Bản án từ gia đình

Thứ Ba, 27/12/2011, 10:35
Năm nay 68 tuổi, tóc phần nhiều đã bạc nhưng da dẻ vẫn hồng hào, dáng người khỏe mạnh, người đàn ông hoàn toàn bình thường bỗng dưng bị vợ con mình cho người bắt vào bệnh viện tâm thần cứ nhẹ nhàng kể cho tôi nghe về cuộc sống “không tình cũng chẳng còn nghĩa” của vợ chồng ông, với những chuyện mà nhiều người nếu nghe được chắc không khỏi lắc đầu bảo: “Ở đời chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra được cả”.

Bỗng dưng trở thành bệnh nhân tâm thần

Tôi đến nơi ông Mai Văn Tú được bạn bè sắp xếp cho tá túc bí mật, vì sợ ông sẽ gặp nguy hiểm một lần nữa, để thăm ông và cũng để tìm hiểu nguyên do hết sức lạ lùng mà mấy tuần nay dư luận rộ lên chuyện lạ lùng của ông. Bạn bè, đồng nghiệp đến chơi với ông hôm ấy ngồi đông cả phòng. Họ nói cười, câu chuyện câu trò vui vẻ như chưa có bất cứ chuyện gì xảy ra. Thấy tôi đến, ông vồn vã đón, rồi ông vào thay bộ đồ áo sơ mi quần tây cho lịch sự để “tiếp chuyện nhà báo” như lời ông nói.

Từ đầu đến cuối câu chuyện, ông luôn nhắc tôi rằng những gì ông kể là ông “rút ruột rút gan”, là thật nhất, nhưng ông dặn tôi viết “nhẹ” nhất có thể để “mong giữ lại danh dự” cho gia đình ông vì ông sợ những gì ông kể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của ông, của vợ con ông. Tôi tôn trọng và hiểu những gì ông muốn nói, nhưng chợt nghĩ có lẽ trong cuộc sống này chắc sẽ có không ít trường hợp như ông, một người giỏi chuyên môn, công việc xã hội, nhưng trong gia đình thì chẳng bao giờ được hưởng hai chữ “hạnh phúc” giản đơn như bao người.

Ông có kiến thức rất vững về thương mại, ngoại thương, đã từng đi học ở nước ngoài, từng là giảng viên đại học, từng làm việc ở nhiều công ty, tập đoàn có tiếng. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn được tín nhiệm mời làm chuyên viên, cố vấn cho một số công ty… Nói chung không ai có thể coi thường về kiến thức hay công việc của ông. Trong tính cách, tôi cảm nhận ở ông sau rất nhiều những sóng gió, không hạnh phúc trong gia đình, ông trở nên có phần bất cần, vô tư, hay thậm chí có cảm giác đầu óc của ông như đã mất đi bộ nhớ để có thể lưu lại những thời khắc buồn vui trong cuộc đời, để có thể phần nào đó quên đi những gì vợ con ông đã đối xử không phải với ông từ bao lâu nay...

Như thông tin đã đưa, sáng sớm ngày 29/9/2011, khi ông Tú vừa dắt xe ra đi làm thì bị bốn đối tượng đi taxi đến khống chế và chở ông thẳng tới Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, quận 5, TP HCM. Khi đến trước cửa bệnh viện, rất may ông vẫn kịp gọi điện thoại báo cho đồng nghiệp biết sự việc và nhờ giúp đỡ (chính việc này, cộng với sự lên tiếng của báo chí đã phần nào giúp ông được ra viện sớm hơn ý muốn của vợ con ông), rồi sau đó, ông bị đưa vào cùng các bệnh nhân tâm thần khác và bị giữ luôn ở đó xuýt xoát một tuần lễ.

Ông Mai Văn Tú.

“Trước giờ tôi hoàn toàn bình thường, không bị bệnh tật gì cả, từ khi tôi học ở Liên Xô về, cả học phổ thông, đại học, đi làm, chưa bao giờ phải vào bệnh viện nào cả, còn tất nhiên cũng có lúc nhức đầu, xổ mũi thoáng qua không đáng kể. Điều khó hiểu là các bác sĩ ở bệnh viện này chưa gì đã tiêm thuốc cho tôi vì lúc đầu có người đưa thuốc yêu cầu tôi uống, tôi thấy lạ nên bảo rằng nếu kết luận là điều trị ngoại trú thì phải kê toa thuốc hẳn hoi, còn điều trị nội trú thì cũng phải uống thuốc có giờ có giấc chứ, vì thế tôi không uống. Chẳng nói chẳng rằng mấy người của bệnh viện ra lệnh trói tôi lại rồi tiêm thuốc gì tôi cũng chẳng biết.

