Dập lửa, cứu rừng giữ biểu tượng đất Hồng Lam

Thứ Hai, 15/07/2019, 18:10
Dãy núi Hồng Lĩnh vẫn được người dân Hà Tĩnh tự hào “Ai biết nước sông Lam đến khi mô cho cạn. Ai biết rú Hồng Lĩnh đến khi mô hết cây…”. 


Ba ngày xảy ra hỏa hoạn, hàng ngàn người đã gồng mình, trắng đêm dập lửa cứu rừng Hồng Lĩnh. Họ cứu rừng nơi đây không chỉ đơn thuần là cứu cánh rừng “bốn mùa thông reo” mà là cứu dãy núi biểu tượng đất Lam Hồng.

Những người đi vào “biển lửa”

Hà Tĩnh vẫn thường được gọi là đất Hồng Lam. Mảnh đất văn vật này có núi Hồng Lĩnh như bức bình phong vĩ đại chạy sát bờ biển ôm ấp lấy vùng quê này. 

Trong nhiều cuốn dư địa chí đều viết “Dãy núi Hồng Lĩnh nổi lên giữa đồng bằng ven biển, chạy sát giữa bờ biển Đông và quốc lộ 1A, trải dài trên 4 huyện thị: Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh, đây là nguồn sinh thủy cho các hồ đập thủy lợi đã được xây dựng trong mấy chục năm qua dưới chân núi Hồng: Khe Hao, khe Cấy, Culây, Nhà Đường, Đá Bạc, Thiên Tượng... Phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Cung cấp nước cho sản xuất, đời sống của các khu dân cư và đô thị trên địa bàn”. 

Hàng trăm năm qua, núi Hồng Lĩnh giữ vai trò điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái. Dọc theo dãy núi Hồng Lĩnh có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: chùa Chân Tiên, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, đền Bùi Cẩm Hổ, đền Hoàng Mười... đã được nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia. 

Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm hỏi, động viên lực lượng tham gia chữa cháy.

Có thể khẳng định, núi Hồng Lĩnh là điểm hội tụ của văn hóa Hồng Lam. Hồng Lĩnh có tầm quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc phòng tuyến biển Đông phía bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Câu ca “Ai biết nước sông Lam cũng có khi khô cạn/ Ai biết núi Hồng Lĩnh cũng có khi hết cây” đưa chúng tôi đến chân núi Hồng (Hà Tĩnh) với nhiều tâm trạng. 

Ba ngày cháy rừng liên tiếp kéo dài cả kilômet “núi Hồng bốn mùa thông reo” nhiều nơi giờ chỉ còn là ký ức qua vần nhạc, bởi nhiều cánh rừng thông đã bị cháy rụi do hỏa hoạn. Nhìn hàng trăm ha rừng nhiều năm tuổi bị thiêu rụi chỉ trong vài ngày mới thấy hết sự tàn khốc của “nhất thủy nhì hỏa”.

Dẫn chúng tôi men theo đám tro tàn, anh Trần Đình Nam, một người dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh sinh sống gần đám cháy thở dài tâm sự: Ai đi qua về lại vào Nam ra Bắc theo quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh đều thấy núi Hồng Lĩnh, ngọn núi này không chỉ là núi đơn thuần mà nó còn là biểu tượng của cả một vùng quê. 

Vì vậy người ta mới gọi đất Núi Hồng, Sông Lam. Ít có ngọn núi, con sông nào đi vào thơ ca, nhạc họa như dãy núi này. Nó như bức bình phong án ngữ phía đông của tỉnh Hà Tĩnh.

Vì vậy mỗi lần đi xa, trong niềm vui, nỗi nhớ người dân nơi đây thường hát những ca khúc về quê hương và trong ca từ lại nhắc đến Núi Hồng, Sông Lam là vì vậy. Khi xảy ra cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh, các lực lượng công an, bộ đội, kiểm lâm cho đến mỗi người dân tham gia chống cháy đều hành động bằng trái tim mình. Ai cũng khẩn trương, ai cũng muốn gắng sức để đám cháy sớm được dập tắt để bảo vệ rừng, bảo vệ biểu tượng linh thiêng trong lòng mỗi người…

Đến chiều ngày 30-6, ngọn lửa bùng phát gây cháy rừng trên diện rộng ở dãy núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh mới căn bản được khống chế. Để khống chế được đám cháy này, tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã huy động tổng lực cả ngàn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng, kiểm lâm cùng nhân dân trên địa bàn trắng đêm chống chọi với giặc lửa.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phi Phượng - Chủ tịch UBDN xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, ngọn lửa gây cháy rừng được phát hiện vào lúc 13 giờ ngày 28-6 tại khu vực rừng thông thuộc thôn 7 xã Xuân Hồng.

