Cổ tích của tôi

Thứ Hai, 06/05/2019, 11:14
Năm 21 tuổi, đúng vào thời điểm tôi đang gấp rút làm luận văn tốt nghiệp đại học thì một chuyện không may xảy ra. 

Trên đường đi học về, Nam, bạn trai tôi đèo tôi bằng chiếc xe đạp của Nam. Chúng tôi bị xe ô tô tông vào, Nam không bị sao cả còn tôi, cú ngã đã vĩnh viễn cướp đi một chân của tôi. Tôi buộc phải tháo khớp háng và chỉ còn lại duy nhất một chân phải.

Từ đó tôi làm quen với đôi nạng gỗ và làm quen với nỗi đau, những mất mát không gì bù đắp được. Một cô gái xinh đẹp nổi tiếng học giỏi, hát hay ở trường Đại học Luật HN, vậy mà bỗng chốc, tôi mất đi gần như tất cả, niềm vui trong cuộc sống, hạnh phúc trong tình yêu, và những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ.

Sau tai nạn, tôi phải dừng hẳn việc học, 1 năm trời tôi cùng với mẹ lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện kia để chạy chữa và phục hồi cái chân còn lại để tôi có thể tập chống nạng đi lại bình thường.

Những cơn đau thể xác cũng kinh khủng không kém những cơn đau về tinh thần đang dày vò tôi từng ngày. Một năm ngừng việc học để phục hồi sức khỏe, Nam, người yêu suốt 4 năm đại học đã cố gắng ở bên cạnh tôi, giúp đỡ tôi và động viên tôi để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Nhưng tình yêu của Nam với tôi không đủ lớn lao và vĩ đại đến mức có thể không băn khoăn về cái chân đã mất của tôi, không băn khoăn về việc tôi phải đi bằng nạng gỗ thay vì đôi chân nuột nà xinh đẹp... Và mấu chốt hơn cả là việc hình dung cô dâu trong đám cưới sau này của Nam có thể chỉ có một chân, Nam có thể có một người vợ suốt đời đi nạng gỗ. Cậu ấy có thể cảm thấy hạnh phúc vẫn đủ đầy dẫu người yêu, người vợ của mình chỉ có một chân???

Nam có học thức, có hiểu biết, có suy nghĩ, nhưng tôi lại có một trái tim quá nhạy cảm thông minh để hiểu được những gì diễn ra một năm sau tai nạn trong tình cảm vốn tinh tế và mong manh như tình yêu giữa tôi và Nam.

Tôi đã đọc thấy những gắng gượng đầy mệt mỏi của Nam để cố chứng minh với thiên hạ, và với tôi, rằng cho đến giờ này sau một năm xảy ra chuyện không may khiến tôi mất đi một chân thì Nam vẫn đang ở cạnh tôi, vẫn đang cố để làm tròn bổn phận của một người yêu đối với tôi cho dù tâm trạng của Nam có những lúc phân tán hoang mang rã rời vì ý nghĩ đi hay ở lại? có thể bên tôi suốt đời hay hèn nhát chạy trốn để thoát khỏi gánh nặng với người yêu giờ đã bị thương tật?

Tôi chủ động chia tay Nam vì thấy nếu tiếp tục yêu nhau, thì chính Nam mới là gánh nặng đối với tôi. Mất mát chồng mất mát, đổ vỡ chồng đổ vỡ, tôi rơi vào tận cùng của thất vọng. Nam có lẽ cũng chỉ chờ tôi nói lời chia tay với cậu ấy cho phải phép, cho cậu ấy đỡ phải làm người nói ra lời chia tay, để cậu không phải thấy lương tâm cắn rứt khi bỏ rơi người mình yêu trong hoàn cảnh này.

Chúng tôi chia tay nhau bởi Nam cũng chỉ là người con trai thực dụng và hèn nhát đã không đủ dũng cảm để đối mặt với những khủng hoảng và mất mát của tôi. Với lại tuổi trẻ có những nông nổi...

Một năm vật lộn với bản thân, tôi quyết định lau khô những giọt nước mắt buồn tủi để tiếp tục phải sống và tiếp tục trở lại trường hoàn thành cho xong luận văn tốt nghiệp. Mất đi một chân, tôi không thể ở lại Hà Nội trọ học nếu không có người giúp đỡ.

