Đau một làng quê có nhiều "sưa tặc"

Thứ Tư, 07/10/2009, 08:41
Gần 1 tuần nay, thôn Đống của xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội buồn hơn đưa đám. Đi đâu người ta cũng rủ rỉ câu chuyện nhóm thanh niên trong xã, mà chiếm phần lớn là người thôn Đống, bị Công an bắt vì cái tội ăn trộm gỗ sưa, chúng ăn trộm đâu mãi "tít tận ngoài Hà Nội"...

Với người dân nghèo vùng quê này, đặc biệt là những người già, Hà Nội vẫn là một khái niệm mới dù tỉnh Hà Tây sáp nhập về Thủ đô đã hơn 1 năm. Những ông bà cụ quần nâu, ngồi đan rổ rá ngay dưới gốc cây mát rượi trước cổng Ủy ban nhân dân xã Cao Viên, buồn chẳng thèm ngó lên "giả nhời" khách. "Thanh niên trong làng bị bắt đến xác xơ làng xóm rồi các bác ạ" - một bà cụ nhai trầu bỏm bẻm, gọi chúng tôi bằng cái đại từ nhân xưng ngôi thứ hai đặc trưng của người nông thôn, nghe vừa thương, vừa đau xót...

Buồn như nông dân... phạm tội!

Ngoại trừ kẻ cầm đầu ổ nhóm trộm cắp gỗ sưa Nguyễn Xuân Tuấn, 23 tuổi và Đào Văn Đằng, 36 tuổi là có tiền án (Tuấn đang bị khởi tố cho tại ngoại trong một vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Đằng phạm tội cưỡng đoạt tài sản) thì hầu hết các đối tượng khác đều có nhân thân tốt, người làm nghề sửa xe máy, người làm nghề buôn hoa quả, nhưng đều có điểm chung là ít học, hầu hết chỉ tốt nghiệp... lớp 5. Cá biệt có trường hợp như đối tượng Nghĩa, trình độ văn hóa chỉ đủ để viết mỗi... tên mình. Và trong nhóm khoảng 20 người xã Cao Viên bị bắt này, hầu hết là anh em dây mơ rễ má. Như đối tượng Đằng và Dũng là hai anh em họ, Tuấn và Thường cũng là anh em (Thường lấy em gái Tuấn)...

Nói chuyện với chúng tôi mà anh Trưởng Công an xã Cao Viên cứ chép miệng thở dài: "Họ phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật, cứ nghĩ đơn giản rằng, cùng lắm là bị phạt hành chính". Ừ thì suy cho cùng, "cây sưa cũng có của riêng nhà nào", trị giá đến hàng trăm triệu đồng, khối tài sản mơ ước của biết bao người lại cứ nghễu nghện phơi ra giữa đường giữa phố, hỏi trộm nào chịu cho nổi, nhất là với những thanh niên mới lớn, tiền nong luôn là nỗi bức xúc số 1. Nghĩ suy đơn giản vậy, thế nên họ phạm tội cũng tự nhiên và hồn nhiên, chỉ một lời rủ rê "một ki lô gam gỗ sưa bán những mấy triệu bạc", là sẵn sàng gật đầu cái rụp. Và 12 vụ chặt cây sưa trên địa bàn Hà Nội là kết quả của cái sự cả tin và mê muội vì đồng tiền của họ.

Phó trưởng Công an xã Nguyễn Văn Dũng và ông Kiên bên cây sưa nhà ông Kiên.

"Buồn lắm các bác ạ" - cụ già lúc trước chúng tôi gặp ở UBND xã Cao Viên rủ rỉ, "đứa nào cũng ngoan ngoãn, chẳng trộm cắp của dân làng cái gì bao giờ, thế mà đùng một cái, cả xã chúng tôi bàng hoàng, chẳng tin được là con em mình lại bị Công an bắt". Còn anh Tính, Công an viên xã Cao Viên thì cứ nhắc đi nhắc lại: "Cả cái thôn Đống và cả xã Cao Viên này, người dân xưa nay có mỗi một nghề truyền thống là làm nông nghiệp, sau này những người đàn ông trong làng đi các tỉnh làm thợ nề, thợ mộc, hoặc sáng sớm đi chợ mua hoa quả về cho vợ đạp xe xuống Hà Nội bán. Đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm như họ nhà vạc mà cũng chỉ đủ ăn là may. Vậy nên vùng quê này có câu ca dao: "Con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ", vì quần quật cả ngày còn thời gian đâu mà nhìn thấy nhau.

