối của những người da trắng, nó là tiền đề để một mai, nước Mỹ đón chào một nhà lãnh đạo tối cao người da màu. Nhưng hơn cả thế, sự kiện ấy đã mở ra tương lai cho hàng triệu người da màu mà Barack Obama chỉ là một trong số đó. 

Hàng triệu người da màu ấy không phải tổng thống và cũng không có khả năng để làm tổng thống, họ chỉ là những công dân quá sức tầm thường, họ chỉ là một đám đông vô danh bị lẫn vào nhau.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết Ruby Bridges đã truyền cảm hứng tới từng người trong số họ ra sao, những câu chuyện của họ mãi mãi là những câu chuyện không được kể ra, mà nếu có kể ra, chúng cũng mang dáng vẻ chẳng có gì đặc biệt, chẳng có dáng dấp một câu chuyện đổi đời hay một câu chuyện cổ tích giữa đời thật. Nhưng chính hàng vạn những câu chuyện bé nhỏ ấy mới là đòn bẩy cho một địa cầu đang xoay trục.

Hiền Trang
.
.