Điều cuối cùng còn lại

Chủ Nhật, 17/09/2017, 14:02
Tôi sẽ không bàn nhiều về loại thuốc đặc trị ung thư giả với tên gọi H-Capita của Công ty VN Pharma, những điều này các chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã chỉ ra rất rõ.

Tôi cũng không bàn nhiều về những phát ngôn, về em chồng có là người thân hay không, về VN Pharma là công ty lớn hay nhỏ. Có rất nhiều điều tôi không bàn đến, bởi những ngóc ngách của cơn khủng hoảng ngành y này đều đã được giới truyền thông nêu rõ.

Tôi chỉ mạn phép xin được lạm bàn về điều cuối cùng còn sót lại trong câu chuyện này, mà theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng đó là sự chân thành.

1. Tôi theo nghề báo mười mấy năm, ít nhiều cũng có những nguồn thông tin riêng, những nguồn thông tin tham khảo hoặc có thể là chính xác nhưng không có bằng cớ giấy trắng mực đen. Đúng là như chúng ta hay đùa: “Chuyện ai cũng hiểu cả nhưng bằng chứng đâu?”...

Ban sáng, ngẫu nhiên ngồi với một người anh trong nghề. Ngẫu nhiên lại nghe những câu chuyện cũ, câu chuyện về nhân vật này, câu chuyện về nhân vật kia, về lá phiếu, về đánh nhau nội bộ, về rất nhiều thứ khác. Cả về những thủ đoạn nâng giá thuốc, nhập chất cấm, sử dụng quyền lực bao che chạy tội. Đó là những câu chuyện nghe để biết, cũng không có nhu cầu kể lại. 

Tôi tin là với những gì đang diễn ra, nhiều lãnh đạo cao cấp nắm rất rõ, nắm hết mọi thứ từ chân tơ cho đến kẽ tóc. Đến một nhà báo như tôi còn có thông tin này thông tin kia, huống hồ...

Trở lại cơn khủng hoảng có tên H-Capita của Bộ Y tế, tôi hoàn toàn không tin rằng Cục Quản lý dược không nắm rõ đường đi nước bước của các loại thuốc, loại nào kém chất lượng, loại nào đạt chất lượng, loại nào thông qua trung gian để nâng giá thuốc, loại nào từ Ấn Độ chạy sang Hong Kong rồi ngược về Canada để đích đến là Việt Nam ra sao. Phải biết chứ, bao nhiêu năm trong địa hạt quản lý của mình mà không biết thì còn gì để bàn cãi nữa, để mà nói nữa.

Nếu bảo là bất ngờ, là không biết thì chỉ còn mỗi một cách hiểu, đó là cố tình bất ngờ, cố tình không biết. Một ông doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm còn nói được vanh vách đường đi nước bước của thuốc, ông lãnh đạo cục này kết thân với ai, ông lãnh đạo cục kia có mối quan hệ với ai, ông lãnh đạo cục nọ cấp phép cho lô thuốc nào... thì làm sao những lãnh đạo chuyên ngành lại không am tường cho được.

Nhưng biết là làm sao khi mà những người được giao nhiệm vụ thực thi luôn cố gắng tạo ra rất nhiều sương khói mịt mù xung quanh lĩnh vực của mình, để có chuyện gì xảy ra thì lúc đó mới hốt hoảng lý giải theo cách này hay theo cách khác.

Buôn lậu thuốc giả là tội ác, đó là điều không ai có thể biện hộ hoặc cố tình đánh tráo khái niệm. Mà ngăn chặn thuốc giả có khó không, ngăn chặn thuốc kém chất lượng có khó không, tôi nghĩ là không nếu Cục Quản lý dược thật sự có một cái tâm chân thành.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma tại tòa.

