Con đường mới cho những sản phẩm "made in Vietnam" chất lượng cao

Thứ Bảy, 27/10/2018, 10:48
Crowdfunding (Gây quỹ cộng đồng) có thể hiểu nôm na là kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để giúp chủ một dự án huy động được vốn để hoàn thành dự án hay sản phẩm.

Thời gian vừa qua có một số Crowdfunding về lĩnh vực giải trí (điện ảnh, sách…) đã gặt hái được những thành công. Điều này phần nào chứng tỏ chưa bao giờ người Việt quay lưng với những sản phẩm Việt - đặc biệt là những sản phẩm chất lượng.

1. Nguyễn Lê Hoàng Việt là một cái tên còn khá mới mẻ đối với Điện ảnh Việt Nam nói chung.

Anh được đánh giá là đạo diễn trẻ, có triển vọng với một số giải thưởng như giải "Búp sen vàng" dành cho những nhà làm phim trẻ; giải "Tài năng châu Á" từ Ban giám khảo Liên hoan phim Asia Express dành cho bộ phim "Hạt cam và con mèo vàng không tuổi"…

Dù vậy, đạo diễn này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai những dự án làm phim của mình.

Năm 2016, Việt khởi quay bộ phim "Bạn cùng phòng". Song vì nhiều lý do (trong đó đặc biệt là thiếu kinh phí) nên bộ phim bị trì hoãn vô thời hạn. 

Cuối năm đó Việt cùng các nhà sản xuất quyết định đưa bộ phim trở thành dự án gọi vốn cộng đồng. Kinh phí kêu gọi vốn thành công dùng để chi trả cho các khâu hậu cần, thiết bị, bối cảnh, hậu kỳ của phim, phần còn lại sẽ dành để thực hiện quà dành tặng người ủng hộ. Việt và êkip hy vọng sẽ "gọi" được 85 triệu đồng trong vòng 60 ngày.

Nhà báo Lê Hồng Lâm trong buổi ra mắt cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" và cũng là một dự án crowdfunding thành công ngoài mong đợi.

"Ban đầu mình cũng khá tự tin khi mở chiến dịch, và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng thì những khoản tài trợ ít dần. May mắn đến phút chót thì đã cán đích, thậm chí vượt mức 85 triệu đồng đề ra"- Việt chia sẻ.

Khi đã đủ kinh phí, Việt đẩy nhanh tiến độ dự án. Và bộ phim "Bạn cùng phòng" đã ra mắt vào đầu năm 2018, được khán giả và các nhà phê bình đánh giá cao. Tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV bộ phim này đã được nhận giải thưởng đặc biệt của Ban Giám khảo Chợ Dự án phim HANIFF...

2. "Thành công ngoài sức tưởng tượng" - đó là tâm sự của Nhà báo/Cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm khi mà dự án Crowdfunding của anh cán đích trước thời hạn và đạt tới 190% so với mục tiêu đề ra.

Dự án crowdfunding cho cuốn sách "101 Bộ phim Việt Nam hay nhất" của Lê Hồng Lâm được khởi động từ tháng 5-2018. Độc giả tham gia dự án sẽ đặt mua trước (pre - order) cuốn sách này bằng cách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, với mức giá không hề bình dân chút nào: 300 ngàn đồng cho 1 cuốn sách khoảng 500 trang. Mục tiêu của dự án là bán được 500 cuốn sách trong vòng 60 ngày!

Và chỉ sau chưa đầy 2 tháng, đã có tới gần 1.000 cuốn sách được pre-order, biến dự án này trở thành một trong ít dự án crowdfunding thành công nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Tháng 10 vừa qua, chủ dự án đã tổ chức hai buổi ra mắt sách tại Hà Nội và TP HCM, và đều được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả.

Nhưng hai dự án trên chỉ là những điểm sáng hiếm hoi trên bầu trời Crowdfunding Việt. Đã có khá nhiều những dự án trong mảng công nghệ/ giải trí thực hiện việc gọi vốn từ cộng đồng, song hiệu quả đạt được lại rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại!

3. Ở Việt Nam thì như vậy, còn ở các nước phát triển những dự án Crowdfunding được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp và thường được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.

Đơn cử như ở bên Mỹ, họ có các quỹ như "Kickstarter" hay "Indiegogo" với số vốn hàng tỷ đô la. Đây là quỹ do các cá nhân hoặc doanh nghiệp đóng góp sẵn. Bất kỳ ai có ý tưởng hay, mục tiêu hợp lý… cho dự án của mình đều có thể nhận được một số vốn nhất định để triển khai.

Ngoài ra, một số công ty lớn thường sử dụng một hình thức Crowdfunding khác để gọi vốn, đó là pre-order. Đơn cử như năm 2008, dự án sản xuất xe điện của hãng Tesla do tỷ phú Elon Musk khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ lớn của người dân nước này.

Những chiếc xe hơi chạy bằng pin như TeslaS, Tesla X, xe tải điện… đều nhận được rất nhiều đơn đặt hàng khi mà nó mới chỉ là phiên bản thử nghiệm. Đặc biệt chiếc Tesla Model 3 còn nhận được đến 230 ngàn đơn đặt hàng chỉ trong ngày đầu mở bán!

