Cha tôi

Thứ Hai, 04/03/2019, 16:09
Cha tôi vừa nằm xuống. Ông thượng thọ 100 tuổi. Ông đã sống 100 năm, trọn một thế kỷ cho một đời người. 


Nhiều người nói, vì cha tôi nhân hậu, tử tế thế nên ông trời động viên cha sống thọ, để tạc vào nhân gian một nhân cách đẹp, để mỗi ngày, từ ông tỏa ra những năng lượng tốt lành cho con cháu được hưởng. 

Tôi không biết có phải vậy không. Chỉ biết cha tôi đã đi qua một thế kỷ nhọc nhằn mà vững chãi. Ông đã sống những ngày tháng nghèo khó đơn sơ mà thanh thản để rồi một ngày ông nhẹ gót rũ sạch mọi bụi trần. 

Cha tôi mất trong một buổi sáng chủ nhật, các con cháu đều ở nhà. Sau khi ăn bát cháo hạt sen vợ tôi nấu, uống một tuần trà nhài cha rất ưa, sáng nào tôi cũng hãm sẵn rồi cha thong dong ra vườn cho chim ăn, dạo gót một vòng bắt sâu cho mấy khóm hoa bưởi trong vườn vừa nở, xong việc, cha vào nhà nằm nghỉ trong một giấc ngủ ngắn thường ngày. Cha ngủ và không tỉnh dậy nữa. Ông nằm trên giường, gương mặt đẹp như tiên lão với nụ cười nhẹ trên gương mặt viên mãn.

Sở dĩ tôi ngồi viết những dòng này cho cha, là bởi tôi muốn nói với cha tôi vừa nằm xuống rằng vì sao suốt cả cuộc đời, tôi không muốn đi tìm người cha thứ hai. Cha ơi, con đã luôn nghĩ tới lời cha dạy: "Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng", vậy hà cớ gì con phải đi tìm thứ không thuộc về mình.

Cha tôi tìm thấy tôi ở trên một bến đò. Năm đó tôi mới chỉ khoảng hơn 1 tuổi. Tôi được một người phụ nữ xa lạ bế, cả tôi và người phụ nữ ấy đều rơi nước mắt tím tái trong gió lạnh. Những người đợi đò năm đó bên bến sông nói rằng có một người đàn ông còn trẻ, bế tôi đến bến đò, đứng tần ngần rất lâu nhìn xuống dòng sông chảy xiết. Sau đó ông để tôi ở lại, gửi cho một người chờ đò bên cạnh giữ hộ ông một lát để ông đi về phía lùm cây...

Nhưng cha tôi không trở lại đón tôi như đã hẹn. Mặc cho tôi khóc khản cổ. Chuyến đò ấy, mọi người rời bến hết, chỉ còn lại tôi và người phụ nữ được cha nhờ bế giúp đã đứng mãi trên bến sông chờ cha tôi quay lại. Lỡ đến hai chuyến đò rồi cha vẫn không quay lại, người phụ nữ bế tôi trên tay hòa nước mắt cùng thằng bé hơn 1 tuổi.

Lúc đó, người đàn ông đã bất đắc dĩ mà trở thành cha tôi vừa đi dạy học về trễ đò. Thấy người phụ nữ khóc kể lể số phận của đứa trẻ bị cha đẻ bỏ rơi không quay trở lại, trong khi người phụ nữ ấy nhà nghèo, có đến 5 đứa con lít nhít, không thể nuôi thêm thằng bé bị bỏ rơi này nữa. Cha tôi nghe người phụ nữ kể lể sự tình, đã đón tôi từ tay người phụ nữ đang hoảng sợ run rẩy khóc. Cha đưa tôi về nhà theo cha... Từ đó tôi có gia đình mới của mình.