Có một số vụ, Tuấn trực tiếp tham gia. Còn lại, Tuấn cử đồng bọn đến chặt hạ, mang về Thanh Oai bán cho Đào Huy Bùi, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Thường, là những đầu nậu gỗ chuyên đánh đi các tỉnh. 2 lái xe taxi Đào Văn Bình và Đào Quang Thi, cũng là người trong xã đã thường xuyên vận chuyển gỗ sưa ăn trộm được của nhóm trộm cắp này.

Trên 100 CBCS của PC14 và PC36, với sự phối hợp tích cực của Công an xã Cao Viên đã chia thành nhiều tổ công tác bất ngờ xuất hiện tại nhà các đối tượng. Để có được cú "nốc ao" hốt gọn cả hai chục đối tượng này, thực ra trước đó, công tác trinh sát đã được triển khai theo kế hoạch cụ thể, bám rất sát các đối tượng. 20 "sưa tặc" đã được đưa về trụ sở số 7 Thiền Quang với đầy đủ tang vật là cưa, kìm cộng lực, dao, kiếm và một số khúc gỗ sưa chưa kịp tiêu thụ.

Không chỉ trộm gỗ sưa, các đối tượng này còn khai nhận, "vớt" tất cả những cây cảnh có giá trị để hớ hênh trên bước đường trộm cắp. Chỉ đến lúc này, người dân Cao Viên mới hóa giải được những thắc mắc của mình trước đây về những chuyến taxi thỉnh thoảng lại xuất hiện trên đường làng, Công an xã cũng thấy nghi ngờ lắm, nhưng quyền hạn của Công an xã có mức độ nên các anh không thể kiểm tra xe taxi. Cả tuần nay, gần 10 anh em trong Ban Công an xã và cả Công an huyện Thanh Oai đều phờ phạc, mệt rũ, không chỉ do công việc phục vụ phối hợp với PC14 Công an Hà Nội truy bắt nhóm "sưa tặc", mà các anh còn thấy đau xót bởi những thanh niên mới lớn trong xã mình phạm tội vì nghe theo lời rủ rê của một vài đối tượng xấu.

Trung tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Oai kể rằng, trước đây các anh cũng đã từng bắt những vụ vận chuyển gỗ sưa trên địa bàn nhưng những cây gỗ này có dấu búa kiểm lâm, được cơ quan chức năng cho phép vận chuyển, khai thác theo quy định của pháp luật hiện hành. Những ngày 30 cán bộ, chiến sĩ PC14 về nằm vùng, cả xã Cao Viên cũng chẳng ai hay biết, mọi sinh hoạt của người dân cũng vẫn bình thường như vốn thế. Đùng một cái sáng hôm sau tỉnh dậy, đầu ngõ cuối thôn đã xao xác thông tin, rất nhiều thanh niên bị đưa lên xe về Công an Hà Nội.

Đề tài ấy đến hôm nay vẫn được người dân nơi đây bàn tán trong những quán nước đầu thôn, trong mỗi phiên chợ sáng. Với họ, những nông dân chính hiệu, đó quả là việc tày đình, một biến cố lớn đối với làng xã họ. Các cụ già chúng tôi tiếp xúc, ai cũng bảo, dân đây thuần lắm, nhất định phạm lỗi gì với "Ngài" nên mới bị phạt nặng thế.

Quay đầu là bờ

Chị Hiền, mẹ của đối tượng Vĩnh - một trong các đối tượng trộm gỗ ở thôn Đống than ngắn thở dài khi nói về cậu con trai cả. "Cháu nó sinh năm 1987, học hành không đến đầu đến đũa nên chúng em cho cháu mở quán sửa xe máy rồi lấy vợ. Vợ nó kia kìa" - vừa nói, chị Hiền vừa chỉ tay về phía cô gái gầy nhẳng, héo quắt đang cười ngơ ngác ôm đứa con nhỏ xíu.

