Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp: Cương thổ vào phim

Thứ Hai, 04/11/2019, 09:21
Người có công lớn trong việc đưa bà con trên đất liền và những người lính biên giới - hải đảo xích lại gần nhau, không ai khác, chính là đạo diễn Trần Tuấn Hiệp.


Mấy năm trước, các Đài Truyền hình Trung ương và địa phương thi nhau phát “Ký sự biên phòng” và “Ký sự biển - đảo”. Đi đâu cũng thấy hình ảnh các chiến sĩ biên giới và hải đảo hiện trên màn ảnh thật gần gũi và vô cùng vất vả. 

Có thể nói, kể từ đó, những rẻo đất biên cương, những đồn biên phòng heo hút, những hòn đảo xanh mờ xa tít ngoài khơi, bỗng cảm thấy như chạm vào được trong cái nhìn của người xem truyền hình. 

Và, người có công lớn trong việc đưa bà con trên đất liền và những người lính biên giới - hải đảo xích lại gần nhau, không ai khác, chính là đạo diễn Trần Tuấn Hiệp.

1. Dạo đó, Trần Tuấn Hiệp còn đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam. Là một người ưa khám phá, thích cách làm mới, không chịu nổi những chương trình “không có vị mặn” của đời, chẳng hạn làm phóng sự đơn giản về các sự kiện, bàn tròn thảo luận một chiều, giới thiệu vài tác phẩm mà không ai nhớ..., Trần Tuấn Hiệp tìm cách mở chuyên mục mới. Đầu tiên là Trò chơi điện ảnh. Cấu trúc chương trình tuy còn đơn giản nhưng  rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt có nhiều kịch tính, đã thu hút nhiều đội chơi và bắt đầu có sức hấp dẫn khán giả.

Thành công bước đầu đã thúc đẩy Tuấn Hiệp sáng tạo một chương trình mới mang tên Chúng tôi nói về chúng tôi. Xem nhiều phim tài liệu hay phóng sự, phỏng vấn các văn nghệ sĩ mà bạn bè và đồng nghiệp làm, anh vẫn chưa cảm thấy “thiệt đã”. Tức là, chúng ta vẫn chỉ nói chuyện một cách xã giao, hay nhìn bên ngoài vào sự việc, chứ thực chất, bên trong mỗi nghệ sĩ, mỗi sự việc, còn chứa đựng nhiều câu chuyện khác nóng hơn, thật hơn, có sức hút hơn. 

Điều quan trọng nhất là giữa chương trình với người xem, giữa nghệ sĩ với khán giả vẫn còn một khoảng cách khá xa. Người xem muốn biết về nghệ sĩ nhiều hơn. Họ muốn bớt những khâu trung gian điệu đà, kể lể dài dòng không cần thiết. Và các nghệ sĩ cần được chủ động hơn trong câu chuyện của mình, không thể để mấy cô áo dài dẫn đi một cách hời hợt. Vấn đề là phải làm thế nào để những câu chuyện, những tâm tư ẩn khuất ấy bộc lộ một cách tự nhiên mà không chịu sức ép nào.

Sau nhiều ngày suy nghĩ và thăm dò, tìm hiểu, chuyên mục Chúng tôi nói về chúng tôi ra đời. Người xem được chứng kiến các nghệ sĩ vừa làm việc, vừa trò chuyện một cách thân tình, cởi mở về những  bếp núc của công việc sáng tạo. 

Người xem được thấy các nghệ sĩ múa rối nước chăm sóc những nhân vật của mình ra sao, khi lội nước bì bõm gặp khó khăn gì và làm thế nào thổi ra lửa từ trong miệng con rồng đang bơi trên nước v.v... 

Họ cũng  khoái chuyện ông Sơn Nam, nhà văn chân đất, đi lang thang trên các ngả đường Sài Gòn thế nào để viết các câu chuyện bình dân mà ẩn chứa lẽ đời sâu sắc. 

Trần Tuấn Hiệp còn lôi khán giả vào những chỗ khuất của sân khấu cải lương. Đó là vị trí ngồi nhắc vở của những con người nhỏ bé chuyên làm nghề nhắc lời cho những ông vua bà chúa lộng lẫy trên sân khấu tung hoành nhả ngọc phun châu. Đó thật sự là một cách nhìn mới, cách làm mới, phá lệ của những cái trì trệ trên truyền hình.

