Bệnh viện Ung bướu TP HCM: Mỗi chuyện trò là một thở than

Thứ Ba, 30/07/2019, 11:26
Phương Nam vào mùa mưa, phố phường nhếch nhác, đoạn đường từ Bệnh viện Ung Bướu (Nơ Trang Long, Bình Thạnh) vẫn đông đúc người xe qua lại tạo nên một khoảng ùn tắc trước cổng. 

Khoảng sân lớn của bệnh viện cũng hoà vào, loang loáng nước mưa. Người đi vào, kẻ đi ra vội vã và tất bật, tựu trung nét mặt ai ai cũng đều như nhau, thoang thoáng lo lắng, đượm buồn.

Tôi đến đây vào một hôm trời mưa dầm như vậy, nơi đây lúc nào cũng đông đúc bệnh nhân. Tất cả giường bệnh đều có hai người ghép chung, nhiều người không có giường bệnh thì phải nằm dưới sàn nhà, gầm giường, hành lang…

Trần gian nhiều nỗi đắng cay

Nếu không mắc ung thư vú thì năm nay Tuyết Vân đã là cô sinh viên năm 2, khoa Luật của một trường đại học tại TP HCM cùng các bạn vô tư sáng lên giảng đường chiều về làm cô gia sư vui vẻ. 

Nhưng khắc nghiệt thay, năm ngoái, sau một thời gian cô tân sinh viên nhập học, ngực em bắt đầu có u cộm cứng, chảy mủ và đau. Dấu hiệu không lành ấy khiến cô bé lo âu, lại càng sợ cha mẹ nghèo ở quê lo lắng nên giấu gia đình tự đi siêu âm. Kết quả em có khối u ác tính đường kính 3cm bên ngực trái và đã lan đến cách bạch huyết.

Bệnh viện Ung Bướu TP HCM một hôm trời u ám.

Những ngày tuyệt vọng ấy em vẫn cố sống bằng công việc gia sư, đến giảng đường và theo định kỳ vào bệnh viện lấy thuốc uống. Cho đến khi bệnh trở nặng khiến em quị xuống, bạn bè báo cho gia đình, mẹ em tất tả đưa con gái vào bệnh viện để chữa trị.

Gác lại ước mơ làm luật sư bằng những lần vào hoá trị đau đớn, những sợi tóc mềm đời thiếu nữ rơi xuống không vấn vương sau mỗi sáng thức giấc. 

Tuyết Vân nói: “Em đau đớn, em chỉ muốn chết đi, em chết đi có khi còn nhẹ nhàng hơn, ít đau hơn bây giờ. Nhưng em chết rồi thì sao chị? Mẹ cha em còn đó, hai đứa em nhỏ của em còn đó, em thương cha mẹ và các em lắm, em sợ họ đau lòng vì em, mẹ em khóc nhiều quá rồi…”. 

Tôi nghe mắt mình cay xè đi, cũng nhiều như nước mắt mẹ em ngồi bên đang tấm tức. Chỉ riêng em không khóc, mắt khô khốc nhìn vô định lên khoảng không trần nhà, như giận mà cũng như cam chịu, mà cũng như đợi chờ.

Cậu bé có cái đầu trọc bon, một mắt không còn là mắt thay vào đó là mảng trắng đục đục ngầu ngầu như màu mảng mây chiều nặng nước, mắt kia sùi sụi lúc khép hờ lúc nhắm hẳn. Cậu bé bị ung thư mắt từ năm 5 tuổi, đã điều trị một năm nay ở Bệnh viện Ung Bướu. 

Chỉ đôi mắt không thấy đường thôi chứ nụ cười lúng liếng duyên với cái má lúm nhẹ nhàng bên trái vẫn đáng yêu như hút hồn con người ta vào đó. Dì cậu bé kể, gần đây cậu bé mới mất đi ánh sáng hẳn. 

Lúc trước, khối u phát làm hai con mắt cậu bé lồi hẳn ra ngoài trông rất kì dị. Cậu bé đau bệnh khóc, dì thương cháu, dì khóc, bà ngoại cháu lớn tuổi xót xa thương cháu mắt còn không bằng một người già, bà ngoại khóc nhiều hơn... Điều trị mãi giờ mới được như vầy.

