Ca sĩ trẻ nhọc nhằn lập nghiệp: Ngơ ngác "cừu non"
Và thật khó kể hết, có bao nhiêu người trẻ bị ước mơ đó "hành" đến mức, tiền mất tật mang. Như những chú cừu non ngơ ngác, họ là những đối tượng để người khác lợi dụng kiếm tiền mà đôi khi lại nghĩ rằng mình đang được ban ơn…
1. Tinna Tình. Ba album, đầu tiên là "Chiếc gương" như sự thăm dò công chúng. "Mù tạt", album rock ra mắt đầu 2009, được đánh giá cao khi tham gia Bài hát Việt. Ngày cuối cùng năm 2009, ra mắt album "Tinna Dance Rock" - album remix lại những bản rock trong "Mù tạt". Ít ai biết, để có được 3 album ấy, Tinna phải vật lộn với chính cuộc sống khó khăn, với cám dỗ và với những mâu thuẫn trong chính bản thân cô. Không ít khi cô bị lừa, bị lợi dụng và bị chơi xấu. Làm nghệ thuật như Tinna là một việc không dễ dàng. Cô nói không với nhạc thị trường nhưng môi trường sống của cô không thuận lợi cho việc làm nghệ thuật. Tất cả những điều này, nghe thì giản đơn. Và ngắn gọn. Nhưng, Tinna đã vật lộn không ít, để bắt đầu hành trình tìm được chính mình trong âm nhạc. Nói như cách của nhạc sỹ Dương Thụ trong buổi họp báo "Tinna Dance Rock", thì dường như Tinna đang buộc phải đối diện với thực tế đời sống quá khó khăn và những khát vọng nghệ thuật chân chính. Và buộc phải tìm ra một lời hòa giải cho cả hai cái đó. Nhưng nó là một thứ ranh giới quá mong manh.
"Tinna bảo, cô ấy đem đĩa cho Đức Trí nghe, Đức Trí cười bảo, album mà ông Thụ khen thì khó bán, khó ăn khách lắm. Tôi bảo, đúng vậy, thực sự không dễ gì để mọi người tiếp nhận được ngay những giá trị trong âm nhạc. Cái này phải kiên nhẫn. Nói ra điều ấy để mọi người hiểu rằng, làm nghệ thuật là công việc không dễ dàng, không "ngon ăn", nó là sự hy sinh nặng nhọc"- Dương Thụ nói. Chính Dương Thụ cũng đã phân tích rất kỹ về sự "chênh vênh" của Tinna và những nhạc sỹ cùng thời cô trên tạp chí Đẹp.
"Nhận ra sự đổi thay không phải là dấu hiệu của sự buông xuôi. Nhưng nhận ra rồi liệu có "tìm lại (được) chính mình trong bụi bặm"? - Một câu hỏi không dễ trả lời đối với người có hoàn cảnh như cô, một con người đơn độc. Mà không phải chỉ có cô, cả một thế hệ tác giả đang đứng trước cạm bẫy của tiền bạc và danh vọng, của những ham muốn vật chất không có điểm dừng. Nôn nóng kiếm tiền, nôn nóng kiếm tìm sự nổi tiếng trong khi làm nghệ thuật lại đòi hỏi có sự đầu tư công phu về tri thức, kỹ năng, văn hóa nền. Để đáp ứng, cần có thời gian và sự tập trung cao độ, cần sự kiên nhẫn và bền bỉ (vì sự đào tạo trường quy mới chỉ cho ta chút vốn ban đầu, phải dành thời gian rất nhiều để tự học). Và trên tất cả, là một thái độ cực đoan trong việc coi trọng những giá trị tinh thần, dứt khoát không chấp nhận sự nửa vời. Như thế quả là rất khó! Tôi biết một nhạc sĩ rất trẻ, cũng là một phát hiện của Bài hát Việt. Trong con mắt tôi, cô thật ngây thơ trong sáng và là một "tuyệt đối cực đoan" về mặt quan niệm nghệ thuật. Thế nhưng, tôi đã bắt gặp cô chạy show trong một show diễn rẻ tiền. Biết làm sao bây giờ!".
