Đạo diễn Nông Ích Đạt: Ngọn núi mờ sương

Thứ Tư, 04/11/2020, 09:29
Những câu chuyện trong các phim do Đạo diễn Nông Ích Đạt dàn dựng cũng đều mang phong cách mộc mạc như tính cách của ông, như cuộc đời của đa số quần chúng. Chúng như những dòng chảy nhỏ, góp sức mình vào dòng đời chung của đất nước.


Trước khi về Hãng phim truyện Việt Nam, tôi đã nghe nhiều anh em nghệ sĩ nói về gia đình đạo diễn Nông Ích Đạt. Một đạo diễn trẻ nói: “Hai ông bà sống buồn lắm. Que diêm để trên bàn từ tháng này sang tháng khác vẫn còn nguyên. Không xê dịch”. Tôi hỏi lại: “Tại sao anh chú ý đến que diêm?  Que diêm phải ở trong bao diêm, ai lại để không trên bàn?”. Anh đạo diễn trẻ ậm ừ: “Thì mình nghe người ta nói”. Định hỏi lại: “Người ta là ai?”, nhưng tôi nghĩ, anh này cũng thuộc dạng nói năng huyên thuyên, nên thôi.

Nhiều người trong Hãng phim cũng đồn chuyện hai vợ chồng đạo diễn Nông Ích Đạt tự tử. Tiếng đồn thì như vậy. Nhưng hỏi kỹ thì không ai nói được gì. Sau này, diễn viên Lê Vân cho ra mắt hồi ký  “Yêu và sống”, có nói đến chuyện hai vợ chồng đạo diễn nhận cô làm con nuôi và cách ra đi của hai ông bà: “Thương hai cụ không con, lại thương hơn khi nghe chuyện trước đấy, vì bất mãn, hai cụ rủ nhau quyên sinh, nhưng không chết. Tối hôm trước khi quyên sinh, hai cụ đi chào hỏi suốt lượt hàng xóm, rồi về uống thuốc. Sáng hôm sau, cụ bà mê mệt như sắp đi, cụ ông thở to đến nỗi hàng xóm cũng nghe thấy. Họ linh cảm điều gì chẳng lành, bèn đạp cửa xông vào, đưa hai cụ đi cấp cứu”.

Đạo diễn Nông Ích Đạt.

Ở đoạn sau, nữ diễn viên kể về nguyên nhân từ giã cuộc đời của vợ chồng đạo diễn: “Xuất thân từ  dòng dõi con nhà quyền quý, lại được đào tạo với chuyên gia nước ngoài từ lớp đạo diễn đầu tiên, cụ Đạt đã có những thành công nhất định với bộ phim “Kim Đồng” làm về quê hương rừng núi của cụ. Bộ phim cũng được ghi nhận bằng một giải thưởng gì đó, nhưng khi xét phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú thì cụ lại không được. Dường như người ta đã phủi hết công lao đóng góp cho ngành điện ảnh của cụ. Có lẽ vì chán cảnh không con, đồng lương không đủ sống, lại không được ghi nhận… hai cụ còn sống làm gì…? Thế mà lại không chết được mới khổ chứ!”.

Đọc kỹ, tôi hiểu, những từ “có lẽ”, “dường như” mà nữ diễn viên sử dụng cũng chỉ là sự phỏng đoán về cái chết của đạo diễn.

Những điều trên ám ảnh tâm trí tôi nhiều ngày, nhất là khi xem lại những bộ phim của đạo diễn Nông Ích Đạt như “Kim Đồng” (1964), “Cô giáo vùng cao” (1967),  “Kén rể” (1975) cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa), “Cô gái và anh lái xe” (1976),  “Những con đường” (1979)… tôi cảm nhận, những  nhân vật của ông đều có chung một cách sống bình dị, cống hiến sức lực và trí tuệ cho xã hội ngày một tốt hơn. 