Nhưng cha tôi lúc này cũng đã có 3 đứa con thơ, hai trai một gái nheo nhóc ở nhà bữa khoai bữa sắn chưa đủ no. Thấy cha mang tôi về, mẹ tôi thở dài và khóc. Tôi có một gia đình mới nghẹn ngào và đắng chát trong nỗi lo chạy bữa, trong cái nghèo khổ đói khó của cha mẹ đặc quánh cả một tuổi thơ....

Rồi tôi lớn dần lên, không hề biết thân phận mình là con nuôi của cha mẹ. Tôi hồn nhiên như bất kỳ một đứa trẻ nào khác. Chỉ có điều, không hiểu sao, trong tất cả các con ba trai hai gái của cha mẹ, thì bao nhiêu tình thương cha đều kín đáo âm thầm dành cho tôi nhỉnh hơn các anh chị em. 

Những ngày cha đi dạy về, tôi nhổ tóc sâu cho cha, quấn quýt bên cha. Cha đi dạy về, có quả ổi ngon cha cũng cắt ra mấy phần cho các con nhưng bao giờ không hiểu vô tình hay cố ý, phần của tôi cũng nhỉnh hơn. Có đồng quà tấm bánh cha mang về hay phụ huynh đến nhà biếu, cha chia phần cho 6 đứa con cả tôi đồng đều chưa bao giờ để tôi có cảm giác tôi chỉ là một đứa trẻ lạc loài phiêu dạt đến căn nhà của cha mẹ.

Mà chính xác là tôi không hề biết thân phận của mình thật. Tôi không hề biết tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi bên bến sông. Chỉ đến khi lớn lên, thỉnh thoảng tôi bị mấy anh chị bắt nạt, anh trai đầu của tôi còn chỉ thẳng vào mặt tôi rằng tôi là đồ con hoang, là thằng bãi rác, cha tao nhặt về nuôi để mày làm người hầu trong gia đình.

Những lần bị anh cả chửi mắng thế tôi lại đi tìm cha và khóc. Cha tôi biết chuyện đánh cho anh trai tôi một trận. Sau những lần như thế cha càng thương tôi hơn, nuông tôi hơn các anh chị trong nhà. Nhưng các anh chị đã đúng, chỉ có tôi là không biết thân phận. Tôi càng bị các anh chị bắt nạt, cha càng xót tôi, tìm mọi cách che chở cho tôi nhiều hơn để lòng con trẻ không bị tổn thương. 

Cha dạy tôi học, cho tôi theo đến lớp của cha ngồi ở phía sau nghe cha giảng bài. Tôi ngoan hiền và cũng học giỏi như các anh. Chúng tôi học giỏi là nhờ cha đổ bao công sức dạy dỗ. Các con của cha đều học hành giỏi giang nhưng chỉ có anh cả là giỏi xuất sắc vượt trội. Anh cả là niềm tự hào của cả nhà khi suốt cả những năm tháng đi học anh bao giờ cũng đứng nhất lớp, đi thi học sinh giỏi khắp nơi. Sau khi bị cha đánh vì tội kỳ thị tôi, anh cả lạnh lùng xa lánh tôi, ít khi trò chuyện. 

Trong ánh mắt gườm gườm băng lạnh của anh, tôi thấy ở đó tất cả lòng tức giận hẹp hòi, rằng tại sao mày lại ở đây, mày có mặt trong gia đình tao, mày xáo trộn cuộc sống của chúng tao...

Năm anh cả đậu đại học đủ điểm đi Liên Xô học thì cũng là thời điểm anh thứ hai chuẩn bị thi đại học và chị thứ 3 thi lên cấp 3. Sau còn hai em nhỏ đang đi học. Cảnh nhà lúc đó nghèo quá, cha mẹ nuôi 6 miệng ăn, lại còn cả 6 đứa con đi học, bữa rau bữa cháo, cả nhà đói xanh lét. Mẹ buộc phải bảo với cha mẹ không đủ sức để nuôi cả 6 đứa con ăn học. Bắt buộc phải có hai đứa con nghỉ học để phụ giúp cha mẹ và gia đình. 

