Cái nghèo… tủi phận

Thứ Hai, 10/09/2012, 10:10
Cha mất đi để lại người mẹ tảo tần nuôi 5 đứa con khôn lớn. Anh trai chết trong nghiện ngập. Gánh nặng gia đình dồn lên vai Côn. Côn hiền lành, chăm chỉ làm ăn, đỡ đần cho người mẹ một đời lam lũ. Vậy mà, chỉ vì một câu khích bác, bị đám bạn nhậu chê mình nghèo, Côn đã vướng vòng lao lý.

Đánh nhau chỉ vì câu khích bác

Ngồi trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Mạnh Côn (28 tuổi, ngụ P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chốc chốc lại rướn mình nhìn qua khe cửa. Nơi ấy, có người mẹ già tiều tụy, đang ủ rũ, cạn nước mắt vì con.

Trước toà phúc thẩm, bị cáo Côn thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Để xảy ra kết cục buồn đó là cả một chuỗi tháng ngày dài đằng đẵng Côn sống trong sự cố gắng vươn lên khẳng định bản thân, rồi bị đám bạn bè “dìm hàng”. Côn cố ngoi ra cái số kiếp nghèo bằng con đường chân chính nhưng chỉ vì bạn bè mỗi lần nhậu là đem cái chuyện giàu nghèo ra so đo, đong đếm khiến Côn không còn là mình, dùng chai bia tấn công bạn đến tử vong.

Ngày buồn ấy xảy ra vào tối 23/5/2011. Đêm ấy, Nguyễn Mạnh Côn cùng với anh Nguyễn Hữu Phúc (31 tuổi, hàng xóm của Côn) và một số người bạn cùng ngồi uống bia tại sân lát gạch trước căn nhà bị giải toả ở đường Thống Nhất, P.15, Q. Gò Vấp. Suốt buổi nhậu, anh Phúc và những người trong bàn luôn mang những lời khiêu khích, chê bai và hắt hủi Côn vì cho rằng Côn là một thằng nghèo “rớt mồng tơi”, gần 30 tuổi mà vẫn phải để cho mẹ già đi ở nhờ nhà người khác. Một lúc sau nữa, khi đã ngà ngà say, Côn mạnh miệng lên tiếng “phản pháo” và lời qua tiếng lại với anh Phúc. Trong lúc này, anh Phúc lại nhờ người đi mua giò heo về để cả nhóm nhậu tiếp. Anh Phúc vào nhà lấy một cái tô sành để đựng giò heo nhưng không đủ nên Phúc định vào nhà lấy nồi ra đựng. Khi anh Phúc đi được vài mét thì Côn buột miệng nói: “Mày sống đừng có tạo nét quá để em út gọi mày bằng thằng”. Thế là, anh Phúc quay lại đáp: “Tao không nói mấy thằng kia mà tao khinh mày đó”. Thế là, giữa Côn và anh Phúc to tiếng nảy lửa.

Đang cầm chiếc tô trên tay, anh Phúc ném thẳng vào người Côn. Côn né được và dùng vỏ chai bia ném vào đầu anh Phúc. Phúc té ngã và đập đầu vào ụ xi măng bất tỉnh. Những người có mặt kịp thời đưa Phúc đến bệnh viện nhưng Phúc đã chết ngay sau đó vì chấn thương sọ não.

Ngày 16/5/2012, TAND quận Gò Vấp đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử Nguyễn Mạnh Côn về tội “Cố ý gây thương tích”. HĐXX nhận định, giữa bị hại và bị cáo có mối quan hệ quen biết. Trong cuộc nhậu, bị hại là người gây nên cuộc tranh cãi và là người luôn khiêu khích bị cáo, dẫn đến bị cáo không làm chủ được bản thân. Hơn nữa, bị hại chết không phải do vết thương của bị cáo gây nên mà do bị hại đi thụt lùi để né tránh đòn đánh chí tử của bị cáo mà tự té dẫn đến bị chấn thương sọ não rồi tử vong. Sau khi xem xét những tình tiết giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên bị cáo 5 năm tù.

Bản án sơ thẩm được tuyên trong sự ngỡ ngàng của người thân và xóm làng bị cáo. Không ai có thể tin rằng, một thanh niên hiền lành, chịu thương chịu khó như Côn lại vướng vào vòng lao lý. Trong khi đó, những lúc người thân vào trại giam thăm thì Côn luôn kể rằng mình bị oan. Côn không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho anh Phúc. Mới đây, toà án tối cao đã mở phiên toà phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo. Nhận thấy vụ án còn có nhiều điểm chưa được làm rõ, toà tối cao tuyên hoãn, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ vụ án “Cố ý gây thương tích” do Côn gây ra. Lại một lần nữa, những trang hồ sơ vụ án được lần giở… 

Không biết bản án phúc thẩm tới sẽ như thế nào khi cơ quan công an tiến hành điều tra lại nhưng những ngày Côn vào tù cũng là những ngày mẹ của bị cáo là bà Nguyễn Thị Thịnh đã khóc hết nước mắt vì con.

Tủi phận nghèo

Tôi nhớ cái ngày toà tối cao mở phiên xử phúc thẩm, ngay từ sáng sớm, người mẹ già ở tuổi 60 này đã có mặt tại toà để được nhìn mặt đứa con trai tội lỗi mà bà từng dứt từng khúc ruột đẻ ra. Bà lầm lũi vừa canh chừng đứa cháu ngoại 2 tuổi, vừa lóng ngóng theo dõi đồng hồ ở hành lang tòa án để đến giờ gặp con. Trong giây phút chờ đợi sự trùng phùng tích tắc giữa chốn công đường mà không mấy ai mong muốn ấy, người mẹ già ấy đã không cầm được nước mắt khi kể về Côn, về gia đình mình…

Bị cáo Côn tại tòa phúc thẩm.

