Chỉ còn tuyệt vọng

Thứ Sáu, 18/12/2015, 16:59
Duy, 21 tuổi, đang là sinh viên của một trường đại học tại TP HCM. Duy là con một trong nhà, hồi Duy vừa nói tròn vành thì cha mẹ Duy ly hôn. Người lớn luôn có những lý do riêng, cũng không nên trách cứ vì nếu còn cố được chắc không vợ chồng nào muốn con phải thiếu mẹ hoặc cha.


Mẹ Duy dồn hết tình thương cho Duy, Duy trở thành niềm hy vọng lớn lao nhất của mẹ.

Tiếc thay.

1. Những năm tôi học phổ thông, ở quê có vài người đồng tính rất thích chơi với đám bạn trai của tôi. Họ là những con người hết sức bình thường, cách sinh hoạt cũng hết sức bình thường. Ngoại trừ, những biểu hiện về tính cách hay giọng nói của họ có vài khác lạ. Một vài cậu bạn của tôi tỏ ra thích thú vì những khác lạ này. Thiếu niên, là độ tuổi vẫn thường như vậy.

Duy, năm lớp 11 quen biết Tài (tên giả định của nạn nhân. Tôi vẫn thường sử dụng tên giả định cho nạn nhân, đây là quan điểm thôi - K.H). Tài là người đồng tính.

Suốt những năm tháng ở quê cho đến lúc Duy lên Sài Gòn trọ học đại học, Tài vẫn cứ theo Duy. Họ thuê nhà ở trọ chung.

Duy khai tại cơ quan điều tra rằng, Tài thường xuyên xâm hại, ép Duy phải quan hệ đồng tính. Mỗi lần Duy phản kháng, Tài đều đánh hoặc hăm dọa sẽ hãm hại Duy cùng người thân. Lời khai của Duy cho thấy, Duy như một dạng “nô lệ dục tính”. Tôi không biết lời khai của Duy về chi tiết này có chính xác hay không vì không có đối chất.

Chính vì bị Tài cưỡng ép quan hệ đồng tính nên Duy có ý định phản kháng. Tất nhiên, nếu Duy là một “nô lệ dục tính” như Duy khai nhận, Duy sẽ lựa chọn một cách thức đầy bạo lực và để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Trong bản cáo trạng của vụ án, có rất nhiều chi tiết ám ảnh về tội ác mà Duy đã thực hiện. Tôi đã đọc rất nhiều bản cáo trạng trong suốt những năm tháng giữ chuyên mục này, có hai bản cáo trạng khiến tôi sợ hãi. Bản cáo trạng đầu tiên là vụ sát hại nhân tình vì ghen của gã sát thủ giả dạng ăn mày. Bản cáo trạng thứ hai là vụ trọng án do Duy thực hiện. 

Mẩu tin trên các tờ báo khi đó viết, “Người dân phường 8, quận Gò Vấp (TP HCM) ngửi được mùi hôi nồng nặc, bốc ra từ nhà trọ trên địa bàn nên trình báo công an. Mở cửa nhà trọ kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thi thể người thanh niên bị cắt đầu và tứ chi, còn phần thân đang phân hủy”.

Với những gì tôi biết về người đồng tính, mạn phép đưa ra giả định trong mối quan hệ giữa Duy và Tài như sau. Duy gặp gỡ và quen Tài ở quê, tỉnh Tiền Giang. Duy đậu đại học lên Sài Gòn trọ học, Tài rời quê lên Sài Gòn làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhằm có cơ hội kề cận với Duy, vừa để chăm sóc vừa để canh chừng. Bi kịch nảy sinh từ sự giám sát này. Năm xưa, tôi nhớ có vụ án với khởi thủy từ sự tận tụy kề cận người yêu. Cô thôn nữ quê miền Tây rời quê lên Sài Gòn để chăm bẵm cho bạn trai học đại học, bạn trai có bạn gái mới phụ rẫy. Cô giải tỏa sự ấm ức của mình bằng cách đầu độc bạn trai. Kết quả bạn trai cô tử vong.