Thời gian đó cha buồn lắm. Tôi thấy ông thường ngồi uống trà một mình trên cái chõng, ánh mắt buồn rầu với những cái thở dài nén trong sâu thẳm. Họp gia đình lên xuống, cuối cùng cả tôi và chị gái lớn thứ 3 cùng xin cha mẹ nghỉ học phụ giúp gia đình. 

Ngày tiễn anh cả đi học ở Liên Xô, cha không ôm anh mà ôm tôi và chị Liễu vào lòng. Cha khóc, nước mắt chảy chậm chậm trên đôi gò má gầy. Cha nói anh cả, anh hai và hai em nhớ học cho giỏi, đừng phụ công cha mẹ và các em đã hi sinh vì mình.

Tôi và chị Liễu trở thành nông dân phụ giúp mẹ. Sau đó mấy năm chị Liễu đi lấy chồng, mình tôi cùng với cha mẹ vun vén nuôi anh hai và hai em sau được ăn học đến nơi đến chốn. Tôi biết trong sâu thẳm cha thương tôi vì nghèo mà thất học. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Cha đi dạy học ở trường huyện đồng lương còm cõi ít ỏi, còn mẹ thì còng lưng với mấy sào ruộng. Tôi và chị Liễu không nghỉ học đỡ mẹ làm ruộng thì không thể vượt qua những ngày gian khó ấy.

Cuộc sống đã rất hạnh phúc và bình an đối với tôi cho đến một ngày, anh trai cả tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và trở về thăm nhà báo tin cho cha mẹ và các em rằng anh đã được Trường ĐHTH mời về dạy học. Cha mẹ mừng lắm, cả nhà vui hơn Tết vì anh mang kẹo ngọt về, tối đó mẹ hãm chè xanh, làng xóm kéo đến chúc mừng chật nhà. Anh cả giờ đã chững chạc, không còn như xưa, anh vui vẻ hỏi han công việc đồng áng và cuộc sống của tôi. 

Nhưng không hiểu sao, trong sâu thẳm, tôi thấy ánh mắt anh nhìn tôi vẫn cái nhìn giá lạnh không đổi.  Đêm ấy khi tất cả mọi người đã về hết, mẹ và các em đi ngủ, tôi thấy cha và anh nói chuyện với nhau rất khuya. 

Tôi ngủ rồi thức dậy, vô tình đi ra gần gian ngoài thì nghe cha đập bàn quát lớn: "Con phải sống cho nhân văn có tình người chứ. Ta là cha của nó, con là anh của nó, nó chỉ có một gia đình duy nhất là gia đình này, con định tước đoạt nốt cuộc đời nó hả. Tội nghiệp thằng bé, con đi học được là nhờ nó hi sinh đấy". 

Tiếng anh trai tôi nhỏ nhẹ. "Cha ơi, sự thật vẫn là sự thật. Cha nên sòng phẳng với cuộc đời. Em con không phải là con ruột của cha, em ruột của con và các con của cha trong nhà. Cha nuôi em và dành tình thương cho em là điều trân trọng, nhưng em đã 18 tuổi rồi, em cần biết số phận thực của mình, có thể em sẽ tìm được cha mẹ ruột thật sự của em. Nếu cha giấu em mãi, con nghĩ cha đang sai lầm và rồi cha sẽ phải ân hận đấy". Cha tôi im lặng thở dài.

Thực sự tôi đã sốc và choáng váng suốt một thời gian dài... Tôi thường ở lại trên cánh đồng thật muộn và ngồi bó gối một mình, mặc cho nước mắt chảy dài. 18 tuổi thời ấy, tôi vẫn là một đứa trẻ lớn. Tôi không nghĩ được gì nhiều hơn ngoài nỗi buồn rằng tôi là con nuôi, không phải con ruột của cha mẹ tôi. Và tôi khóc vì điều đó. Có những bữa cha đi dạy xong, về không thấy tôi, cha hớt hải đạp xe đi tìm tôi đến tối mịt khắp làng... 

