Có ai nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra không?

Thứ Hai, 07/12/2015, 16:22
Một cái title dài loằng ngoằng, những ngày dài loằng ngoằng, nỗi buồn dài loằng ngoằng, xót xa dài loằng ngoằng… Bởi tôi thật sự không hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cơn bi phẫn của gia đình mà trẻ con vô tình bị cuốn vào rồi trở thành nạn nhân.


Số trước tôi có viết “Nghiệt oan huyết thống” bằng tâm trạng rất nặng nề, chưa kịp nguôi ngoai thì hai vụ việc liên tiếp xảy ra lại khiến tôi hiu hắt.

Làm sao những bậc làm cha làm mẹ lại có thể đối xử với con cái, với báu vật của đời mình theo cách trút hết nghiệt oan vào con trẻ.

1. Người đàn ông sinh năm 1979, ở phường Thới An, quận 12 có mâu thuẫn với vợ. Vợ chồng họ không còn hạnh phúc nữa, chị vợ muốn ly hôn. Họ không còn sống chung, chị vợ đã rời nhà về quê ở tỉnh Bến Tre. Họ có hai con chung, cậu nhóc đầu sinh năm 2007, bé gái sau sinh năm 2010.

Trưa giữa tháng 11 này, chị tìm lên Sài Gòn với ý định gặp chồng để giải quyết thủ tục ly hôn. Lúc gần đến nhà không hiểu sao chị lại không vào mà vòng về nhà chị ruột ở quận 6, TP HCM. Đến đây, chị nhờ mẹ thay mặt chị sang nhà chồng để nói chuyện.

Chắc là chồng chị còn yêu chị mà cũng chắc là người đàn ông hoàn toàn không muốn chuyện ly hôn xảy ra, người đàn ông năn nỉ người từng là mẹ vợ của anh cho anh cơ hội gặp chị. Bà không đáp ứng được yêu cầu này của anh nên bỏ về.

Người đàn ông theo bà từ quận 12 đến quận 6, nơi có vợ anh đang lưu ngụ. Anh muốn gặp chị, chị vẫn kiên quyết tránh mặt. Không biết an ủi người đàn ông làm sao, mẹ của chị cho anh 2 con cua bảo, “Gửi về cho cháu ngoại”.

Trên đường từ quận 6 về lại nhà, người đàn ông nảy sinh ý định sẽ tự tử cùng hai con của mình. Tôi không hiểu tại sao người đàn ông này lại có thể nảy sinh ra ý tưởng quái đản và ích kỷ đến vậy. Có lẽ, người đàn ông muốn người phụ nữ từng là vợ anh phải dằn vặt, phải đau khổ, phải đớn đau vì đã cương quyết tránh mặt và yêu cầu ly hôn.

Trước đó, người đàn ông này có nhắn cho vợ cũ, “Nếu em không quay về, mấy cha con anh sẽ tự tử”. Chị không tin vào điều ấy, có lẽ, chị nghĩ người đàn ông đùa. Chị không trả lời tin nhắn.

Người đàn ông lặng lẽ mua hai gói thuốc chuột, một gói bỏ vào nồi luộc cua, gói còn lại hòa vào nước ngọt rồi gọi hai con lại cùng ăn.

Hai mươi phút sau khi ăn, ba cha con nôn ọe, chấp chới. Phát hiện thấy tình trạng của ba cha con, người thân vội vã đưa họ đi cấp cứu tại Bệnh viện 175. Sau đó, hai con của người đàn ông được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Nguyễn Thị Hoài An tại phiên tòa sơ thẩm.

Điều may mắn nhất trong vụ việc này là hai cháu không tử vong, hiện đang được chăm sóc bởi các bác sĩ, còn người đàn ông sau khi qua cơn nguy kịch đã đến Cơ quan Công an quận 12 đầu thú. Nhận thấy hành vi của người đàn ông này đủ cấu thành hành vi “Giết người”, nên Cơ quan Công an Quận 12 đã ra quyết định tạm giữ và chuyển vụ việc lên Cơ quan Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền.

