Một góc nhìn về chức vô địch Đông Nam Á của Đội tuyển Việt Nam:

Đã thấy một con đường!

Thứ Ba, 25/12/2018, 16:02
Có nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau về chức vô địch AFF Suzuki Cup năm 2018 của Đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhìn ở góc độ lịch sử nền bóng đá, có vẻ như giá trị lớn nhất mà chức vô địch lần này đem lại là chúng ta đã nhận ra những phẩm chất căn cốt mà trước đó chúng ta vẫn tưởng nó không thuộc về mình.

Đội tuyển Việt Nam cần phải chơi một thứ bóng đá như thế nào để phù hợp với mình nhất? Đấy là một câu hỏi nhức nhối kể từ năm 1991 - năm bóng đá Việt Nam chính thức hội nhập trở lại với làng túc cầu quốc tế.

Và trước câu hỏi đó, gần như ai cũng trả lời chung chung rằng: cầu thủ Việt Nam nhỏ bé, nhưng khéo léo, nhất định phải sử dụng một thứ bóng đá giàu kĩ thuật. Và có ít nhất 2 thời điểm, chúng ta nghĩ rằng thứ bóng đá giàu kĩ thuật này đồng nghĩa với một lối chơi tấn công mềm mại, áp đặt đối phương.

Thời điểm thứ nhất là AFF Suzuki Cup năm 2010, giải đấu mà Đội tuyển Việt Nam tham dự với tư cách nhà đương kim  vô địch. Tất cả các trận đấu ở vòng bảng trên sân nhà Mỹ Đình chúng ta đều đá tấn công kĩ thuật.

Sau khi công đều, công mạnh nhưng lại thua Philippines 0-2, ông Calisto thậm chí còn không chịu bắt tay HLV trưởng MC Menemy của Philippines với lý do: "Ông ấy cho cầu thủ quây kín trước gôn nhà, và theo tôi đấy không phải là bóng đá". 

Vào bán kết, trước một Malaysia được đánh giá là mạnh hơn cả Philippines ông Calisto vẫn nói cứng: "Chúng tôi sẽ tấn công". Có một chuyện hậu trường ít người biết là khi mang quân sang Malaysia đá bán kết lượt đi và nghe ông Calisto nói về tư tưởng "đôi công" thì phó chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn tưởng ông Calisto nói vậy để... tung hoả mù. 

Vì theo quan điểm của ông Tuấn, trận ấy cứ thủ chắc với mục tiêu không thủng lưới, rồi đợi lượt về trên sân nhà kết liễu đối thủ là "OK" nhất. Thế nên trong cuộc họp đấu pháp sau đó, khi nghe ông Calisto chính thức bày trận đôi công thì ông Tuấn đã rất bất ngờ. 

Khi ngồi riêng với nhau, ông Tuấn một lần nữa nói về việc "cần phải thủ chắc" thì Calisto xua tay với lý do: Chúng ta đang là nhà vô địch, và chúng ta phải thể hiện hình ảnh nhà vô địch. Trận đấu ấy, đúng là Việt Nam ồ ạt "ép" chủ nhà Malaysia về nửa phần sân chủ nhà, để rồi sau đó thua 0-2 và bị loại.

Sau thất bại tại bán kết AFF Cup 2010, ông Calisto bị hoạnh họe rất nhiều về việc tại sao lại đôi công? Và cho đến cuộc trả lời báo chí cuối cùng trước khi rời Việt Nam sang Thái Lan hành nghề, ông vẫn trần tình rất nhiều quanh câu hỏi ấy. Bây giờ nhìn nhận lại, có thể kết luận một cách sòng phẳng rằng, ngay cả khi vào giải với tư cách một nhà vô địch thì Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa đủ sức đá tấn công áp đặt với tất cả các đối thủ trong cái "ao làng" Đông Nam Á.

HLV Park Hang-seo xứng đáng được ca ngợi.

Thời điểm thứ hai mà các nhà chuyên môn và người hâm mộ bóng đá Việt Nam mơ mộng đặc biệt vào một thứ bóng đá tấn công kĩ thuật là khi mà lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai trình làng năm 2014. Hồi ấy, khi trở thành nòng cốt của Đội tuyển U.19 Việt Nam, lứa cầu thủ này quả nhiên đã có những trận đôi công đẹp mắt, khiến cho ngay cả HLV của một đội bóng đến từ châu Âu là U.19 AS Roma (Italia) cũng phải trầm trồ khen ngợi. 

Xem thứ bóng đá đập - nhả sướng con mắt của lứa cầu thủ này, đã có bình luận viên so sánh với thứ bóng đá Tiqui - taca của CLB Barcelona và đặt cho một vài cầu thủ những biệt hiệu như "Messi của Việt Nam" hay "Xavi Việt Nam"... 