Chỉ đến lúc viết những dòng chữ này thì tôi mới thấu cảm một cách rõ ràng và tận cùng nhất nỗi đau của cha. Thời điểm đó, nếu tôi đau một thì cha mới là người đau gấp nhiều lần. Cha bất lực nhìn thấy nỗi thất vọng, nỗi đau trên gương mặt đứa con trai cha đã nuôi nấng dạy bảo và trót thương nó còn hơn cả con đẻ. Nỗi đau của cha rộng lớn hơn nhiều, mênh mông và cũng trần trụi hơn rất nhiều.

Lần đó, tìm thấy tôi trên cánh đồng, cha quẳng xe đạp ở bờ ruộng và lao về tôi. Cha ôm mái đầu rối bù cháy nắng của tôi vào khuôn ngực gầy của cha. Tôi thấy cha tôi khóc. Rồi như một người cha bất lực và đau khổ nhất thế gian, ông vô cùng khó khăn để kể lại cho tôi nghe câu chuyện ở bến đò 18 năm trước và vì sao cha trở thành cha của tôi. 

Cha nói: "Anh cả con nói đúng, cha không có quyền giữ mãi bí mật. Con được quyền biết về thân phận của mình. Đã đến lúc con có quyền đi tìm cha đẻ, tìm gia đình ruột thịt của con. Nhưng nếu con có tìm được họ, nếu sau này con sẽ thay đổi không ở cạnh cha nữa thì con hãy nhớ một điều cha là cha của con. Vĩnh viễn sẽ như vậy, gia đình này là của con, mẹ và các anh chị em đều là của con, ai cũng thương con như máu mủ ruột rà". 

Hôm đó trên cánh đồng, tôi đã tựa vào ngực cha khóc tồ tồ một lần cho rũ sạch đau khổ. Trên cánh đồng cuối ngày im vắng, cha tôi ngồi nghiến răng, quai hàm bạnh ra để đỡ tôi thằng thanh niên to khỏe đang khóc rống lên như một đứa trẻ nhỏ. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy cha tôi khoảnh khắc đó như bức tượng hóa đá, thu hết mọi nỗi đau câm lặng vào trong.

Tôi đã không đi tìm cha đẻ của mình. Tôi không có cảm giác thôi thúc được đi tìm sự thật. Tôi lẳng lặng sống cùng cha mẹ, lập gia đình riêng. Cha tôi chia ra cho tôi một khoảnh vườn trong khu vườn rộng của cha mẹ để tôi làm nhà. 

Nhưng thời điểm đó cha mẹ tôi chưa đủ kinh tế để riêng ra cho tôi. Anh cả và anh Hai đều sống ở Hà Nội. Chị Liễu lấy chồng làng bên, hai em út đều học hành và thoát li đi cơ quan nhà nước hết rồi lấy chồng lấy vợ ở trên thành phố. Chỉ mình tôi và chị Liễu ở cạnh cha mẹ. 

Cha về hưu nghỉ học chuyên tâm với nghề bắt mạch và cắt thuốc Nam. Cha học nhiều, đọc nhiều, sách thông kinh vạn quyển. Cha dạy tôi nhiều thứ, nhân, lễ, trí, nghĩa. Có bao nhiêu thứ cha tích lũy được cha đều truyền dạy cho tôi. Và cũng chỉ có tôi mới có điều kiện ở bên cha để nhận được món quà vô giá từ cha mà ông đã dành riêng cho mình. Tôi nghỉ nghề làm nông, theo cha hái thuốc Nam và cắt thuốc bắt mạch cho bà con trong làng.