Ngay sau khi phát hiện đám cháy, chính quyền địa phương đã báo cáo lãnh đạo cấp trên và cơ quan chức năng liên quan. Ngay sau đó, tiểu đoàn bộ đội đặc công D31 của Quân khu IV cùng công an, kiểm lâm và nhân dân địa phương lên đến 400-500 người lập tức có mặt tại hiện trường để dập lửa cứu rừng.

Lực lượng chống cháy đã gắng gượng hết sức, dùng đủ mọi cách để khống chế không cho đám cháy lan rộng, nhưng do trời quá nắng nóng, nhiệt độ lên đến hơn 40oC cộng với gió Lào thổi ào ạt nên chỉ mấy chục phút sau ngọn lửa đã lan rộng.

Trước tình hình diễn biễn phức tạp của đám cháy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh điện thoại trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, và sau đó Nghệ An đã huy động 5 xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội tăng cường sang Nghi Xuân dập lửa.

Tỉnh Hà Tĩnh quyết định di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân ngay trong chiều và tối 28-6 vì sợ ngọn lửa lan rộng, bao trùm nhà dân. Đến gần 12 giờ đêm 28-6, ngọn lửa cháy rừng được khống chế. Nhưng sau đó chỉ vài tiếng đồng hồ, đám cháy lại bùng phát dữ dội hơn.

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm hỏi, động viên vợ chồng anh Lê Văn Hồng, người đã nấu 1.000 suất ăn tiếp sức cho lực lượng cứu rừng.

Lúc này ngọn lửa cháy rừng dữ dội không còn dừng lại ở xã Xuân Hồng mà lan qua các tổ dân phố 1, 2, 3 thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân tiếp tục huy động cả ngàn cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội, biên phòng, kiểm lâm và nhân dân trên địa bàn tiếp tục trắng đêm chiến đấu với giặc lửa. 

Do có một số cây xăng gần khu vực cháy rừng nên chính quyền địa phương đã huy động di dời các trụ xăng, dùng cát phủ kín để bảo vệ xăng. Đồng thời tiếp tục huy động người dân có nguy cơ ảnh hưởng cao di dời tài sản, sơ tán để tránh cháy rừng gây nguy hiểm.

Sáng 29-6, tỉnh Nghệ An tiếp tục điều động thêm phương tiện xe và các thiết bị chữa cháy cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ qua huyện Nghi Xuân phối hợp với các đơn vị ở Hà Tĩnh tiếp tục dập lửa cứu rừng…

Chiến sỹ Đinh Tùng Anh, công an Hà Tĩnh cùng hàng trăm đồng đội không hề ngủ để cùng với các lực lượng khác và người dân trên địa bàn dập lửa, cứu rừng. Khuôn mặt dính đầy bụi than, Tùng Anh chia sẻ, nắng nóng, nhiệt độ cao khi chống cháy rừng trong biển lửa khiến nhiều anh em mệt nhoài, ăn không nổi mà chủ yếu uống nước để lấy sức.

Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, Ban chỉ huy Công an huyện Nghi Xuân phối hợp phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy linh hoạt trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Công an huyện Nghi Xuân đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện gồm: 100% cán bộ, chiến sỹ của đơn vị; 56 xe ô tô của đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; 1 máy thổi; 1 máy cưa, 150 cào cuốc, dao, rựa, 150 đèn pin… phối hợp với các lực lượng khác và nhân dân địa phương tích cực dập lửa cứu rừng. 

Bên cạnh nhiều cán bộ, chiến sỹ thức trắng đêm cứu rừng, công an Nghi Xuân cũng đã cắt cử 75 cán bộ, chiến sỹ xuống giúp dân ở dưới chân núi Hồng Lĩnh di dời tài sản đến nơi an toàn…

Do trời nắng gắt, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, ngọn lửa bùng phát ở nhiều điểm trên dãy núi Hồng Lĩnh, công an huyện Nghi Xuân đã không quản ngại khó khăn, vất vả, mệt nhọc, tập trung quân số, gắng hết sức cùng các lực lượng khác báo động sơ tán dân trong đêm, đồng thời tạo đường băng rộng trên 20m dài hàng kilômet để khống chế đám cháy. 

Địa hình nơi xảy ra cháy đèo dốc, đá trơn trượt, nhiều cán bộ, chiến sỹ bị trầy xước, bỏng rát nhưng tất cả đều cố gắng hết sức để dập tắt ngọn lửa.