Duy có bạn gái, đương nhiên đây là chuyện hoặc trước hoặc sau sẽ xảy ra. Cô bạn gái này nhìn ảnh rất xinh. Tòa tuyên cô 2 năm tù do tội danh “Che giấu tội phạm” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Bất chấp, Duy đã nhận lãnh hết trách nhiệm về mình, Duy khai hành vi phạm tội của Duy chỉ do Duy thực hiện, cô bạn gái của Duy hoàn toàn không biết gì.

Trước khi yêu cô bạn gái này, Duy từng yêu một cô gái khác.

2. Mối quan hệ với bạn gái mới khiến Duy cảm thấy thật khổ sở khi chung nhà với Tài. Và chính Tài có lẽ cũng cảm thấy uất ức khi Duy có bạn gái. Giữa Duy và Tài liên tiếp nảy sinh mâu thuẫn. Cô bạn gái của Duy cũng hiểu rõ điều này. Nhiều lần cô khuyên Duy nên thoát khỏi Tài, Duy không biết thoát khỏi Tài bằng cách nào. Duy có yêu thương Tài không?. Thú thật, câu hỏi đau lòng này rất khó tìm câu trả lời.

Tôi sẽ kể tiếp về câu chuyện người đồng tính mà tôi biết.

Người đàn ông yêu một người đồng tính, chắc là yêu thật lòng. Dưới sức ép của gia đình, người đàn ông đi lấy vợ. Suốt những năm đi lấy vợ, người đàn ông này vẫn qua lại với người bạn tình kia. Đỉnh điểm, là khi người đàn ông đưa bạn về nhà sinh sống. Chị vợ ban đầu nghĩ họ là tri âm tri kỷ cho đến khi phát hiện ra chuyện gì đó trong phòng riêng của họ. Chị vợ muốn người đàn ông lựa chọn. Người đàn ông bỏ vợ con cùng tất cả tài sản, ra đi cùng người tình.

Hẳn nhiên, không phải mối quan hệ đồng tính nào cũng bền chặt như câu chuyện tôi vừa kể. Chuyện này, chiếm số ít mà thôi. Người đồng tính thường phóng khoáng quá mức và  họ có thiên hướng tình dục tương đối cao so với người bình thường. Thậm chí, họ hơi nặng nề về tình dục khi yêu. Ngay cả, lúc không cần đến yêu.

Đã có rất nhiều người đồng tính lập gia đình với một người phụ nữ đúng nghĩa, họ kết hôn và có con với nhau. Chỉ là sau khi có con, mặc cho đã cố gắng lắm rồi họ vẫn rời nhà theo tiếng gọi của bản năng. Tôi không thích những người đồng tính như vậy, vì để lại nỗi khổ cho phụ nữ là điều rất không nên làm. Lại càng không nên cố biến chuyển mình theo hướng như vậy, sự đánh lừa tư duy về mặt giới tính là điều không thể, thường chỉ mang lại sự không thoải mái cho cả hai - chồng lẫn vợ.

Trở lại mối quan hệ của Duy và Tài. Đến lúc Duy muốn từ chối mối quan hệ này vĩnh viễn, Duy nảy sinh ý định đầu độc Tài.

Lần đầu độc đầu tiên, Duy pha thuốc độc (loại thuốc độc này có tên, nhưng tôi không muốn viết ra đích xác) vào tô mì gói nấu cho Tài. Tài ăn vài miếng thì nôn ói và bỏ dở. Tài có nói với Duy, “Duy ăn thử coi có vị gì lạ không, chứ Tài ăn sao khó chịu quá”. Tất nhiên, Duy không ăn, Duy chỉ bảo có lẽ mì gói hết hạn và vội vã mang đổ đi.

Vài ngày sau lần bị đầu độc này, Tài than nhức đầu. Duy đưa thuốc cho Tài uống, những viên thuốc đã bị tráo bằng thuốc độc đã khiến Tài tử vong. Sau khi Tài tử vong, Duy đủ lạnh lùng để lên phương án phân thi thể của Tài và tìm cách phi tang. Trong suốt quá trình này, cô bạn gái của Duy đều biết và có giúp sức.