Mấy năm đổi mới... thành phố mở mang quy hoạch, ngôi nhà của cha mẹ tôi ra mặt đường và ngôi làng của cha mẹ tôi giờ trở thành một phường của thành phố. Năm cha 70 tuổi, (bằng tuổi tôi bây giờ) cha gọi cả 5 đứa con ruột của cha về họp gia đình. 

Trong buổi họp ấy, cha phân chia lại khu vườn thành ba phần (vì suốt từ bấy đến nay tôi dù lập gia đình vẫn ở cùng cha mẹ, không ở riêng trên phần đất cha chia cho). Giờ quy hoạch lại mảnh vườn cha lấy một phần cha chia đủ cho 5 đứa con ruột của cha mỗi người một khoảnh vườn nhỏ gần 100m. Còn lại 2 phần khu vườn với hơn 1.000m² đất trên đó có ngôi nhà của cha mẹ ở từ lâu đời, cha tuyên bố dành cho tôi, đứa con nuôi của cha.

Cha cũng nói với anh cả, sau này cứ để cho em Phúc trông coi thờ tự cha mẹ trên ngôi nhà của cha mẹ. Con sau này về già, nếu không muốn ở Hà Nội nữa thì về đây ở với em, nếu không muốn ở chung với em thì con làm nhà trên mảnh đất bên cạnh cha đã cho con.  Nhưng toàn bộ phần đất này cha đã cho em con thừa kế.

Không có một ai trong số 5 người con của cha phản đối quyết định của cha dù lúc đó tấc đất trong khu vườn của cha mẹ đã là tấc bạc rồi. Ánh mắt của anh cả tôi vẫn lạnh... nhưng cũng phải mãi đến sau này, khi cha tôi mất, sau lễ hết tang cha, tôi mới hiểu ánh mắt ấy. Nó không hề giá băng như tôi nghĩ. 

Khi tôi mang toàn bộ cuốn sổ đỏ cha đã cắt riêng ra cho tôi thừa kế và đưa cho anh cả giữ, tôi nói với anh em xin gửi lại anh thứ mà đáng ra em không được nhận, vì anh mới là con ruột, là trưởng nam của cha. Anh đừng lo cho em, con trai con gái em đã có gia đình, chúng đều có nhà cửa đàng hoàng, giao lại tài sản của cha mẹ cho anh, em và vợ em sẽ qua nhà con trai cả em ở. Em cũng dành dụm được chút tiền, có thể nếu cần em sẽ mua đất còn ở trong làng để dựng một nếp nhà nhỏ.

Anh cả của tôi nghe tôi nói vậy đã thảng thốt ôm lấy tôi. Lần đầu tiên trong đời, khi đã ở tuổi gần đất xa trời, anh tôi mới một lần ôm tôi bối rối run run. Anh nói em hãy ở đây thờ tự cha mẹ như di nguyện của cha. Sau này anh sẽ thường xuyên về thăm em. Anh và các em trong nhà mình không ai được làm trái di nguyện của cha cả.

Cả năm người con của cha, dù người có ánh mắt giá lạnh, hay nồng ấm thì tất thảy đều tôn trọng di nguyện của cha, không một ai có ham hố vật chất đến mất lương tâm để lao vào cuộc tranh cãi giằng xé với tôi, đứa con nuôi được cha thương yêu và ưu ái nhất... 

Tôi hiểu, sinh ra trong một ngôi nhà có người cha như cây cổ thụ tỏa bóng, những hạt giống cha gieo tất sẽ cho quả lành, bởi cái gốc vững chãi, cộng với dạy dỗ từ tấm bé, đã hình thành nên những nhân cách các con của cha rất đàng hoàng, có văn hóa cao và chan chứa sự nhân hậu, nhân văn đáng trân trọng. Vì thế tôi cần gì phải đi tìm cho tới tận cùng sự thật liệu tôi có còn một người cha khác nữa hay không.

20-2-2019

ANTG CT số 210
.
.