Đòn roi từ góc nhìn khoa học và pháp luật

Thứ Sáu, 30/03/2018, 07:23
Sự việc cô giáo bị bắt quỳ gối ở Long An ẩn chứa rất nhiều vấn đề cần được tranh luận. Đó không còn là câu chuyện giữa cô giáo, nhà trường, phụ huynh và học sinh. Xã hội cần được thảo luận về vấn đề sử dụng đòn roi và các hình phạt vũ lực để kỉ luật học sinh trong nhà trường.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

Là một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và quyền con người tại Việt Nam. Trước khi làm việc trong khu vực lợi ích công, Lê Nguyễn Duy Hậu có 6 năm là luật sư tại Việt Nam và CHLB Đức. Tham gia giảng dạy pháp luật và quyền con người cho các nhóm cộng đồng và một số chương trình đại học tại TP HCM. Lê Nguyễn Duy Hậu tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM vào năm 2010 và có bằng thạc sỹ luật tại Viện Pháp luật và Chính sách tại Đại học Goethe Frankfurt.


Hình phạt vũ lực có tên gọi tiếng Anh gợi nhớ đến một biện pháp thi hành kỉ luật mang tính nhà binh (corporal punishment - corporal có nghĩa là hạ sĩ). 

Ủy ban Công ước về Quyền trẻ em định nghĩa hành vi này là “bất kỳ hình phạt nào mà có sử dụng vũ lực nhằm tạo ra đau đớn hoặc khó chịu cho trẻ, bất kể mức độ” và “những hành vi phi vũ lực khác có tính man rợ hoặc hạ nhục” (Bình luận chung số 8). 

Ủy ban Công ước đưa ra các ví dụ như đánh đập, dùng roi, nhúng nước, nhéo tai, tát, cào cấu, sỉ nhục, đe dọa hoặc lấy trẻ làm trò cười (Bình luận chung số 8). 

Định nghĩa này được rất nhiều nhà khoa học và bác sĩ ở phương Tây đồng ý (xem Gershoff (2008), Strauss (2001)). Nếu chiếu theo định nghĩa này thì hành vi phạt trẻ quỳ gối được xem là một hình phạt vũ lực.

Từ rất lâu, hành vi này được chấp nhận như một phương pháp giáo dục, duy trì kỉ luật được thầy cô và (đôi khi) phụ huynh ủng hộ, bất chấp một quy định rõ ràng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm việc này. 

Tâm lý “thương cho roi cho vọt”, thiết lập kỉ luật kiểu nhà binh thường được viện dẫn để ủng hộ hành vi này. Tuy nhiên, rất nhiều chứng cứ khoa học đã chỉ ra rằng hành vi này không chỉ phản giáo dục (vì cổ vũ bạo lực trong môi trường học đường) mà còn không có tác dụng (vì có thể gây ra tổn thương cho học sinh). 

Trừng phạt bằng vũ lực có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và học lực của trẻ. Ảnh: L.G.

Những nhà hoạt động nhân quyền cho trẻ em thì đặc biệt lên án hành vi này như một chỉ dấu của sự vi phạm nhân quyền ở mức nghiêm trọng. Phó Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền từng tuyên bố rằng “viện cớ sử dụng đòn roi là tốt cho đứa nhỏ không biện minh được cho hành vi này".

Nhưng trái với suy nghĩ thông thường, hình phạt vũ lực đã từng rất được ủng hộ, kể cả phương Tây lẫn phương Đông. Gershoff (2008) chỉ ra rằng thập niên 60 ở Mỹ, gần 94% phụ huynh ủng hộ hành vi này. Đến năm 1986, con số giảm còn 84%. 

Mãi đến năm 2004 thì con số này mới xuống mức 71.3%. Ở Việt Nam, một báo cáo năm 2014 trong khuôn khổ làm việc của UNICEF chỉ ra rằng 59% trẻ 8 tuổi và 13% trẻ 15 tuổi được phỏng vấn xác nhận có bị trừng phạt bằng vũ lực bởi giáo viên trong tuần trước khi khảo sát (Ogando Portela và Pells (2015)). 