Riêng việc con gái đầu của tôi (sinh năm 1973) đã có mặt đợi tôi ở bệnh viện từ trước chờ sẵn để làm thủ tục bắt tôi phải nhập viện… Quả thật, trước đây con gái tôi cũng đã từng nói với tôi rằng, nếu bố mà không hợp tác đi đến bệnh viện thì con sẽ thuê người bắt bố vào bệnh viện tâm thần và cho bố ở đấy suốt đời luôn…”, ông chua chát kể lại.

Buổi sáng ngày hôm sau (30/9), sau một đêm ở cùng với các bệnh nhân tâm thần, ông được các bác sĩ gồm giám đốc, phó giám đốc bệnh viện và một bác sĩ nữa đến nói chuyện, khám và hội chẩn. Và đương nhiên kết quả thực tế là ông chẳng có bất cứ bệnh tật gì cả, bệnh viện cho biết người nhà có thể ngay lập tức làm thủ tục xuất viện cho ông.

Điều khiến nhiều người vô cùng bất ngờ, đó là việc vợ con ông lại đề nghị bệnh viện cho ông ở lại điều trị thêm một thời gian. Ông lắc đầu bảo: “Vợ con tôi không ký đơn cho tôi ra thì tôi cũng phải chịu dù thực tế tôi chẳng bị bệnh gì cả. Đúng ra, tôi có đủ khả năng sức khỏe và tinh thần, tự chủ về tất cả hành vi của mình, và nhất là tôi có đầy đủ quyền công dân, được pháp luật bảo vệ, thế mà chỉ vì người khác bắt tôi vào bệnh viện nên tôi sẽ không được ra viện nếu họ không ký vào biên bản xác nhận. Quả thật chuyện đó vô cùng bất hợp lý và đúng như có báo đã cho rằng, đó là một lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm của pháp luật cần phải xem xét lại để tránh những trường hợp như tôi về sau”.

Phải đến chiều ngày 5/10, sau khi bệnh viện có giấy báo gửi về cho cả gia đình lẫn chính quyền địa phương yêu cầu làm thủ tục xuất viện cho ông, vợ ông là bà Trần Thị T. (61 tuổi) mới miễn cưỡng phải làm thủ tục xuất viện cho chồng mình (theo lời ông thì đúng ra vợ con ông vẫn chưa muốn ký đơn để ông được ra khỏi bệnh viện). Tính từ thời điểm ông bị cưỡng ép nhập viện cho đến ngày được tự do là đúng 6 ngày ông phải trở thành bệnh nhân tâm thần “nổi tiếng” (?!).

Hát bài ca “Giã từ dĩ vãng”

Sau khi sự việc xảy ra, báo chí đã đưa tin rộ lên, mọi người cũng lờ mờ biết được phần nào nguyên nhân dẫn tới chuyện hết sức khó hiểu của gia đình ông. Ông nhìn xa xăm bảo, chuyện gia đình tế nhị lắm, ông cũng không muốn nói nhiều, nhưng khi đã trải qua chuyện này thì đúng là vợ chồng chẳng còn tình nghĩa gì nữa. Có những chuyện nói ra thì “xấu nàng hổ ai” nhưng không nói ra e rằng ông lại bị người ta cho là không biết gì và nói ra cũng để cho nhiều người biết đấy mà rút kinh nghiệm cho mình.

Vợ chồng ông có ba người con gái đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, xưa nay ông cũng chẳng màng gì của cải, lĩnh lương về giao hết cho vợ, nhà ông ở hiện tại rồi sau này cũng để lại cho con cái. Ngoài ra, vợ chồng ông còn có một căn hộ bên quận 7 đang cho thuê, nhưng thực tế chỉ có vợ ông đứng tên.

Ông kể, hồi mua căn hộ này, vợ ông tỉ tê bảo ông rằng bây giờ mua căn này mà đứng tên hai người sẽ… khó làm giấy tờ (?!) nên sẽ chỉ có bà ấy đứng tên, và nếu đồng ý thì ông viết một lá đơn đại ý là ông không có đóng góp gì trong căn hộ đó… Biết là vợ “có vấn đề”, nhưng ông cũng chẳng nghĩ ngợi gì, thuận theo ý vợ cho xong chuyện. Sau này tiền cho thuê căn hộ bao nhiêu ông cũng không mảy may chú tâm, để vợ toàn quyền tính toán.