Những câu chuyện trong các phim do ông dàn dựng cũng đều mang phong cách mộc mạc như tính cách của ông, như cuộc đời của đa số quần chúng. Chúng như những dòng chảy nhỏ, góp sức mình vào dòng đời chung của đất nước. 

Và sau này, được gặp nhiều đồng nghiệp của ông, nhiều người cùng dân tộc, cùng quê và anh em, họ hàng của ông, tôi mới nhận thấy nên viết về ông, để chí ít, dựng lại một phần chân dung và sự nghiệp của đạo diễn Nông Ích Đạt. Và để phần nào làm mát dạ người đạo diễn một đời lao động nghệ thuật thầm lặng.

Đạo diễn Nông Ích Đạt là ai?

Trong cuốn “Lịch sử điện ảnh Việt Nam” - tập 1 - Cục Điện ảnh xuất bản -2003 viết: “Nông Ích Đạt là đạo diễn duy nhất gốc dân tộc Tày (Cao Bằng) trong đội ngũ nghệ sĩ phim truyện Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, anh đã học qua bậc trung học tại Hà Nội, ít nhiều tiếp thu một phần ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, trở thành một viên chức nhỏ, làm ăn kiếm sống từ Hà Nội tới Sài Gòn, Đà Lạt, do đó đã có những hiểu biết rộng về đất nước, con người từ Bắc đến Nam. 

Trong kháng chiến chống Pháp, anh hoạt động văn hóa, văn nghệ (sân khấu) ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1959, anh trúng tuyển vào học tại Trường Điện ảnh Việt Nam. Nhận làm phim “Kim Đồng”, một phần cũng vì nhân vật chính trong phim là người cùng quê với anh. Không một đạo diễn phim truyện Việt Nam nào có thể hiểu tính cách con người, phong tục, tập quán ở vùng ấy bằng anh”.

Bộ phim “Kim Đồng” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nông Ích Đạt. Cùng làm với ông có đạo diễn Vũ Phạm Từ. Kịch bản do nhà văn Tô Hoài thể hiện. Sau nhiều năm đi khắp đất nước, đạo diễn Nông Ích Đạt mang bao cảm xúc khi được trở về quê hương, làm phim về một người anh hùng nhỏ tuổi, người mà, nếu còn sống, cũng chạc tuổi đạo diễn. Quê Nông Ích Đạt ở huyện Hòa An. Phía bắc Hòa An là huyện Hà Quảng, quê Kim Đồng.

Những ngày đạo diễn Vũ Phạm Từ còn sống, thường lên tạp chí Thế giới Điện ảnh chơi. Tôi được dịp  hỏi thăm ông cùng đạo diễn Nông Ích Đạt làm phim “Kim Đồng” thế nào. Ông Vũ Phạm Từ, rít thuốc lào, ho rũ rượi rồi làm ngụm trà, mới chậm rãi kể. 

Ông Nông Ích Đạt là một người rất vui tính, hóm hỉnh. Chuyện tuyển chọn diễn viên để đóng vai Kim Đồng và các bạn của Kim Đồng là một kỳ công của ông Đạt. Rồi việc hướng dẫn các em đọc kịch bản, chỉ đạo diễn xuất ở vùng rừng núi, nhiều em bị ngã bong gân, có em khóc vì nhớ nhà, có em bị bỏ ăn vì chưa quen thức ăn của người Nùng… tất cả những tình huống oái oăm đó đều được đạo diễn Nông Ích Đạt giải quyết nhẹ như không. Đến nỗi, sau khi làm xong phim, nhiều em đã nhận đạo diễn là bố nuôi.

Đạo diễn Nông Ích Đạt đang hướng dẫn các diễn viên nhí đóng phim ''Kim Đồng''. Ảnh: Phó Văn Hợi.