Tôi nhìn chị Hiền, người đàn bà này vẫn lưu lại những nét đẹp của thời con gái, nhưng gương mặt chị sạm đen, đẫm mồ hôi, những nếp nhăn nơi khoé mắt, khoé miệng đã in hằn, dù tôi đoán chị chỉ ngoài 40 tuổi. Hai vợ chồng chị làm hàng sáo và nuôi lợn để sinh nhai. Số tiền mấy chục triệu đồng vay của ngân hàng mãi vẫn chưa trả hết. Buổi sáng, chị dậy sớm đi làm hàng sáo, 8 giờ tối lại tất tả đạp xe ra tận Hoàng Cầu, Hà Nội để lấy nước gạo về nuôi lợn.

Chị ngượng ngùng nhìn những bao trấu bừa bộn xếp giữa nhà, khép nép ngồi xuống một mép giường và nói với chúng tôi. "Vợ chồng em làm hàng xáo, nhà thì chật nên phải xếp trấu vào đây, các bác thông cảm...". Mấy hôm nay, các thành viên trong gia đình chị không buồn ăn uống, nhưng công việc thì vẫn phải làm, không cám bã thì lợn lấy gì ăn. Họ nhìn nhau, nén tiếng thở dài, đã vậy cậu con trai sợ quá còn đang trốn ở tận mãi Hòa Bình, chưa dám về.

Nói chuyện một lúc lâu, chị Hiền mới thẽ thọt: "Nói thật với các bác là bố cháu và bác cháu sáng nay đã đi đón cháu ở Hòa Bình. Chỉ chiều nay là bố cháu đưa cháu đến Công an Hà Nội đầu thú. Chúng em nông dân chẳng biết gì, chỉ mong các bác ngoài đó nhón tay làm phúc. Cháu nó nghe bạn bè rủ rê chứ từ trước đến giờ có tính trộm cắp gì đâu...".

Những người hàng xóm và anh em nhà chị Hiền không biết nghe ai nói có nhà báo đến mà chỉ loáng cái đã thấy đầy sân, những đôi mắt lo âu trên những gương mặt khắc khổ. Chợt nhận ra, ở một vùng quê thuần nông như Cao Viên hay bất cứ vùng quê nào trên dải đất hình chữ S này, việc của một nhà cũng là công việc chung của cả làng. Họ vui với niềm vui của xóm giềng và cũng đau đớn với mỗi biến cố xảy ra. Một vùng quê giàu truyền thống văn hóa như Cao Viên, cuối cùng cũng không tránh khỏi hệ lụy tất yếu của mặt trái cơn lốc đô thị hóa nông thôn. Chúng tôi ái ngại quay đi, đành động viên họ cứ yên tâm vì pháp luật lúc nào cũng rộng lượng khoan hồng với những người biết quay đầu, ăn năn hối cải.--PageBreak--

"Chuyên án" bảo vệ cây sưa ở ngôi đền thiêng

Từ xửa từ xưa, cho đến cách đây 2-3 năm, người dân xã Cao Viên nói chung và rất nhiều người dân ở các vùng quê khác, nào biết cây sưa có giá trị kinh tế và cả tâm linh giống lời đồn thổi dân gian như bây giờ. Thuở ấy, lũ trẻ làng quê chỉ biết nhặt quả sưa, còn có tên gọi khác là "trắc thối" đốt lên nghịch, ghét nhà nào thì ném vào, đảm bảo có bao nhiêu người trong nhà phải phi hết ra ngoài sân, bởi mùi thối không chịu nổi. Ấy vậy mà, từ khi rộ lên tình trạng một số đầu nậu buôn gỗ từ Bắc Ninh mò sang Cao Viên hỏi han, nhòm ngó cây sưa, và trên địa bàn Hà Nội bỗng dưng xảy ra chuyện, sau một đêm ngủ dậy, cây sưa bên đường bị bật gốc vì bị kẻ trộm đào, chúng lôi đi cả gốc, rễ, không để lại dấu vết gì ngoài đống đất bị đào bới tanh bành, thì người dân Cao Viên mới giật mình vì giá trị kinh tế quá lớn mà cây sưa đem lại.

