Ba câu chuyện ngoại ngữ

Thứ Hai, 01/04/2019, 17:09
Ngoại ngữ, không chỉ là công cụ để làm ăn kinh tế. Ngoại ngữ là một tấm vé đặc biệt, đưa người học đến với nền văn hóa khác, từ đó biết so sánh, biết tự thẩm định lại chính mình, mở đường cho tư duy mới. Thế nhưng hành trình để có tấm vé đó cũng thật lắm gian truân.

Câu chuyện 1: Cách đây mấy năm, khi còn đang học cao học bên Bắc Kinh, một ngày nọ có mấy bạn dưới khóa bỗng nhiên liên lạc, và nhờ giúp đỡ tư vấn phương pháp học ngoại ngữ cho một bạn sinh viên mới vào trường.

Tôi thấy hơi… hoảng, vì phương pháp học ngoại ngữ mặc dù chỉ loanh quanh một vài điều, nhưng từng cá nhân vốn rất khác nhau, từ nền tảng giáo dục phổ thông, đến khả năng ngôn ngữ bẩm sinh, chẳng thế mà sách lược học tập (learning strategy) trở thành một chủ điểm nghiên cứu của ngành nghiên cứu thụ đắc ngôn ngữ thứ 2 (SLA - Second Language Acquisition). 

Bạn sinh viên bắt đầu miêu tả tình trạng của bản thân: bạn đủ điểm để đỗ vào học ngành tiếng Anh của một đại học có tiếng, nhưng khi vào học rồi bạn nhận ra những gì học ở phổ thông… sai gần hết (về phát âm), rồi hỏi tôi làm sao để quay trở lại "phát âm chuẩn". Tôi bật cười, vì chợt nhớ lại thời học phổ thông của chính mình, tình trạng cũng hệt như vậy. 

Tình trạng đó không chỉ đơn giản là "phát âm sai" (cho đến giờ, tôi thực sự cảm thấy "phát âm chuẩn" không phải thứ quá quan trọng, và cũng không chỉ có một cái "chuẩn" duy nhất), mà là học xong không dùng được, chỉ để đem đi thi.

Bạn sinh viên kể trên, có lẽ là đại diện cho rất nhiều sinh viên trên cả nước. Tất nhiên, bạn sinh viên đó cũng giống như đa số các sinh viên chuyên ngành tiếng Anh khác, sẽ tiến bộ rõ rệt sau một năm học, bởi vì các bạn được đào tạo chuyên nghiệp, với thời lượng sử dụng tiếng Anh lên đến hơn 20 tiết một tuần (ở phổ thông chỉ có vài tiết một tuần), học với những giảng viên tiếng Anh tốt nhất, với những kĩ năng dạy học được cập nhật liên tục, học cả với giảng viên nước ngoài. 

Nhưng đó là câu chuyện của trường chuyên ngành ngoại ngữ, không phải của những trường còn lại, những đại học khác cần phải lo cho chuyên ngành của mình chứ không thể dành những 20 tiết một tuần chỉ để sinh viên học tiếng Anh được. Cái ta cần là nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ phổ thông.

Theo cảm nhận hết sức cảm tính, chắc nhiều người cũng cho rằng, môn ngoại ngữ ở phổ thông quá nặng về ngữ pháp và từ vựng để đối phó với thi cử, ít thực hành sử dụng thực tế. Trước hết, chúng ta hãy gọi tên từng xu hướng dạy học:

Xu hướng cổ điển nhất, dựa trên nền tảng ngôn ngữ học cấu trúc luận và tâm lí học hành vi, là xu hướng tập trung vào cấu trúc (Focus on Forms - FonFs): rất đơn giản, giáo viên đưa ra cấu trúc, yêu cầu học sinh luyện tập bằng nhiều cách như đọc thuộc, viết nhiều lần, đặt câu, điền từ, tập nói… cho đến khi thành thạo. Xu hướng này vẫn phổ biến ở nước ta, được định hướng ngay ở sách giáo khoa, chứ không phải chỉ xuất phát từ cách dạy của các giáo viên.