Những thảo luận trên diễn đàn báo chí và mạng xã hội cũng chỉ ra một thực tế là hình phạt vũ lực vẫn được xem là phương pháp giáo dục trẻ em hữu hiệu.

Không khó để bắt gặp nhiều câu chuyện về các tấm gương đã thành người từ những đòn roi của thầy cô hay bố mẹ. Theo quan sát của tác giả, nhiều bậc phụ huynh cũng đặt vấn đề tạo ra tính kỉ luật cho trẻ như một yếu tố quan trọng của giáo dục, bên cạnh kiến thức. 

Các chương trình rèn luyện kỉ luật như “Học kì quân đội” cũng được đánh giá cao, tuy rằng có nhiều quan ngại về việc cho trẻ làm quen với môi trường bạo lực như quân đội là điều không nên. Những người ủng hộ tin rằng hình phạt vũ lực giúp thiết lập ngay lặp tức kỉ luật ở trẻ và là chỉ dấu tốt cho việc trẻ không được vượt quá lằn ranh của một việc gì đó. 

Tuy nhiên, cũng như Gershoff chỉ ra, tác giả không tìm thấy được nhiều bằng chứng khoa học được chứng minh cho luận điểm kể trên, ngoài một bài báo từ năm 1999 của Walter E. Williams. Nhưng ngay cả bài báo của Williams (1999) cũng không đưa ra được nhiều con số thuyết phục.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều nghiên cứu của các học giả phương Tây chỉ ra rằng trừng phạt bằng vũ lực có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và học lực của trẻ (xem Gershoff (2008), Hyman (1996) v.v...). 

Đặc biệt, Hyman đưa ra nhận định vào năm 1996 rằng có khoảng một nửa học sinh từng bị hình phạt vũ lực qua nghiên cứu đã bắt đầu có dấu hiệu của triệu chứng sang chấn tâm lý hậu khủng hoảng liên quan đến giáo dục (Educationally Induced Post-Traumatic Stress Disorder - EIPSD) gây suy giảm khả năng học tập của trẻ. 

Ngoài ra, nhiều chứng cứ cũng được trình bày để chỉ ra rằng hình phạt vũ lực cũng khiến mối quan hệ thầy - trò, cha - mẹ bị ảnh hưởng, cũng như cổ vũ bạo lực trong môi trường giáo dục.

Các nghiên cứu tương tự cũng bắt đầu được tiến hành ở các nước phương Đông. Yang (2008) chỉ ra rằng việc sử dụng hình phạt vũ lực có động cơ thiết lập trật tự theo tư tưởng của Khổng giáo và đòn roi ở phương Đông thường được gán cho ý nghĩa cao đẹp (cane of love - thương cho roi cho vọt). 

Tuy nhiên, các bằng chứng về tâm lý học cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của vũ lực lên trí năng và tâm lý của trẻ là giống nhau, không phân biệt biên giới, màu da, hay nền văn hóa.

Trên cơ sở thiếu vắng những bằng chứng khoa học ủng hộ hình phạt vũ lực trong môi trường giáo dục, việc tồn tại và sự ủng hộ hành vi này rất có thể chỉ xuất phát từ thói quen và kinh nghiệm của người thực hành. 

Không thể phủ nhận rằng rất nhiều cá nhân xem thành công của họ ngày nay là nhờ vào những đòn roi ngày xưa và cũng không ai nghi ngờ động cơ tốt đẹp của thầy cô hay cha mẹ khi sử dụng đòn roi. Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để hiểu rằng động cơ tốt không thể biện minh cho cái sai được và trải nghiệm tốt của một cá nhân không thể làm cơ sở để áp dụng rộng rãi một hành vi chưa có kiểm chứng. 

