Cú bẻ lái của Rap Việt

Thứ Hai, 17/08/2020, 21:51
Ở Việt Nam, sự đại chúng hóa nhạc Rap lại liên quan nhiều hơn đến sự thay đổi của chính Rap để trở nên vừa vặn với người nghe.

Giây phút mà lần đầu tiên ở Việt Nam, có một cuộc thi tìm kiếm tài năng dành riêng cho nhạc Rap trên sóng truyền hình quốc gia, có lẽ nó cũng quan trọng với Rap Việt theo cách mà ở Mỹ, sự kiện hội đồng chấm giải của Pulitzer vinh danh rapper Kendrick Lamar đã ảnh hưởng tới đời sống Rap phương Tây.

Từ một thứ âm nhạc đường phố bị những kẻ có học kỳ thị, nó cuối cùng đã được thừa nhận một cách nghiêm túc và đích đáng và không còn bị xem như một trò đùa hay thậm chí, một mớ rác rưởi. 

Mặc dù thế, nếu như đối với nền âm nhạc phương Tây, sự thừa nhận nhạc Rap liên quan nhiều hơn đến sự mở rộng biên độ âm thanh của đôi tai những nhà phê bình bảo thủ, thì ở Việt Nam, sự đại chúng hóa nhạc Rap lại liên quan nhiều hơn đến sự thay đổi của chính Rap để trở nên vừa vặn với người nghe.

Nhân khi xem những ca khúc được biểu diễn trong chương trình “King of Rap”, tôi bắt đầu lần mò lại những viên gạch đầu tiên của Rap Việt. Là một người thuộc thế hệ thiên niên kỷ, tôi bắt đầu có những ký ức đầu tiên về việc người ta nói trong một ca khúc vào thời những năm 2006 - 2007, với sự xuất hiện của những cái tên "Âu hóa" Young Uno, Andree và Lee7. 

Từ phần lời lãng mạn tình yêu đến kiểu Rap thì thà thì thào dường như đều học từ Châu Kiệt Luân, ông vua nhạc Hoa khi ấy và đang nổi tiếng rầm rộ trong giới thiếu niên mê phim Đài Loan và thích đọc báo Hoa Học Trò. Nhưng hóa ra, Rap Việt đã có mặt từ rất lâu trước đó nữa.

Không có một tài liệu xác thực hay một nghiên cứu chính thống nào, nhưng trong giới mê Rap, phần đông coi mốc 1997 là thời điểm ra đời ca khúc Rap Việt đầu tiên: Vietnamese Gang của Khánh Nhỏ và Thái Việt G, một ca khúc thể hiện hoàn hảo sự lai tạp còn chưa nhuần nhuyễn, ra đời ở Mỹ và thậm chí không hoàn toàn được viết bằng tiếng Việt. 

Đậm chất băng đảng, sừng sỏ và có phần gây hấn theo kiểu gangsta Rap, Vietnamese Gang thậm chí có thể coi như một kiểu "bài ta theo điệu Tây" thời hiện đại. Cũng có phần thú vị khi một thứ âm nhạc đời mới, ngoại lai như vậy thực ra lại nối dài sợi chỉ xuyên suốt trong sự phát triển của nhạc Việt từ thời Pháp thuộc, đó là sự vay mượn nước ngoài.

Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có những rapper nổi tiếng nhờ hát về… thanh xuân như Da LAB.

Những dấu ấn của Vietnamese Gang hầu như không còn có thể thấy lại ở những bản nhạc Rap thịnh hành đương thời của Đen Vâu, Hà Lê, Da LAB, hay những bản nhạc được biểu diễn trên chương trình King of Rap.

Cái vẻ tăm tối, thách thức, đường phố, bất cần đời ấy đã biến mất. Rap Việt giờ đây sạch sẽ, mịn màng và thơm tho như xức nước hoa, đến cái mức chỉ cần một tựa đề ca khúc hơi không ngay ngắn một chút như "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" cũng có thể gây nên một cuộc bút chiến về… sự tục tĩu của Rap. Và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có những rapper nổi tiếng nhờ hát về thanh xuân hay tình yêu đơn phương mơ mộng.