Thực tế, thứ bóng đá với tư tưởng áp đặt đối thủ cũng giúp lứa cầu thủ này vô địch giải U.21 quốc tế báo Thanh niên - một giải đấu mang tính giao hữu thuần tuý. Còn ở những giải đấu chính thức khác như giải vô địch U.19, U.22 Đông Nam Á, lứa cầu thủ này đều thua ở chung kết trước những đối phương không khéo hơn nhưng khoẻ hơn và tổ chức lối chơi khoa học hơn nhiều. 

Đến giải U.19 châu Á - giải đấu mà chúng ta đặt mục tiêu phải vào tốp 4 để giành vé tham dự VCK U.20 thế giới thì lứa cầu thủ này thất bại ngay từ vòng bảng. 

Sự thật đó một lần nữa khẳng định: dù được đầu tư kỹ, dù có sự chuẩn bị lâu dài, bài bản cho những giải đấu mang tính chiến lược thì một lứa cầu thủ tài năng mới của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể thành công với thứ bóng đá tấn công. Nếu phải kể thêm một thất bại xương máu nữa của thứ bóng đá này thì đó chính là thất bại ở SEA Games năm 2017. 

Khi ấy HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã làm đúng những gì mà ông bầu Đoàn Nguyên Đức mong muốn: lấy quân Hoàng Anh làm nòng cốt, đá tấn công, để rồi cuối cùng đã phải về nước ngay sau vòng bảng. 

Trở lại với những gì mà Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đã làm ở AFF Suzuki Cup năm nay. Thực tế là cả hai trận đấu với những đối thủ rất dưới là Lào và Campuchia, đội bóng của ông Park đã tấn công từ đầu đến cuối. 

Một vài thời điểm trong các trận đấu với Myanmar, Philippines, Malaysia..., chúng ta cũng bất ngờ đôi công, Pressing ngay trên phần sân đối thủ để tạo bất ngờ cho đối thủ. Nhưng sau những thời điểm tạo bất ngờ như vậy, trong những khoảng thời gian then chốt nhất của một cuộc đấu, đội bóng của ông Park luôn vận hành với tư tưởng phòng ngự chặt - phản công nhanh. 

Thế mới có chuyện, ông thường xuyên đảo các vị trí ở hàng công nhưng riêng 3 vị trí ở hàng thủ là Duy Mạnh - Đình Trọng - Ngọc Hải thì ổn định từ đầu tới cuối. Và thế mới có chuyện chúng ta đã thắng đối thủ trong những trận đấu mà thời lượng kiểm soát bóng của chúng ta thua đối thủ.

Trận chung kết lượt về với Malaysia chính là đỉnh cao của lối chơi khoa học, lạnh lùng và hiệu quả mà ông Park xây dựng. Đấy là trận đấu mà sau khi có bàn từ rất sớm, rõ ràng nhiệm vụ phòng ngự được đặt lên số 1. Đấy cũng là trận đấu mà rất nhiều thời điểm ở hiệp 2, các học trò của ông đã nằm sân "cắt vụn" trận đấu để "phá" đối phương. Bởi vì lúc ấy, "phá" đối phương, chứ không phải là "khiển" đối phương, càng không phải là "áp đặt" đối phương mới là mục tiêu sống còn.

Không chỉ khoa học, thực dụng trong cách chơi bóng, các học trò của ông Park càng ngày càng cho thấy họ còn rất lạnh trong việc kiểm soát tâm lý của mình. 

Nó được thể hiện rất rõ ở việc sau khi có bàn dẫn trước, cả đội không bị hưng phấn quá đà, vì ai cũng hiểu, hưng phấn quá đà sẽ tạo ra những tác động hai mặt: hoặc có thể ghi thêm bàn, hoặc có thể bất ngờ bị phản đòn và thủng lưới. Mà lúc đó thì mục tiêu không bị thủng lưới quan trọng hơn mục tiêu ghi bàn. 

Các lứa cầu thủ Việt Nam trước đây, kể cả lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức... lẫn lứa Công Vinh, Tấn Tài... đều không có khả năng kiểm soát cảm xúc như vậy. Các trận đấu của cả hai lứa cầu thủ này vì vậy thường tạo cho người xem cảm giác "thót tim", chứ ít khi tạo ra cảm giác an toàn, chắc chắn.

Nhìn lại lịch sử nền bóng đá kể từ thời hội nhập đến nay, cho đến trước khi ông Park xuất hiện cũng có ít nhất 2 thời điểm chúng ta chơi thứ bóng đá dựa trên sức mạnh nhiều hơn là kĩ thuật. 

Đó là thời điểm Đội tuyển được dẫn dắt bởi HLV người Anh, Colin Murphy tại SEA Games năm 1997 và thời điểm được dẫn dắt bởi HLV người Nhật, Toshiya Miura tại SEA Games năm 2015 và AFF Suzuki Cup năm 2014. Nhưng cả hai thời điểm này, thành tích tối cao mà bóng đá Việt Nam có được trong các giải đấu khu vực đều chỉ là vào đến vòng bán kết rồi thôi. 

