Bản năng là buồn

Thứ Năm, 02/10/2014, 14:00

Sigmund Freud, nhà khởi thảo cho thuyết phân tâm học người Áo từng đúc kết “Con người luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó”. Có lẽ, luyến ái cũng nằm trong đúc kết này.

Tôi không đồng ý nhiều lắm những gì Freud đã nghiên cứu, bởi quan điểm cá nhân – tôi luôn cho rằng bản năng là thứ có thể kiềm chế được thông qua sự giáo dục và tự tu dưỡng. Nhưng biết đâu đấy là tôi sai, bởi luyến ái thì rất khó để kiềm chế. 

Khi lựa chọn phiên tòa rất ầm ĩ này để bàn luận cùng bạn đọc, tôi có nhiều băn khoăn… Nhưng tôi nghĩ, đây là minh chứng rõ nhất cho thứ bản năng mà tôi vừa nhắc đến. Và cũng câu nói cũ, “Biết đâu đấy, nhìn chuyện người để tránh sai lầm”.

1. Hai năm trước, 18 tuổi, cậu thanh niên nảy sinh tình cảm với cô gái lớn hơn cậu 6 tuổi. Sẽ chẳng có gì là bất thường nếu như cậu không gọi cô gái này là thím dâu. Thím dâu, tức cô gái đã làm vợ chú của cậu.

Mọi thứ bắt đầu trở nên đầy rắc rối, phức tạp. Thậm chí là phản cảm.     

Người chú thường xuyên vắng nhà vì theo nghiệp biển, cậu sang nhà đỡ đần giúp thím chuyện nọ chuyện kia, nhiều lúc là chơi đùa với cô em họ - con đầu lòng của vợ chồng chú thím. Chuyện nhà quê, ai lại nghi ngờ.

Cho đến một ngày, người thân trong gia đình phát hiện ra những sự bất thường ở mối quan hệ thím  - cháu này. Họ cật vấn rồi họ tra hỏi, cuối cùng cả thím lẫn cháu đều thừa nhận sự luyến ái oan nghiệt.

Gia đình cả hai phía ra sức can ngăn, họ phân tích, họ đưa ra luân thường đạo lý, họ chỉ ra những thứ ngoài luật định nhưng lại thuộc về truyền thống. Thế nhưng, như say như ngây, như chấp mê bất ngộ, như tên rời khỏi dây cung thì không thể vòng về, đâu lại vào đấy. Vẫn là tranh thủ, vẫn là lén lút, vẫn là vội vàng, vẫn là đắm chìm trong hoan lạc đầy mặc cảm. Cao trào của những chuyện này, chính là khi cậu thanh niên lao mình vào trò chơi tự hành hạ thể xác để gây áp lực với những người thân. Cậu uống thuốc rầy tự tử nhưng bất thành, cậu đập đầu vào cột điện nhưng thoát chết… Cậu làm tất tần tật mọi thứ để chứng minh cho người thân biết rằng, nếu tách cậu khỏi người thím thì cuộc sống với cậu không còn ý nghĩa gì cả.

Không chịu nổi tấn bi kịch mà cuộc đời ngẫu nhiên đã ấn cá nhân mình vào và buộc phải chịu đựng, người chú tội nghiệp ấy đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Tòa chấp thuận cho vợ chồng người chú ly hôn.

Sau ly hôn, dường như người thím vì hối hận mà không muốn qua lại với cậu thanh niên ấy nữa. Cũng có thể, người thím đã tìm được một niềm hạnh phúc mới. Bất chấp những lý do, bất chấp những quan điểm mặc định, cậu thanh niên vẫn tìm mọi cách để được ở gần thím. Sau nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin để năn nỉ được gặp mặt nhưng vẫn  bị người thím từ chối, cậu thanh niên nghĩ ra cách sẽ bắt cóc cô bé con gái của người thím nhằm “trao đổi một tin thư”.