Với lại những thay đổi trong tâm trạng đã khiến tôi không muốn lưu lại Hà Nội dù chỉ mấy tháng làm luận văn. Tôi lựa chọn ở nhà với mẹ, và đi xe ô tô tuyến hằng ngày từ Bắc Giang xuống Hà Nội để hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Ông trời không nỡ lấy đi của ai tất cả. Cuộc đời mất mát đấy nhưng lại được bù đắp đấy. Cuộc đời của tôi là một câu chuyện cổ tích có hậu nhiệm màu. Khi bạn mất mát một cái gì đó lớn lao thì Thượng Đế cử một thiên thần đến để bù đắp cho bạn xoa dịu những mất mát của bạn và dạy cho bạn hiểu hạnh phúc đích thực.

Quãng đường đi từ Bắc Giang lên Hà Nội học, tôi đã gặp một người con trai đặc biệt, đó chính là Phú, người cùng làng nhưng ở xóm Thượng. Phú ít hơn tôi 5 tuổi, tôi 22, Phú mới 17, làm nghề phụ xe mà quê tôi hay gọi là lơ xe tuyến đường Bắc Giang lên Hà Nội. Mỗi sớm tinh sương, bố tôi chở tôi ra gốc cây gạo đầu đường để chờ xe. Xe tới, bao giờ Phú cũng là người nhảy xuống với đôi mắt lấp lánh ánh cười. Phú cất tiếng chào tôi thật vô tư.

"Chị lên Hà Nội học ạ" và Phú chạy đến bên tôi, dìu tôi lên xe rất cẩn thận. Phú nhiệt tình với tất cả mọi hành khách, các cụ già và trẻ em. Phú không nề hà bất kỳ việc gì.

Nghề lơ xe của Phú là vậy, phục vụ mọi người, nhưng cái cách mà ở mỗi trạm dừng xe, Phú nhảy xuống, thân hình khỏe mạnh cân đối của Phú như tỏa ra thật nhiều những năng lượng trong trẻo. Phú sốt sắng chu đáo giúp hành khách lên xe, cất đồ cho khách. Đôi tay mạnh khỏe đầy sức trẻ của Phú nhấc những kiện đồ nặng của khách thật nhẹ nhàng.

Cách Phú làm việc như một người có đạo trong công việc. Vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình, hết lòng vì mọi người nên ai cũng yêu quý cậu trai trẻ. Chính vì thế xe khách nơi Phú làm việc khách rất đông, khách mến lơ xe, chủ xe, nên có khi bỏ chuyến xe khác đến mà phải đợi bằng được chuyến có Phú mới chịu đi.

Tôi quen Phú và chú ý tới chàng trai trẻ này bắt đầu từ những chuyến xe từ nhà lên trường... Trong những buổi sớm mùa đông rét ngọt, hay những ngày hè gió mát, tôi quen với việc đợi xe ô tô, đợi một đôi chân khác sẽ giúp mang tôi trở về Hà Nội, đợi tiếng cười và những âm thanh trong trẻo của Phú, cậu trai cùng làng mỗi khi đón tôi: "Chị Hương ơi! Đi thôi, nào để em bế chị lên xe cho nhanh nhé".

Sau này thân quen với tôi và những chuyến đi, Phú vẫn nhảy xuống và quàng vai bế bổng tôi lên xe thật chính xác, nhanh nhẹn.  Phú luôn dành cho tôi một chỗ ngồi an toàn trong suốt chuyến đi. Xong việc, nếu còn chỗ trống, Phú thường hay ngồi cạnh tôi trò chuyện.

Tôi chú ý đến cậu chàng bởi thấy ở em có một tấm lòng ấm áp và chân tình. Không chỉ với tôi mà với trẻ em, phụ nữ, người già, Phú luôn dành những chỗ ngồi tốt, sự quan tâm chăm sóc. Tôi luôn cảm nhận được những yêu thương em mang đến cho mọi người.

Sau này, khi biết tôi đang làm luận văn tốt nghiệp đại học, Phú tròn mắt ngạc nhiên. Em tỏ ra vô cùng ngượng ngùng và mặc cảm khi chia sẻ với tôi em học dốt lắm, em không đỗ vào cấp ba nên nghỉ học từ năm lớp 9 đi phụ xe. Tôi đã động viên Phú buổi tối đến lớp bổ túc cấp 3 do xã tổ chức để học tiếp. Tôi khuyên em có một tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, em có thể đi học nghề, và có một công việc ổn định hơn nghề phụ xe.

