Có phải chúng ta đã vô cảm quá rồi?

Thứ Ba, 16/07/2019, 16:33
Một vụ TNGT giữa xe taxi với một đôi nam nữ chạy xe máy... Vụ tai nạn điển hình cho sự vô cảm của con người trong xã hội hôm nay chắc chắn đã và sẽ tiếp tục ám ảnh nhiều người khác...

Thưa quý toà soạn, vụ TNGT giữa một lái xe taxi và một đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương (TP Hồ Chí Minh) rạng sáng ngày 25 tháng 6 vừa qua, ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Mà chắc chắn là không chỉ mình tôi, vụ tai nạn này, vụ tai nạn điển hình cho sự vô cảm của con người trong xã hội hôm nay chắc chắn đã và sẽ tiếp tục ám ảnh nhiều người khác. 

Chiếc xe máy bị văng ra sau va chạm mạnh với xe taxi, hai nạn nhân văng lên vỉa hè, một người co giật rồi tử vong, một người chấn thương nghiêm trọng, giờ còn phải đối diện với tình trạng hoảng loạn tâm thần - một vụ tai nạn nghiêm trọng, khủng khiếp như thế đã "tố cáo" thái độ sống lạnh lẽo của con người hôm nay.

Như tất cả chúng ta đều biết, lái xe taxi có dừng xe lại, xuống xem nạn nhân rồi sau đó... lên xe đi tiếp. Anh ta không cứu người. Anh ta cũng  không làm được cái việc đơn giản nhất là cầm điện thoại Alo cho một cơ sở y tế nào đó đến cứu người. Anh ta không làm được cái việc mà theo tôi, đã là một con người thì nhất định phải làm. Nhưng thật sốc là chẳng riêng gì anh ta, nhiều người đi trên đường cũng làm y như thế. 

Tôi đã đọc một bài báo phân tích rất kỹ đoạn clip tai nạn này. Và theo tác giả bài báo thì trong khoảng 11 phút đầu tiên của Clip (có lẽ cũng là 11 phút đầu tiên của vụ tai nạn) đã có tất cả 42 chiếc xe máy, 7 ô tô, 1 xe đạp và 7 lượt người đi bộ ngang qua hiện trường.

Tác giả bài báo đã thống kê cẩn thận là có 58 người nhìn thấy nạn nhân nhưng chỉ có duy nhất một người dừng lại, có lẽ là để thảo luận với những người đi bộ về việc cấp cứu nạn nhân. Chỉ 1 người/58 người - con số ấy khiêm tốn đến tàn nhẫn. 

Thưa quý toà soạn, tôi nhớ là vài năm trước ở Hà Nội cũng từng diễn ra một câu chuyện y như thế này. Rằng, một cô gái nằm bất động trên đường sau một vụ va chạm. Rằng, nhiều người đi qua và không hành động gì. 

Để rồi cuối cùng, xe cấp cứu đến được hiện trường thì đã quá muộn: cô gái đã tử vong trên đường vào bệnh viện. Chán ngán hơn, chúng ta hẳn cũng không ít lần thấy cảnh người đi đường không những không ứng cứu nạn nhân của các vụ TNGT, mà còn rút điện thoại của mình ra, quay clip. Rất nhiều lần tôi hỏi, họ quay clip trong những trường hợp này, trên nỗi đau của người khác để làm cái gì?

Để kiếm vài cái like, vài cái view trên mạng hay đơn giản chỉ để thoả mãn một thói quen - một căn bệnh tâm lý nào đó trong con người họ? Thật sự là lúc đó tôi đã nghĩ, nếu một ngày không may nào đó, một trong số những người đang rút điện thoại ra quay kia cũng bị tai nạn, và những người còn lại cũng sẽ rút điện thoại ra quay thay vì bắt tay cứu giúp thì sao?

Chúng ta đã nói nhiều đến một đời sống bị bủa vây bởi sự khô khan, thực dụng, lạnh lùng - nơi mà rất nhiều người chỉ biết chạy theo chủ nghĩa lợi ích. Để rồi, tâm hồn chúng ta khô khan, lòng trắc ẩn vốn có của chúng ta bị che khuất. Chúng ta ứng xử với nhau như ứng xử với những cái máy. Chúng ta đánh mất đi cái bản năng yêu thương vốn có đối với đồng loại và đồng bào mình.

Nhưng nói mãi, kêu ca, phàn nàn mãi như thế để làm gì nếu không thể đưa ra giải pháp? Và theo tôi giải pháp ở đây là, bên cạnh việc khắc phục sự xuống cấp về đạo đức nhất thiết phải đưa ra những chế tài đủ nặng với hành vi vô cảm của con người. 

Ví dụ thấy TNGT mà cố tình bỏ đi, không ứng cứu, thấy chết mà không cứu thì nhất định phải bị xử phạt. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều có những quy định như vậy trong bộ luật hình sự. Đã đến lúc chúng ta cũng phải làm như vậy.

Đôi dòng chia sẻ, xuất phát từ những cảm xúc và quan điểm cá nhân, rất mong quý toà soạn lắng nghe!

Hoàng Anh (TP Hồ Chí Minh)

Sơ cứu người bị nạn trên đường.  Ảnh: L.G

Kính thưa độc giả Hoàng Anh!

Ở phần cuối bức thư của mình, độc giả đề nghị phải đưa ra những biện pháp chế tài với những biểu hiện vô cảm trong đời sống. Chúng tôi xin được nói ngay, chúng ta đã có những hình thức chế tài như vậy từ rất lâu rồi. Chẳng hạn theo luật hình sự thì người vi phạm giao thông gây ra tai nạn và bỏ chạy sẽ bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt cao nhất ở mức 10 năm tù.

