Khi Công đoàn Việt Nam vẫn còn "ngại" đấu tranh

Thứ Hai, 25/12/2017, 11:17
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là nhiệm vụ then chốt và cơ sở tạo nên tính chính danh của hệ thống công đoàn...

Vị trí của Công đoàn Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định vị trí của Công đoàn Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân” và “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” (Điều 10). 

Điều này được khẳng định trong Điều 1 của Luật Công đoàn 2015 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trên cả nước hiện nay có tổng cộng 9,7 triệu đoàn viên Công đoàn và hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động được tổ chức xuống cấp quận, huyện, bên cạnh rất nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là nhiệm vụ then chốt và cơ sở tạo nên tính chính danh của hệ thống công đoàn này. 

Các nguồn lực, nguồn quỹ công đoàn hiện nay phần lớn cũng được quy định để thực hiện mục tiêu đó. Điều 5.2.c) của Quyết định 1910/QĐ-TLĐ về ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính cho công đoàn cơ sở quy định phải dành ít nhất 60% khoản thu kinh phí công đoàn để thực hiện các hoạt động của công đoàn, trong đó ưu tiên hoạt động bảo vệ quyền lợi của công nhân.

Cho đến nay, hệ thống các quy định về thu kinh phí công đoàn và công đoàn phí đã khá hoàn chỉnh và rõ ràng, đặc biệt là sau khi Nghị định 88/2015 ra đời, quy định rõ mức phạt về việc doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn. Chính vì thế, về mặt nguồn thu, có thể nói hệ thống công đoàn hiện nay đã có khá đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện trên thực tế.

Nguồn lực mà công đoàn có thể thu được từ kinh phí công đoàn là không hề nhỏ. Lấy ví dụ một nhà máy cỡ vừa, có khoảng 1.000 nhân viên. Tạm lấy trung bình lương đóng BHXH của mỗi nhân viên là 4 triệu/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu ở nhiều nơi). 

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải trích 2% quỹ lương để đóng kinh phí công đoàn và mỗi nhân viên là công đoàn viên sẽ đóng 1% lương của họ. Vậy công đoàn quản lý nhà máy kể trên sẽ thu được từ 1 nhân viên có lương BHXH 4 triệu đồng/tháng là 3% của 4 triệu, tức là 120.000 đồng. 

Đem số trung bình này nhân cho 1.000 nhân viên thì 1 tháng, công đoàn sẽ thu được khoảng 120 triệu đồng. Tất nhiên, sẽ có những nhân viên trong nhà máy đóng ở mức cao hơn do lương cao hơn và sẽ có những nhân viên không phải là công đoàn viên nên không phải đóng công đoàn phí. Nhưng với trung bình 120 triệu kể trên, công đoàn cơ sở phải nộp cho công đoàn cấp trên ở vào khoảng 40% và giữ lại 60%. 

Công nhân ngày càng trở thành những nhóm dễ bị tổn thương vì vị thế kinh tế của họ, do đó vai trò của công đoàn là quan trọng hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa trong bài: LG.

Vậy là mỗi tháng công đoàn cơ sở có thể giữ lại 72 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí hành chính theo quy định, công đoàn cơ sở có thể giữ lại khoảng 43 triệu đồng mỗi tháng, trong đó ưu tiên các hoạt động bảo vệ quyền công nhân. 

Con số này là chưa tính những khoản hỗ trợ khác mà công đoàn có thể có từ hoạt động kinh doanh được phép, hay hỗ trợ từ doanh nghiệp. Những khoản này, công đoàn cơ sở được giữ 100%.

43 triệu đồng/tháng là một con số không hề nhỏ cho các hoạt động bảo vệ quyền. Chi phí này đủ trang trải cho phí thuê một văn phòng luật sư uy tín tư vấn theo tháng cho công nhân của công đoàn. Chi phí này cũng đủ để tổ chức một hệ thống mẫu giáo, mầm non chăm lo cho con em của công nhân. Trên thực tế, ở một số doanh nghiệp hiện nay, mô hình công đoàn và công ty cùng xây dựng hệ thống vườn trẻ, mầm non là khá phổ biến.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động công đoàn ở Việt Nam hiện nay lại hết sức bất cập, bất chấp nguồn thu rất lớn như kể trên. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều tổ chức công đoàn “ngại” đấu tranh cho quyền lợi của công nhân vì mâu thuẫn lợi ích với chủ doanh nghiệp. 

Một bữa ăn của các nữ công nhân tại khu công nghiệp.

Trong những vụ việc nổi cộm gần đây như báo cáo của tổ chức iPEN và mạng lưới CGFED về tình trạng của một số lao động nữ ở nhà máy Samsung, hay vụ bạo hành trẻ em ở nhà giữ trẻ quận 12, TP HCM mà đa số phụ huynh các cháu là công nhân, chúng ta hoàn toàn thấy thiếu vắng bóng dáng và tiếng nói của lực lượng công đoàn.

Lẽ ra trong những vụ việc nổi cộm đó, công đoàn phải là tiếng nói đầu tiên bênh vực quyền lợi của công nhân, đưa ra những phát ngôn để làm rõ tình hình lao động bên trong nhà máy Samsung, hay đứng ra giúp công nhân là phụ huynh các bé bị bạo hành khởi kiện. Sự im lặng này là rất đáng tiếc và đáng trách nếu chúng ta nhìn vào nguồn kinh phí đáng kể mà các công đoàn cơ sở đang được quản lý như hiện nay.

Sắp tới, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được 11 quốc gia còn lại cam kết tiếp tục thúc đẩy (CPTPP) có hiệu lực, một trong những cam kết của Việt Nam là tiến tới phê chuẩn các công ước nền tảng còn lại của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế). 

Theo dự thảo mới nhất của Bộ luật Lao động sửa đổi thì vấn đề cho phép công nhân thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã được đặt ra. 

Nếu có, những bước chuyển mới này hy vọng sẽ tạo được cú hích mới cho hoạt động công đoàn, để những sự im lặng đáng tiếc không còn diễn ra nữa. Công nhân ngày đang trở thành những nhóm dễ bị tổn thương vì vị thế kinh tế của họ, do đó vai trò của công đoàn là quan trọng hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của công đoàn nữa mà là nhiệm vụ đã được người lao động gửi gắm cho tổ chức này. 

Có lẽ đã đến lúc công đoàn cần phải hiểu được trách nhiệm của họ gắn với đồng tiền mà người lao động bỏ ra.

Lê Nguyễn Duy Hậu
.
.