“Cái nhà đang ở, vợ tôi có lần bảo thôi thì đằng nào cũng cho các con cả, hay là ông bán cho con lớn một nửa đi. Chẳng suy nghĩ gì, vợ  tôi bảo bán thì bán, nhưng từ đó bán mua thế nào, tôi hoàn toàn không biết. Điều cay đắng là có lần bà ấy bảo tôi rằng: “Ông cũng có nhiều cái dở nhưng ông rất… đàn ông”. Nghe thế, tôi mới bảo “đúng rồi, nhưng bà phải thêm… chữ “ngu” vào sau chữ “đàn ông”, vì không ai với tài sản giá trị lớn như vậy mà chẳng màng gì tới”, ông nhún vai bất cần.

Sau khi về hưu, nếu có đi làm cho công ty nào, ông cũng chỉ làm cốt để có niềm vui với công việc, với đồng nghiệp, bạn bè, quên đi những buồn phiền gia đình. Vậy nhưng ông bảo: “Thấy tôi đi làm gần như không có lương, bà ấy không tin, tôi mới bảo cả đời tôi nuôi mẹ con bà suốt bao năm rồi, giờ về cuối đời, tôi đi làm để có chút ít tiền tiêu vặt cho vui thôi. Trong khi đó lương hưu của tôi khoảng 3,6 triệu, mỗi tuần tôi chỉ lấy có 500 ngàn, vậy nhưng bà ấy vẫn cho người theo dõi tôi suốt”.

Điều đáng buồn hơn là khoảng thời gian gần đây vợ ông thường xuyên qua lại với một người hàng xóm vốn là một thợ vẽ, người này chỉ đáng tuổi con cháu của ông, hai người thường đi chơi với nhau... Đây có lẽ chính là nguyên nhân phát sinh nhiều căng thẳng trong gia đình ông từ hai năm trở lại đây. Có nhiều việc ông thấy chướng tai gai mắt, nhưng ông chỉ nói nhỏ nhẹ cốt để vợ ông hiểu ra mà thay đổi, vậy nhưng bà lại thường làm rùm beng lên, rồi gọi con cái “họp gia đình” bảo rằng ông vu khống, nói xấu bà(?!).

Có một lần ông dọa nếu ông bắt được quả tang, ông sẽ thuê người đánh cho anh chàng thợ vẽ đó một trận. Nghe thế, bà làm ầm lên rồi bảo, nếu ông mà thuê người đánh người ta thì tôi cũng sẽ thuê người đánh ông. Ông ớ người ra vì phản ứng lạ lùng của vợ mình…

Những chuyện lùm xùm trong gia đình ông cùng với tính tình chẳng màng đến của cải gì của ông được vợ con ông cho rằng đó là “sản phẩm” của một người hoang tưởng, vì thế “mong ước” của vợ con ông là sẽ cho ông… ở nhà thương tâm thần đến hết cuộc đời! Quả là chua xót cho ông!

Nhắc đến những ngày làm bệnh nhân tâm thần bất đắc dĩ, ông cười méo xệch kể vài chuyện bi hài mà ông gặp phải. “Có một bệnh nhân đến gần ông xin ông cho anh ta… cắn ông một phát, ông “điên” lên đuổi đi, may mắn là anh ta lủi thủi quay về chỗ của mình. Hay có buổi trưa vừa chợp mắt được một chút, ông tỉnh dậy thì đã thấy ngay một anh đang nằm ngay bên cạnh trên giường ông, ông giật mình quát lên thì anh ta ngồi dậy co cẳng chạy mất… Ông bảo nếu phải ở thêm mấy ngày nữa chắc ông… điên thật chứ chẳng chơi.

“Chuyện gia đình tôi quá nhiều nỗi buồn từ lâu lắm rồi, tình cảm vợ chồng cũng đã nguội ngắt từ lâu, nên bây giờ tôi rất buồn, vì thực ra cũng đã đến tuổi gần đất xa trời rồi, một thân một mình, con trai không có, người thân ruột thịt hầu như cũng chẳng còn ai. Điều an ủi là bạn bè của tôi rất nhiều và họ rất thương tôi, tìm nơi ở an toàn cho tôi, lo cho tôi từng chút một, hàng ngày họ đến chơi với tôi đầy phòng, cơm nước đầy đủ… Mấy người bạn còn chọc tôi rằng anh đang hát bài ca “Cuộc đời vẫn đẹp sao” nhưng tôi bảo, tôi đang hát bài “Giã từ dĩ vãng” đấy chứ…”.

Đúng như lời ông nói, lần này thì ông quyết tìm cách quên đi những ký ức buồn đau trong cuộc sống gia đình

Lữ Phạm
.
.