Cảnh bệnh nhân và người nuôi bệnh giăng chỗ sinh hoạt.

Từ ngày cậu bé không nhìn thấy gì nữa thì cậu bé dùng tai, dùng tay, dùng mũi, dùng mọi thứ còn lại để định hình cuộc sống xung quanh và trên miệng cậu bé vẫn thường giữ nụ cười, nụ cười đẹp, môi cong cong như một cánh hoa sứ vừa nở ngoài hành lang bệnh viện, cái lúm đồng tiền sâu hoắm, duyên duyên… Cậu bé tên gì ấy nhỉ? À đúng rồi, gọi là Thái Ân.

Mẹ Thái Ân mất rồi, hồi sinh nó được đâu 9 tháng. Cha lấy vợ khác. Cuộc sống khó khăn nên nó ở với ngoại và dì. Người dì tất bật mưu sinh vừa nuôi gia đình, nuôi mẹ già và nuôi cháu bệnh hiểm nghèo. Biết sao giờ, âu cũng là số phận. Dì nó cười cười, điệu cười man mác buồn nói vậy.

Đã nhập viện gần 4 tháng nay để điều trị ung thư tử cung giai đoạn 2B, chị Thu Giang chia sẻ: "Thời gian đầu tôi và gia đình cũng bị sốc, nhưng cứ tự nhủ với bản thân phải cố gắng, sống lạc quan. Từ ngày phải nhập viện điều trị, anh chồng cũng bỏ việc mộc ở quê theo vào chăm sóc. Mọi chuyện trong ngoài gia đình giao cho đứa con lớn 17 tuổi và con nhỏ 13 tuổi quán xuyến. Cũng 3 tháng rồi, vợ chồng chưa gặp hai con. Ở đây, nhiều người có hoàn cảnh giống mình nên cũng dễ hỏi thăm, chia sẻ cùng nhau. Nhiều khi cũng buồn khi hôm nay vừa trò chuyện với người này, hôm sau thì họ đã vĩnh biệt tất cả...".

Đêm. Quay lại Bệnh viện Ung Bướu để có thể quan sát rõ hơn cuộc sống về đêm nơi đây. Không gian tĩnh mịch bao trùm, ánh đèn điện sáng vừa đủ. Có tiếng gọi: “Mình ơi, mình ơi” vài lần. Người đàn ông lọ mọ bò ra từ gầm giường đáp lời trong tiếng ngái ngủ “Anh đây”. 

Rồi dường như quá quen, anh đưa đôi tay xuống dưới lưng vợ, nặng nhọc nhích vợ trở người và xoa đều bàn tay. Trong sự mệt mỏi thất thơ, anh kể với tôi: “Bả lên cơn đau vừa nóng vừa ngứa, xoa vậy thì nó dịu. Bả than nóng như lửa toàn thân, nhưng xoa ở vị trí này mới thấy đỡ. Bả bị ung thư gan giai đoạn 3 đang hoá trị, xạ trị”.

Tôi gặp chú Đinh Văn Trụ tại hành lang bệnh viện, người đàn ông 65 tuổi này đang chờ kết quả hẹn trả vào thứ 6, chú bảo chú chưa biết bệnh, còn hy vọng nhiều dữ lắm. 

Mấy tháng nay đau chỗ cổ quá chừng, từ Bệnh viện Biên Hoà quê chú chuyển lên 115 làm các xét nghiệm rồi từ 115 chuyển qua Ung Bướu để chính xác hơn. Chú Trụ có tạng người mạnh khoẻ, nếu không phải phía dưới cổ có vết băng nhỏ khi làm xét nghiệm thì trông chú như bao người bình thường. 

Chú bảo, đời người thọ đến 70 là hạnh phúc rồi, tôi 65 tuổi âu cũng may mắn, vẫn mong được chết già, chứ chết vì ung thư thì tội con cháu lắm. Nó hành tán gia bại sản rồi mới chết, khổ cho gia đình.

Xếp hàng chờ phát cơm từ thiện.

