Sống trong sợ hãi và chết vì sợ hãi

Thứ Tư, 17/01/2018, 16:43
Cách đây chừng hai tháng, rộ lên chuyện lợn tiêm thuốc an thần đã lại “bồi đắp” mối lo bấy lâu nay của người tiêu dùng về chuyện ăn gì, uống gì cho an toàn.

Người ta còn đưa ý kiến có khi phải cấm lò mổ đang có mặt khắp nơi để cung cấp thịt cho các chợ, nhưng cũng lại phát hiện ra rằng, “có cấm lò mổ cũng không có được thịt lợn sạch...”.

Câu chuyện không chỉ dừng ở thịt lợn mà đủ các thứ thực phẩm, từ rau cỏ đến thịt thà cá mú... đâu đâu cũng tiềm ẩn những hiểm họa; khi mà mỗi ngày chúng ta đều nghe thấy có người thân chỗ này, người quen chỗ kia mới bị ung thư hoặc mới từ giã cõi đời vì căn bệnh quái ác đó.

Vợ tôi có một cô bạn thân, nhà cô ấy tiến từ việc không ăn bất cứ một thứ thực phẩm nào mua ngoài chợ lên đến mức cao hơn, không ăn bất cứ thứ gì mua trong nước, mà phải là đồ nhập khẩu. Không những thế, phải là đồ “xách tay” nhờ mua về chứ không phải mua hú mua họa mà được. Ghê gớm nhất là đến muối ăn, cũng phải là... muối mỏ Himalaya, vì đến muối biển của Việt Nam ăn còn sợ nhiễm độc, thì sự cầu kỳ đã lên đến mức tột đỉnh.

Cái “trăn trở” kiểu đó đã lan sang đến cả những khía cạnh khác - tôi còn nghe kể về một “phong trào” tẩy chay lò vi sóng vì những tác dụng có hại (chưa được chứng minh chính thức) của nó đối với thức ăn.

Trên thực tế, với hết thông tin này đến bài báo kia về các loại thực phẩm được nuôi trồng bằng những phương pháp rất không an toàn cho người sử dụng thì việc người tiêu dùng lo ngại hoàn toàn chính đáng. 

Cũng không phải các nhà chức trách không làm gì (dù chắc chắn cũng đã từng có thời gian buông lỏng quản lý) nhưng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người sản xuất mãi rồi; và bây giờ thậm chí đến biện pháp cho cán bộ thú y đứng canh ở cửa lò mổ... nhưng thực phẩm “bẩn” hay không an toàn vẫn ngày càng nhiều.

Quản lý nuôi trồng thuộc ngành nông nghiệp, quản lý thị trường lưu thông thuộc ngành công thương còn quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc chức phận của ngành y tế, sơ sơ đã 3 ngành quản lý mâm cơm của người tiêu dùng, mà vẫn không quản được; để đến mức người tiêu dùng hằng ngày sống trong sợ hãi không biết mình đang ăn cái gì vào bụng.

Một sự thật hiển nhiên là đến giờ phút này, cơ chế quản lý hiện hành không hữu hiệu, nếu không muốn nói là không có tác dụng. 

Không chỉ thế, cái chuyện chịu sự quản lý “một cổ đa tròng” đang gây phiền toái và cản trở sự phát triển của một lĩnh vực kinh tế - và chính cái gây phiền toái đó đã đẩy những người tham gia chuỗi sản xuất - cung ứng phải tìm đủ cách để xoay xở, “lách rào” và quy tắc lại càng dễ bị vi phạm, trở thành hiển nhiên. Đó là chưa nói cách tổ chức quản lý như vậy càng tạo điều kiện cho tiêu cực phát triển, gian dối vẫn hoàn gian dối, không thể thay đổi.

Cũng chính vì loay hoay không quản lý được, nên người tiêu dùng càng... hoảng, đến mức mất lòng tin. Phong trào trồng rau trên sân thượng rộ lên mấy năm gần đây cũng chính là từ cái sự mất lòng tin đó, và người tiêu dùng quyết định tự làm, tự ăn.

Chỉ thiếu mỗi nước quây một góc để nuôi lợn như thời bao cấp, chỉ khác là không phải vì mục đích tăng gia, (bao nhiêu nước gạo, cơm thừa canh cặn dồn cho nó tất) mà bây giờ nuôi lợn để ăn. Vì không ai làm được thế, nên những nhà có tiền chuyển sang mua thịt nhập khẩu tận nước nảo nước nào. Phong trào “tự sản tự tiêu” do đó mới dừng ở trồng rau trên sân thượng.

Chẳng kém phần nhanh nhạy, nhiều người bỏ công ty, doanh nghiệp... về quê làm trang trại “vườn ao chuồng” sản xuất thịt sạch, rau an toàn và trong số đó không thiếu gì các nam thanh nữ tú.

Thời của mạng xã hội, họ tiếp thị cũng rất nhanh, giỏi giang và thường là không đủ hàng để cung cấp. Tôi không nghi ngờ nếu ai đó nhận định rằng, chỉ vài năm nữa kinh tế trang trại sẽ lại lên ngôi, và yếu tố hàng đầu để đảm bảo thành công cho chúng, là uy tín, đảm bảo quy trình nuôi trồng sạch, an toàn.

Cái gì làm mãi, phổ biến thì cũng trở thành lẽ đương nhiên, nhưng rõ ràng ở đây có một nghịch lý. Chăn nuôi, trồng trọt hay sản xuất gì chăng nữa, sản xuất tập trung và lên mức quảng canh bao giờ cũng rẻ, giảm chi phí sản xuất dẫn đến giảm chi phí xã hội, nhưng chúng ta đang quay lại thời kỳ tự sản tự tiêu, tự cấp tự túc... với chi phí lớn hơn nhiều, và số lượng do đó cũng giảm đi rất nhiều.

Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, nhưng nay người tiêu dùng phải đi mua đồ nhập khẩu, trong khi sản xuất trong nước thì lúc trồi lúc sụt, người nuôi trồng thường xuyên điêu đứng... lại còn nghịch lý hơn nữa.

Với những nhà không có điều kiện để ăn đồ nhập khẩu thì lựa chọn sẽ khác. Đi chợ, chẳng ai đi mua thịt lại xẻo lấy một miếng gửi đi thử nghiệm độ an toàn, mà cứ mua về ăn trên cơ sở... niềm tin thôi; như bà bọn trẻ nhà tôi là một điển hình. Bà dặn “thịt mua của con bé này, rau mua của con bé kia là yên tâm” (vì thấy “nó” bảo lấy từ nguồn cũng... yên tâm, lý do rất hú họa).

Cả hai trường hợp trên (và vô vàn những trường hợp khác nữa) đều có nguyên nhân là nỗi sợ hãi, chí ít là lo lắng vì chất lượng an toàn của thực phẩm. Nhưng nếu chúng ta ngẫm nghĩ thêm, sẽ thấy những gia đình nghèo ở thành phố, thì chẳng có bất cứ sự lựa chọn nào cả, với họ lo được miếng ăn còn khó, nói gì đến kén cá chọn canh. Và hằng ngày quanh chúng ta, “tin buồn” vẫn được thông báo đều đặn vì quá nhiều lý do, không loại trừ một ai.

Nghe chuyện cô bạn vợ, tôi đã từng nói đùa với vợ: “Cả xã hội sống trong sợ hãi (với thực phẩm không an toàn) nhưng không chừng, chưa chết vì thực phẩm bẩn thì đã chết trước vì quá sợ hãi rồi”.

Phản ánh những điều chưa hoàn thiện của xã hội, là cần thiết, trong đó vai trò của báo chí và truyền thông là rất hữu hiệu và quan trọng. Chính nhờ những phản ánh đó mà cơ quan chức năng cũng dần phải tìm cách cải thiện cung cách quản lý, dù có thể rất chậm. Hơn thế nữa, nhờ có sự phản ánh xã hội, cùng sự chia sẻ trong cộng đồng mạng xã hội, mà càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, hoặc các mô hình trang trại cung ứng thực phẩm sạch, an toàn...

Quay đi quay lại, thoáng cái hết năm rồi, chuẩn bị một cái tết nữa ngấp nghé đến nơi. Tết nhất, cỗ bàn... của người Việt bây giờ cũng đơn giản hơn nhiều, phần vì giản tiện, phần vì thực phẩm sẵn, ê hề, chợ bán từ mùng Một.

Nhưng cũng chính đến tết thì người ta lại muốn nghĩ đến sự cầu kỳ, thịt tự nuôi, rau tự trồng, hoa quả vườn nhà tự tay thu hoạch... cố kiếm bằng được không chỉ để ăn, mà còn biếu nhau, nếu như trước là sự đắt tiền sang trọng thì nay là sự cầu kỳ để đạt cho được cái... an toàn. Nhưng cũng tết đến, thì còn đó mối lo rượu giả, bánh kẹo giả hay quá hạn. Hàng xách tay do đó vẫn cứ vững ngai vàng chắc còn lâu mới bị lật đổ, ít ra trong tâm lý người tiêu dùng.

Ảnh: Đ.N. - L.G.

Giải pháp là chúng ta cần tìm những nhà cung cấp uy tín, có thể là doanh nghiệp, trang trại nhỏ nhưng đáng tin cậy... để mua đồ cho gia đình mình, chỉ cần bước đầu vậy thôi nhưng nhiều người làm, sẽ là động lực để cho những nhà sản xuất như thế phát triển. Chi phí sản xuất ngày càng giảm, giá càng hợp lý lại tạo điều kiện cho những người nghèo hơn có thể tiếp cận được với thực phẩm tốt.

Đồng thời khi để mất thị phần thì những cơ sở sản xuất truyền thống hiện nay, cũng sẽ phải bỏ dần “truyền thống chụp giựt” để cố gắng lấy lại lòng tin của người tiêu dùng; hoặc phải bỏ nghề, cách nào thì người tiêu dùng cũng có lợi.

Làm thế nào thì làm nhưng trước mắt tâm lý mỗi chúng ta cần có được sự cân bằng cái đã, an toàn trong tâm tưởng đâu kém quan trọng với an toàn của cơ thể vật lý. Ngẫm ra, sự cầu kỳ gần gũi, mà không chừng có khi có nguồn gốc từ sự sợ hãi. Sợ ăn phải cái này, thì phải cầu kỳ đi tìm cái kia. Dần dần, những thực phẩm trên trái đất mà không an toàn thì chắc phải tìm mua thực phẩm nuôi trồng ở... sao Hỏa.

Như thế có khi lại là “sống trong sợ hãi thực phẩm bẩn” và chết trước vì nỗi sợ bên trong mình chứ chưa chết vì bệnh tật. Không cần thiết phải quá sợ hãi dẫn đến cầu kỳ thái quá. Tôi đã từng nghe ở đâu đó có một lý thuyết, hay giả thuyết rằng nếu khi ăn mà tâm trạng lo sợ, bất an... thì cơ thể sẽ tiết ra những chất độc. Chưa có căn cứ để tin điều này là đúng, nhưng rõ ràng nếu bất an thì ăn làm sao mà ngon được nữa...

Ngô Ngọc Phương
.
.