Sau 3 tháng kể từ khi bình phục, tôi đã tốt nghiệp xong đại học. Những ngày lang thang đi xin việc ở Hà Nội, chính Phú là người chở tôi đi hết mọi ngõ ngách. Phú xin nghỉ làm và đèo tôi bằng xe máy lên Hà Nội tìm việc. Hai chị em thân nhau, gắn bó với nhau tự lúc nào. Phú luôn bảo tôi, giá mà chị không bị mất đi một chân, chị sẽ là người thành đạt và giỏi giang lắm. Phú nuối tiếc và xót xa cho tôi vô cùng mỗi khi chạm vào nỗi buồn của tôi.

Có những khi đang nói chuyện với nhau về chân, Phú lặng người đi vì buồn. Tôi có cảm giác như em còn đau hơn cả tôi khi tiếc nuối cho đôi chân của tôi. Nhiều khi tôi phải động viên em cười, phải nói chuyện vui để em quên đi nỗi buồn của tôi...

Tôi nói với Phú: "Mọi chuyện đã qua từ lâu rồi em. Chị phải học cách chấp nhận với thực tại. Quan trọng là chị phải sống tiếp và chị phải sống sao để cảm thấy hạnh phúc mà không thấy mất mát hay vướng bận với thứ chị đã mất đi. Em đừng lo chị ế, thể nào ông trời cũng sắp đặt cho chị được gặp một người đàn ông mà anh ta cảm thấy chị chỉ cần 1 chân thôi là đủ đẹp rồi, cần gì phải có đến cả 2 cái chân cho nó thừa thãi nào. Em biết đấy, chỉ cần có tình yêu đủ lớn, hai người đâu có cần tới 4 cái chân mới có thể đi được khắp thế gian...".

Tôi đùa Phú nhưng không hiểu sao trong câu chuyện với Phú tôi đã nhớ đến Nam và để cho những giọt nước mắt của mình rơi xuống trước mặt em. Và rồi, lần đầu tiên trong đời, sau mấy năm chia tay Nam, tôi đã kể cho Phú nghe mối tình đầu của mình, và người con trai đã rời bỏ tôi khi cô gái mà anh ta yêu chỉ còn lại một chân.

Kể từ khi nghe xong câu chuyện của tôi, Phú trầm tư hẳn. Phú không còn vô tư cười đùa với tôi như xưa. Hai chị em vẫn thân thiết với nhau như chị em ruột. 

Buổi tối khi kết thúc công việc, Phú thường đến lớp bổ túc do tôi dạy ở xã, và lên nhà chơi với tôi. Không xin được việc, để giết thời gian, tôi tiếp tục học lên thạc sĩ với mong muốn có một nền tảng kiến thức cơ bản để có thể thi vào một công ty nào đó làm tư vấn luật cho họ.

Bởi với một ngoại hình khiếm khuyết như tôi, việc đi lại khó khăn sẽ không thể trao cho tôi một cơ hội tốt trong công việc ngoại trừ tôi phải thật xuất sắc, và có thể làm việc online từ xa. Phú vẫn giúp tôi đi lại mỗi khi lên Hà Nội học. Suốt 3 năm trời kể từ khi bình phục trở lại, tôi làm hành khách quen thuộc trên xe tuyến của Phú. Và không biết tự bao giờ, đôi chân của Phú đã giúp tôi đi lại nhiều hơn trên đường đời.

Phú tỏ tình với tôi sau 2 năm quen nhau, vào ngày tôi bảo vệ thạc sĩ. Hôm đó trong lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ chỉ có duy nhất bố mẹ tôi, cậu em trai đang học cấp 3 của tôi và Phú. Phú đưa cả nhà tôi đến trường xong, em xin nghỉ làm, nán lại Hà Nội lặng lẽ ngồi dưới hội trường ôm một bó hoa chuông màu tím để chờ dịp rụt rè lên tặng tôi sau khi tôi bảo vệ xong.

Hôm đó trông Phú rất lạ, lóng nga lóng ngóng, hồi hộp và ngượng nghịu. Em trao tôi bó hoa chuông màu tím và chiếc phong bì vừa to vừa cứng dán kín mít.