Ấy cũng là nỗi lo chung của những gia đình có người thân mắc phải ung thư, không nhẫn tâm nhìn người thân đau đớn nên bao tiền của, bao tốn kém cũng không màng đến mà cứ phải lo chữa chạy với hy vọng người thân qua cơn nguy nan. Cũng không ít người sau khi bệnh viện đã vô phương khuyên đưa người thân về lo liệu thì họ “vái tứ phương”, nhờ đến các phương pháp tâm linh nghe qua truyền miệng, nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà tôi không nhắc đến trong phạm vi bài viết này.

Người nhà của bệnh nhân mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nằm ngả lưng ở bất kỳ nơi đâu trong bệnh viện. Có thể đó là góc nhỏ hành lang, cầu thang bệnh viện hay thậm chí là lối đi dọc nhà vệ sinh công cộng. Dẫu ngày nắng hay ngày mưa, mùa xuân hay hạ… 

Rất nhiều bệnh nhân ung thư từ các tỉnh thành khác phải xa quê cả một thời gian dài để chọn Bệnh viện Ung Bướu là nhà. Họ không biết khi nào mới được ra viện, có người thì nói họ sẽ phải sống tại đây đến hết đời, không biết cái chết sẽ đến với mình vào lúc nào.

Những nguyện cầu trước phòng xét nghiệm

Trước cửa chờ khoa Xét nghiệm Bệnh viện Ung Bướu TP HCM có chiếc bàn gỗ dài tối màu, hôm ấy nhiều người, kẻ ngồi người đứng nhưng dường như đều yên lặng và trật tự, đến tiếng thở cũng rất khẽ khàng. Chiếc bàn luôn sẵn 2 chiếc bút dành cho bệnh nhân hoặc người nhà ký giấy xác nhận hoặc giấy tờ liên quan.

Tôi ngồi một góc quan sát mông lung từng gương mặt mỏi mệt đợi chờ. Nhiệt độ ngày mưa man mát nhưng có vẻ như nồng độ bất an luôn đặc quánh. Và còn rất nhiều điều muốn nói ra, hơn những nét chữ nguệch ngoạc trên mặt bàn kia. 

Trên mặt bàn, một nét chữ tròn trịa còn rõ nét: “Không sao đâu, cố lên nhé tôi!” của ai đó đã nói với chính mình.

Một dòng chữ khác ở bên trên, mờ hơn: “Con nam mô a di đà Phật!”, “Lạy Chúa lòng lành!” chờ một ơn trên cứu rỗi.

Rồi cạnh đó, cạnh đó nữa: “Con luôn bên bố dù kết quả thế nào”...

“Hihi mình không tin ông trời tuyệt đường như vậy”...

“No star where” – (“không sao đâu” tiếng lóng trong Anh ngữ thường được các bạn trẻ, tuổi teen dùng – chú thích của người viết).

Tận sâu trong tâm tưởng của mình có điều gì đó khiến lòng tôi bùi ngùi, xót xa. Cánh cửa xét nghiệm mở ra, ví như một phiên toà đến phần tuyên án. Biết động viên họ điều gì đây, tôi lặng lẽ viết chèn vào những nguệch ngoạc: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi!”. Chị ngồi kế bên nhìn tôi cười hiền lành, có lẽ chị nghĩ tôi cũng đang chờ đợi một phép màu.

Dường như vào đây người ta lấy thứ phù phiếm nhất của kẻ mang bệnh là nụ cười để trao đổi với nhau, để truyền động lực cho nhau. An ủi nhau, cười. Chúc mừng nhau, cười. Chia sẻ với nhau, cười. Chia tay nhau, cười… 

Bởi có lẽ tiếng khóc và nước mắt ở chốn này thừa thãi quá rồi, nước mắt không những không giúp được gì cho nhau mà còn làm tăng sự mệt mỏi, kéo dài đau đớn, mở lối trầm cảm khiến bệnh tình bệnh nhân càng nặng hơn. 

Ai đó nói với tôi, có cô tư vấn ở bệnh viện lúc nào cũng dặn bệnh nhân phải lạc quan lên, phải thật thoải mái tinh thần mà chiến đấu với bệnh tật, đẩy lùi bệnh tật chứ càng nặng nề càng sụp đổ càng khó chữa trị. Tôi thầm cảm mến cô tư vấn nào đấy người ta nhắc đến. Phải rồi, phải lạc quan lên chứ, phải thật mạnh mẽ nhé, những người tôi đã gặp!