Nếu nhìn vào hành trình đến ngày được ló mặt vào thế giới âm nhạc của Tinna hôm nay, sẽ thấy cô đã phải cực nhọc như thế nào. Lăn lộn nhiều năm ở các sân khấu như một ca sỹ vô danh và không sống được. Cô chuyển từ Bắc vào
Những cơ hội mà Tinna tưởng như có được cũng bị không ít người giành mất. Chẳng hạn khi cô nhận được một lời mời đóng phim (trên thực tế đã được ký hợp đồng) và làm nhạc cho bộ phim ấy. Ngay lập tức có tin cô nhiễm HIV, và hợp đồng đã bị đơn phương chấm dứt. Cô gái có cái nickname rất đẹp "hoa lài màu xanh" dường như không có chỗ dựa, lại cặm cụi hành trình một mình.
2. Một nam ca sỹ (tạm gọi là C), từng được biết đến qua một cuộc thi hát, nhưng ca sỹ này dường như bị chìm lấp trong một rừng ca sỹ trẻ. Cơ hội xuất hiện quá ít. Cát sê bèo bọt. Và dường như, C. không có cơ hội để khẳng định bản thân, bởi khi là ca sỹ trẻ lại không có quản lý giỏi, thường rất dễ dãi nhận lời tất cả những lời mời. Và từ đó, cái nhìn mặc định của giới bầu show, đó là C. thuộc diện dự phòng, khi không còn ca sỹ hoặc ca sỹ bị bể show mới gọi C. lấp chỗ trống. Và, C. sẽ chỉ nhận được mức cát sê tượng trưng cho ca sỹ mới, mà không được phép đòi hỏi, nếu không muốn bị cho… nghỉ hưu sớm.
Có không ít bầu show, các biên tập tại các phòng trà luôn đòi hỏi các ca sỹ phải chia tiền cát sê như một thứ luật bất thành văn. Hiện tại, kể cả ngôi sao lẫn ca sỹ hát lót đều chấp nhận một quy luật bất thành văn, đó là người gọi show ca sỹ sẽ được giữ 20% tiền cát sê, như một thứ… tiền lương. C. cũng trong tình trạng đó, và cuối cùng, khi nhận được cát sê thực, thì số tiền chẳng còn bao nhiêu, nếu như không nói là không đủ tiền làm tóc, trang điểm, mua trang phục và tiền làm nhạc.
Giới ca sỹ Sài Gòn truyền tai câu chuyện khá nực cười, có một biên tập viên của một phòng trà tổ chức một năm cả chục cái sinh nhật, cho mình, cho vợ con và cả người thân, và mời tất cả các ca sỹ đã hát ở phòng trà của mình. Khi ca sỹ đến, sẽ được chủ nhà giới thiệu những món đồ cụ thể, tủ lạnh là ca sỹ A. tặng, máy giặt là ca sỹ B. tặng, điều hòa là do ca sỹ C. tặng… Các ca sỹ đến dự sinh nhật sẽ tự hiểu mình nên tặng cái gì, nếu vẫn muốn tiếp tục hát ở đó hoặc muốn giữ hòa khí.
Thời gian qua, một số ca sỹ đầu quân cho các công ty nhưng rồi liên tiếp những đổ vỡ, kiện tụng xảy ra. Người ta thường đổ lỗi cho rất nhiều thứ, nhưng thực chất, chuyện cơm không lành canh chẳng ngọt là do không rõ ràng về tiền bạc. Và thường, các công ty luôn tìm mọi cách để tận dụng tối đa ca sỹ của mình cho việc kiếm tiền. Ca sỹ trẻ (tạm gọi là H), sau một thời gian làm ca sỹ tự do không mấy khởi sắc, cũng đã đầu quân cho một công ty đào tạo và lăng xê ca sỹ. Nhưng ở thời điểm H. đầu quân thì có quá nhiều ca sỹ tương tự ở công ty này. Thế nên, H. gần như bị công ty bỏ rơi và không có được bất cứ sự đầu tư nào.
Tự bỏ tiền làm album, xin từng khâu giấy phép phát hành, tự lo PR với truyền thông mà không được công ty hỗ trợ bất cứ thứ gì. Đó là chưa kể, khi ấy toàn bộ các ca sỹ của công ty có một đêm diễn hoành tráng tại một thành phố phía Bắc, nhưng H. cũng bị loại khỏi danh sách mà không rõ lý do. Khi xuất hiện tại các buổi tiệc, lễ ra mắt có đông quan khách và báo chí, người ta chỉ thấy giám đốc xuất hiện cùng với nữ ngôi sao được lăng xê nhiều nhất của công ty này, còn H. như một kẻ ngoại đạo. Thế nhưng, khi phát hành album, công ty yêu cầu H. phải cho công ty độc quyền kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ những bản nhạc mà H. phải bỏ rất nhiều tiền để thực hiện.