Ngay đằng sau đền thôn Vỹ, có trồng một cây sưa vào loại cổ thụ nhất trong số 5 cây sưa còn sót lại ở thôn này. Gọi là cổ thụ chứ thực ra cây sưa này cũng không lớn lắm, theo cụ Đỗ Chén - thủ từ trông đền thôn Vỹ thì đường kính cây này chỉ khoảng 2 gang tay. Từ khi nghe đài báo và phong thanh dư luận rằng, bọn trộm gỗ sưa hoành hành ghê lắm, chúng không từ một nơi nào có cây sưa, từ công viên Bách thảo đến gò Đống Đa ở ngoài Hà Nội, dùng cả xe cẩu chuyển đi thì các cụ già ở Cao Viên lo đến mất ăn mất ngủ.

Anh Trưởng Công an xã Đào Xuân Trường cho biết, Hội Người cao tuổi xã cùng với chính quyền địa phương họp đi bàn lại không biết bao nhiêu lần về kế hoạch bảo vệ cây sưa quý hiếm ở đền, cuối cùng đã đưa ra quyết định: Ban Công an xã sẽ phối hợp với các cụ trong Hội Người cao tuổi thay nhau thức đêm canh chừng cây sưa. Và các cụ đã thuê thợ hàn một hàng rào sắt xung quanh cây sưa, kể ra mà có trộm thật thì cũng còn loay hoay chán mới gỡ được hàng rào bảo vệ này. Không những thế, một chiếc bóng điện công suất cao cũng được thắp sáng suốt đêm ngay dưới ngọn cây.

Bàn chông chống trộm do ông Kiên tự chế.

Ấy vậy mà các cụ cũng vẫn chưa yên tâm, dù đã làm hàng rào, dù các anh Công an xã đêm nào cũng thay phiên tuần tra. Cụ thủ từ Chén kể rằng, những ngày đó các cụ già trong làng mất ăn mất ngủ, đến phiên cụ nào trông cây cũng đều lo ngay ngáy, lo còn hơn việc nhà mình. Mỗi đêm, các cụ cắt cử 4 người ra ngủ ngay ở nhà khách của đền. Bắt đầu từ 8 giờ tối cho đến sáng hôm sau. Đêm mùa hè cũng như đêm mùa đông, mưa gió bão bùng cũng đúng phiên là phải canh gác.

Gọi là ngủ chứ chẳng cụ nào được tròn giấc. Một phần vì tuổi già ít ngủ, nhưng phần nhiều là các cụ lo, lo không làm tròn trách nhiệm thì có tội với làng với nước, quan trọng nhất là có tội với "Ngài". Thế nên, cứ cách độ một tiếng đồng hồ là các cụ lại rủ nhau dậy, đi một vòng soi đèn pin xem cây sưa có còn hay đã bị kẻ trộm khiêng đi.

Cái đêm đến phiên cụ Chén canh gác, nghĩ lại đến giờ cụ vẫn còn toát mồ hôi. Chả hiểu sao cụ cứ linh tính như kẻ trộm nó nhằm vào đúng phiên gác của mình để ra tay. Vậy là hầu như cụ thức trắng ngồi bó gối, nhìn chăm chắm ra ngoài, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với kẻ trộm. Đến sáng hôm sau, cụ mới dám thở phào nhẹ nhõm vì cây sưa... vẫn còn. Cũng từ hồi rộ lên tin đồn cây sưa bán được cả trăm triệu, có nhiều kẻ tự dưng mò vào đền hỏi han, ngó nghiêng tìm đường đi lối lại, mà bình thường, có khi cả năm họ cũng không bước chân tới. Cụ Chén được tập huấn rồi nên cảnh giác cao độ. Có lần đang đêm, có hai gã thanh niên bịt mặt vào hỏi thăm, chúng dụ dỗ ngon ngọt thế nào nhất định cụ Chén cũng không mở cửa. Thế nên chúng đành bỏ đi, chứ đêm ấy mà mất cảnh giác thì chả hiểu cây sưa có mệnh hệ gì.

