Bây giờ, thì Tuyển khóc rồi

Thứ Sáu, 04/09/2015, 05:02
Bây giờ thì Phượng đi rồi, Phượng không còn nữa thật rồi. Chỉ còn mình Tuyển thôi, người đàn ông dáng cao gầy, ngăm đen, cách nói chuyện như đất ruộng ngày vắng mưa, phảng phất những dư âm như từ ký ức. Phượng mất rồi, Tuyển sẽ ra sao? Tôi không biết nữa, chỉ thấy thương Tuyển thôi. Người đàn ông đã trọn đạo vợ chồng. Chắc là bây giờ, Tuyển đang khóc.

1. Mưa, một trưa muộn, khoảng bốn năm trước. Tôi sang bệnh viện Đại học Y Dược, khu liên kết cùng Bệnh viện 30-4, tìm gặp vợ chồng anh Tuyển chị Phượng. Thời điểm này, cái tên Nguyễn Thị Phượng đang được truyền thông săn đón khủng khiếp. Bởi Phượng đang là cô gái 26 tuổi quê ở Bến Tre, phút chốc mấy ngày mấy tháng mà trở thành bà lão. Phượng mắc chứng lão hóa trước tuổi, một chứng bệnh rất hiếm.

Có nhà báo hay chuyện, tìm về nhà Phượng để đưa tin. Choàng tỉnh sau một đêm, người ta rần rần kéo đến nhà Phượng để nhìn mặt con nhỏ mới hai sáu tuổi đã như bà già ngoài bảy mươi một chút. Không chỉ người trong địa bàn tỉnh Bến Tre, có cả đoàn khách từ Sài Gòn bao xe tìm xuống tận nhà để ngó Phượng. Hôm tôi sang bệnh viện, vẫn thấy thiên hạ người sau đẩy người trước đứng thập thò ngay phòng bệnh của Phượng để thỏa sự hiếu kỳ. Thú thật, khi tôi tiếp xúc với Phượng, nhìn khuôn mặt và nghe giọng nói thấy có chút kỳ quái. Tôi đùa, “Tuần này, có hai người phụ nữ rất thu hút dư luận. Tôi không tính Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ. Đầu tiên, là siêu mẫu Ngọc Thúy tranh tụng với chồng cũ để đòi 288 tỷ. Tiếp đến, là Phượng”. Phượng cười tít mắt, cất giọng nhỏ nhẹ rất dễ nghe, hỏi: “Vậy em cũng được quan tâm nhiều như siêu mẫu hả anh?”. “Cũng có thể”, tôi đáp.

Rồi tự cảm thấy bất tiện, tôi kéo Tuyển ra căng-tin của bệnh viện cà phê. Đàn ông với nhau, trò chuyện riêng có nhiều điều để nói. Tuyển kể, số Phượng khổ lắm. Mới sáu tuổi thì mẹ mất, mẹ mất vài hôm thì ba Phượng mang Phượng đến trả lại cho ngoại. Nhà ngoại cũng rách mem, túng thiếu. Phượng có mấy cậu, mấy dì mà mấy cậu mấy dì cũng có ai khá giả đâu. Cái nghèo ở miền Tây này như tôi vẫn thấy, nó ngộ lắm. Cứ nghèo lan, nghèo từ nhà của người thân này sang nhà của họ hàng kia.

“Con mang con Phượng về trả cho má. Má nuôi dạy cháu má, còn con, không còn tình nghĩa gì với nó nữa”, ba Phượng thưa với ngoại Phượng như vậy. Sau ngày hôm đó, Phượng xem như mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà của ba Phượng chênh chếch nhà của ngoại thôi, không xa lắm. Thông tin gì về cha Phượng cũng biết, như ông  tục huyền, ông có thêm hai con, Phượng đều nắm rõ. Chỉ có điều, cha con xem như bặt nhau. Ra đường có gặp thì cũng ngó mặt đi chỗ khác, xem như chưa thấy.

Phượng học đến lớp 9 thì ngoại bệnh, Phượng dở dang. Phượng ở nhà giúp việc vặt kiếm tiền lo cho ngoại. Ít lâu, Phượng theo bạn rời quê lên Sài Gòn làm công nhân. Nhưng rồi, Phượng lại về quê bởi nhà ngoại neo người quá. Với lại, sức khỏe của Phượng cũng không cho phép Phượng làm công nhân. Phượng cứ ngất xỉu hoài. Phượng về quê, làm độ nhật cho người ta. Toàn mấy chuyện không gọi tên, ai buôn bán cần người phụ thì gọi Phượng. Phượng qua giúp, kết ngày, người ta cho Phượng ít tiền.