Tôi chợt nghĩ đến Thái Ân, “Thái Ân, em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình yên, em nhé!”.

Một bác sĩ chuyên khoa xạ trị ở Bệnh viện Ung Bướu vừa đi vừa nói nhanh với tôi: “Ngày nay y tế đã phát triển lắm rồi, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư một cách hiệu quả. Do đó ung thư đã không còn là án tử, người bệnh cần vững vàng tâm lý và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đặc biệt là cần tinh thần lạc quan thì sẽ chiến thắng bệnh tật…”.

Bệnh nhân lo lắng, mỏi mệt đợi gọi tên.

Tình người xoa dịu nỗi đau

Khuôn viên chùa Bảo Vân nằm gần bệnh viện, tuy không lớn lắm nhưng quang cảnh luôn trang nghiêm và còn đầy ấp nụ cười. Nơi đây có bếp ăn từ thiện mỗi ngày phục vụ hơn 3.000 suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, không chỉ riêng Bệnh viện Ung Bướu mà còn cho các bệnh viện khác trong thành phố. Người nhà bệnh nhân có thể đăng ký phiếu tháng và đến giờ nhận cơm. 

Giữa lòng đô thị tấp nập bậc nhất nhì đất nước, những người dân quê tỉnh lẻ từ khắp mọi miền đổ về thật may mắn khi được tình người che chở, được ấm lòng bớt nghĩ chuyện đói no.

Chị Kim Yến vừa vội vã dọn những chiếc hộp, những đôi đũa tre, cơm canh sót lại vừa kể: “Chị nuôi bố ung thư trực tràng hơn 5 tháng rồi, 5 tháng trôi qua là 5 tháng gắn liền với bếp ăn từ thiện của chùa Bảo Vân. Các sư cô, các Phật tử trong đó tốt bụng lắm, họ còn cắt tóc, dạy các bệnh nhi biết chữ nữa. Những bệnh nhi nằm đây từ hồi nằm ngửa cho đến lúc đến tuổi đi học đấy em”. Nói rồi chị đi rửa lại những đôi đũa tre để dùng cho lần sau.

Cũng khuôn viên xung quanh Bệnh viện Ung Bướu, những sớm, trưa, chiều cuối tuần nào cũng có một vài nhóm hoặc cá nhân mang cơm đến phát. Món ăn cũng phong phú và phù hợp cho cả người bệnh lẫn người nuôi bệnh. Ngày rằm luôn có đồ chay. 

Có lần, một người anh tôi có viết facebook nói về tình người với bệnh ung thư rằng: “Người Sài Gòn chân chính luôn giữ được thiện lương cho chính mình, và không chỉ ở Sài Gòn, dẫu bất kỳ đâu họ cũng sẽ dành rất nhiều chia sẻ với những người thân và người mắc bệnh ung thư”.

Lấy cái tên giả định cho cô là Tâm, bởi cô bảo tôi nhớ đừng nhắc đến tên cô. Cô Tâm sáng sẽ vào Khoa Xạ 1, nơi có rất nhiều nữ bệnh nhân ung thư. Cô Tâm phụ người nhà chăm sóc tóc tai, lau cơ thể, giúp đỡ vệ sinh cá nhân và các công việc sinh hoạt khác trong khuôn khổ một phòng bệnh. 

Bên trong một phòng bệnh.

Cô Tâm làm công việc này đều đặn mỗi ngày hơn 2 năm nay rồi. Trừ những hôm có việc đột xuất hoặc cảm ốm, còn lại ít khi  cô vắng mặt. Các chị em bệnh nhân nơi đây yêu quý và mang ơn cô nhiều. Họ nhắc đến cô như một bà tiên trong cổ tích mà họ - những bệnh nhân là đứa trẻ yếu đuối, bất hạnh được vòng tay cô chở che. Tôi gọi cô là Tâm cũng bởi thế.