Ngẫm lại, sự trỗi dậy của Rap Việt từ thế giới ngầm có gì đó khá giống với sự đổ bộ của văn hóa Rock miền Nam vào miền Bắc. Rock ban đầu bị coi là thứ nhạc nguy hiểm, suy đồi, kích động, cổ vũ ăn chơi thác loạn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Thì cũng đúng, những rocker theo đúng nghĩa đen như Mick Jagger, Keith Richards, Jimi Hendrix đều cổ vũ một cuộc sống phóng túng, thậm chí là trụy lạc, buông thả, hư hỏng, phạm pháp. 

Thứ âm nhạc lang bạt ấy chỉ được đại chúng Việt  Nam chấp thuận khi xuất hiện những ban nhạc rock là những sinh viên có học thức, sáng tác những bài ca lành mạnh, truyền đi thông điệp sống hết mình mà không cần nổi loạn. "Chủ nghĩa lý tưởng mà họ thể hiện thông qua ca từ cố ý đối trọng những khuôn mẫu tiêu cực thường liên quan đến nhạc rock quốc tế đã miễn cho các rocker Việt những lời đả kích của phương tiện truyền thông" - theo nhà soạn nhạc Jason Gibbs trong một tham luận về rock Việt.

Với Rap Việt, câu chuyện cũng thế. Những bản nhạc Rap thời thượng nhất có vẻ dễ thương nhiều hơn là sắc sảo, trong sáng lãng mạn hơn là bị ám ảnh bởi tiền bạc, súng đạn, tù tội và bản ngã. Hãy thử so sánh hai bản nhạc Rap nổi bật nhất của nước Mỹ và của Việt Nam cùng trong một thời điểm năm 2018.

 Ở Mỹ, chắc chắn 2018 là năm của Childish Gambino cùng "This is America" giễu nhại một nước Mỹ bạo lực, bất ổn và đen tối. Còn ở Việt Nam, 2018 có "Đố em biết anh đang nghĩ gì" của Đen Vâu và Justa Tee, một ca khúc Rap kẹo ngọt và đường phèn. Những rapper nổi tiếng ở Việt Nam cũng tỏ ra khiêm tốn nhiều hơn là tự đại. Nếu như Kanye West khẳng định "I am a God" - tôi là một vị Chúa, thì Đen Vâu khẳng định mình "không phải là một thần thánh".

Quá trình bản địa hóa đã phủ định tinh thần nguyên bản của Rap. Còn nhớ vài năm trước, trong một chương trình phát sóng trực tiếp, Sơn Tùng đã gây tranh cãi với một đoạn Rap tự ca ngợi bản thân: "Lãng tử hào hoa/ It's me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời". Sơn Tùng ngay lập tức bị cho vào tầm ngắm của nhiều nghệ sĩ đàn anh. Anh bị xếp vào dạng ngông cuồng, học đòi, không phù hợp với văn hóa Việt.

Họ đều nói đúng, nó không phù hợp với văn hóa Việt, nhưng đây chính là văn hóa của Rap, hay Hip hop.

"Tôi là người vĩ đại nhất", sáu tháng trước khi Muhammad Ali trở thành nhà vô địch quyền Anh hạng nặng và cải sang đạo Hồi, ông - khi ấy còn là Cassius Clay - tuyên bố như vậy thông qua một album nói. Đó là một album mà trong đó, Cassius Clay nói nhăng nói quậy, và nói theo vần điệu nhịp nhàng, với tiếng nhạc rổn rảng như thu âm từ một chương trình tạp kỹ. 