Với chương trình này, hình như, cũng kích thích đạo diễn Trần Tuấn Hiệp lòng ham mê đi. Anh đi khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam tìm kiếm những chân dung các nghệ sĩ “độc và lạ” để làm giàu có cho chương trình. Tôi nghĩ, những chân dung ấy, cho đến bây giờ và sau này, không bao giờ cũ. Nó ngày càng có giá trị. Bởi nhiều người đã mất, bởi nhiều điều chưa tiện nói ra khi ấy. Và một lúc nào đó, Trần Tuấn Hiệp có thể trình bày trong hình thức khác.

2. Có lẽ, cái khả năng “đi đến đâu kể chuyện đến đấy” của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp đã khiến anh rơi vào “mắt xanh” của Bộ Tư lệnh Biên phòng. Bên đó cần tuyên truyền về Bộ đội Biên phòng nhưng không làm theo cách cũ, nghĩa là những cuộc đi thăm đồn rời rạc, đồn nào cũng giống nhau, rất nhàm chán. 

Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp đã làm kế hoạch, lên đề cương, trình bày với các cấp chỉ huy Bộ đội Biên phòng một cách làm mới. Vừa nhanh, vừa hiện đại nhưng cũng rất thiết thực, gần gũi. Đó là thể loại ký sự. Nhưng ít dùng lời, chủ yếu là hình ảnh. Và nhân vật chính, không ai khác, ngoài các chiến sĩ biên phòng. 

Cũng không cần một cô gái  “tốt mã giẻ cùi” dẫn chuyện vô duyên. Mà người kể chuyện chính là đạo diễn. Bởi anh mang trong mình tâm hồn văn học, mang cái nhìn của người trẻ thích khám phá, tìm hiểu những chuyện thường ngày của những người lính nơi phên dậu của đất nước, đặt ra những câu hỏi gần gụi với những người thân của các chiến sĩ.

Đạo diễn Nguyễn Tuấn Hiệp (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp.

Tuy đi mấy chục đồn biên phòng khác nhau nhưng đến nơi nào, Trần Tuấn Hiệp cũng nhanh chóng tìm được những câu chuyện ấn tượng và khác biệt để kể cho khán giả truyền hình. Người xem được thấy những câu chuyện rỉ rả trên xe,  những buổi tối lính tráng hút thuốc lào, buông màn, đập muỗi, những người vợ đánh đường xa lên thăm chồng, những chàng trai dân tộc suy nghĩ gì khi khoác súng đi dọc biên cương. 

Và không chỉ bảo vệ từng tấc đất, các anh còn giúp nhiều dân tộc thiểu số, như người Chứt, ở bản Rào Tre, không du canh du cư mà lập làng ổn định, tập cày ruộng, làm chuồng cho trâu bò, không kết hôn cận huyết nữa mà đi học xa, mang ánh sáng văn hóa về cho bản mình. Những việc tưởng như đã quen thuộc từ bao đời nhưng với người Chứt ở Hà Tĩnh lại như mới. Và người xem mới hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn về công việc của người chiến sĩ biên phòng. 

Như ở một đồn biên phòng trên Tây Nguyên, các anh đã cứu sống 2 cháu bé khỏi tục tập man rợ xưa cũ mà không mất lòng dân. Có tập phim, Trần Tuấn Hiệp phải sang tận Campuchia. Ngôn ngữ không biết, may sao, anh được sự cộng tác vô điều kiện của nhà thơ Lê Minh Quốc, một người có 5 năm là lính tình nguyện ở chiến trường K, làm hoa tiêu. Và đất nước Chùa Tháp, qua câu chuyện của các anh, làm yên lòng người xem bao nhiêu. 

Nhiều người thấy Trần Tuấn Hiệp làm ký sự biên phòng “dễ như thò tay vào túi lấy cái bật lửa” nên nghi ngờ và... bắt chước. Nhưng phần lớn đều thất bại. Bởi họ đều thiếu cái bí ẩn nhất, cái khó nhất của người làm nghề này. Đó là cảm xúc. Đi làm phim mà mang theo lòng ghen tức, tính đố kỵ hay sự kiêu ngạo chỉ sớm chuốc lấy sự thất bại mà thôi.