“Ngày 28-6, Ngày Gia đình Việt Nam, trước đó anh em trong đơn vị cũng định tổ chức cho các gia đình cán bộ, chiến sỹ gặp nhau, hoặc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ sum họp gia đình. Nhưng trưa 28-6, xảy ra vụ hỏa hoạn cháy rừng ở xã Xuân Hồng rồi lan đến núi Hồng Lĩnh ở thị trấn Nghi Xuân, nên tất cả đều gác lại, không ai về nhà mà nhận lệnh đến điểm cháy để cứu rừng”, Thượng tá Thành cho biết thêm.

Cả ngày 28-6, chiến đấu với giặc lửa, khi đêm xuống ngọn lửa đã được khống chế, cán bộ, chiến sỹ mệt nhoài, nhiều người nằm ngay cạnh bìa rừng để ngủ. Giấc ngủ chập chờn không giường, chiếu cạnh bìa rừng của các anh nào đâu có yên, đến 03h00 ngày 29-6, đám cháy bùng phát trở lại tại núi Hồng Lĩnh.

Ngay trong đêm hơn 1.000 người lại được huy động để dập lửa cứu rừng. Tất cả lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, Công an huyện Nghi Xuân đang ứng trực tại hiện trường lại lao vào điểm lửa để giành giật từng khoảnh rừng, từng gốc cây với ngọn lửa hung tàn trong nắng hạn.

Giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa rừng rực, bỏng rát, nhiều cán bộ, chiến sỹ như quên đi khói, bụi, gió lào bỏng rát, vết bỏng hay trầy xước... việc dập lửa cứu rừng với các anh lúc này không còn là mệnh lệnh mà đó là tình cảm với cây rừng, với núi Hồng Lĩnh - biểu tượng của đất Hồng Lam.

Ba ngày liền đối mặt cùng ngọn lửa dữ dội ở Hồng Lĩnh, Thượng úy Lê Anh Hùng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh cho biết: “Đã có lúc anh em gần như kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng chúng tôi vẫn căng mình ra khống chế và ngăn chặn đám cháy lan xuống khu dân cư.

Gần 3 ngày trôi qua, mỗi anh em chiến sỹ chỉ ngủ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, gần như không còn thời gian nghỉ ngơi, Nhưng ai nấy đều dốc sức, dốc lực, dốc tâm, dốc trí để chữa cháy. Có thời điểm, khi đám cháy lan rộng và nắng nóng cao điểm nhất, hầu hết chiến sỹ bị bỏng, song không ai kêu ca, mà tiếp tục làm nhiệm vụ để khống chế đám cháy”…

Anh Nguyễn Đình Hoàng, trú ở xã Xuân Hồng chỉ vào đám cháy nói với chúng tôi với giọng đầy xúc động: Không có công an, bộ đội thì mấy ngày qua không những cháy rừng mà nhà dân xung quanh đây sợ cũng bị ngọn lửa thiêu rụi. Không kể dưới nắng như đổ lửa, hay đêm khuya khi người dân phải rời khu vực cháy để đảm bảo an toàn thì các anh lại đi vào để dập lửa, chứa cháy.

Trong cái nóng trên 40ºC của ngày hè, gió Lào thổi bỏng rát, nhiều người dân ở trong nhà tránh nắng, thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nghi Xuân và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, cùng nhiều đơn vị bộ đội, kiểm lâm…đã nhiều ngày hầu như không về nhà. Tất cả đều ở lại đơn vị, hoặc trực cháy rừng ở các đám cháy…

Chuyện cảm động về những người tiếp sức dập lửa

Khi xem truyền thông đưa tin về cháy dữ dội ở núi Hồng Lĩnh, anh Lê Văn Hồng - chủ nhà hàng Minh Hồng, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cũng như nhiều người dân gần đó đứng ngồi không yên.

Anh Hồng lấy xe chạy qua cầu Bến Thủy đến Nghi Xuân ở điểm cháy rừng, thấy hàng ngàn người gồng mình trong nắng, lửa để cứu rừng, anh vội chạy trở về nhà bàn với vợ: “Mình không vô dập lửa cứu rừng được thì mình tiếp sức cho cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, kiểm lâm… để họ chiến đấu với ngọn lửa”.

Vợ anh - chị Nguyễn Thị Minh gật đầu, mỉm cười ủng hộ chồng. Chị Minh đóng cửa nhà hàng, gọi toàn bộ nhân viên lại rồi lên thực đơn và phân công mỗi người một việc để nấu ăn tiếp sức cho lực lượng chống cháy rừng. Vừa làm, anh chị vừa nghĩ lại quãng thời gian khó khăn của mình. 

