Chúng ta mang con cái mình đi về đâu

Thứ Sáu, 01/09/2017, 07:28
Điểm đầu vào các trường sư phạm năm nay rất thấp và thậm chí có trường sư phạm chỉ cần 3 điểm/môn đã trúng tuyển. Đó thực sự là thảm họa của ngành giáo dục và là thảm họa của tương lai. 

Chị Trần Thu Trang (Thanh Trì, Hà Nội) và một số bạn đọc: Chúng tôi sốc và thực sự hoang mang trước thông tin về điểm chuẩn vào các trường sư phạm vừa qua. 

Điểm đầu vào các trường sư phạm năm nay rất thấp và thậm chí có trường sư phạm chỉ cần 3 điểm/môn đã trúng tuyển. Đó thực sự là thảm họa của ngành giáo dục và là thảm họa của tương lai. Bởi lẽ, để có nền giáo dục phát triển thì giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Gương mặt quốc gia mang gương mặt của nền giáo dục, không lẽ tương lai của chúng ta sẽ mang gương mặt thế này sao? 

Như nhận xét buồn của nhà báo Phạm Trung Tuyến (Phó Giám đốc VOV Giao thông) thì: "Có một sự thật là ai cũng bảo nghề giáo là nghề cao quý, và sẵn sàng tôn vinh các nhà giáo. Nhưng có một sự thật khác là rất ít người chọn trở thành thầy cô giáo bằng cách thi vào sư phạm. 

Vậy sự thật cuối cùng là chúng ta chỉ muốn người khác trở nên cao quý thôi". Có phải vậy không thưa nhà báo? Nếu nền giáo dục của chúng ta hôm nay như thế này thì tương lai chúng ta sẽ về đâu?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Trần Thu Trang và bạn đọc, chúng ta đang đứng trước một hiện thực sợ hãi như chị và một số bạn đọc đã đưa ra. Đó là việc tuyển sinh vào các trường sư phạm năm nay với điểm sàn quá thấp và thậm chí chỉ cần điểm 3 cho một môn thi là đủ điểm để vào trường. 

Theo dõi hàng chục năm nay, ai cũng có thể thấy một điều: khi một sinh viên tốt nghiệp đại học được giữ lại trường để sau đó trở thành giảng viên đều là những sinh viên có kết quả học tập trong top cao nhất trong thời gian học tập ở đại học cùng với tư cách của sinh viên đó. Nghĩa là, để chọn lựa một giảng viên, người ta phải chọn những người có tài và có đức. 

Các trường đại học sư phạm trước kia cũng thường xuyên có mức điểm sàn cao. Nhưng những năm gần đây, trở thành sinh viên của các trường sư phạm đã không còn là mục tiêu của hầu hết sinh viên nữa. Ước mơ của những sinh viên trở thành một nhà giáo để truyền bá những điều tốt đẹp cho các thế hệ trẻ đã rời xa họ.

Vậy một câu hỏi được đặt ra là: vì sao các thí sinh lại không muốn thi vào các trường sư phạm? Có phải nhà giáo không còn là những người được xã hội tôn vinh như truyền thống lâu nay không? Không phải thế. Cho dù xã hội đã thay đổi rất nhiều, nhưng với người Việt Nam, nhà giáo vẫn là những người được tôn vinh cao nhất. 

Vậy có phải ngành giáo dục không còn vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những sản phẩm con người cho xã hội? Không phải thế. Trước kia, bây giờ và mãi về sau, khi con người còn hướng tới những điều tốt đẹp, hướng tới văn minh nhân loại thì giáo dục vẫn là nền tảng quan trọng nhất đối với mọi quốc gia. 

Giáo dục quan trọng hàng đầu đối với quốc gia nhưng không quan trọng đối với sinh viên nữa. Lý do quan trọng nhất để các sinh viên rời xa ước mơ trở thành một nhà giáo bởi chính họ rất khó thực hiện được ước mơ chân chính và đẹp đẽ ấy. 

Bởi trong nhiều năm trở lại đây, sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm thì quá nhiều các cử nhân ngành sư phạm không thể tìm được việc làm. Nếu họ không có một cái "dù" lớn hoặc không có một khoản tiền lớn để chạy việc thì họ khó có thể nào trở thành một giáo viên khi phải trải qua những khâu tuyển dụng vô cùng khó khăn và lắt léo cho dù không ít người tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. 

Có không ít các cử nhân sư phạm đã phải lang thang làm đủ mọi nghề mà họ có được để kiếm sống. Tôi đã gặp những cử nhân sư phạm mở quán cơm bình dân, hàng giải khát, bán quần áo, làm nhân viên tiếp thị, lái taxi.... hoặc phải đi học một nghề khác để có thể kiếm việc làm. Đó là lý do chính mà những người giỏi không thi vào các trường sư phạm nữa.