Tiếng vang của Ký sự biên phòng chưa dứt, Bộ Tư lệnh Biên phòng lại đặt hàng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp làm tiếp Ký sự biển - đảo. Hết làm Sơn Tinh lang thang nơi núi cao đèo sâu, giờ Trần Tuấn Hiệp lại làm Thủy Tinh chèo thuyền đi dọc hơn 3.200 km bờ biển. Nhìn con đường dài dằng dặc cũng hơi ái ngại. 

Nhưng thử hỏi, cả bao nhiêu đạo diễn ở Đài Truyền hình Việt Nam có ai được diễm phúc như Hiệp không? Được lên chuyên cơ ra tận các đảo xa, được hộ tống đến các đồn còn đầy gian khó, được đêm nằm gác chân lên các chiến sĩ trẻ, nghe họ tâm tình... Được hạnh phúc thấy, đất nước mình đâu phải hình chữ S như quan niệm xưa nay. Biết thêm thế nào là lãnh hải, thế nào là thềm lục địa, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế... Mà những thuật ngữ này được chính các chiến sĩ hải quân nói mới hay. 

Qua những hòn đảo, người xem được thấy những làng nghề làm cá, làm nước mắm, đặc trưng của làng biển Việt Nam. Người xem còn thấy những ẩn dụ sinh động và bền vững của tình quân dân thắm thiết. 

Đạo diễn còn dẫn người xem đến những hòn đảo nhỏ không một bóng người, nhưng đó là giọt máu của Đất Mẹ, đến những ngọn hải đăng, có tuổi đời hàng trăm năm nhưng chỉ có một - hai người thay nhau trực, thắp lên ngọn lửa cho những con tàu của ngư dân biết hướng tìm về. 

Có những hòn đảo nước xanh biển lặng, phong cảnh hữu tình nhưng các anh phải ngày đêm chống hải tặc và bọn buôn lậu ma túy, vũ khí... Tính mạng các anh treo đầu ngọn sóng và trước mũi súng của bọn gian tham...

Có một cảnh phim giản dị mà bao người xúc động. Đó là khi các anh xuống thuyền về đất liền, trên đảo có mấy chú chó chạy theo. Dường như chúng quá lưu luyến con người, cũng muốn xuống cùng. Chúng đứng trên bờ, đuôi vẫy và rít lên ư ử... Con thuyền đã ra xa mà mấy chú chó vẫn đứng trong ráng chiều vàng đỏ...

3. Có thể nói, với 2 ký sự thành công trên, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp đã mang đất đai biên giới và hải đảo đến mỗi ngôi nhà, đến mỗi người dân từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành phố. Hơn lúc nào hết, ý thức về chủ quyền biển đảo được thức dậy và luôn cháy trong tim mỗi người dân. Và lần đầu tiên, chương trình tuyên truyền về biển đảo và biên giới thành công quá tầm mong đợi. Những đồn biên phòng nơi rẻo cao xa hút kia, những hòn đảo đang bồng bềnh giữa mênh mông sóng nước kia, vẫn mong anh cùng đoàn làm phim có dịp quay lại.

Để có được thành công này, ngoài tài năng và sự tận tụy với nghề, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp còn xây dựng một ê-kíp làm phim rất đồng lòng, rất đoàn kết. Các bạn quay phim như Nguyễn Văn Tuấn, Cường  “kun”... đều không quản ngại “dốc núi cao cao” hay “sóng to thuyền nghiêng”, quyết thu vào ống kính những hình ảnh sinh động nhất. Lại thêm giọng đọc  “không lẫn vào đâu được” của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng càng làm cho các ký sự có màu sắc riêng. 

Để có được những lời dẫn chuyện duyên dáng như vậy, Trần Tuấn Hiệp phải bò ra bàn, cặm cụi viết từng đêm, sửa từng dấu chấm, dấu phẩy. Và khi viết, quanh anh, là những gương mặt sạm đen nắng gió của những sĩ quan và binh lính, những người vừa kết thành hàng rào cho đất nước, vừa có trái tim của người nghệ sĩ, khích lệ.

Đời người làm phim có thể chia thành nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Giai đoạn đạo diễn Trần Tuấn Hiệp làm 2 ký sự trên, có thể nói, thành công như trên, còn nhiều yếu tố khác. Đó là  “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Và hôm nay, biên giới vẫn cần nói những câu chuyện mới, hải đảo cũng cần những cách nhìn mới, cách đối thoại mới. Hy vọng, anh sẽ có những ký sự mới về đất nước thân yêu.

Đoàn Tuấn
.
.