Các cụ già trong làng kể rằng, ngôi đền này thiêng lắm. Nhiều đoàn nghệ thuật về biểu diễn mà không "xin phép", kiểu gì đêm ấy trời cũng đổ mưa tầm tã, dù ban ngày đang nắng như chan lửa. 10 lần thì đến 9 lần đều không biểu diễn nổi. Các đám hiếu, hội hè đi qua đền, chả hiểu sao kiệu cứ quay vèo vèo... Ngôi đền này cũng từng bị kẻ trộm hỏi thăm, có lần kẻ trộm vào đền lấy đi đôi hạc cổ, ấy thế mà không biết có phải do "Ngài" bắt, mà chỉ thời gian sau đã thấy người này mang ra trả.

Mấy hôm trước, cũng có người bắt được "cụ" rùa dễ đến hơn cân được nuôi trong hồ sen trước đền, rồi cũng lại thấy bê đến trả. Đền thiêng là thế, biết là kẻ trộm có lấy đồ của đền rồi cũng phải mang trả, vậy mà cuối cùng, các cụ cũng đành phải ngậm ngùi bán cây sưa, đúng cái thời điểm nạn chặt trộm cây sưa đang xôn xao Hà Nội, vì nỗi lo nơm nớp bọn kẻ trộm nào có chừa ai trong thời buổi thóc cao gạo kém này. Người từ Bắc Ninh về mua, họ trả giá 270 triệu đồng, số tiền ấy đang được dùng để sửa sang, tu bổ lại đền. Một đống gạch to tướng đã được mua về, chuẩn bị cho công trình tu bổ.

Cụ thủ từ Chén kể rằng, cái hôm cụ làm lễ xin bán cây sưa, chân nhang cháy phừng phừng, đấy là "Ngài" hiển linh đồng ý, cụ Chén mừng lắm, vì cụ cũng như nhiều cụ già trong xã đều lo nhất là chuyện "Ngài" không thuận tình. Cái mừng thứ hai là từ nay, kẻ trộm không còn nhòm ngó cây sưa nữa, các cụ già không phải cắt cử nhau ra canh gác. Và ở cái hố sau khi cây sưa bị bứng đi, các cụ thuê người ta đổ đất, sỏi lên để đề phòng bọn trộm moi rễ. Giờ thì cây sưa ở ngôi đền thiêng đã bị người ta đưa đi, có thể số phận của cây gỗ ấy đã được định đoạt, đem theo những câu chuyện huyền bí của một vùng quê chân chất, giàu truyền thống văn hóa.--PageBreak--

"Không có sưa thì thôi, có lại mệt"

Cả xã Cao Viên bây giờ chỉ còn lại 4 cây sưa thì đều thuộc sở hữu riêng của nhà dân. Những cây sưa này được đời bố mẹ, ông bà họ trồng từ hàng chục năm trước. Ngày xưa, cũng như những nhà khác, cây sưa nhà ông Lê Văn Kiên, 57 tuổi, ở thôn Đống, xóm Chợ chỉ có một tác dụng duy nhất là làm... chuôi dao và rễ của nó mang vào gác lên nóc chuồng lợn để xua muỗi khỏi đốt lợn con. Nhưng từ hồi thanh niên, ông Kiên cũng đã biết cây sưa có giá trị kinh tế, tất nhiên là không có giá đến hàng trăm triệu đồng như bây giờ.

Ông Kiên đang giới thiệu những cây sưa giống.

Khi ông 17 tuổi, cụ thân sinh ra ông đã bán đi một cây sưa lấy tiền mua được hẳn một chiếc xe đạp. Và đám rễ cây gác chuồng lợn xua muỗi thì không hiểu sao đã bị ăn trộm mất. Ông Kiên bảo, lõi gỗ sưa đỏ au, làm chuôi dao thì tuyệt vì nó nhẵn, cành hay thân, rễ của cây đốt lên thơm lắm. Cái cây này thật lạ, lá và quả thì mùi không thể chịu nổi, như thể tinh hoa thu hết vào trong lõi. Xung quanh cây sưa nhà ông Kiên, có rất nhiều cây con mọc lên do hạt quả sưa rơi xuống. Mấy hôm trước, ông bán được 6 nghìn đồng một cây con chỉ độ gang tay, còn ở ngoài thị trấn Kim Bài, chúng tôi hỏi một nhà chuyên trồng cây giống để bán có giá tới... 60 nghìn đồng, xem ra việc cung cấp cây giống cũng là một nguồn lợi đáng kể đối với người dân nơi đây.