Doanh nhân Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ), người sáng lập hãng công nghệ Misfit Wearables (chuyên về thiết bị đeo tay thông minh) tại Mỹ từng thừa nhận có thể đã không thành công nếu không tiếp cận được nguồn vốn theo mô hình crowdfunding. Dự án mang tên "Misfit Shine" của ông đã thu hút được hơn 800.000 USD từ gần 8.000 nhà tài trợ từ quỹ IndieGoGo - vượt xa số vốn mà ông Sơn mong đợi ban đầu là 100.000 USD.

Hay như Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính Trần Việt Hùng (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng đã huy động thành công hơn 9 triệu USD cho dự án GotIt! (ứng dụng giáo dục giúp người dùng giải đáp các bài tập của mình thông qua smartphone). Hiện dự án này đang phát triển rất mạnh, và được đánh giá cao trong cộng đồng.

4. Xét về khía cạnh kinh tế mà nói, không dễ để thực hiện một dự án crowdfunding thành công.

Người dân khi tìm một món hàng bên cạnh việc mua trực tiếp tại cửa hàng thì hiện tại nhiều người đã khá quen thuộc với việc giao dịch qua mạng Internet, thông qua các trang thương mại điện tử. Và gần như tất cả các mặt hàng đều được bán theo dạng COD (Cast On Delivery - được kiểm tra hàng, hài lòng mới trả tiền). 

Chỉ cần một vài "click" là sau một vài ngày, thậm chí một vài giờ hàng sẽ được giao đến tận tay khách. Khách hàng có thể xem xét chán chê - hoặc dùng thử 1 đến 2 tuần - rồi mới quyết định có mua hay không.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Lê Hoàng Việt cũng gặt hái được thành công trong dự án crowdfunding cho bộ phim "Room Mate" (Bạn cùng phòng).

Trong một nền kinh tế "ngập ngụa" hàng hóa như hiện nay, thì một số mặt hàng mà người mua phải "order" (đặt trước, đã có sẵn hàng) phải thuộc dạng có thương hiệu, đã được kiểm chứng - nghĩa là chiếm được ít nhiều niềm tin của khách hàng. 

Còn loại pre-order (hàng không có sẵn, phải đặt trước và chờ một khoảng thời gian tương đối lâu mới nhận được hàng) thì phải thuộc dạng cực kỳ đặc biệt, chiếm được niềm tin tưởng lớn của người sử dụng. Những mặt hàng trong dự án crowdfunding chính là thuộc dạng thứ ba này.

Cũng bởi là món hàng đặc biệt nên chủ dự án phải là một cái tên có "tem nhãn" khiến người mua tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Bởi nếu khi kết thúc dự án, chất lượng của sản phẩm không tương xứng với kỳ vọng của khách hàng đã "pre- order", rất có thể nó sẽ là dấu chấm hết cho những dự án tiếp theo, thậm chí làm hoen ố tên tuổi của chủ dự án.

Và nói một cách khách quan, đa phần người dân Việt Nam gần như chưa có thói quen pre-order sản phẩm. Ngoài vấn đề hàng hóa quá dư thừa, cái gì cũng có "ngay và luôn" - khiến cho người Việt gần như không có khái niệm kiên nhẫn chờ đợi để được mua một món hàng, thì phải chăng niềm tin của người Việt vào những sản phẩm "made in VN" vẫn còn rất thấp!?

Theo kết quả điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 thì chỉ có 27% người tiêu dùng "yêu thích" và 32% "chọn" mua hàng hóa nội địa. Nhiều người chỉ tỏ ra hài lòng, tín nhiệm với những sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài như Mỹ, Châu Âu; Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, thậm chí là hàng có xuất xứ từ… Trung Quốc!

Bên cạnh chuyện chất lượng thấp,  hàng "made in VN" cũng đánh mất đi niềm tin của người Việt bởi những hành vi gian dối.

Còn nhớ năm 2017, thương hiệu khăn lụa "Khaisilk" bị phát hiện là sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, rồi tuồn về Việt Nam đóng mác "Made in Việt Nam". Điều này khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi, liệu còn bao nhiêu sản phẩm "made in Vietnam" mà thực chất là từ nguyên liệu, con người, dây chuyền… nói chung là tất tần tật là của nước ngoài?

Nếu bạn là người mua đã ở trong hoàn cảnh "mua dê được thịt chó", như lụa Khaisilk, liệu bạn còn muốn ủng hộ hàng Việt Nam nữa hay không?

Bạn tôi, một giáo viên trường THPT từng rất tin tưởng vào thương hiệu này đã tâm sự, cô cảm thấy bàng hoàng thậm chí đau đớn khi phát hiện ra sự thật rằng, sự ủng hộ nhiệt thành đối với các sản phẩm quốc nội của mình hóa ra đã bị lợi dụng, bị lừa dối một cách có hệ thống.

5. Rõ ràng, niềm tin về những sản phẩm đạt chất lượng, do những con người tài năng, tâm huyết đã là động lực để nền công nghiệp/ giải trí của nhiều quốc gia cất cánh.

Đó cũng chính là bài học "huy động sức dân" mà cha ông ta đã đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng ở vế ngược lại những người chủ dự án, những người đứng đầu doanh nghiệp phải biết giữ chữ tín với khách hàng, với những người đã tin tưởng ủng hộ mình. Khi đã có trong tay nguồn vốn rồi, thì cần phải được sử dụng một cách thông minh, minh bạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được niềm tin của dân chúng.

Đoàn Ngọc Yên Chi
.
.