Bên cạnh những yếu tố khách quan về sân bãi, về may rủi, về binh tình đối phương, cũng có một sự khác biệt căn bản trong tư duy vận hành đội bóng của các ông thầy. Với ông Colin Murphy một lối chơi Ăng lê theo đúng kiểu tấn công biên - tạt cánh - đánh đầu được áp dụng một cách triệt để, và mức độ triệt để ấy khiến cho những tố chất vốn có của cầu thủ Việt Nam không thể phát huy. 

Còn với ông Toshiya Miura thì tất cả các cầu thủ cơ bắp được chọn lựa, tất cả các cầu thủ kĩ thuật bị gạt ra. Thứ bóng đá cơ bắp của Miura đơn giản chỉ là những quả phất bóng vượt tuyến từ hàng thủ lên hàng công- một thứ bóng đá mà sau đó đã bị chính các cầu thủ phản ứng, bằng cách này hay cách khác.

Với ông Park Hang Seo, có một khác biệt căn bản: vẫn là tư tưởng phòng ngự thực dụng, nhưng bên cạnh những cầu thủ cơ bắp, ông vẫn "cài" vào đó những cầu thủ tinh quái, có tố chất kĩ thuật cao như Quang Hải, Văn Đức hay Công Phượng. 

Những đường phản công mà ông Park áp dụng không phải là những đường tạt bóng - đánh đầu thời Colin, cũng không phải những đường phất thẳng vào trung lộ đối phương thời Miura, mà là những đường phản công dựa trên những pha chồng biên, phối hợp tam giác, nơi những cầu thủ có tố chất kĩ thuật vẫn có đất để phát huy.

Đã đành ông Park thuận lợi hơn những HLV tiền nhiệm của mình ở chỗ, thế hệ cầu thủ ông đang sở hữu vừa "sạch sẽ" vừa "chuyên nghiệp" - một thế hệ được trui rèn bởi "công nghệ đào tạo" của các lò đào tạo hiện đại, chứ không phải là sản phẩm của "chủ nghĩa kinh nghiệm" như trước nữa, nhưng tính hợp lý trong cách tổ chức đội bóng của ông Park cũng là điều không thể nào phủ nhận. 

Cách tổ chức đội bóng ấy đoạn tuyệt hoàn toàn với những suy nghĩ trước đó của chúng ta, rằng cầu thủ Việt Nam có thể đôi công, áp đảo đối phương, và rằng cầu thủ Việt Nam không phù hợp với thứ bóng đá quá lạnh lùng chặt chẽ.

Với ông Park và với chức vô địch AFF Suzuki Cup năm nay, bóng đá Việt Nam đã nhìn thấy một con đường sáng sủa. Ở đời, đôi khi chỉ cần nhìn thấy một con đường sáng sủa đã là điều vô cùng may mắn.

Vấn đề còn lại nằm ở chỗ, những nhà hoạch định chiến lược nền bóng đá cần phải có những đúc rút và hành động phù hợp, để cùng với dòng thời gian,  con đường sáng sủa ấy không phải là một con đường bị bỏ quên.

Cả Thái Lan lẫn Malaysia đều ấn tượng

Mặc dù thua Việt Nam trong trận chung kết, nhưng thứ bóng đá Malaysia đang có vẫn ghi điểm trong mắt những nhà chuyên môn Đông Nam Á. 

Bởi khách quan, cầu thủ Malaysia không đồng đều như cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan, nhưng với một lối chơi mang tính tổ chức cao và khả năng tận dụng cơ hội tuyệt vời, họ vẫn có thể vượt lên chính mình để vào bán kết. Với cách tổ chức đội bóng kiểu này, Malaysia sẽ còn tiến xa. 

Với Thái Lan, có một chút tiếc nuối khi họ đá hỏng quả Penalty ở phút thứ 90+4 trong trận bán kết lượt về, để rồi bị loại trong đường tơ kẽ tóc, nhưng đừng vì thế mà xem nhẹ Thái Lan. 

Lối chơi mà HLV châu Âu Rajevac đang xây dựng cho Thái có thể không đẹp như thứ bóng đá tấn công quyến rũ thời Kiatisak, nhưng chính nhờ lối chơi khoa học - thực dụng này, chắc chắn Thái sẽ hiệu quả hơn khi phải đối đầu với những ông lớn tầm châu lục. 

Với người Thái hiện nay, thêm một chức vô địch "ao làng" Đông Nam Á thì cũng chỉ là thêm một niềm vui. Mượn "ao làng" để thử nghiệm mình, chuẩn bị cho những trận đánh lớn hơn có lẽ mới là mục tiêu đích thực. Asian Cup (giải vô địch bóng đá châu Á) sắp diễn ra, và hãy chờ xem ở giải đấu ấy những đội bóng Đông Nam Á sẽ thể hiện mình ra sao?

Diệp Xưa
.
.