Trần Nhật Duy tại tòa. Ảnh: Bùi Khắc Thành.

Duy có khai nhận, ngay từ lúc ở quê, Tài đã đánh đập Duy, Duy có trình báo với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng không nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ họ. Tất cả hành động Duy đã thực hiện chỉ gói gọn trong mấy chữ “muốn được tự do”. 

Điều này có khi không chính xác, nếu dựa vào lời kể của những người hàng xóm của Duy được báo chí mô tả, “Trước đây ở địa phương, Tài nhiều lần đe dọa Duy không được có tình cảm với người khác. Nhiều lúc đang nửa đêm, anh ta sang đập cửa nhà Duy, bắt cậu này phải đi cùng. Không ít lần 2 đứa cãi cọ, phải nhờ đến sự can thiệp của công an địa phương. Tài bị bắt vài lần và bị phạt hành chính, anh ta hứa sẽ thay đổi nhưng rồi lại chứng nào tật nấy”.

Bạn gái của Duy nói nghe rất buồn, “Khi biết Duy gây án, tâm lý của bị cáo rất xáo trộn. Bị cáo muốn báo Công an nhưng bị cáo sợ mất Duy, sợ Duy lâm vào cảnh tù tội. Bị cáo rất yêu Duy, bị cáo biết mối quan hệ của Duy từ lâu rồi, bị cáo muốn Duy chấm dứt nhưng Duy yếu đuối quá”.

Duy tên đầy đủ là Trần Nhật Duy, mức án chung thân cho hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua.

Duy và bạn gái bị các điều tra viên bắt giữ khi đang trên đường về thăm bà ngoại ốm đang hấp hối. Trước đó, mẹ Duy gọi điện thoại báo tin.

Vụ án xảy ra, mẹ của Tài nói với phóng viên rằng vợ chồng bà coi Duy như con. Vì Duy và Tài thân nhau lắm, cả hai đều thích chơi game lẫn đọc truyện tranh. Tài nhận Duy là em kết nghĩa. Chưa bao giờ bà mường tượng mọi thứ sẽ có kết thúc theo cách đau đớn này.

3. Vụ trọng án do Duy thực hiện gây rúng động dư luận suốt thời gian dài, nhiều tờ báo sử dụng cả đồ họa để miêu tả sự việc. Có một bình luận của bạn đọc cho vụ việc này, tôi xin trích dẫn lại, “Vấn đề theo tôi là do sức chịu đựng quá giới hạn của Duy. Đồng ý là Duy đã sai khi giết người, nếu Duy tỉnh táo hơn có thể sử dụng biện pháp khác để chấm dứt mối quan hệ với Tài. Nhưng về mặt tâm lí thì cả 2 “thân thiết” lúc còn bé nên Duy mới “chịu đựng”. 

Quan trọng nữa là gia đình Duy là công chức Nhà nước nên Duy không muốn chuyện này “lan” ra xã hội, mặc khác Duy sợ bạn bè biết thì không biết mặt mũi để ở đâu và có lẽ gia đình Duy không quyết liệt bảo vệ và lắng nghe tâm tư của Duy, nên Duy “phó mặc” cho số phận. Từ từ Duy lãnh cảm với Tài và trong thâm tâm lúc nào cũng tìm cách xa lánh Tài. Cuối cùng, cách nhìn nhận xã hội chúng ta thôi” (Đệ Nguyễn Văn - Zing).

Tôi vẫn có niềm tin tuyệt đối về cái thiện trong mỗi con người, và mỗi lần không lý giải được căn nguyên cái ác, tôi thường viện vào thuyết nhà Phật, oan khiên kiếp này là nghiệp quả của kiếp trước.

Dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng không ai tìm được sự thanh thản nếu muốn thoát khỏi thực tại bằng hành vi gây ra tội ác.

Kinh Hữu
.
.