Tối đến, tôi giở cái phong bì vừa to vừa cứng vừa dán rất kỹ của Phú ra để xem Phú tặng tôi cái gì thì tôi té ngửa ra khi thấy trong phong bì là tấm bằng tốt nghiệp bổ túc cấp 3 của Phú và vỏn vẹn một dòng chữ: "Giờ thì em đã tốt nghiệp cấp 3, em có thể yêu chị được không".

Đào sâu trong trí tưởng tượng của tôi từ trước đến nay không tìm đâu ra ý nghĩ tôi và em sẽ yêu nhau. Thế mà cuối cùng hai chị em lại yêu nhau thật đấy. Tôi đã bị thuyết phục trước tấm tình giản dị, hồn nhiên mà mãnh liệt Phú dành cho tôi. Với Phú, cô gái một chân hơn tuổi là mối tình đầu và rất có thể chỉ là mối tình duy nhất của em và mãi mãi. Bằng linh cảm, tôi tin vậy.

Yêu nhau, Phú không gọi tôi bằng chị nữa. Phú bỏ nghề lái xe mà tạm thời lên Hà Nội làm xe ôm. Phú nói, tôi có cái đầu và Phú có đôi chân. Chúng tôi sẽ tạo dựng cuộc sống thật tốt. Phú đâu có hiểu rằng tôi đã khóc vì biết ơn đôi chân của Phú đã giúp tôi đi khắp thế gian này.

Yêu nhau rồi, hằng ngày Phú chở tôi nộp đơn đi xin việc, vừa chạy xe ôm dành dụm tiền để chăm sóc tôi. Không một nơi nào ở Hà Nội nhận một thạc sĩ Luật cụt chân vào làm việc. Tôi thất vọng nhiều, khóc nhiều, Phú thì không bỏ cuộc. Xót xa cho người yêu, Phú đã động viên tôi học tiếp và tìm cơ hội khác. Chính Phú đã nuôi tôi bằng những đồng tiền xe ôm đẫm mồ hôi của Phú. Tôi học tiếp Tiến sĩ.

Khái niệm Tiến sĩ đối với Phú vô cùng xa lạ, nên khi nghe tôi nói sẽ tiếp tục học và tìm kiếm cơ hội Phú không hình dung được nhiều nhưng Phú vui và động viên tôi nhiều hơn. Chúng tôi quyết định cưới nhau, Phú chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi vợ học Tiến sĩ.

Cuộc sống luôn là những thử thách và mở ra những cơ hội trước mắt cho những ai không ngừng nỗ lực vươn lên. Tôi vừa học Tiến sĩ, vừa thi được vào một công ty nước ngoài làm tư vấn luật. 

Công việc của tôi cũng không cần đi lại nhiều vì nhà tuyển dụng biết tôi có những hạn chế cơ thể nên họ tạo điều kiện cho tôi làm việc online. Tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền từ công việc và có nhiều những cơ hội mới mở ra trước mắt. Phú không phải làm xe ôm nữa mà hai vợ chồng mua xe ô tô để Phú chạy taxi.

Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả mọi điều dù khoảng cách học thức giữa vợ chồng chúng tôi khá là xa nhau. Nhưng kỳ lạ tôi không hề cảm thấy đó là một khoảng cách. Tâm hồn của Phú giàu yêu thương, bao dung đủ cho tôi nương tựa trong ấm áp. Chính sự thô mộc giản dị của Phú như một nguồn suối trong trẻo và mát lành, giúp tôi vượt qua những khó khăn vất vả trong đời sống.

Giờ đây gia đình của chúng tôi có thêm hai đứa trẻ. Chúng tôi có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn đầy cây trái ở ngoại thành Hà Nội. Phú vẫn tiếp tục làm đôi chân của tôi. 

Giờ đây tôi có rất nhiều cơ hội để ra nước ngoài sinh sống và làm việc, nhưng cả tôi và Phú đều không muốn rời bỏ ngôi nhà nhiều cây xanh và mảnh vườn nhiều rau cỏ của nhà mình, nơi chúng tôi cùng nhau viết nên một cổ tích đẹp về tình yêu lứa đôi, tình chồng vợ cho dù chúng tôi từng bị ví là "đôi đũa lệch".

Thỉnh thoảng, cùng đôi chân mạnh mẽ của mình, Phú giúp tôi đi xuyên qua địa cầu để đến một số nước khác, trong quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài. Vợ chồng tôi với một đôi chân đã và đang cùng nhau đi khắp thế gian.

Nhà văn Như Bình
.
.