2. Tôi sinh ra ở làng quê, những hàng xóm của tôi cũng là người nhà quê. Tuổi thơ lớn lên cùng lũ trẻ con họ, những đứa trẻ suốt một năm dài chỉ mong đến ngày tết để được thỏa mãn ăn thịt kho trứng, ăn thịt ngâm nước mắm, hay đơn giản chỉ là ăn bánh kẹo ngập răng. Những năm tháng khốn khó, những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương.

Tôi lên Sài Gòn trọ học, rồi ra trường, rồi ngụ cư, đi làm ở phố. Thi thoảng về lại quê, vẫn thấy một màu mây cũ. Cơn lốc nhà xưởng, công ty may cuốn veo lũ bạn cùng thời rời khỏi ruộng đồng, chỉ còn bố mẹ của lũ bạn vẫn chăm bẵm đánh vật với nắng mưa. Cái nghèo vẫn hoàn nghèo thôi, chỉ là con cái đi làm công nhân lương tháng được mấy triệu, chắt chiu dành dụm xây được cái nhà tường, tô vôi xanh xanh nhìn đẹp mắt.

Rồi không biết bằng cách nào, không rõ lý do nào, những người hàng xóm của tôi mất đi vì căn bệnh ung thư ngày càng nhiều, nhiều lắm. Những lần mất mát đều tương tự nhau, phát hiện khối u, cố gắng chạy chữa, cầm cố gia sản và về nhà nằm chờ đến ngày đi, như một ghi chép nhỏ trên trang cá nhân của tôi vậy.

“Tiền, tuổi ngoài hai mươi, bé xíu, tóc cháy khét trên đầu xơ xác, răng xỉn mòn dần.

Tiền, không biết chữ, Tiền không đến trường. Tiền chậm phát triển.

Tiền là con út của bà Chín.

Mỗi lần về quê, tôi vẫn hay cho Tiền cái này cái kia khi gặp, Tiền cảm ơn cười tít mắt.

Những hôm xưa, Tiền ở trong rẫy cùng mẹ. Những hôm này, Tiền không vào rẫy nữa, Tiền ở nhà. Căn nhà tường gạch vừa mới xây, do mấy anh chị của Tiền làm công nhân góp sức vào.

Tiền ở nhà vì bà Chín mất rồi, Tiền thơ thẩn mãi.

"Hôm đưa đám bả, em khóc ngất xỉu luôn".

"Mấy bữa em thấy bả về, bả nhìn em không nói gì".

"Mà bả đi cũng được, chứ không bả nằm rên hoài thương lắm".

Bà Chín bị ung thư, của nả trong nhà chuyển qua thuốc đặc trị, chuyển qua bệnh viện.

Đó là người phụ nữ hiền lành, cả đời mình chưa nghe cãi nhau với hàng xóm bao giờ. Bà Chín mất đi, điểm tựa nương của Tiền lại thêm một khoảng trống”.

Bà Chín là một kiểu mẫu của những người nông dân mất đi vì căn bệnh ung thư, một căn bệnh khiến họ khánh kiệt về nhiều mặt, cả tiền bạc lẫn tinh thần.

Tôi không nghĩ rằng những cá nhân nhập thuốc đặc trị ung thư giả không biết điều này, tôi cũng không nghĩ những cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng không biết điều này.

Có xa xôi gì đâu, vào một bệnh viện bất kỳ đều thấy ngay những thân phận người đang cố bấu víu vào cuộc sống một cách đầy bấp bênh, tủi hờn như thế nào.

Một toa thuốc được đánh đổi bằng khẩu phần ăn, một phác đồ điều trị được đánh đổi bằng sào đất, manh vườn, bằng lần thất học của đứa con đang đến trường vốn cũng là điều đã xảy ra. Trong nhà có người bệnh thì đâu chỉ mỗi người bệnh ấy mỏi mệt, mà còn có cả những người thân lo lắng, những người thân phải gồng gánh cưu mang đỡ đần.

Có lẽ, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã biết hơn một hoàn cảnh như vậy, chứng kiến nhiều hơn một bất hạnh tương tự vậy.

