“Chính quyền ngầm” phía sau Nhà Trắng

Thứ Hai, 03/04/2017, 09:50
Đấu đá nội bộ nhằm tranh giành ảnh hưởng là chuyện không mới ở Nhà Trắng và cũng không là ngoại lệ với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Những phe cánh với nhiều thủ đoạn "ngầm" nhằm tranh giành quyền lực giữa các trợ lý cấp cao tạo nên áp lực đối với ông Trump khi điều hành bộ sậu ít ỏi và thiếu kinh nghiệm. 

Bên cạnh đó, sự rò rỉ thông tin mật khiến "ông chủ Nhà Trắng" khó có thể giữ được bình tĩnh, đẩy chính quyền vướng phải những rắc rối với cơ quan tình báo. Giờ đây, tần số xuất hiện thuật ngữ "chính quyền ngầm" trên các trang tin tức ngày càng nhiều, và có thể trở thành một từ thông dụng trong thời đại Donald Trump với nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng đều ám chỉ chung một điều: quyền lực trong bóng tối.

Những ngày khởi đầu đầy sóng gió của chính quyền mới chứng kiến cảnh chỉ trích qua lại giữa các phe phái chính trị và những bên liên quan như truyền thông hay cộng đồng tình báo

Phía sau Donald Trump là sự đối đầu của hai phe cánh Reince Priebus (phải) và Steve Bannon (trái)

Đấu đá nội bộ

Các học giả Mỹ thường sử dụng thuật ngữ "chính quyền ngầm" khi nhắc đến những thế lực phía sau chính phủ. Một số người định nghĩa "chính quyền ngầm" là một hiệp hội lai ghép nhiều yếu tố của chính phủ, các nhóm đứng đầu ngành tài chính và công nghiệp có khả năng điều khiển Mỹ mà không cần hỏi xin sự đồng thuận của chính phủ theo quy trình phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, tại Washington, có vẻ như "chính quyền ngầm" ám chỉ những phe cánh quyền lực lâu dài, và cực kỳ âm thầm.

Phía sau Donald Trump là sự đối đầu của hai phe cánh Reince Priebus (phải) và Steve Bannon (trái).

Họ ở lại và thực thi quyền lực… trong bóng tối, và thậm chí ngay cả khi các tổng thống đã lần lượt thôi nhiệm. Do đó, họ gần như không phải chịu trách nhiệm về dân chủ, dẫu nó có chút liên quan ít nhiều đến họ. 

Dưới thời chính quyền Donald Trump, bộ ba đứng sau Tổng thống Mỹ được cho là đang chi phối Nhà Trắng là ba cố vấn cấp cao, gồm Steve Bannon, Stephen Miller và Rick Dearborn. Đây chính là những nhân vật chủ chốt trong chính quyền vốn ít kinh nghiệm của ông Trump ra sức tìm cách ghi "dấu ấn" ngay từ những ngày đầu.

Mọi sự đấu đá phe cánh không hề có lợi cho Tổng thống Trump với một chính quyền còn hết sức non nớt về chính trường. Mâu thuẫn giữa các trợ lý cấp cao đã gây hệ lụy đến việc điều hành Nhà Trắng trong thời gian đầu trên cương vị tổng thống Mỹ. 

Tờ The New York Times nhận định, lượng thông tin mật được tuồn ra "ồ ạt" từ Nhà Trắng những ngày qua cho thấy đang tồn tại những bất đồng và nghi ngờ về các chính sách từ một số cá nhân ở Nhà Trắng.

Đây cũng có thể là động thái của một phe nhóm nhằm cô lập đối thủ cạnh tranh quyền lực và tạo áp lực dư luận để phản đối quyết sách mà họ không đồng tình. Trong số thông tin mật từ Nhà Trắng bị tiết lộ có chi tiết về các cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Mexico và Úc, công tác chuẩn bị nhân sự cho Tòa án tối cao và bản thảo sắc lệnh nhằm bảo vệ những người kỳ thị hôn nhân đồng giới.

Donald Trump là một tổng thống có nhiều tâm huyết nhưng đang ngày càng trở nên bực tức với đội ngũ dưới quyền, vốn không kiểm soát tốt những phản ứng trái chiều liên quan đến các quyết sách từ Nhà Trắng. 

Trong đó có sắc lệnh di trú gây tranh cãi đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức kỷ lục so với các đời tổng thống Mỹ khác trong nhiệm kỳ đầu. Những xích mích giữa các trợ lý thường xảy ra trong những ngày đầu của các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, nhưng chưa bao giờ nó xảy ra sớm và "lộ liễu" như lần này.

Ông Trump thiếu kiên định, sẵn sàng nghe theo ý kiến của người khác, mà cụ thể là Steve Bannon, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, hay Stephen Miller - cố vấn cấp cao, hay Rick Dearborn - người quản lý đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump và hiện là Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng. 

Theo tờ The New York Times, quyền lực bên trong Nhà Trắng hiện tập trung vào phe cánh của chiến lược gia trưởng Steve Bannon. Ông Bannon và trợ lý chính sách Stephen Miller được xem là có quyền lực "vô biên", áp đặt ảnh hưởng lên gần như mọi sắc lệnh mà ông Trump ban hành.

Những ngày khởi đầu đầy sóng gió của chính quyền mới chứng kiến cảnh chỉ trích qua lại giữa các phe phái chính trị và những bên liên quan như truyền thông hay cộng đồng tình báo.