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại bìa rừng của lực lượng dập lửa cứu rừng.

Nhớ lại những ngày đầu mới nên vợ nên chồng (năm 1979), hàng ngày anh Hồng đạp xích lô ở ga, vợ tần tảo dầm mưa dãi nắng để kiếm hạt lúa củ khoai… Những khó khăn chồng chất ngày đó khi đã vượt qua, và giờ cuộc sống đã tương đối đủ đầy, nhưng anh chị vẫn luôn nhớ về quá vãng, để tâm giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi cần thiết.

Chiều ngày 29-6, vợ chồng anh Hồng đi chợ, anh chị chọn thực phẩm tươi ngon vẫn thường lấy nấu cho khách ở nhà hàng. Sau đó, vợ chồng cùng 30 nhân viên nấu 500 suất cơm, gồm cơm, canh, cá, thịt, nước ngọt, nước khoáng mang sang hiện trường để phục vụ lực lượng tham gia chống cháy rừng. Đến nơi, sau khi báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương, vợ chồng anh cùng nhân viên leo núi mang đến tận tay các suất ăn cho mọi người.

“Thấy anh em mệt mỏi trong công việc, khi nghỉ tay ăn bữa cơm ngon lành từ tay vợ chồng tôi làm, tôi thấy vui khó tả. Những chai nước ngọt, nước khoáng như giúp mọi người vơi bớt đi cái nóng của lửa cháy. Việc làm tuy nhỏ, nhưng bản thân tôi thấy ý nghĩa vô cùng vì đã xắn tay tiếp chút sức cho anh em cứu rừng…”, anh Hồng chia sẻ vậy.

Thấy mọi người ăn khen ngon, nên hôm sau vợ chồng anh Hồng, chị Minh lại tiếp tục nấu 500 suất mang sang phục vụ lực lượng dập lửa cứu rừng. 

Khi vợ chồng anh đang đưa từng suất cơm cho mỗi người thì Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến bắt tay động viên, khen ngợi. “Lúc đó tôi luống cuống tí nữa thì làm rơi cả hộp cơm đang cầm trên tay. Ai nghĩ lại được gặp, được Phó Thủ tướng khen”, chị Minh cười vui.

Được biết, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến hiện trường thăm hỏi, động viên, chỉ đạo lực lượng tham gia dập lửa cứu rừng. Khi hỏi về việc ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nghe câu chuyện của vợ chồng anh Hồng nấu cơm mang sang, Phó Thủ tướng đã đến động viên, khích lệ vợ chồng chủ nhà hàng có tấm lòng đáng quý.

Công an Hà Tĩnh giúp dân sơ tán, di dời trang thiết bị, hiện vật khỏi khu vực nguy hiểm do cháy rừng.

Ngoài việc nấu 1.000 suất cơm tiếp sức cho lực lượng dập lửa cứu rừng ở núi Hồng Lĩnh, trong ngày 30-6, anh Lê Văn Hồng cũng đã tìm đến thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi), ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An tử vong khi đang tiếp nước chữa cháy rừng ở xóm Thung Huyện, Eo Vòng, Khe Khế, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. 

Đồng thời, anh cũng đã hỗ trợ cho UBND xã Nam Kim, UBND huyện Nam Đàn số tiền 25 triệu đồng để địa phương có thể bổ sung kinh phí mua các thiết bị chữa cháy rừng.

Nói về anh Lê Văn Hồng, nhiều người dân ở thành phố Vinh còn nhắc đến việc cách đây 4 năm, gần tết nguyên đán anh đã tổ chức chương trình tết cho những người bị nhiễm chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đêm nhạc từ thiện do anh đứng ra tổ chức tại thành phố Vinh với nhiều nghệ sỹ tham gia đã thu được 900 triệu đồng. Toàn bộ số tiền bán vé, quên góp được anh Hồng lập ra 45 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng và trao tận tay gia đình các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn…

Chia tay anh Lê Văn Hồng, chúng tôi tìm đến xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh gặp anh Đậu Văn Tiến. Người mà 3 ngày 2 đêm không hề về nhà, dầm mình trong biển lửa cùng lực lượng chức năng để cứu rừng.

Trưa ngày 28-6, đang chuẩn bị nghỉ trưa thì anh nhận được tin cháy rừng Hồng Lĩnh, anh mang cây cưa xăng buộc vào xe đạp rồi đạp 12km đến hiện trường đám cháy, lao vào cứu rừng. Thấy hàng ngàn người dùng vòi phun, ống thổi gồng mình dập lửa, nhưng ngọn lửa vẫn bùng lên, nhìn xuống chân núi thấy nhà cửa, cây xăng, hàng quán bao quanh.