Trong trường hợp không gây ra tai nạn, nhưng nhìn thấy người gặp nạn nguy hiểm mà không cứu thì có thể bị xử phạt ở mức cao nhất là 5 năm tù. Tuy nhiên trong trường hợp này nhất định phải phân tích kỹ 2 vấn đề, thứ nhất là "thấy mà không cứu" và thứ hai là "có điều kiện cứu mà không cứu".

Nếu không phân tích, trả lời một cách rõ ràng hai yếu tố "thấy" và "có điều kiện" thì cũng không thể áp dụng hình phạt một cách vội vã. Tóm lại, đứng ở góc độ luật pháp mà suy xét thì rõ ràng chúng ta đã có luật, và trên cơ sở phân tích kỹ tình hình những vụ việc cụ thể, hoàn toàn có thể áp dụng luật để xử.

Nhưng thưa độc giả, bên cạnh góc độ luật pháp cũng phải xem xét toàn diện các góc độ  khác, ví dụ như góc độ tâm lý. Một luật sư nổi tiếng từng kể lại cho chúng tôi câu chuyện một người đi đường nọ thấy nạn nhân nằm bất tỉnh liền xuống lay người nạn nhân. Nhưng lúc ấy nạn nhân đã chết, và người đi đường đã để lại vân tay trên thi thể nạn nhân.

Vì vậy người đi đường bắt buộc phải đến cơ quan điều tra, phối hợp với cơ quan điều tra trong việc tìm ra nguyên nhân tai nạn. Nó khiến người đi đường tốt bụng phải mất rất nhiều thời gian và những mối liên hệ mà mình hoàn toàn có thể "tránh được".

Đấy là còn chưa nói đã từng có người đi đường tốt bụng, vì xuống cấp cứu, đưa nạn nhân đi viện để rồi sau đó bị đánh oan, vì người nhà nạn nhân hiểu lầm đấy là người gây ra tai nạn. Xét về tâm lý, thành thật mà nói không ai muốn đưa mình vào cảnh "tình ngay lý gian" như thế này.

Lại xét thêm ở góc đột thứ 3 là góc độ y tế: đã từng có trường hợp xuống xe cứu người, nhưng do không có kiến thức về y tế nên tưởng là cứu người hoá ra lại là hại người. 

Ví dụ, do vội vàng đưa nạn nhân vào viện trong trường hợp nạn nhân bị xuất huyết não (lẽ ra phải cố định, tránh mọi sự di chuyển), khiến nạn nhân tử vong trên đường, hay không biết cách cố định cột sống trong những vụ va chạm gây tai nạn nghiêm trọng ở cột sống, khiến tình trạng nạn nhân ngày một nguy kịch hơn...

Có rất nhiều những trường hợp "cứu người" mà chẳng khác gì "hại người" như thế cả. Thực ra trong nhà trường, chúng ta đều đã được dạy những phương án sơ cứu cơ bản, nhưng khi vào thực tế, trong trạng thái tâm lý vội vàng, không nhiều người chúng ta nhớ được những bài học này.

Xét ở tất cả các góc độ như vậy sẽ thấy, một khi không có chuyên môn thì cách cứu người tốt nhất là gọi điện ngay cho các cơ sở, các trung tâm y tế. Và điều đáng trách trong vụ tai nạn mà độc giả kể lại nằm ở chỗ người lái xe taxi đã không thực hiện một cuộc điện thoại như vậy. Rất nhiều người đi đường, thấy nạn nhân nguy kịch cũng đã không thực hiện cuộc điện thoại như vậy. 

Đoạn video hơn 11 phút ghi lại vụ TNGT xảy ra tại đường Tân Hương cho thấy có nhiều xe cộ, người đi qua nhưng ai cũng thờ ơ với người bị nạn...

Trong một số vụ TNGT khác, chúng tôi thấy quan sát của độc giả là đúng: rằng có nhiều người dùng điện thoại để quay clip, sau đó tung lên mạng xã hội, chứ không hẳn là dùng điện thoại để gọi cho các cơ quan y tế.

Tuy nhiên nếu chỉ vì quan sát những hiện tượng này mà kết luận rằng chúng ta đang sống trong một trạng thái vô cảm cùng cực thì có lẽ cần nghĩ lại. 

Bởi thưa độc giả, chúng ta vẫn đủ bình tĩnh để thấy rằng đã và vẫn có những biểu hiện tốt đẹp, đầy tính nhân văn trong xã hội này: một bác sĩ kêu gọi quyên góp tiền phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo, những phong trào ủng hộ những nạn nhân tai nạn giao thông được hưởng ứng mạnh mẽ trên facebook, và ngay trên đường phố, ở ngay TP Hồ Chí Minh - nơi diễn ra vụ tai nạn mà độc giả đề cập thì từng ngày, từng giờ vẫn có những hiệp sĩ đường phố sẵn sàng ra tay hành động theo đúng tinh thần "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha".

Vấn đề đáng suy nghĩ ở đây là phải tiếp tục tạo ra những mảnh đất tốt để những cái tốt, cái tử tế, cái nhân văn tiếp tục được nhân lên, và những biểu hiện xấu xa, vô cảm sẽ được hạn chế dần. 

Nhiều người trong chúng ta tin rằng những giải pháp đó thuộc về những nhà chức trách, tuy nhiên, trước khi nghĩ đến vai trò của những nhà chức trách, chúng tôi nghĩ nhiều đến vai trò của chính mỗi người chúng ta, khi đối diện với những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống này. Xin cảm ơn những chia sẻ của độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.