Ngoài ra, hai nhân vật này cùng đồng minh Rick Dearborn cũng được cho là tác giả của bài diễn văn nhậm chức "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump. Có vẻ như ba chính khách đang dùng ảnh hưởng của mình để khiến Tổng thống Trump phải "ưu tiên" các ghế trong Hội đồng An ninh quốc gia - nơi mà quy chế thành viên chỉ dành cho các quan chức quốc phòng hay ngoại giao.

Đối đầu với phe cánh của Bannon là phe cánh do Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đứng đầu. Ông Priebus bất mãn vì có vị trí quyền lực kém hơn so với các đời chánh văn phòng tổng thống Mỹ trước đây. Bằng những tác động âm thầm, Reince Priebus đang dần "kết thân" hơn với Donald Trump khi khuyên tổng thống Mỹ nên thay đổi cách vận hành liên quan đến chính sách và truyền thông.

Theo nhiều trợ lý, ông Priebus đã lập một danh sách gồm 10 mục cần phải thông qua trước khi đưa ra bất cứ sáng kiến nào, bao gồm chữ ký của bộ phận truyền thông và thư ký Nhà Trắng Robert Porter. Chánh văn phòng Priebus đã áp dụng phương thức quy củ hơn để ông có thể tham gia sớm hơn vào quá trình soạn thảo các sắc lệnh hành pháp, từng bước nỗ lực xây dựng một "lãnh địa riêng".

Thêm dầu vào lửa

Chính trường Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn vì những lời chỉ trích, đấu đá giữa các bên, gồm chính phủ, truyền thông và cộng đồng tình báo. Cái gọi là "chính quyền ngầm" giờ đây bao gồm cả những cơ quan tình báo. Tổng thống Donald Trump từng bực dọc lên tiếng chê bai FBI rằng cơ quan này đã "hoàn toàn bất lực" trong việc xác định nguồn gây rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định rằng "những kẻ tuồn thông tin mật, thông tin an ninh quốc gia cho truyền thông nằm trong chính nội bộ chính phủ Mỹ và trong tổ chức FBI". 

Những bình luận của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh các hãng truyền thông đưa tin rằng Nhà Trắng đã yêu cầu FBI phải ngăn chặn những thông tin trên truyền thông cho rằng đội ngũ cố vấn của ông Trump đã nhiều lần gặp gỡ lực lượng tình báo Nga trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, FBI đã từ chối yêu cầu trên của Nhà Trắng.

Dù Donald Trump đang trải qua những gập ghềnh và bất thường nhưng nhiều người vẫn lạc quan cho rằng ông sẽ sớm "bình ổn" mọi chuyện.

Khi những lùm xùm giữa ông Trump - Nhà Trắng - FBI và truyền thông chưa lắng xuống thì phe Dân chủ lại tiếp tục "thêm dầu vào lửa" với những bình luận từ các nghị sĩ và nhà lãnh đạo. Họ lên tiếng công kích những hành động từ phía Nhà Trắng, cho rằng đội ngũ làm việc của ông Trump đã cố ý can thiệp vào quá trình điều tra của FBI và gây áp lực với cơ quan này. 

Theo đó, Nhà Trắng đã cố ý gây áp lực cho FBI nhằm phá hoại cuộc điều tra quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, đó là mối liên hệ giữa các quan chức chính quyền Donald Trump với tình báo Nga. Sự can thiệp chính trị vào một cuộc điều tra của FBI cho thấy Nhà Trắng đang lạm dụng quyền lực nghiêm trọng.

Donald Trump cảm thấy mệt mỏi trước cảnh đấu đá nội bộ và hỗn loạn chính trường vì ảnh hưởng đến uy tín, và rằng ông sẽ triệu tập các nhân viên để chỉ thị họ "dừng ngay những việc làm ngớ ngẩn này". Tổng thống Mỹ càng bực bội hơn sau khi biết các rắc rối xung quanh việc ông bổ nhiệm Anthony Scaramucci, một trong những người vận động quyên góp quỹ chính trị cho ông, làm cố vấn. Theo Donald Trump, các rắc rối này xuất phát từ đấu đá nội bộ giữa các trợ lý của ông.

Thực tế cho thấy, chính trường Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, chứng kiến cảnh chỉ trích qua lại giữa các phe phái chính trị và những bên liên quan như truyền thông hay cộng đồng tình báo. 

Có thể nói, gánh nặng đặt lên vai ông Trump tăng lên gấp đôi khi vừa phải giải quyết những mâu thuẫn từ nội bộ, lại vừa phải tính toán những chính sách đối ngoại của Mỹ sao cho cân bằng. Điều này khiến Donald Trump thất vọng khi điều hành chính phủ không dễ dàng như quản lý một doanh nghiệp vì những đấu đá nội bộ và những thách thức ngáng trở các quyết định của ông.

Giới phân tích nhận định những ngày khởi đầu đầy sóng gió của chính quyền mới là một bước thụt lùi đối với một tổng thống vốn là doanh nhân tỷ phú, người đã quảng bá bản thân có năng lực chấn chỉnh những vấn đề quốc gia. 

Dù Donald Trump đang trải qua những gập ghềnh và bất thường, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến lạc quan cho rằng ông sẽ sớm "bình ổn" mọi chuyện, và thực hiện được một trong những yêu cầu quan trọng nhất là đoàn kết xã hội. Người dân Mỹ vẫn tiếp tục chờ đợi những hành động cụ thể, thực tế và dứt khoát hơn của ông Trump, hơn là những phát ngôn "vạ miệng" trên truyền hình hay những dòng trạng thái "xả giận" trên mạng xã hội...

Hồng Hạnh
.
.