“Lửa mà lan xuống đó thì thiệt hại không biết bao nhiêu”, anh Tiến nghĩ vậy.

Rồi anh báo cáo đề xuất với lực lượng chữa cháy là chặt cây tạo đường băng cản lửa. Ý kiến của anh được mọi người đồng ý. Cùng với cái cưa máy, anh Tiến lao vào cắt cây để cùng lực lượng cứu rừng tạo đường băng dài cả km. Lửa cháy dữ dội phía sau lưng, vừa làm anh vừa lo vì sợ không kịp.

Vì vậy dù đã mỏi mệt, kiệt sức anh vẫn cố gắng trắng đêm để cùng mọi người tạo đường băng cản lửa. Đến gần sáng bụng đói cồn cào, tay chân run lên anh Tiến mới nghĩ tới đã cả ngày mình chưa ăn gì, ăn vội ổ mỳ anh em đưa, anh lại lao vào đám cháy dập lửa, cứu rừng.

Phóng viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG trao 30 triệu đồng của các đơn vị hỗ trợ Công an huyện Nghi Xuân sau vụ dập lửa cứu rừng.

Sau nhiều ngày đối mặt với “giặc lửa” anh Tiến bị thương ở tay và đùi vì nhánh cây rừng đâm phải, bàn chân anh bỏng rát vì lửa nhưng anh không một lời phàn nàn, than vãn. Nhìn đám lửa bị dập tắt, rừng Hồng Lĩnh được cứu, anh vui lắm.

Anh nói: “Thực ra tôi thường được người dân thuê đi thu hoạch keo nên tôi cũng rất sành sỏi việc sử dụng cưa xăng. Nên việc làm đường băng được thực hiện rất nhanh chóng. Tuy vậy, nếu một mình tôi làm việc này thì sẽ không thể làm được, rất may có mọi người cùng hỗ trợ”.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Mặc dù sau vụ cháy, chính quyền địa phương có gửi anh Tiến ít tiền gọi là thù lao, nhưng anh nhất quyết không nhận. Mời anh ăn bữa cơm để cảm ơn nhưng anh cũng kiên quyết từ chối…

Nhằm động viên, hỗ trợ lực lượng tham gia dập lửa cứu rừng ở núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, tối 2-7, ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) cho biết thông qua vai trò cầu nối của Báo Công an nhân dân, Chuyên đề An ninh thế giới, Ban Tổng Giám đốc quyết định tiếp sức các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu dập lửa, cứu rừng tại Hà Tĩnh trong mấy ngày qua. Phần quà tiếp sức là số tiền 30 triệu đồng.

"Qua theo dõi phản ánh của báo chí mấy ngày qua, tập thể lãnh đạo, nhân viên toàn Công ty DKRA cảm nhận phần nào sự nguy hiểm, vất vả của các chiến sĩ công an nhân dân khi phối hợp cùng nhân dân và các lực lượng khác tham gia chiến đấu, với nỗ lực sớm cô lập, dập tắt ngọn lửa hung hãn để cứu từng khoảnh rừng, từng gốc cây,... trong điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở và nắng nóng, gió Lào khắc nghiệt. Món quà tuy nhỏ nhưng đó là sự cảm phục, biết ơn của DKRA chúng tôi với những người chiến sĩ Công an luôn ngày đêm xông pha lên phía trước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân và sự an toàn của xã hội", ông Phạm Lâm chia sẻ…

Chiều 30-6, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đoàn công tác đã đến tận hiện trường xảy ra đám cháy để thăm hỏi, động viên lực lượng tham gia chữa cháy, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương “Các lực lượng phải tập trung các giải pháp ngăn lửa lan ra diện rộng, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng và tài sản của nhân dân”.

Tiếp đó, trưa ngày 1-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh cũng đã đến một số địa điểm cháy rừng. Ngoài việc thăm hỏi, động viên lực lượng chống cháy rừng, Phó Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh tuyệt đối không được chủ quan sau khi các đám cháy đã được khống chế. Vì hạn hán, nắng nóng, các đám cháy có thể âm ỉ, bùng phát gây cháy rừng bất cứ lúc nào… Sự có mặt kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các điểm nóng cháy rừng là sự động viên, chỉ đạo kịp thời đối với mỗi người tham gia cứu rừng trong “biển lửa”.

Sông Lam – Lam Hồng
.
.