Clay không ngại hạ bệ đối thủ và tâng bốc chính mình: "Tôi sẽ không nhớ quyền Anh đâu, quyền Anh sẽ phải nhớ tôi", "Lỗi lầm duy nhất của tôi là tôi đã không nhận ra mình vĩ đại thế nào", "Nếu anh mơ thấy mình hạ được tôi, thì anh nên tỉnh dậy và xin lỗi đi". Những tuyên ngôn tưởng như vô bổ và tự mãn đến mức người ta phải tự hỏi nó có phải là tự trào một cách thâm thúy hay không, cuối cùng, đã trở thành một dấu mốc biến đổi âm nhạc mãi mãi. 

Và lịch sử âm nhạc coi Muhammad Ali, tay đấm huyền thoại với "cú đấm đau như ong chích, né đòn nhanh như bướm vờn và khỏe như bọ cánh cứng", chính là một trong những nghệ sĩ hip-hop đầu tiên trong lịch sử, nếu không nói ông chính là người đầu tiên.

Đen Vâu thuộc về một "làn sóng mới" đưa Rap Việt từ thế giới ngầm bước ra ánh sáng.

Cho nên, nếu có một khởi điểm gì của Hip hop, thì chính là như thế: sự tán dương chính mình, sự kiêu hãnh đến kiêu ngạo, cái tôi, bạo lực, sự đối đầu, những cú nốc-ao bằng từ ngữ - tất cả những thứ giữ cho một người da đen tồn tại và ngẩng cao đầu trên đất Mỹ. 

Tất nhiên, người ta khoái chí và vỗ đùi khi nghe Muhammad Ali lộng ngôn như thế, họ còn thấy ông thật ngầu là khác. Nhưng nếu là Sơn Tùng nói thì nhất định không thể chấp nhận được. Bởi cậu ta không phải người da đen hay người Mỹ. Ở mặt nào đó thì đây cũng là một dạng "tiêu chuẩn kép" - tức là đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức khác nhau đối với những đối tượng khác nhau.

Dù không lên tiếng suốt thời gian đó, Sơn Tùng cũng tự biết để "tém tém" lại và không viết những ca từ xấc xược như vậy nữa. Thị trường có nguyên tắc của thị trường và không có nghệ sĩ nào đặt ra luật chơi cho thị trường, họ chỉ có thể tuân theo.

Mặc dù vậy, những cái mà ta nhìn thấy đang trôi nổi trên bề mặt Rap Việt không phải là toàn bộ Rap Việt đương đại. Vẫn còn đó những tay rapper "giang hồ" của thế giới ngầm nghênh chiến lẫn nhau, những cuộc chiến diễn ra thầm lặng và kết thúc cũng không kèn không trống, ít nhất là đối với thính giả đại chúng.

Hồi tháng sáu năm nay, khi vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát hạ sát gây rúng động thế giới, nữ rapper Suboi - một trong những nữ rapper thành công hiếm hoi ở Việt Nam - đã viết trên facebook một bài dài về lịch sử âm nhạc của những người da đen, và đặc biệt là lịch sử nhạc Rap. 

Cô kêu gọi một sự tìm hiểu có trách nhiệm về một thứ âm nhạc mà ta nghe hằng ngày, và cho rằng: "Những người nghe nhạc "chất", những "người học trò của Hip hop" đừng chỉ lấy văn hoá của người ta biến nó thành của mình, mà cần hiểu vì sao trên đời lại xuất hiện một thứ văn hoá như vậy".

Bài viết này có lẽ cũng không nằm ngoài mục đích đó. Chúng ta hãy cứ nghe thứ Rap mà chúng ta thích, dù nó rất khác so với thứ Rap của người da đen. Chúng ta hãy cứ tha hồ biến đổi nó miễn là hợp với đôi tai của ta, vì nó là một phần của sự toàn cầu hóa âm nhạc. Nhưng đừng vì điều đó mà quên đi rằng, Rap có thể khác, rất khác so với những gì ta muốn nghĩ về nó và muốn áp đặt cho nó, và ngay cả khi nó vẻ kém văn minh nhất, nó vẫn là một phần của Rap.

Hiền Trang
.
.