Đến Bệnh viện Ung Bướu mới hiểu mỗi người có người thân bị ung thư là một hoàn cảnh khác nhau, có người khá giả, kẻ nghèo khổ nhưng đi nuôi bệnh tất cả đều rất vất vả. Nếu người thân bệnh tình thuyên giảm thì người nuôi bệnh an lòng, có những trường hợp bệnh nhân đối diện “thập tử nhất sinh” thì người nuôi ăn ngủ không yên. Càng lưu lại lâu trong bệnh viện mới cảm nhận những nỗi xót xa của những bệnh nhân tại đây.

Từ sảnh chờ khám bệnh, hành lang, gầm giường… Đó là những nơi trú ngụ của rất đông bệnh nhân ung thư từ ngày này qua tháng nọ, năm này đến năm khác. Người già có, đàn ông, phụ nữ đều có, nhiều người còn đùm đề theo con nhỏ... Chắc phải khốn cùng lắm người ta mới phải chấp nhận cảnh sống này. 

Qua một trận mưa, một vài nơi còn để nguyên những khúc cây giăng những manh chiếu rách ngăn mưa tạt cắm ở kẽ hở của những nắp cống dọc theo các dãy hành lang.

Đi dọc đi ngang, chỗ nào cũng thấy người là người, cả người khỏe lẫn người ốm nằm la liệt, chật chội, oi bức đến ngột thở. Tuy vậy, để chiêm nghiệm về giá trị cuộc sống, có lẽ ai cũng nên đến đây một lần, chứng kiến cảnh các bệnh nhân vật lộn với “thần chết” từng ngày, hoặc đơn giản chỉ là để nghe những câu chuyện của họ… 

Có câu chuyện bi hài, có câu chuyện thấm đẫm nước mắt nhưng cũng có những câu chuyện đem đến cho ta niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống. Để biết mình may mắn rất nhiều trong cuộc đời vô chừng này.

Thân nhân đi nuôi bệnh.

Một mảng trời trong trời

Mai Quốc Ấn là một người anh của tôi, anh luôn kiên trì, bền bỉ đi thực tế và đôi khi anh cũng viết về nỗi đau ung thư. Anh nói với tôi, đến Bệnh viện Ung Bướu, nếu nhìn lên bầu trời, cũng khoảng trời chung ấy, nhưng sẽ thấy dường như phần trời dành cho Bệnh viện Ung Bướu rất khác, có một màu riêng biệt. 

Đó dẫu là cuộc trao đổi phiếm cùng nhau. Tuy vậy, đến nơi đây tôi vẫn cố nhìn lên bầu trời, để quan sát, để xem có nhìn ra cái “mảng trời riêng” mà anh ấy nói không?

Ngày mưa rả rích, mây đen kéo về nặng trĩu, vẫn có mảng không gian xanh riêng của những cây cổ thụ làm mát không gian bệnh viện, lá cây ướt nước nặng trĩu rơi xuống những dòng chảy dài. 

Nhiều năm sinh trưởng nơi này, chắc hàng cây cũng chứng kiến nhiều nỗi niềm bệnh nhân. Cây cối nếu có cảm xúc, chắc cũng biết buồn trước một ca không còn có thể cứu chữa, chắc cũng hân hoan khi một bệnh nhân nhận tin được xuất viện vì bệnh tình thuyên giảm, và đến cây cối còn như vậy nói gì lòng người. 

Một hôm nào đó, đứng dưới mảng trời bệnh viện chỉ chuyên về các ca ung thư, làm sao lòng ta có thể vui vẻ, làm sao có thể thấy mây trắng dẫu mây vẫn đang trắng, làm sao có thể thấy trời trong xanh dẫu trời vẫn đang trong xanh. Làm sao nghĩ về cuộc đời với những điều tươi đẹp. 

Chính vì vậy, cái gọi là “mảng trời riêng” mà anh bạn tôi nhắc đến chắc cũng từ cảm xúc ngột ngạt ấy mà ra… Cảm xúc mà không ai mong một lần trải qua, mảng trời mà không ai muốn sống dưới ấy dẫu chỉ một lần.