Một buổi học ngoại ngữ tại Singapore.

Xu hướng thứ 2 là xu hướng của Krashen, tập trung vào ý nghĩa (Focus on Meaning - FonM): dựa trên ngôn ngữ học tri nhận, Krashen cho rằng không cần thiết phải giảng giải cấu trúc, mà hoàn toàn có thể học bằng phương pháp "tự nhiên": khi tiếp xúc và sử dụng đủ nhiều thì ngoại ngữ tự khắc được thụ đắc. 

Những phương pháp dạy học như phương pháp giao tiếp (đơn giản nhất là tổ chức cho người học tự soạn và đóng kịch trên lớp), phương pháp nhiệm vụ (yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ thực tế, chứ không bó hẹp trên lớp học) là sự biểu hiện cụ thể của xu hướng này.

Xu hướng thứ 3 là của Mike Long, cũng là FonM, nhưng Long cho rằng nếu người học gặp chỗ khó, không thể tiếp tục tiến hành giao tiếp thì giáo viên có thể tạm dừng để giảng giải cấu trúc (FonM with temporary FonF). Xu hướng này được đón nhận nhiều nhất, vì không gây áp lực ghi nhớ như FonFs, vừa hiệu quả hơn hẳn FonM. 

Trên thực tế, phương pháp của Krashen chủ trương ngôn ngữ thứ 2 có cách học giống hệt tiếng mẹ đẻ, tức là coi người học như những đứa trẻ và dạy theo cách cha mẹ dạy con tập nói. 

Nhưng các nghiên cứu đều đã chứng minh, trẻ sau 12 tuổi không thể học theo cách "tiếng mẹ đẻ" được nữa, do cách thức tư duy và khả năng tri nhận đã khác hẳn. Xu hướng của M. Long chính là để giải quyết vấn đề đó.

Vậy sao không mạnh mẽ chuyển đổi sang xu hướng dạy học mới hơn, để cải thiện chất lượng dạy ngoại ngữ phổ thông? Có thể nhiều người sẽ hỏi vậy. 

Đề án ngoại ngữ 2020 chính là một đề án đặt mục tiêu thay đổi phương pháp dạy, nhưng đến nay đề án đã phải  kéo dài đến năm 2025, và không có gì đảm bảo đến năm 2025 đề án sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra. Có quá nhiều khó khăn…

Câu chuyện 2: Sau khi về công tác ở trường đại học, tôi có được tham dự một cuộc họp cùng với đại diện sở Giáo dục của các tỉnh trung bắc, tổng kết tình hình thực hiện đề án 2020. Một trong những vấn đề khiến các sở đau đầu nhất, là giáo viên… không chịu đi học. 

Khá nhiều giáo viên ngoại ngữ (tương đối lớn tuổi) ở các trường phổ thông không chịu đi học các lớp bồi dưỡng. Phần vì ngại học, phần vì điều kiện công tác khó khăn (nhưng tôi ngờ rằng, phần "ngại học" lớn hơn khá nhiều). 

Thay đổi phương pháp dạy, nghĩa là phải thay đổi cả khung chương trình, soạn lại giáo án, chuẩn bị lại các dụng cụ thiết bị dạy học. Có thể chừng ấy thứ không phải là khó khăn quá lớn, có lẽ khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy chăng?

Tôi cũng lại nhớ, rõ ràng trong trường sư phạm, sinh viên được hướng dẫn rất nhiều các phương pháp dạy học mới, chủ yếu tập trung vào xu hướng của Krashen và M. Long, với mục đích sau này ra trường đi dạy, các em có thể cải thiện khả năng ngoại ngữ của thế hệ tiếp theo. 