18 tuổi, bà lấy chồng nhưng cuộc hôn nhân không được gia đình bà chấp nhận, nhưng vì tình yêu, cả hai ông bà vẫn động viên nhau xây dựng cuộc sống gia đình. Thế nhưng cuộc hôn nhân của hai ông bà hạnh phúc chưa được bao lâu thì ông mắc căn bệnh ung thư phổi cùng bệnh tiểu đường, bán mọi đồ đạc trong nhà để chữa bệnh cho chồng nhưng ông vẫn bỏ bà và 5 đứa con nhỏ ở lại thế gian. Hàng ngày bà lượm ve chai, phụ quán ăn, làm thuê làm mướn… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều lúc, không có tiền trả tiền thuê phòng trọ, mẹ con bà phải dọn ra gầm cầu ở tạm. Nhìn thấy, bà con lối xóm ai cũng bĩu môi hắt hủi, anh em trong nhà không một ai giúp đỡ vì sợ mang tiếng, bà muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi vì các con và vì lời hứa với chồng, bà lại lầm lũi lao động kiếm tiền nuôi con.

Các con của bà, đứa phải bỏ học giữa chừng, đứa không được đi học. Mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ khác được tung tăng đến trường, rồi nghĩ về các con hàng ngày không đủ ăn, bà chỉ biết gạt nước mắt. Các con của bà mỗi lần muốn hoà chung vào đám trẻ trong xóm vui chơi thì bị hắt hủi vì những câu đại khái như: gia đình mày nghèo kiết xác, làm cả đời mà không có được căn nhà thì đừng chơi với tụi tao làm gì”. Bà chỉ ước, 5 người con của bà lớn lên sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Thế nhưng, điều ước của bà đã không thành hiện thực…

Anh trai cả của Côn không dám ngẩng cao đầu để đối diện với những gièm pha của miệng lưỡi thế gian chỉ vì… nghèo. Không chịu được cảnh nghèo nên người anh tham gia buôn “hàng trắng”. Từ một người buôn bán ma tuý, người anh trở thành con nghiện lúc nào không hay. Trong một lần lên cơn nghiện, không có tiền mua thuốc về chích, anh trai Côn ra đi trong đau đớn và vật vã. Còn đứa em trai út của Côn thì giờ tiếp tục nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè đi vào con đường nghiện ngập, hút chích.

Với bà Thịnh, nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai thì nỗi đau mất con ập đến. Nhìn mẹ mình ngày càng tiều tụy vì những sóng gió cuộc đời, Côn hứa sẽ không bao giờ đi theo vết xe đổ của anh trai, sẽ sống thật tốt, làm việc bằng chính công sức lao động của mình để có thể bù đắp cho mẹ và các em.

Học mới chỉ đủ để viết được cái tên mình, Côn bỏ dở sách vở để lao vào đời kiếm sống. Côn làm thuê, ai thuê gì làm nấy... Công việc thường ngày của Côn là đi chở cá thuê. Hằng ngày, trên chiếc xe cà tàng, Côn làm nghề chở cá thuê cho các chủ vựa. Hết giờ, Côn tranh thủ kiếm việc khác làm thêm để tăng thu nhập. Biết Côn là người chịu thương, chịu khó nên hàng xóm ai cũng động viên, khuyên nhủ hãy cố gắng làm ăn thì có ngày may mắn sẽ mỉm cười. Nhưng có ai biết khuất sau nụ cười của cuộc đời vẫn còn đó vô vàn cám dỗ, đòi hỏi những người như Côn phải bỏ ngoài tai để chiến thắng số phận.

Vậy mà, chỉ vì một câu khích bác rất quen tai, thiếu kiềm chế mà Côn vướng vào vòng tù tội. “Gia đình tui giờ này như đã đi vào vết xe đổ của xã hội. Thằng Côn là niềm hy vọng lớn nhất của tui nhưng nó đã đi tù và không biết sau phiên tòa phúc thẩm nó có được minh oan”, bà Thịnh nói trong nước mắt. Từ ngày Côn bị bắt, biết chắc sẽ phải bồi thường cho bị hại, hai em gái của Côn đang làm công nhân đều nghỉ việc để đi phiêu bạt nơi xa kiếm tiền nuôi mẹ và giúp Côn khắc phục hậu quả.

Đông đảo bà con nơi xóm nghèo nhà Côn tới dự phiên tòa đều thở dài. Ai cũng thương Côn hiền lành chịu khó, luôn ước mơ lo cho mẹ già có cuộc sống không phải chạy ăn từng bữa lúc tuổi già. Vậy mà…

Phiên toà phúc thẩm tạm hoãn, bị cáo Côn được đưa ra xe về trại giam. Đôi tay bị còng và hai chiến sĩ công an áp giải bên cạnh nhưng Côn vẫn cố ngoái đầu về phía mẹ: “Mẹ giữ gìn sức khoẻ. Con không sao đâu, mẹ…ơi!”.

Chiếc xe lăn nhanh, chỉ có bóng dáng người mẹ già liêu xiêu, gấp khúc theo từng bậc tam cấp của cổng toà. Đâu đó vang lên tiếng thở dài: “Nghèo cũng là cái tội…”

Công Quang
.
.