Khi phim “Kim Đồng” ra mắt, các nhà làm phim đã nhận được những lời khen ngợi của dư luận. Một nhà phê bình đã viết: “Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ là những đạo diễn phim truyện đầu tiên ở Việt Nam đã đưa con người thật thành nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật… Sự lựa chọn của các tác giả Kim Đồng đã đem lại kết quả tốt. Đó là một bộ phim lành mạnh, lạc quan, có ý nghĩa tác động vào cuộc sống, được thể hiện một cách linh hoạt, dí dỏm… Với phim “Kim Đồng”, đạo diễn Nông Ích Đạt đã bước đầu bộc lộ khả năng hài hước, chỉ đạo diễn xuất chân thật, dàn cảnh linh hoạt. Những khả năng ấy giúp anh đạt được nhiều thành công trong những phim sau”.

Tại Festival phim quốc tế ở Jacarta (Indonesia) năm 1964, phim “Kim Đồng” đã giành Giải Bangdung cho phim thiếu nhi hay nhất và Giải Lumuba về quay phim, dựng phim và diễn xuất cho vai chính trong phim. Và tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II năm 1973, bộ phim đã được trao Bông Sen bạc.

Bộ phim đầu tay đã nhận được nhiều giải như thế, nhưng với đạo diễn Nông Ích Đạt, ông vẫn chưa hài lòng. Ông kể chuyện được mang phim vào Phủ Chủ tịch để chiếu cho Bác Hồ và nhiều người khác xem. “Từ khi làm công tác văn nghệ, tôi chưa lần nào được vinh dự lớn như lần này. Mừng là thế, nhưng nỗi lo còn lớn hơn. Vì Bác đã sống ở Pác Bó. Bác biết rất rõ Kim Đồng, biết rõ nhân dân địa phương hơn ai hết”. Nhưng trước khi chiếu, Bác yêu cầu diễn viên Lê Thanh Phương (vai Kim Đồng) kể về nhân vật chính. Và cháu Phương đã kể rất lưu loát.

Sau khi xem phim, Bác nói: “Đấy, đồng bào miền núi đối với cách mạng thế đấy. Từ người già cho đến trẻ em, tất cả mọi người, như ở trong phim, đều một lòng một dạ giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ cách mạng, không hề tiếc công tiếc của, tiếc sức, cả đến tính mạng mình. Đồng bào tốt thế đấy, các cô các chú nhớ lấy”. 

Ngừng giây lát, Bác nói tiếp: “Kim Đồng thông minh lắm. Bác nhớ có một lần như thế này. Hồi ấy, đoàn thể có giao cho Kim Đồng một khẩu súng lục “cổ lỗ sĩ” - Bác cười và giải thích - Hồi ấy, ta còn nghèo lắm - nhưng súng vẫn còn bắn được. Một hôm, Kim Đồng đi giao liên xong, đang leo theo triền núi trở về gần tới lán bí mật thì nghe phía dưới chân núi có tiếng xì xồ vọng lên. Đó chính là bọn lính dõng và Tây đồn đang đi lùng sục cán bộ cách mạng. Vì sương mù còn dày đặc ở phía dưới nên Kim Đồng chỉ nghe thấy tiếng mà không nhìn thấy người. Tiếng bọn địch mỗi lúc một gần. Kim Đồng muốn chạy lên báo cho cán bộ biết nhưng sợ không kịp và bị lộ. Lợi dụng tình thế sương mù còn phủ kín bốn bề, Kim Đồng rút súng ra bắn một phát chỉ thiên. Địch ở bên dưới tưởng có du kích mai phục, vội vàng tháo chạy. Cán bộ ta ở trên đỉnh núi nghe tiếng súng cũng rút ngay…”. 

Nghe xong, tôi tiếc ngẩn người, vì giá mà được nghe Bác kể trước mà đưa vào phim sẽ có thêm một đoạn hay và lý thú”(Kể chuyện Bác Hồ - NXB Văn hóa dân tộc - 1977).

Trung thực là phẩm chất hàng đầu làm nên nhân cách nghệ sĩ. Trở lại câu chuyện về tin đồn đạo diễn “quyên sinh”. Tôi đã đến khu tập thể điện ảnh ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để hỏi những người cùng tuổi với ông. Nhà nhiếp ảnh Phó Văn Hợi, một người đi chụp ảnh cho phim “Kim Đồng”, một nhân chứng lão làng của ngành, cười lớn. 