Năm xưa, tôi sang Bệnh viện Chợ Rẫy thăm người bạn bị tai nạn giao thông. Bạn mổ, tôi ngồi ngoài chờ thông tin. Lân la trò chuyện với một chị nhìn nhà quê mà khổ lắm, chồng chị bệnh nặng phải chuyển vào đây, nghe chị thở than một lúc lâu mới hỏi, “Sao chị không làm đơn xác nhận gia cảnh nghèo khó để mong miễn giảm viện phí?”. 

Chị trả lời làm tôi nhớ mãi, “Đâu có xác nhận hộ nghèo được em, mặc dù nhà mình đến cái tivi trắng đen cũng không có mà coi. Vì địa phương đăng ký xóa hết hộ nghèo rồi, chị xin mãi mấy anh mới cho chị xác nhận hộ cận nghèo. Mấy ảnh nói châm chế lắm rồi mới đồng ý là hộ cận nghèo, chứ địa phương còn người nghèo ảnh hưởng đến thành tích chung lắm”. 

Tôi về viết một mẩu nhỏ trên tờ nhật báo đông người đọc, cái title mang tên Không được phép nghèo, dư luận dạo đó xôn xao thành tích địa phương gì mà kỳ dị vậy, ầm ào một lúc rồi thôi.

Kể thêm chi tiết này để thấy rằng, người khốn khó đã khổ đủ đường nay còn gặp phải cơn cớ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Mặc dù vẫn biết, giàu hay nghèo gì khi bệnh tật không đau đớn như nhau.

Vì vậy, thật dễ hiểu khi cơn địa chấn H-Capita hiện hữu, dư luận vừa bàng hoàng lo lắng, vừa giận dữ phẫn nộ đến vô cùng.

3. Trong bối cảnh đó, đáng lẽ ra với tư cách là người đừng đầu Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải chủ động cung cấp thông tin, gặp gỡ báo giới để trấn an dư luận, để phát đi thông điệp những cố gắng của lãnh đạo Bộ đối với khâu kiểm duyệt thuốc (thậm chí, là những giải pháp ngăn chặn tình trạng bác sĩ nhận hoa hồng của hãng dược khi kê đơn)... thì Bộ trưởng lại xuất hiện vào thời điểm cao trào của cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong nhân dân.

Tiếc rằng, không lường trước hết tính quan trọng của vụ việc, Bộ trưởng và nhiều lãnh đạo Bộ lại có những câu nói chưa làm người nghe thấy hết trách nhiệm của Bộ. Mặc dù quy định trách nhiệm người đứng đầu đã được Chính phủ xác định rất rõ ràng từ lâu.

Giấy không gói được lửa, càng giải thích, càng phân trần thì dường như những dư luận từ giới truyền thông xuất hiện dày đặc hơn ngược lại Bộ trưởng cùng các cộng sự.

Quan sát toàn bộ tấn bi hài kịch đầy buồn bã này, tôi nhận thấy điều cần ở Bộ trưởng chính là sự chân thành. Bộ trưởng cần đặt mình vào cảm xúc của nhân dân để cảm nhận vụ việc, rồi từ đó đưa ra hướng giải quyết hợp lý hơn.

Tôi viết điều này chắc là Bộ trưởng không hài lòng, nhưng biết làm sao được vì giữa con người với con người, giữa lãnh đạo với nhân dân chỉ có thể hướng đến sự gắn kết, bổ trợ hay ủng hộ nhau nếu có đủ sự chân thành. Mà trong bối cảnh ấy, Bộ trưởng phải là người chủ động.

Mới năm trước, chỉ bằng sự chân thành nói lời xin lỗi khi đoàn xe tháp tùng lưu thông vào phố đi bộ tại thành phố Hội An, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận, tán thưởng của nhân dân.

Lại thêm lần tiếc nuối, gương có sẵn đó mà không ai chịu soi.

Ngô Kinh Luân
.
.