Cô bé đang ở nhà cùng ông bà nội, vẫn thương quý người anh họ (chính là cậu thanh niên) như cái thuở cậu năng qua lại nhà chú thím để chăm sóc, ẵm bồng. Trước khi thực hiện hành vi bắt cóc, cậu có gọi điện thoại cho thím để thông báo “Nếu thím không gặp tôi, tôi sẽ bắt cóc con gái thím”. Mặc, vẫn là lời từ chối.

Ngay lập tức, cậu thanh niên sang nhà ông bà nội, ẵm cô em họ đi một mạch vào rừng cao su gần nhà để gây áp lực với thím. Cậu gọi điện thoại, yêu cầu người thím phải đi một mình vào rừng cao su để gặp cậu thì mới có thể nhận lại con gái. Lần đầu tiên, người thím đi cùng hai người thân. Cậu băm bổ gọi điện thoại chửi mắng vì người thím bội tín, rồi lại ẵm cô em họ chạy sâu hơn vào rừng cao su.

Hai ngày sau, thông qua những cuộc điện thoại mà cậu thanh niên gọi cho mình, người thím đồng ý gặp cậu. Trước khi đến điểm hẹn, người thím có mang theo lương thực và nước uống. Trong lần gặp mặt ấy, người thím bị cậu ép phải gầy lại cuộc chơi loan phượng. Tiếp đến, cậu yêu cầu thím phải ở lại nơi ấy để chờ cậu mang bé gái đi trả cho gia đình. Người thím đồng ý.

Lại là lần loan phượng thứ hai. Đợi cậu ngủ say, người thím đã bỏ trốn về nhà và trình báo toàn bộ vụ việc cho Cơ quan Công an. Cũng ngay sau đó, cậu thanh niên được người nhà dẫn đến Cơ quan Công an đầu thú.

Tuần rồi, toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mở phiên toà lưu động xét xử sơ thẩm cậu thanh niên về tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng dâm”. Tổng hợp hình phạt mà cậu phải nhận là 5 năm tù giam.

2. Thời gian trôi trong tù chậm chạp lắm, chậm chạp vô cùng. Lâu lắm trước, tôi có ngồi trao đổi với siêu mẫu Hà Tân ở trại giam Z30A (Mà không chỉ có mỗi Hà Tân, đã có rất nhiều phạm nhân khác khi trò chuyện với tôi đều khẳng định điều này), Hà Tân nói với tôi những đêm trong tù đó là những đêm mất ngủ, đó là những đêm đầy khổ ải. Đó là những đêm nằm chong mắt chờ trời sáng với hàng loạt câu hỏi tuyệt không có câu trả lời, những câu hỏi về gia đình, về người thân, về những thứ mà những người thân yêu của mình phải đối mặt. Phạm nhân thường không nghĩ quá nhiều về bản án; thứ khiến họ phải hoảng hốt, phải dằn vặt, phải bật khóc chính là những ký ức hiện về.

Tôi xem đoạn clip của cựu tiền vệ tài hoa trong đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam một thời Nguyễn Quốc Vượng. Quốc Vượng bảo rất thật, những đêm trong tù, Quốc Vượng luôn cắn tay mình. Cắn để xem có đau hay không? Cắn để tin chắc rằng đây không phải là một giấc mơ, dẫu Quốc Vượng luôn hy vọng tất cả những thứ đang diễn ra đối với Quốc Vượng chỉ là một giấc mơ mà môi. Tiếc rằng, chúng ta đều luôn bất lực trước quá khứ, bởi đó là thứ không tư duy lại được, cũng không thể nào thay đổi được.

Trở lại câu chuyện của cậu thanh niên ấy, cậu nhóc sẽ có rất nhiều đêm ở trong tù để suy ngẫm về hành động của mình, về mối quan hệ của mình, về tình yêu hay bản năng của mình.

