Nhiệt điện nỗi ám ảnh dài hạn

Thứ Sáu, 01/09/2017, 07:12
Nhiệt điện tại Việt Nam thực sự đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn. Nhưng nỗi ám ảnh ấy không như cơn ác mộng để có thể chấm dứt khi người ta choàng tỉnh. Cơn ác mộng ấy, nỗi ám ảnh ấy cứ kéo dài, kéo dài chưa có hồi kết…

Vẫn có những tia hy vọng, vẫn có ánh sáng cuối đường hầm nhưng cần một quyết tâm rất lớn để “Nói không với nhiệt điện!”.

Ô nhiễm nhiệt điện: kinh hoàng!

Nhiệt điện than sử dụng nhiệt năng để tạo ra điện. Quá trình này tạo ra một loạt các chất nguy hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi, kim loại nặng, tro bụi... Những chất này sẽ “ký sinh” vào không khí, nước, đất hay trực tiếp và gián tiếp vào cơ thể con người. Khói thải nhiệt “dính” vào không khí sẽ gây mưa axít phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu... Chất thải nhiệt điện ngấm vào đất gây nhiễm độc đất, chết cây cối, hỏng mạch nước ngầm và ô nhiễm sông suối. 

Với các cư dân sống xung quanh vùng nhiệt điện thì hậu quả gánh chịu là các bệnh đường hô hấp, da, gan, ung thư,... Một kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ là số liệu đã được nghiên cứu và chứng minh.

Để vận hành nhiệt điện, cần một lượng nước khổng lồ để làm mát hệ thống. Muốn vậy, chỉ có thể hút nước trực tiếp từ sông hoặc biển với một sức hút cực mạnh. Tại Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 tấn cá lớn mỗi năm. Nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu con cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ. Nhìn rộng ra, bất cứ nhiệt điện ven biển nào cũng không có ngoại lệ trong việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá.

Ở Việt Nam, số liệu của tổ chức CHANGE thu thập cho thấy trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước khoảng 2.500m3 để làm mát hệ thống. Nước “làm mát” được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C. 

Nhiệt độ của nước chỉ cần đột ngột thay đổi vài độ C đã đủ làm đảo lộn môi trường sống của các sinh vật dưới đáy biển. Nước thải “làm mát” hệ thống nhiệt điện có nhiệt độ cao này trực tiếp làm chết các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô,...

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Ô nhiễm “phát sinh”: kinh khủng!

Nhiệt điện tồn tại bao nhiêu năm thì những hậu quả nói trên sẽ kéo dài bấy nhiêu năm. Nhưng đó chưa phải là đã kể hết những bi kịch cho môi trường mà nhiệt điện mang lại bởi đó chỉ là các ô nhiễm “nội tại” mà nhiệt điện mang lại. Các loại ô nhiễm “phát sinh” mà nhiệt điện gây ra cũng không kém phần nguy hiểm.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có mặt tại chương trình giao lưu trực tuyến về tác hại của nhiệt điện đã đặt ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn việc đổ bùn xuống biển: “Tôi không hiểu quy hoạch điện kiểu gì mà các anh lại xây các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng chỉ trên một địa bàn xã Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Ai cũng biết đốt than đá cần một lượng oxy lớn, dân ở đó sẽ thở bằng cách nào với mật độ nhiệt điện như vậy?”.

Số liệu tính toán vòng đời một nhà máy nhiệt điện công suất 550 MW có kiểm soát ô nhiễm tốt cho thấy nó “chỉ” xả 150 triệu tấn CO2, 470.000 tấn metan, 12.000 tấn bụi... Đó là “có kiểm soát ô nhiễm tốt” theo chuẩn của nước ngoài nhưng những con số này chứng tỏ một điều: Nơi nào làm nhiệt điện coi như gánh đại họa nhiều năm. Vậy còn ở Việt Nam? Khi mà các áp dụng về quan trắc vẫn còn khá sơ sài, sao có thể quản lý việc xả thải của nhiệt điện tới mức tối ưu?

Ông Phạm Văn Chi lại dẫn ra một ví dụ kinh hoàng khác: Một nhà nhiệt điện công suất 1.200 MW mỗi năm xả lượng xỉ thải cao 1,57m, dài 1.000m, rộng 500m. Chỉ cần tính toán sơ số liệu các nhà máy nhiệt điện rải đều từ Bắc vào Nam trước nay thì đã có rất nhiều “ngọn núi” xỉ than. “Nguy cơ lớn là vậy nhưng tôi chưa thấy những hướng xử lý nào cho việc này một cách đảm bảo lâu dài”, ông Chi nhận định.

Nỗi lo này của nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa không thừa. Vì xỉ than nếu đem chôn sẽ gây ô nhiễm nước ngầm. Để lộ thiên thì gây bụi. Xử lý thành gạch nung thì lại cần xây thêm nhà máy gạch cạnh nhiệt điện nhưng trước nay... chưa có.

Tháng 4-2015 đã chứng kiến một sự kiện rất đau lòng là người dân chặn quốc lộ 1 để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm. Cơn gió to ngày 14-4-2015 đã khiến lớp tro bay rất lớn của nhiệt điện phát tán mù mịt, dân tình điêu đứng. 

Quá bức xúc với ô nhiễm bụi tro bay vì đây không phải lần đầu tiên nên người dân mới phản ứng. Mâu thuẫn cao trào khi người dân và chính quyền tại đây đã xảy ra xô xát. Một bài học đắt giá cho việc kiểm soát ô nhiễm của nhiệt điện!