Tại Cơ quan Công an quận, người đàn ông có cho biết, bản thân rất cảm thấy hối hận vì hành động bồng bột này. Thêm nữa, người đàn ông nói “Tôi làm thợ hồ, vợ tôi làm công nhân may. Tính tôi hay nhậu nhẹt, đời sống gia đình lại khó khăn nên thường xảy ra mâu thuẫn. Vợ bỏ đi đòi ly di, tôi thương vợ lắm nên níu kéo mà vợ không chịu. Tôi tính dọa vợ thôi”.

Người đàn ông có tên đầy đủ là Trần Dũng Tiến.

Đã có những câu chuyện tương tự xảy ra, chỉ thương con trẻ trong những vụ việc ấy không may mắn như hai con của Tiến, như ở Tây Ninh, ở Đồng Nai, ở Hậu Giang… Những đứa trẻ phút chốc bị cú đánh thân phận tấn công đến gục ngã mà nguyên nhân lại xuất phát từ những người đã sinh ra các cháu.

Mấy hôm trước, sự không may lại gọi tên các cháu trong vụ án tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Người ta phát hiện ba mẹ con đã tử vong trong căn nhà khóa trái cửa. Các báo nhanh chóng giật title có thêm một vụ thảm sát. Tuy nhiên, với những chứng cứ tại hiện trường thì nhiều khả năng người mẹ đã sát hại hai con rồi tự tử. Hai con bé dại, cháu học lớp 4, cháu học lớp 5. Có thể, người mẹ mắc phải chứng trầm uất nghiêm trọng.

Có rất nhiều bi kịch đã hiện hữu vì chứng trầm uất nghiêm trọng mà nạn nhân là trẻ con. Bi kịch nào cũng xót xa cực điểm. Tôi có người bạn, hiện người bạn này không còn ở Việt Nam nữa. Anh đã sang Mỹ theo diện bảo lãnh hôn phu, anh kết hôn cùng người phụ nữ có quốc tịch Mỹ. Anh sang đấy như một sự trốn chạy khỏi những thứ quen thuộc mà anh đã trải qua cùng vợ. Vợ anh, tự tử vì trầm uất, khi nào chị cũng thấy có lỗi với anh. Mặc cho anh biết vợ lâm vào trạng thái này lâu rồi nhưng anh không biết giải quyết bằng cách nào.

2. Trở lại câu chuyện mâu thuẫn đời sống gia đình rồi sử dụng con cái như một phương tiện, một công cụ để làm áp lực với chồng hoặc vợ, để xem đó như là giải pháp nhằm giải tỏa cơn uất ức hay sự giận dữ…

Mấy lâu trước, người phụ nữ ở Quảng Ngãi sát hại con ruột của mình khi cháu mới vừa hai tháng tuổi. Anh chị nghèo xác xơ, anh lo lắng cho chị bằng nghề phụ hồ, bấp bênh. Đến ngày anh nhận lương, chị đợi hoài không thấy anh về. Chị nghĩ, có khi anh nhận tiền rồi lại tụ tập uống rượu với bạn bè, quên mất hai mẹ con chị.

Chị uất ức, chị tủi thân, cảm xúc khốn cùng ấy đã khiến bàn tay chị ngày càng lạnh lùng hơn khi siết cổ con mình. Lúc ấy, cháu đang bú mẹ.

Tháng 8 năm nay, Tòa án Nhân dân TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án mẹ sát hại con, một vụ án mà khi đọc cáo trạng đã khiến tôi bật khóc. Tôi thật sự không biết phải lý giải căn nguyên tội ác từ đâu, mặc dù tôi vẫn tin rằng thiện tâm là điều sẵn có trong mỗi con người, vĩnh viễn không gì có thể triệt tiêu được.

Người phụ nữ còn trẻ lắm, mới vừa 26 tuổi. Người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Hoài An, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM.