Cậu nhóc ấy hối hận không, chắc chắn là có. Cậu nhóc ấy có đau khổ không, chắc chắn là có. Cậu nhóc ấy có xấu hổ không, chắc chắn là có. Mà không chỉ có mỗi cậu nhóc ấy, người thím ngày xưa (bây giờ đã không còn là thím nữa, khi cô gái này đã ly dị với chú của cậu nhóc) có lẽ cũng đang lâm vào trạng thái cảm xúc rất buồn chán này.

Bản năng là buồn, bản năng khi nào mà không buồn. Bởi hành động theo bản năng tức đã là hành động bất chấp mọi luân thường đạo lý, những quan điểm chung của xã hội, những quan điểm không có thứ luật định từ hiến pháp, mà chỉ có thứ luật từ lương tâm hình thành nên.

Thi thoảng, tôi cũng đọc thấy những câu chuyện rất buồn liên quan đến bản năng. Như dạo, tôi trao đổi cùng một phạm nhân đang bị giam giữ tại trại giam Z30D (Bộ Công an) vậy. Cho đến tận thời điểm trò chuyện cùng tôi, gã cũng không thể hiểu vì sao gã có thể hành động vô cùng bỉ ổi với cô bé vài tuổi đầu, cô bé là con gái của vợ chồng hàng xóm liền kề căn nhà trọ của gã. Vợ chồng hàng xóm ấy rất yêu thương gã, họ coi gã như em trai, cưu mang gã như người cùng huyết thống.

Những vụ việc nhân danh tình yêu để tước đi mạng sống của người mình yêu thương, kiểu như vụ Đặng Văn Khuyến sát hại cô bạn gái đòi chia tay với gã chấn động thành phố vậy. Khuyến hạ sát bạn gái mình vì lý do “Đã chăm lo cho cô hết thời sinh viên, nhưng cô lại bỏ gã khi vừa tìm thấy việc làm”.

Đó là hành động bản năng, bản năng của sự chiếm hữu, của lòng ích kỷ mà bất cứ cá nhân nào cũng đang sở hữu trong người. Cá nhân được giáo dục, có sự tu dưỡng tốt thì bản năng sẽ phai nhạt (may mắn thì mất hẳn). Còn ngược lại, nếu để bản năng lấn át hoàn toàn thiện tính, thì bi kịch sẽ xảy ra. Tôi cho rằng, tất cả những hỉ, nộ, ái, ố, ghen ghét, thù hận, bao dung, vị tha… đều là những thuộc tính bản năng của con người. Trong tất cả thuộc tính bản năng ấy, bản năng liên quan đến chuyện luyến ái là thứ bản năng khó kiềm chế nhất.

Cậu thanh niên có yêu thím dâu của mình thật lòng không?. Thím dâu của cậu thanh niên có yêu cháu chồng của mình thật lòng không?. Tôi không dám chắc lắm khi đưa ra câu trả lời cho mệnh đề nghi vấn này. Nhưng, tôi nghĩ, những lần chung đụng vội vàng, những lần loan phụng gấp gáp, những của lạ người lạ khi người chồng, người chú vắng nhà vì đi biển lo mưu sinh cho gia đình đã khiến hai cá nhân ấy tin là giữa họ nảy sinh một thứ gọi là tình yêu.

Và cậu thanh niên vừa lớn, bén mùi đàn bà, ăn quen, nhịn không quen đã không còn đủ tỉnh táo để nhận ra hành vi của mình là hoàn toàn lạc lõng trong ý thức chung của đám đông. Chắc khó có thể gọi đó là tình yêu đích thực, vì có thứ tình yêu đích thực nào lại nảy sinh từ những mặc cảm tội lỗi bao giờ.

Có chăng, đó chỉ là những thứ từa tựa tình yêu mà những người đang sống trong cảm xúc đó đang tin rằng đó là tình yêu mà thôi.

3. Cậu thanh niên sinh năm 1994 ấy tên là Lê Hàng Văn Tâm, ngụ xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Kinh Hữu
.
.