Vẫn còn chưa hết, hoạt động nạo vét các cảng biển phục vụ cho nhiệt điện lại tạo ra hàng triệu mét khối bùn mỗi năm. Hướng xử lý gần nhất mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra là đổ bùn xuống biển của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. 

Theo dự kiến ban đầu, để tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư nhiệt điện, bùn nạo vét được đổ xuống vùng biển gần với khu vực nạo vét thay vì đổ xa ngoài khơi hoặc vận chuyển đến các vùng sạt lở. Mà bùn phủ lên san hô nghĩa là tiêu diệt cả một hệ sinh thái biển. Các nhà báo nhìn thấy sự lo lắng của người dân đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Bản Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đổ bùn nạo vét xuống biển có tên “Ông già biển cả” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An (Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam) và nhiều nhà khoa học khác. Tuy nhiên, họ đã bị mạo danh trong ĐTM mà chủ đầu tư gửi cho Bộ Tài nguyên - Môi trường. Thật khó tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao nếu sự dối trá khủng khiếp này không bị phát hiện. Khu vực đổ bùn nạo vét rộng 30ha, gần sát ngay vùng sinh thái biển Hòn Cau, bãi rạn Brenda, vùng tôm giống quốc gia,... chỉ 2 hải lý.

Và tệ hơn, đơn vị tư vấn làm ĐTM này có một giám đốc là người của Bộ Công thương: ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách của Bộ Công thương. 

Ông Quân tuy là cán bộ nhà nước nhưng đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam - đơn vị làm tư vấn để đổ 1 triệu m3 bùn nạo vét xuống biển. Ông Quân sau đó bị kỷ luật vì vi phạm Luật Viên chức và vi phạm Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung năm 2012). Bộ Công thương đã cách chức ông này, biểu thị cho một quyết tâm đáng ghi nhận.

May mà cuối cùng cũng đã có giải pháp khác từ kiến nghị lại của Bộ Tài nguyên - Môi trường và được Chính phủ chấp thuận.

Chưa dứt nỗi lo!

Nhưng tác hại của nhiệt điện đã được thống kê rất nhiều trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu sâu nào về việc nhiệt điện sẽ tác động đến dân sinh, môi trường và cả nền kinh tế ra sao. Nghiên cứu sâu về tác hại của nhiệt điện đối với Việt Nam là điều hết sức cần thiết để có thể hạn chế tác hại của các nhiệt điện đã triển khai và sắp triển khai.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (có xét đến năm 2030), có 8 dự án nhiệt điện than được đầu tư theo hình thức BOT đã có chủ đầu tư, gồm: Mông Dương 2, Hải Dương, Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 2, Vũng Áng 2, Vân Phong 1, Nam Định, Vĩnh Tân 3. Theo kế hoạch, các dự án này sẽ đưa vào vận hành từ nay đến năm 2020. Đáng chú ý, các dự án nhiệt điện này đều là nhiệt điện được đầu tư theo hình thức BOT.

BOT (Build-Operate-Transfer) là hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, đều này không mới mẻ tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào các dự án BOT về giao thông đã thấy có một sự bất cập khủng khiếp. 

Các tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm như là hình thức phản đối giá vé qua trạm cao đến mức vô lý và vị trí đặt trạm càng vô lý hơn, trạm BOT Cai Lậy là một ví dụ. Nhưng BOT trong lĩnh vực nhiệt điện thì người dân coi như không hề có chút cơ hội giám sát hay phản đối hợp pháp nào.

Và dù là dự án nhiệt điện đầu tư kiểu BOT hay không, dù hết vòng đời sử dụng hay đang được triển khai thì nhiệt điện cũng sẽ không thay đổi bản chất: một loại rác công nghệ lạc hậu. 

Đa phần công nghệ nhiệt điện Việt Nam nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 quốc gia này đã tuyên bố “đoạn tuyệt” với nhiệt điện vì những tác hại của chúng. Và Việt Nam thì lại triển khai các công nghệ ấy. Nhưng đừng quên, bất cứ quốc gia nào nhập công nghệ lạc hậu thì không khác gì “rước bệnh vào người”, huống chi là công nghệ lạc hậu về nhiệt điện.

Có lối ra hay sự thay thế nào để “Nói không với nhiệt điện!” hay không? Tôi nghĩ là có. Đó chính là năng lượng sạch, cụ thể là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, cho đến lúc này, giá cả đầu tư năng lượng sạch rất cao nhưng giá mua điện từ công nghệ sạch lại đang “vướng một cái gì đó”, khá thấp. Một sự vô lý vẫn đang tồn tại!

“Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình!” - quan điểm được Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra sáng 24/8/2016. Sau gần 1 năm, có lẽ việc Chính phủ cần nhìn nhận lại về vấn đề môi trường nói chung và tác hại nhiệt điện nói riêng để hạn chế, thậm chí là chấm dứt, loại hình năng lượng này.

Bởi gánh chịu tác hại nhiệt điện đầu tiên chính là nhân dân! Chứ không phải những quan chức ký cấp phép cho chúng. Chỉ cần ưu tiên cho năng lượng sạch và thanh tra gắt gao các dự án nhiệt điện, lời giải về kinh tế, môi trường và đặc biệt là dân sinh sẽ xuất hiện.

Mai Quốc Ấn
.
.