Mấy hôm trước có vài người vào hỏi mua cây sưa nhà ông Kiên, còn các đối tượng rình rập, tự dưng vào trò chuyện, ngồi nhà trên không ngồi cứ đòi xuống thăm... chuồng lợn thì nhiều lắm. So với cây sưa ở đền thôn Vỹ đã bán thì cây nhà ông nhỏ hơn một chút, nghĩa là cũng phải có giá gần 200 triệu. Thế nên, để bảo vệ cây sưa trước bọn trộm, ông nuôi tới một đàn chó lốc nhốc, thấy khách vào sủa nhặng xị đáo để.

Cây sưa được trồng sau nhà và xung quanh đều là nhà dân, anh em bà con cả, thế nhưng ông vẫn cảnh giác giăng dây thép xung quanh, thỉnh thoảng lại cho đấu nguồn dây điện (một pha nóng) vào chống trộm. Dẫn chúng tôi ra sau nhà mục sở thị cây sưa, ông cho xem những bàn chông được rải xung quanh, đinh dài hơn 10 phân mọc lên tua tủa nhìn phát hãi. Chỉ vào mớ lằng nhằng dây thép, ông bảo, nhìn thế này thôi mà đêm cậu nào động vào liệu hồn.

Một thoáng giật mình, chúng tôi thầm nghĩ, không biết chừng, kẻ trộm chưa kịp ăn trộm cây sưa thì đã bị nạn vì dính chông và bị điện giật. Ông Kiên nói rằng, không có thì không sao, có lại phải đau đầu vì trông coi, lúc nào cũng nơm nớp bị kẻ trộm hỏi thăm. Sở dĩ ông phải cẩn thận thế này là vì ông nghe người ta kể, bọn trộm có nhiều mánh khoé lắm, chúng mang những bộ kích mua về từ nước ngoài, và sáng mai ra, có khi chủ nhà vẫn thấy còn nguyên ngọn cây mà phần thân đã bị cắt khúc mang đi. Êm gọn.

Dù có nhiều người vào hỏi mua cây sưa nhưng gia đình ông nhất định không bán, vì gia đình ông cho rằng bán cây sưa là hết may mắn, và ông cũng như mọi thành viên trong nhà đều coi đấy là một kỉ niệm của các cụ để lại, cần phải gìn giữ. Ông còn đề xuất rằng, Nhà nước nên thu gom lại tất cả những cây sưa ở trong dân, quy về một mối, chứ trông coi thế này... mệt lắm.

Ở Thanh Oai, hiện có một gia đình có mái nhà, cột kèo đều bằng gỗ sưa, trị giá lên đến hàng tỷ đồng, dân đầu nậu gỗ về trả một cây cột với giá cả trăm triệu, nhưng cũng vì thế mà lúc nào cũng phải có người trông coi cẩn thận, chứ sểnh ra là kẻ trộm đến khuân… nóc nhà như chơi.

Cho đến bây giờ thì sự thật về tác dụng cũng như giá trị của gỗ sưa vẫn là một ẩn số. Người cho rằng nó có giá trị về mặt tâm linh, người lại đồn thổi nó có giá trị trong việc ướp xác, rồi cả bột gỗ sưa đốt lên hít phê hơn ma tuý... Nghĩa là có đến trăm lẻ một câu chuyện huyễn hoặc xung quanh nó. Sự thật là gì không ai biết đích xác, chỉ biết rằng, vì nó mà nhiều người nông dân ở Cao Viên trong một phút bỗng trở thành tội phạm. Buồn!

Đinh Hiền - Anh Hiếu
.
.