Nhưng nghe một cựu sinh viên nói, những cách thức tư duy và phương pháp đó chỉ áp dụng để… thực tập, còn khi đã chính thức được phân vào tổ ngoại ngữ của trường phổ thông rồi, thì đa phần là dẹp hết, tất cả theo chỉ đạo của tổ trưởng (thường là một thầy cô lớn tuổi nào đó), dạy cho đúng bài, đảm bảo học sinh thi được. Đó là việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ ở tất cả các trường đại học!

Có thể nguyên nhân trực tiếp là… cô tổ trưởng không chịu thay đổi, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là tư duy học để ứng phó với thi cử đã ăn sâu, rất khó đổi trong một sớm một chiều. Tư duy đó khiến nhà trường sợ thay đổi, phụ huynh cũng sợ thay đổi, các giáo viên trẻ không sợ thay đổi nhưng… không được thay đổi. 

Cuối cùng, những thay đổi trong phương pháp dạy chỉ tập trung ở những trường phổ thông của những thành phố lớn, hoặc các trung tâm ngoại ngữ không bị gò bó bởi chương trình giáo dục phổ thông mà thôi.

Những thành phố lớn có điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, một phần lí do vì đãi ngộ giáo viên tốt hơn nên nhiều sinh viên giỏi ra trường muốn về công tác hơn, một phần lí do nữa là do sự cạnh tranh giữa các trường rất lớn. 

Ví dụ như quận Cầu Giấy ở Hà Nội, tập trung nhiều trường phổ thông, tính cạnh tranh rất cao, các trường luôn chịu áp lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Cũng chính vì vậy, chất lượng của các trường phổ thông ở khu vực này thường khá tốt, trong đó có vài trường chuyên rất mạnh. 

Nhưng ở nhiều địa phương, có khi cả một huyện rộng lớn chỉ có một, hai trường, nguồn nhân lực đã không đảm bảo, lại không chịu áp lực cạnh tranh (vì phụ huynh và học sinh không có nhiều lựa chọn), rất dễ dẫn đến tình trạng trì trệ.

Điều đó cũng cho thấy vấn đề khác: tư duy dạy và học vẫn chưa hề thay đổi (còn đề án thì không chỉ ra nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này). 

Đề án 2020 và toàn ngành giáo dục cần phải xác định lại triết lý giáo dục nói chung, triết lý giáo dục ngôn ngữ nói riêng. Nếu không có triết lý giáo dục làm kim chỉ nam, mọi hướng dẫn đều chỉ xoay quanh vấn đề kĩ thuật và kinh nghiệm, ta không thể mong đợi có sự chuyển biến về chất, nếu không hiểu về "chất". 

Sự lựa chọn về mặt triết lý sẽ đảm bảo cho các vấn đề kĩ thuật cụ thể không gặp tình trạng "đẽo cày giữa đường" - ai nói gì hay hay là muốn áp dụng. 

Để đưa ra được lựa chọn, ta cần đầu tư nghiên cứu ở tầng cao hơn, đó là nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng, và lý thuyết SLA, hiện giờ nước ta còn khá yếu ở các mảng này, các cấp có thẩm quyền xem ra chưa ý thức được tầm quan trọng của những ngành xã hội nói chung, ngành ngôn ngữ nói riêng.

Câu chuyện 3: Một cô bạn Việt kiều ở lâu năm bên châu Âu về nước vào dịp hè, thắc mắc với tôi: "Em nghe phát thanh viên nói tiếng Pháp chán quá, chẳng lẽ cả nước không ai nói thạo tiếng Pháp sao?" Tôi không phải là người học tiếng Pháp, nên không biết tình trạng có thật vậy không, nếu thật thì nguyên nhân do đâu. Tôi chỉ chợt nghĩ, tiếng Anh phổ cập như vậy mà vẫn chỉ ở mức độ trung bình của thế giới, thì các thứ tiếng khác… chắc cô bạn tôi nói đúng. 

Nghiên cứu sinh Lê Huy Hoàng
.
.