Thả bộ dọc theo những con hẻm cạnh Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, tôi dễ dàng bắt gặp những tấm bảng đề “nhà trọ bình dân” san sát nhau, hoặc là treo trước các quán cơm hay các cửa hàng tạp hóa, các hiệu thuốc tây… 

Người ta gọi đây “Khu trọ ung thư” bởi nó chuyên cho bệnh nhân ung thư thuê để tiện việc đi lại, cũng có tên gọi là “xóm trọ đầu trọc” bởi phần lớn bệnh nhân ung thư đều bị rụng hết tóc do tác động của quá trình xạ trị, hóa trị.

Các nhà trọ luôn luôn trong tình trạng đông “khách trọ” nên người người, nhà nhà đua nhau mở phòng trọ cho thuê. Các phòng trọ vì thế mọc lên ngày càng nhiều, có khi chỉ tấm vách ngăn bằng giấy bìa cứng là chia được 3-4 phòng trong một không gian tầm 20m². Bệnh nhân và người nhà tá túc nơi đây tốn kém nhiều khoản, họ tằn tiện lại hết mức, nên có khi ở trọ vài hôm lại quay về với hành lang, mái hiên, ghế đá Bệnh viện Ung Bướu.

Sài Gòn đang bước vào mùa mưa. Những đêm dài thức trắng của những bệnh nhân ung thư nghèo ở các dãy hành lang vẫn đang tiếp diễn. 

Cảnh bệnh nhân lấy chiếu che chắn, nép vào các dãy hành lang; một số người tất tả ôm chăn gối, vật dụng xin bảo vệ cho vào khu vực cầu thang trong bệnh viện tránh mưa... vô tình mà trông thấy khiến lòng người quặn thắt. Sao mà quá nhiều khốn khó, quá nhiều cảnh thương tâm trong cuộc hành trình chống chọi với bệnh tật của bệnh nhân ung thư nghèo.

Thi thoảng tôi đọc tin tức thấy có thêm loại phí nuôi người bệnh, cũng không biết nói gì, chỉ là thấy bùi ngùi, thương thương cho những hoàn cảnh ngồi nằm la liệt thế này. Phải chọn bệnh viện làm nơi gửi thân, cảm xúc đã cạn kiệt, lòng người đã cạn khô lắm rồi, ông bà ta cũng nói “trăm cái lý không bằng một tý cái tình” đấy thôi. 

Mà thôi, chỉ nhân tiện tôi nhắc đến chứ cũng không dám lạm bàn. Rồi lại thi thoảng đọc tin tức người ta kinh doanh, buôn bán thuốc trị ung thư giả, tôi tự hỏi sao con người lại có thể dã man với người như vậy?! Đến cơ hội được sống cuối cùng của bệnh nhân cũng tước đoạt đi. Tàn độc và bất nhân lắm. 

Nên mấy hôm nay đọc báo thấy có phiên toà xét xử một cựu giám đốc sản xuất thuốc giả bị truy cứu hình phạt lên tới mức cao nhất (tử hình), tôi dẫu chẳng vui vẻ gì riêng, chỉ tự hỏi, ai cũng khao khát sống nên khi họ cận kề cái chết rồi, họ có hiểu cho nỗi đau của bệnh nhân ung thư hay không?!

Đêm nay, khi ngồi gõ những dòng chữ này, ngoài trời lại rì rầm tiếng mưa đổ. Chợt nghĩ đến mái hiên chật chội loáng nước, những tấm chiếu, tấm màn cũ mục che hờ, cả những tấm chăn mỏng, những gầm giường chen chúc nhau từng chút một của cả người bệnh và thân nhân, thật sự là lòng buồn quá.

Cố nghĩ lạc quan hơn, mong ai cũng may mắn đi qua hết cơn bĩ cực để đến hồi thái lai. Chỉ mong họ đủ can trường đối mặt, chỉ mong sự kiên trì gắng gượng với niềm tin vào y học, cả tin vào phép màu. Và đương nhiên rồi, chỉ mong sao cơ sở vật chất y tế tại Bệnh viện Ung Bướu sẽ có nhiều cải biến tốt hơn, để những người gửi gắm phần đời của mình ở đây được an tâm, trọn vẹn chữa bệnh, nuôi bệnh và để họ bớt khổ sở hơn.

Bùi Kiều Trang
.
.