Chông gai khi nước Anh chính thức khởi động

Thứ Hai, 10/04/2017, 10:23
Tiến trình “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - đã chính thức khởi động sau khi Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Theo đó, Anh sẽ tiến hành đàm phán trong 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên của EU sau 44 năm. Công việc tiếp theo đối với “xứ sở sương mù” sẽ là cả một chặng đường khó khăn với một danh sách dài những việc phải hoàn thiện. Báo chí đã có hàng loạt bài viết bi quan về bối cảnh nước Anh thời hậu Brexit.

Trong phát biểu trước Hạ viện, dù khẳng định Anh vẫn là đối tác tốt với các nước EU cũng như kêu gọi nỗ lực của người dân cho chặng đường sắp tới, Thủ tướng Theresa May vẫn thừa nhận thách thức, đơn cử như nguyện vọng về hai cuộc đàm phán song song, vừa rời đi - vừa tái đàm phán thương mại, đang vấp phải thái độ cứng rắn từ EU. 

Liên minh châu Âu khẳng định khi nào Anh rời khỏi EU, trả xong “phí Brexit” (ước chừng 60 tỉ euro) thì hãy tính đến chuyện đàm phán thương mại.

Chấp nhận thách thức

Ngày 29-3 (giờ địa phương), 9 tháng sau ngày bỏ phiếu trưng cầu, Thủ tướng Theresa May đã có bài phát biểu trước Hạ viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland xung quanh chuyện nước này chính thức khởi động các cuộc đàm phán rời khỏi EU (gọi là Brexit).

Bài phát biểu diễn ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk xác nhận đã nhận được lá thư của bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon cho quá trình Brexit. Mặc dù chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng, phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới thì cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Theo báo chí Anh, mặc dù không loại trừ khả năng Thủ tướng May có thể bày tỏ quan điểm đưa nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận nào, song các diễn biến mới nhất cho thấy Chính phủ Anh đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đưa ra lập trường mềm mỏng hơn trong các vấn đề như vai trò của Tòa án Công lý châu Âu, phí rời EU khoảng 60 tỷ euro, quyền của các công dân EU mới đến nước Anh, vấn đề tăng cường quan hệ an ninh giữa Anh và EU. Theo quan sát, lập trường mềm mỏng nhằm tránh sự đổ vỡ cho mối quan hệ kéo dài 44 năm qua giữa Anh và EU.

Những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán được dự báo là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả hai bên, vì đó là thời gian để hai bên xác lập được những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán. Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp.

Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể, Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU.

Trong một tuyên bố, 27 nước còn lại trong EU nhấn mạnh liên minh này sẽ “hành động thống nhất” và bảo vệ các lợi ích của mình trong các cuộc thương lượng sau khi Anh kích hoạt Brexit, nhằm ưu tiên giải quyết vụ chia tay “gọn gàng”. 

Tuy nhiên, chính quyền Anh lại muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc ly hôn” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai, bao gồm hiệp định tự do thương mại. Quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Theresa May là không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi.

Thực tế, việc muốn đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại mới song song quá trình Brexit là yêu cầu then chốt của bà May. Trong bức thư Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May viết: “Nếu chúng tôi rời EU mà không có thỏa thuận nào, hiển nhiên chúng tôi phải thực hiện thương mại theo điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Còn về vấn đề an ninh, một thất bại trong thỏa thuận đồng nghĩa sự hợp tác của chúng ta trong việc chống tội phạm và khủng bố sẽ yếu đi”. Tuy vậy, mong muốn này không lấy được thiện chí của EU, ngược lại các lãnh đạo châu Âu còn cho rằng bà May xài chiêu “uy hiếp” EU. 

Nhiều quan chức lên tiếng khẳng định không thể chấp nhận việc Anh sử dụng sức mạnh quân sự và lĩnh vực tình báo để làm con bài đe dọa EU trên bàn đàm phán.

Những vấn đề sống còn

Một trong những bước đi tiếp theo sau khi Brexit chính thức khởi động chính là việc chính phủ của Thủ tướng May phải đưa ra Dự luật Bãi bỏ quy mô lớn. Dự luật này được thiết kế để đặt dấu chấm hết cho quyền lực pháp lý của EU đối với Vương quốc Liên hiệp Anh.

Nhưng ban đầu nó sẽ chuyển đổi tất cả các điều luật của EU thành luật phù hợp với nước Anh để đảm bảo sự ổn định. Quốc hội Anh sau đó sẽ bắt đầu nhiệm vụ quyết định xem nên giữ và nên bỏ những điều luật nào của EU. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn sau hơn 4 thập kỷ các điều luật của EU đã ăn sâu vào hệ thống pháp luật của nước Anh.