Chưa hết, H. tiếp tục gặp thêm một ách khác, đó là các trang âm nhạc trực tuyến. Với điều kiện, H. là ca sỹ mới nên muốn được trang âm nhạc này lăng xê, phát hành album online, thì H. phải chấp nhận cho trang web này khai thác kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ miễn phí trong vòng một năm. Ai cũng biết, việc kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ có mức lợi nhuận lớn, nên đã có những công ty sẵn sàng bỏ 50% tiền đầu tư cho ca sỹ làm album để khai thác kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ độc quyền. Và có những ca sỹ chấp nhận chuyện này vì không có tiền làm album. Chỉ được một album đem… tặng (vì đĩa lậu lộng hành dữ dội và nhạc online tràn lan), chấm hết!
Thế nên, nữ ca sỹ T.T được coi là kẻ quá khôn ngoan, khi cô sáng tác nhạc cho một phim truyền hình hứa hẹn ăn khách, công ty sản xuất trả nhuận bút 60 triệu, cô đã nói sáng tác… tặng, nhưng giữ bản quyền để kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ. Đến nay số tiền cô thu được đã vượt xa con số 60 triệu. Nhưng T.T là của hiếm, còn rất nhiều ca sỹ trẻ khác, muốn được xuất hiện, thì phải chấp nhận cuộc chơi miễn phí mà thôi!--PageBreak--
3. Trí Phong. Không nổi bật, không đẹp baby, giọng hát không quá xuất sắc, nên dù được giải nhất Giọng hát hay Nhà văn hóa Thanh niên, nhưng chàng trai An Giang này mãi lận đận con đường ca hát. Làm kinh doanh, có khách sạn riêng tại quận 7, TP Hồ Chí Minh, đang mở showroom bán xe hơi tại Bình Dương, Trí Phong như một miếng mồi mà rất nhiều kẻ lừa đảo muốn tiếp cận. Thế nên, anh bị lừa liên tục.
Năm 2005, từ An Giang lên Sài Gòn vừa kinh doanh vừa muốn làm album để trở thành ca sỹ chuyên nghiệp, qua giới thiệu Trí Phong quen được một nhạc sỹ. Và ông này hứa sẽ làm album và lăng xê Trí Phong thành ngôi sao, nếu Trí Phong đưa cho ông ta 300 triệu đồng. Tin người, cuối cùng, chờ đợi 3 năm, mất 300 triệu, Trí Phong mất tiền và không có một nốt nhạc trong tay. Chưa hết, năm 2009, vẫn tiếp tục ôm mộng làm ca sỹ và sản xuất âm nhạc, anh tìm một miếng đất để xây chung cư, lập công ty giải trí và xây phòng thu âm. Và cũng qua môi giới, anh tìm được một miếng đất hơn 1.000m2 tại Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.
Đặt cọc cho một nhóm người có sổ hồng miếng đất này 800 triệu, mà mãi không thấy họ đến lấy nốt phần còn lại, Trí Phong nghi ngờ. Cho đến một ngày anh đọc báo, thì phát hiện ra chính nhóm người này đã cầm những hồ sơ nhà đất của một số người dân đem đi lừa đảo. Thêm một lần nữa, Trí Phong mất tiền mà ước mơ ca sỹ vẫn còn khá gian nan. Hiện tại anh đành chuyên tâm vào kinh doanh, đi hát ở một vài tụ điểm và âm thầm chọn nhạc, tự thu album riêng. Hai bài học có lẽ đủ để anh tỉnh táo và bước tiếp.
4. Còn nhiều chuyện bi hài trong khát vọng thành sao của các ca sỹ trẻ. Thực ra, mơ ước của họ không có lỗi. Điều đáng nói, chính là họ cần phải tỉnh táo hơn, nhìn nhận thực lực và tìm kiếm những cơ hội có thật, từng bước vươn lên, thay vì nôn nóng thành sao bằng mọi giá. Bởi không có hành trình nào trải hoa hồng trong showbiz cả. Nếu ai đó nói rằng, chỉ cần đưa cho họ một mớ tiền, bạn không phải làm gì cũng có thể thành sao, thì hãy hiểu rằng, bạn đang là một con cừu, còn kẻ giả bộ ra tay nhân nghĩa đó là một con sói quá thành thạo những ngón nghề chiêu dụ!