Người phụ nữ có chồng làm thợ hồ theo công trình, chồng đi suốt. Người phụ nữ ở nhà chăm con gái đầu lòng vừa tròn tuổi cùng cha ruột bị tai biến nằm liệt giường. Người phụ nữ tất bật với mờ bòng bong đang vận vào đời mình.

Tất nhiên, trong hoàn cảnh khốn khó ấy người phụ nữ không thể nào thoát khỏi những cơn cáu gắt hay mệt mỏi để lời nói trở nên nặng nề.

Người phụ nữ và chồng cãi nhau. Chồng dọa ly dị. Một lần về thăm con, chồng dọn hết đồ rồi bỏ đến lưu ngụ tại công trình. Người phụ nữ ôm con nước mắt tràn mặt.

Một khuya, người phụ nữ nghe tiếng chó sủa ngoài ngõ, sợ rằng chồng về sẽ dùng vũ lực để bắt con đi. Người phụ nữ muốn làm gì đó để mẹ con vĩnh viễn có thể được ở bên cạnh nhau. Sau khi biết chắc con gái đã tử vong, người phụ nữ ấy dùng dao lam cắt cổ tay rồi treo cổ.

Trưa hôm sau, hàng xóm thấy nhà của người phụ nữ không mở cửa, gọi không có tiếng trả lời. Họ phá cửa xông vào thì phát hiện thảm cảnh này. Người phụ nữ không chết, mức án dành cho cô là 9 năm tù giam.

9 năm tù giam ấy sẽ trôi qua như thế nào tôi không biết được, chỉ là 9 năm này chắc người phụ nữ phải trải qua nhiều cơn ác mộng của khuôn mặt, của nụ cười, của tiếng khóc của cô con gái nhỏ mà người phụ nữ từng vui sướng, từng buồn bã theo.

3. Sự cứu rỗi lớn nhất của mỗi con người chính là ngày trôi qua là một ngày khác, đó là sự chuyển động không gì ngăn cản được của thời gian. Với thời gian, người ta sẽ có một tư duy khác, một suy nghĩ khác, một lựa chọn cho hành động khác. Nói rất hoa mỹ như văn nhân thì, “Mỗi lần nhìn lại quãng thời gian đã trôi qua, dẫu may mắn hay khổ đau thì với tôi đó luôn là một miền ký ức tươi đẹp”.

Vấn đề chính là, phải tập đánh lừa cảm quan hiện tại của cá nhân để vượt qua giai đoạn trước mắt. Như năm xưa, từng có độc giả trách tôi rằng, “Vì anh chưa bao giờ thất tình nên anh không biết cảm giác bị bội phản nó bi thương như thế nào và cần phải làm gì đó để thoát khỏi cơn uất ức đang giằng xé như thế nào?”. Tôi trả lời, “Thật ra, sống trên đời không ai may mắn trọn vẹn tình cảm cả. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nếu người phụ nữ của tôi cảm thấy yên bình bên người đàn ông khác, tôi sẽ mỉm cười nói tạm biệt và luôn chân thành mong cô ấy hạnh phúc”.

Bẵng một thời gian sau, chính độc giả này email thừa nhận, “Anh nói đúng. Cảm ơn anh vì tôi đã không làm điều dại dột trong thời điểm ấy”.

Kể lại câu chuyện này tôi không có ý gì khác ngoài chuyện tôi muốn một cái kết nhẹ nhàng hơn cho bài viết, tôi không muốn sự dằn vặt nữa. Mặc dù tôi luôn nghĩ, không cá nhân nào có quyền tước đi sinh mạng của người khác. Lại càng không có sự nhân danh nào để tước đi cuộc sống của những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường.

Đó đích xác là tội ác, một tội ác vĩnh viễn không thể dung thứ. Bởi như đạo luận, phải tu nhiều kiếp, phải sám hối nhiều đời thì mới có thể được hiện diện trên cõi nhân gian này trong hình hài của một con người.

Kinh Hữu
.
.