Với việc Thủ tướng Anh Theresa May ký bức thư kích hoạt Điều 50, chính thức khởi động tiến trình đưa quốc gia này rời khỏi EU, giới đầu tư toàn cầu một lần nữa đổ dồn sự chú ý vào những tác động đối với nước Anh. Là thành viên nổi bật của EU từ lâu nay, dĩ nhiên việc rời khỏi khối này sẽ phá hủy toàn bộ các thỏa thuận thương mại tự do, quyền đi lại, thuế, trách nhiệm hay quyền lợi của người Anh với 27 thành viên còn lại.

Các phân tích của báo giới trước đó cho thấy đơn cử ở lĩnh vực ngân hàng, nhiều đại gia sẽ rút trụ sở khỏi London và xem Dublin (Cộng hòa Ireland) cũng như Frankfurt (Đức) là “thiên đường” mới. Dĩ nhiên việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ thuế cho Chính phủ Anh, tước đi cơ hội việc làm của người dân Anh.

Sau Brexit, một hệ thống mới cho phép công dân nước này tới thăm, làm việc, nghiên cứu và sinh sống ở EU - và ngược lại, cần phải được thiết lập ngay.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm lại sau Brexit. Tuy nhiên, trên thực tế, điều giới đầu tư toàn cầu quan tâm nhất tại thời điểm này là những biến động trên thị trường tài chính Anh, tương quan giá trị đồng bảng Anh với USD và EURO sau khi Thủ tướng Anh khởi động Điều 50.

Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, giá trị đồng bảng Anh đã giảm tới 17% so với USD. Quá trình sụt giảm này chỉ ngừng lại khi các nhà giao dịch chờ đợi và quan sát những chi tiết đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu sẽ diễn ra như thế nào.

Việc Anh rời khỏi EU là “thời khắc lịch sử không thể đảo ngược”, tạo nên cơ hội hình thành tương lai tươi sáng hơn cho chính người Anh. Theo Thủ tướng May, từ nay nước Anh “sẽ tự đưa ra quyết định và luật pháp riêng của mình, đồng thời kiểm soát những gì quan trọng nhất đối với chúng ta để xây dựng một quốc gia mạnh mẽ và công bằng hơn”.

Dù không còn ở trong EU nhưng Anh vẫn là bạn và láng giềng tốt nhất của các đối tác EU, đồng thời sẽ vươn ra xa hơn biên giới châu Âu để tiếp cận những chân trời mới. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng Brexit là “cú nhảy vào bóng tối”, đưa nước Anh đi theo con đường bất cẩn và gây tổn hại, đòi hỏi những thay đổi hàng loạt.

Quả thực, sau khi Anh rời khỏi EU, một hệ thống mới cho phép công dân nước này tới thăm, làm việc, nghiên cứu và sinh sống ở EU - và ngược lại, cần phải được thiết lập ngay. Anh hiện đang là một phần của thị trường châu Âu, trong đó cho phép hàng hóa, các dịch vụ và người dân được tự do di chuyển qua các nước thành viên. Công dân EU có quyền được di chuyển tới và tìm kiếm việc làm ở các nước khác cũng thuộc khối EU.

Brexit đồng nghĩa với việc di chuyển tự do sẽ sớm chấm dứt. Bên cạnh đó, chính quyền Theresa May phải xem xét lại các quy định nhập cư, quan trọng nhất là Hiệp định Dublin III, mà theo đó các nước thành viên EU có thể chuyển nhượng người xin tị nạn trở lại quốc gia EU an toàn đầu tiên mà họ đặt chân tới.

Một trong những vấn đề cam go nhất trong các cuộc đàm phán về Brexit sắp diễn ra giữa Anh và EU chính là về mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Đạt được một thỏa thuận thương mại mới chính là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng nhất của cuộc đàm phán về Brexit. Anh dự định rời khỏi thị trường đơn EU và có thể sẽ rời luôn cả Liên hiệp Hải quan của khối liên minh này, vốn là hai cơ quan giúp hàng hóa Anh không bị đánh thuế khi xuất khẩu sang các nước EU.

Nếu không có thỏa thuận thương mại nào đạt được, Anh sẽ phải làm ăn với EU theo các quy định mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra, điều có thể khiến họ chịu nhiều hàng rào thuế quan và quy định mới...

Hồng Hạnh
.
.