Chúng ta rất dễ dàng chỉ ra những người đã “hưởng lợi” từ kỉ luật đòn roi, nhưng chẳng bao giờ chúng ta biết được đã có bao nhiêu đứa trẻ đã sụp đổ hoàn toàn hoặc cuộc đời của chúng đã rẽ sang hướng khác vì sự sợ hãi môi trường giáo dục, bắt đầu từ đòn roi.

Chính vì thế, thật khó để ủng hộ biện pháp này và nếu như không thể tìm được phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, cách tốt nhất là ngồi yên thay vì sử dụng một cách thức có thể gây hại còn lớn hơn cho trẻ.

Tranh luận thế nào về vấn đề này

Thế nhưng, tranh luận thế nào về vấn đề hình phạt vũ lực, đặc biệt là trong vụ việc cô giáo quỳ gối ở Long An cũng là một điều đáng bàn. Rất dễ để chỉ trích người giáo viên bắt học trò quỳ gối là vi phạm pháp luật và gây hại cho đứa trẻ. Nhưng liệu bắt giáo viên đó phải quỳ gối để chịu một cảm giác tương tự là đúng đắn hơn?

Chắc chắn là không.

Hành vi bắt cô giáo quỳ để trả đũa cho việc cô đã bắt học sinh của mình quỳ xét ở khía cạnh nào cũng là một hành vi sai trái, làm nhục người khác. Luật pháp của một xã hội được tạo ra cốt để chấm dứt vĩnh viễn câu chuyện một mắt đền một mắt, máu trả bằng máu. Lấy một hành vi hạ nhục để đáp trả lại một hành vi hạ nhục không phải là việc làm được xã hội văn minh cho phép. 

Ở trong câu chuyện giữa người phụ huynh và giáo viên, có lẽ sự nóng giận và quyết tâm ăn thua đủ đã khiến họ quên mất sự hiện diện của người học trò đang theo dõi cách mà hai người lớn gần gũi nhất của mình đang hành xử. 

Sử dụng vũ lực để đáp trả cho vũ lực chỉ khiến cho người học sinh càng tin rằng vũ lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Hành vi như vậy không chỉ phản khoa học, phạm pháp, mà còn phản giáo dục.

Tuy nhiên, ở một chiều hướng ngược lại, lên án hành vi của người phụ huynh bắt cô giáo quỳ cũng không có nghĩa là chúng ta phải tôn vinh, tung hô hành động của cô giáo. Nhiều bậc giáo viên phản ứng gay gắt trên mạng xã hội vì cho rằng việc cô giáo bắt học trò quỳ là “bình thường” như lời của tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Trong những cuộc tranh luận xã hội, có lẽ chúng ta đã quá quen với suy nghĩ rằng phải có một bên đúng và một bên sai rõ ràng. Điều này dẫn đến việc khi lên án một hành vi của bên này, ta thường có xu hướng tôn vinh hành vi của bên kia. 

Đã đến lúc ta cần phải quen với việc trong một câu chuyện không phải luôn có hai phe đúng và sai minh định. Sẽ có những lúc chúng ta thấy hai phe cùng đúng hoặc hai phe cùng sai. 

Thật tiếc là trong câu chuyện ở Long An, tất cả các bên đều đã sai. Bắt cô giáo quỳ gối cũng sai không khác gì hành vi bắt học trò quỳ gối. Không thể lấy một cái sai để sửa một cái sai khác. Và càng không thể lên án cái sai sau bằng việc tôn vinh cái sai ban đầu. Tôn sư trọng đạo không có nghĩa là du di với mọi sai lầm của người thầy.

Đó sẽ là cách mà chúng ta nhìn nhận vụ việc và tranh luận. Cách giải quyết đúng đắn duy nhất bây giờ đó chính là lên án và chấm dứt hoàn toàn cả hai cái sai kể trên.

Lê Nguyễn Duy Hậu
.
.