Năm hai mươi tuổi, Phượng gặp Tuyển. Tuyển hồi đó đang là nhân viên tiếp thị cho một công ty hóa mỹ phẩm. Còn Phượng đang phụ hàng xóm bán nước, cái quán nhỏ xíu xiu ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Vừa gặp Phượng, tuyển đã như say như ngây.

Ngày nào Tuyển cũng kiếm cớ để ngồi lì ở quán Phượng, ngồi hoài cũng ngại. Tuyển kiếm chuyện lân la làm quen. Tuyển nói đủ thứ chuyện, từ trên trời cho xuống dưới đất. Nói gì cũng được, nói Phượng có nghe hay không cũng được. Miễn sao, Phượng đừng cằn nhằn, “Trễ bộn rồi, sao anh không đi làm đi”, là Tuyển đã mừng rồi.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng trên đường phố Matxcova năm 2013. Ảnh: Tuoitreonline.

Kéo dài mấy tháng, Tuyển hẹn hò được với Phượng. Cái nơi này, hẹn cũng không biết đi đâu. Lại nữa, Phượng phải coi quán. Nên tranh thủ mỗi lúc có chủ quán, Phượng nằn nì xin phép chủ quán cho Phượng đi chơi một chút. Chẳng đi đâu xa, chỉ là ra chợ huyện ăn đĩa bánh hay ly chè, là Tuyển phải vội vàng chở Phượng về lại.

Hẹn hò áng áng một năm thì Tuyển thủ thỉ, anh muốn cưới Phượng làm vợ. Đám cưới của họ thương lắm, lúc đó tôi đã viết, “Tuyển nói với Phượng. Phượng à, anh không có nhiều tiền, ba mẹ già hết rồi, nghèo xơ. Phượng thương anh thì Phượng cho anh thiếu lại cái đám cưới, Phượng nha. Phượng về làm dâu nhà anh cho khỏi phải cách xa nhung nhớ. Ráng đợi anh vài năm nữa, anh dành dụm sẽ tổ chức cái đám cưới được được cho Phượng vui, hén Phượng. Phượng nghe anh nói, tay vén tóc, tay còn lại lau nước mắt.

Vài ngày sau, anh đưa gia đình đến thăm bà ngoại và mấy cậu của Phượng ở xóm Lò Rèn, thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cách nhà anh non 20 cây số. Thương cháu gái, thương cả cháu rể tương lai, gia đình ngoại Phượng cho Phượng về làm dâu, đám cưới cho thiếu”. Đám cưới thiếu, là đám cưới không có quan khách, không có áo cô dâu, không có áo chú rể. Chỉ là hai gia đình làm chứng cho Phượng và Tuyển thành chồng thành vợ thôi.

2. Thành chồng thành vợ có được bao lâu đâu thì Phượng phát bệnh. Dấu hiệu của bệnh ban đầu chỉ là những vùng mẩn đỏ ở da, kiểu như bị dị ứng. Ra nhà thuốc tây khai bệnh, dược sĩ cho thuốc chống dị ứng, về uống vài ngày là khỏi. Nhưng, lâu dần, thuốc chống dị ứng đã không còn mang lại tác dụng. Thương vợ, Tuyển chạy ngược chạy xuôi tìm đến những vị thầy thuốc chuyên bốc thuốc nam. Thế nhưng, dẫu đã uống hàng trăm chén thuốc nam vậy mà những nếp nhăn trên khuôn mặt của Phượng vẫn ngày một nhiều thêm. Phượng buồn, đâm ra mặc cảm, cứ ở lì trong nhà. Lắm khi, cáu gắt với chồng vô cớ. Tuyển xót vợ quá mà không biết làm sao, tối nào cũng ngồi tỉnh như không, kể chuyện cười một mình, cứ kể hoài, kể đến lúc Phượng bật cười Tuyển mới nắm tay vợ nói: “Mình à, với anh khi nào mình cũng xinh đẹp hết. Mình đừng buồn gì, mình nha”.

Tuyển an ủi thì an ủi thôi, làm sao mà Phượng không buồn được. Đã hết vận rủi đâu. Cũng trong thời điểm này công ty mỹ phẩm nơi Tuyển đang làm việc do trục trặc khâu phân phối phải tinh giảm nhân viên. Tuyển thất nghiệp. Sợ vợ nghĩ nhiều mà bệnh nặng, Tuyển dẫn vợ lên Bình Phước xin làm việc trong xưởng mộc của người quen. Tuyển muốn Phượng rời cảnh cũ, biết đâu tâm trạng sẽ tốt hơn. Bà chủ nhà trọ ở Bình Phước, nghe chuyện của vợ chồng Tuyển, thương tình nên lấy giá thuê nhà trọ chỉ hơn phân nửa của người khác. Giá cho thuê thường là 500 nghìn/tháng, của vợ chồng anh chị chỉ 300 nghìn. Tuyển vừa học nghề, vừa phụ việc, mỗi tháng kiếm được khoảng 1,7 triệu đồng. Tiền nhà trọ, tiền lung tung, chắt chiu cũng đủ qua ngày.