Ông Phó Văn Hợi kể, vì tuổi cao nên đạo diễn Nông Ích Đạt thường khó ngủ. Buổi tối, hai ông bà thường đi dạo quanh khu tập thể. Tất nhiên, trong lúc đi dạo, gặp hàng xóm, họ thường chào hỏi. Và để có giấc ngủ sâu, đạo diễn đã uống thuốc ngủ. Và ông thường ngáy rất to, lại còn dậy muộn. Mà các nhà trong khu tập thể ngày ấy có kín đáo gì. Nhà này nói to, nhà khác nghe thấy. Tiếng ngáy của ông đã khiến mấy người giàu trí tưởng tượng đồn lên câu chuyện “ngủ say như chết”. Hư bẩy thực ba, thế là thành tiếng đồn bất lợi cho vợ chồng ông.

Tôi cũng được nhà quay phim Ngô Tạo Kim ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội giới thiệu với ông Hoàng Quang Sinh, người em họ của đạo diễn Nông Ích Đạt, ở Thái Nguyên. Mẹ ông Đạt là chị ruột của bố ông Sinh. 

Ông Sinh cho biết, họ Nông và họ Hoàng là hai dòng họ lớn ở Cao Bằng. Ông Đạt còn có người anh họ là Hoàng Quang Thiện, học ngành sân khấu ở Bungari, sau làm ở Nhà hát Tuổi trẻ và một người em họ nữa là Hoàng Quang Minh làm quay phim bên quân đội. Tính cách của ba anh em đều giống nhau ở điểm: họ cần mẫn làm việc, không đố kỵ, không màng danh lợi.

Ông Sinh nói, người ta đồn anh tôi không được phong nghệ sĩ Ưu tú thì oan cho anh tôi quá! Tôi biết anh tôi là người thế nào. Ông rất yêu đời. Cứ nhìn ông cẩn trọng dàn dựng từng cảnh kỹ thế nào thì biết. Tính cách ông rất hiền lành, lương thiện, không ưa sự dối trá. Đặc biệt, ông rất hóm hỉnh, đùa những câu rất thông minh. 

Anh tôi chỉ buồn một chuyện nhỏ. Đấy là khi anh được phân công làm một bộ phim khác. Anh đã lăn lộn mấy tháng trời ở vùng núi Tây Bắc. Và đã làm xong phân cảnh phim, chọn diễn viên… Có thể nói, mọi công việc cho ngày bấm máy đã chuẩn bị xong. 

Nhưng bỗng ông Đạt bị tai nạn, gãy chân. Phải vào bệnh viện nằm mấy tháng liền. Nhưng anh không biết, ở ngoài, Ban giám đốc đã phân công người khác làm phim này. Và còn buồn hơn, khi làm phim xong, người ta không có một dòng nhắc đến ông. Nhưng ông Đạt hiểu rằng, nhân tình thế thái là như vậy. Chỉ tiêu làm phim có hạn mà người xếp hàng thì đông. 

Ông Sinh nhắc mấy câu tục ngữ của người Nùng Cao Bằng mà hai anh em thường nói với nhau: “Kin nặm lèo kẹo”- “Uống nước cũng phải nhai” và “Hất ngay kin bấu lẹo, cốt kẹo kin bấu đo”- “Làm ăn đường hoàng ăn không hết, làm ăn gian giảo chẳng đủ no”.

Đạo diễn Nông Ích Đạt là vậy. Sau này, những người từng cộng tác với ông, là diễn viên trong phim của ông như nghệ sĩ Tố Uyên, Bùi Bài Bình… mỗi khi nhắc về ông, đều nói những lời trân trọng. Tin rằng, một ngày gần đây, những đóng góp của đạo diễn Nông Ích Đạt cho ngành điện ảnh nước nhà sẽ được những cơ quan có trách nhiệm xem xét lại và ghi nhận xứng đáng

Đoàn Tuấn
.
.