Trong khi đó các trường của ngành công an, quân đội, ngoại thương, ngoại giao... đã hút hết những người giỏi vì khi tốt nghiệp các trường này họ dễ dàng kiếm được việc làm và đặc biệt là cử nhân của các trường công an, quân đội chắc chắn là có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Vì thế, các trường sư phạm đã trở thành nơi "vắng như chùa Bà Đanh". 

Và để có đủ số sinh viên vào học, các trường sư phạm không còn cách nào khác là phải hạ tiêu chuẩn của mình xuống đến mức "nguy hiểm". Một thí sinh thi chỉ được 3 điểm một môn là một thí sinh yếu kém không thể chối cãi được. 

Cho dù không phải tất cả những sinh viên đó tiếp tục là những người yếu kém trong thời gian học ở các trường sư phạm thì cũng không dễ mong họ trở thành những cử nhân khá giỏi khi ra trường. Nếu tình trạng tuyển sinh vào các trường sư phạm với mức điểm sàn thấp kém như hiện nay kéo dài nhiều năm nữa thì nguy cơ nền giáo dục chúng ta ngập tràn những thầy cô có kiến thức yếu kém là đương nhiên. 

Và khi các giáo viên yếu kém về kiến thức chiếm đa số thì nền giáo dục ấy sẽ trở thành một nền giáo dục yếu kém. Đương nhiên sản phẩm của nền giáo dục yếu kém ấy không thể là những sản phẩm tốt được. 

Một điều hệ trọng mà tôi thấy cần nói đến là cách tuyển các cử nhân sư phạm sau khi ra trường vào các trường học thiếu minh bạch. Chúng ta thử rà soát xem có bao nhiêu phần trăm những cử nhân ra trường với tấm bằng loại giỏi được mời về giảng dạy ở một trường nào đó không? 

Quá hãn hữu và cũng có thể nói không có điều đó xảy ra. Sự thật là có những cử nhân sư phạm tốt nghiệp trung bình thì lại trở thành giáo viên chính thức còn không ít những cử nhân tốt nghiệp khá giỏi lại thành người thất nghiệp. 

Những câu chuyện như thế này có lẽ ai cũng biết và cũng đều hiểu lý do của vấn đề. Khi một cử nhân trở thành giáo viên chính thức của một trường nào đó bằng một con đường không đàng hoàng thì bản thân người đó sẽ có nguy cơ trở thành một nhà giáo không đàng hoàng trong tương lai. 

Bởi trước hết cử nhân đó khó có thể giành sự kính trọng của mình cho những người có thẩm quyền nhận mình theo cách không minh bạch và không đàng hoàng. Và cứ thế, chính những cử nhân đó sau này cũng cho phép mình hành xử tương tự với học sinh và đồng nghiệp của mình. 

Sự thật là một kẻ cơ hội vì mục đích của mình thì sẽ bắt những người khác sống theo cách đó bởi lợi ích của mình. Tất cả những vấn đề đó đều có ảnh hưởng dây chuyền. Như vậy, nhà trường càng ngày càng có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn những nhà giáo kém về kiến thức, về chuyên môn và kém về tư cách. Cỗ "máy cái" như vậy thì sản phẩm của nó làm ra sẽ như thế nào chúng ta đều biết.

Tôn vinh các nhà giáo bây giờ chỉ là một cái khẩu hiệu treo lơ lửng đâu đó, ngoài ra chẳng còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa. Thậm chí sự tôn vinh đó mỗi năm chỉ diễn ra một lần trong ngày Hiến chương các nhà giáo mà thôi, như một việc phải làm nhưng không hề thực chất. 

Chính vì thế mà nền giáo dục của chúng ta thực sự đã và đang trở thành nỗi thất vọng với xã hội. Bất cứ những học sinh giỏi, những gia đình có cơ sở vật chất tốt đều nghĩ tới một nền giáo dục khác ở ngoài biên giới. Nếu tất cả các gia đình ở Việt Nam có điều kiện kinh tế tốt thì hầu hết họ đều gửi con em tới các trường đại học của các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ lệ học sinh đi du học mỗi ngày một tăng. 

Và lý do duy nhất là họ thất vọng với nền giáo dục của mình. Nếu chúng ta tiếp tục tuyển sinh vào các trường sư phạm với mức điểm thấp kém như vậy, chúng ta càng ngày càng tự đẩy nền giáo dục Việt Nam xuống dốc.

Minh Đức
.
.