Hồi Tuyển mới dọn về Bình Phước, xóm trọ thấy Tuyển quấn quýt cả ngày với một bà già thì xì xầm suốt. Lúc này, Phượng trông đã như bà lão ngoài bảy mươi. Thương Phượng cả ngày chỉ ở nhà, không dám ra đường, anh xin nghỉ buổi làm, đến từng nhà để giải thích về quái bệnh mà Phượng mắc phải. Hàng xóm cảm cái tình Tuyển dành cho vợ, trở nên thân thiện với Phượng hơn. Phượng mới dám rời khỏi nhà trọ đi chợ nấu ăn cho Tuyển.

Hôm Tuyển dẫn Phượng từ Bình Phước về lại Bến Tre để dự đám một trăm ngày của ngoại, vô tình gặp nhà báo. Nhà báo biết về căn bệnh của Phượng mới viết bài đăng báo. Báo in, nhiều nhà hảo tâm, các bác sĩ hội chẩn để tìm cách chữa bệnh cho Phượng. Tuyển nghỉ việc, đưa vợ lên Sài Gòn để bác sĩ tiện thăm khám. Tuyển đưa cả vợ sang nước ngoài để điều trị theo các chương trình liên kết của những tổ chức y khoa. Nơi nào có Phượng là nơi đó có Tuyển.

Tuyển nói với tôi, “Tôi rất tin vào sự linh ứng của người đã khuất. Tôi nghĩ, bà ngoại Phượng thương cháu, nên phù hộ cho Phượng có được sự giúp đỡ qua khỏi kiếp nạn này. Dẫu, khả năng phục hồi lại nguyên vẹn gương mặt theo đúng số tuổi 26 của Phượng vẫn còn phải chờ”. Phượng chữa bệnh nhiều lần, đỡ được chút. Vợ chồng lại đưa nhau về Bến Tre. Mấy năm qua, tưởng chừng mọi thứ đã ấm êm với vợ chồng Phượng Tuyển.

Vậy mà, số phận đã buông tha cho vợ chồng Tuyển đâu. Lần này, số phận đã đánh gục Tuyển. Chín giờ sáng một ngày giữa tuần trước, khi Tuyển đang đi làm thì nhận được điện thoại của Phượng. Phượng kể Phượng mệt và cảm thấy khó thở. Tuyển vội vàng chạy từ chỗ làm về đến nhà. Đến nơi, Tuyển nấu cháo và cho Phượng uống thuốc. Sau đó, Phượng thiếp đi, giấc ngủ cuối cùng của Phượng trên chiếc giường bấy nhiêu năm mặn nồng chồng vợ.

Bây giờ, Tuyển đã mất Phượng thật rồi.

3. Nhớ hôm Tuyển bảo, vợ chồng là tình nghĩa, sao dứt được. Đừng nói là Phượng hóa thành bà lão, Phượng có biến thành gì thì Tuyển vẫn thương Phượng ngập lòng. Những năm Phượng bệnh, những lúc Phượng ốm đau, có bao giờ Tuyển không ở bên cạnh Phượng đâu. Ngay cả khoảnh khắc cuối cùng, Phượng vẫn có Tuyển. Nếu tin vợ chồng là duyên kiếp ba sinh, thì đây chính là một thí dụ điển hình. Phượng an yên rồi, phải không Phượng?.

Tôi đọc lại bài viết cũ, đến đoạn này thương vợ chồng Tuyển khôn nguôi, “Tuyển tâm sự, Tuyển thèm đứa con ghê lắm. Nhưng tiếc là nhà còn nghèo, lại nợ vợ cái đám cưới chưa trả. Tính dành tiền để làm đám cưới cho vợ vui, xong lại dành tiền để sinh con… Có ngờ đâu vợ đột ngột mắc bệnh. Bao nhiêu tiền bỏ ra chạy chữa cho vợ hết. Đến khi tuyệt vọng cùng cực rồi, may mà có những người hảo tâm dang tay giúp đỡ. Cũng không dám nghĩ đến chuyện con cái nữa”.

Bây giờ Phượng đi rồi, chắc Tuyển khóc nhiều lắm. Thật lòng cũng không biết an ủi Tuyển ra sao, chỉ là, biết đâu ở chốn lai sinh nào đó, Tuyển và Phượng sẽ lại tìm thấy nhau.

Vì nhẽ đời này, luôn cần Phượng với Tuyển để mọi người còn tin vào điều cổ tích.

Kinh Hữu
.
.