Từ trào lưu “con nhà giàu” phải dạy những đứa trẻ nhà giàu cách tiêu tiền

Chủ Nhật, 23/09/2018, 11:03
Trào lưu “rich kids” được khởi phát từ mạng xã hội Instagram. Slogan của trào lưu này thật đơn giản: “Họ có nhiều tiền hơn bạn và đây là những gì họ làm”. Vậy thì với hàng núi tiền như thế, những đứa trẻ giàu có ấy đã làm gì? 


“Áo con mua của Rick Owen giá 10 triệu, giày Gucci 16 triệu, túi Gucci khoảng 2.600 đô (60 triệu), ví Victoria Secret 2 triệu”, cô bé 17 tuổi người Sa Đéc hồn nhiên “bóc mác” từng món đồ hàng hiệu mặc trên người trong một clip quảng bá của Sneaker Fest - sự kiện thường niên quy tụ giới sành chơi và hội “rich kids” (con nhà giàu) ở Việt Nam. 

Sau đó, trong một buổi phỏng vấn riêng, cô bé còn tiết lộ, món đồ đắt tiền nhất mình đang sở hữu là một chiếc nhẫn có giá trị lên tới 200 triệu đồng.

Trào lưu “rich kids” được khởi phát từ mạng xã hội Instagram, đó là lí do mà nó vẫn thường được gọi là “rich kids of Instagram”. Slogan của trào lưu này thật đơn giản: “Họ có nhiều tiền hơn bạn và đây là những gì họ làm”. Vậy thì với hàng núi tiền như thế, những đứa trẻ giàu có ấy đã làm gì? 

Họ chẳng ngại phô trương cuộc sống hào nhoáng y như những ông hoàng bà chúa trong Nghìn lẻ một đêm, thậm chí đôi khi là khoe khoang một cách lố bịch: đến trường bằng phi cơ, dùng champagne tưới cây, nuôi báo đốm, đắp mặt nạ vàng ròng nặng 24 carat chỉ để làm đẹp, hay đơn giản là đau đầu tìm một chiếc xế hộp ưng ý trong bộ sưu tập siêu xe của họ.

Và đúng như tên gọi, thành phần “rich kids” đều là thế hệ thừa kế của những tài phiệt, CEO, doanh nhân giàu có. Cũng có khi người ta thấy con cháu dòng dõi quý tộc được hưởng thụ lối sống xa xỉ, điển hình như các công chúa và hoàng tử Hy Lạp, bất chấp nền kinh tế đất nước lâm vào tình cảnh vỡ nợ, họ vẫn tha hồ sắm sửa những bộ cánh mới nhất của các nhà mode cao cấp, nghỉ dưỡng ở những tòa biệt thự lộng lẫy nhất, học tập trong những ngôi trường đắt đỏ nhất.

Nhiều người ngưỡng mộ cuộc sống trong mơ của các cậu ấm cô chiêu. Một số người thờ ơ (một cách vô trách nhiệm) cho rằng: “Tiền của người ta, thích tiêu gì là quyền của người ta”.

Một số tỏ ra quan ngại về lối sống vật chất của con nhà giàu, hoặc là quan ngại về khoảng cách giàu - nghèo ngày một sâu sắc trong xã hội, hoặc là đặt ra câu hỏi: “Tại sao không làm từ thiện?”.

Mô típ người giàu độc ác

Tôi còn nhớ khi học môn Kinh tế công cộng ở trường đại học, đề bài thi cuối kỳ của chúng tôi yêu cầu sinh viên sử dụng kiến thức chuyên ngành để lý giải một câu nói của đại văn hào Honoré de Balzac: “Đằng sau mọi tài sản kếch xù là tội ác”.

Khoan chưa nói quan điểm ấy đúng hay sai, hay đã từng đúng nhưng đã trở thành sai, điều đáng bàn ở đây là hình ảnh người giàu trong truyền thống, họ thường được phác họa như những kẻ mưu mô, tham lam, giảo quyệt và độc địa.

Con gái một tỉ phú, một gương mặt trong hội con nhà giàu Ukraina từng thừa nhận rằng chỉ đến khi vào đại học cô mới biết không phải ai cũng mua được những chiếc túi xách hàng ngàn đô.

Nhiều triết gia hay chính trị gia khét tiếng, từ Winston Churchill đến Noam Chomsky, đều tin rằng, không bao giờ nên để người giàu lãnh đạo đất nước, bởi họ, để thỏa mãn sự tham lam và hưởng lạc của riêng mình, sẽ chỉ chăm chăm vơ vét cho đầy túi mà mặc xác những người nghèo khổ. 

Nói có sách, mách có chứng, những triết gia này lấy ví dụ ngay từ thói ăn chơi của vua chúa La Mã cho đến chủ nghĩa tài phiệt hiện đại dẫn tới cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Xa hơn một chút, có ít nhất 3 lần trong Kinh Thánh, Chúa Jesus tỏ ra không tán thành với sự giàu có. Một câu chuyện nổi tiếng nhất có lẽ là về một vị vua trẻ tới quỳ trước mặt Jesus và khẩn khoản hỏi: “Con phải làm gì để được cứu chuộc?”. Jesus từ tốn nhắc lại 10 lời răn của mình. Nghe xong, vị vua trẻ khăng khăng đã thực hiện đầy đủ hết cả. 

Mặc dù thế, Jesus lắc đầu: “Một điều ngươi còn thiếu. Đi đi, bán hết tất cả những gì ngươi có và đem phân phát cho kẻ nghèo hèn, như thế ngươi sẽ có một kho báu trên thiên đường”.

Một câu khác trong Kinh Thánh cũng được trích dẫn thường xuyên, đó là: “Một con lạc đà chui qua lỗ kim khâu còn dễ dàng hơn một kẻ giàu có vào được Nước Đức Chúa Trời.” Đúng là Chúa yêu vạn vật nhưng hình như người không ưa lắm của cải vật chất tiền tài, và người nhất định sẽ không đứng về phía những kẻ lắm tiền.

Xưa nay vẫn nghe chuyện kỳ thị người nghèo, phân biệt đối xử với người nghèo, nhưng ngay từ khi có khái niệm về tầng lớp xã hội thì đã xảy ra chuyện kỳ thị người giàu. Nếu người giàu thường đánh đồng tầng lớp lao động là ít học, thô kệch, quê mùa thì ngược lại, những người lao động lại có một định kiến thâm căn cố đế về giới nhà giàu man trá, trưởng giả, lười lao động (không tự tay làm ra sản phẩm). 

Người nghèo hay bị bắt nạt? Đúng. Cả hệ thống xã hội chà đạp lên người nghèo. Nhưng nó không có nghĩa là người giàu thì không bao giờ bị đối xử bất công. 

Một thống kê của tờ Telegraph vào năm 2013 cho hay, con em trong các gia đình có thu nhập hằng năm trên 200 ngàn bảng là đối tượng dễ bị trêu chọc, hành hạ ở trường. Chúng bị tấn công chỉ vì có giọng nói chuẩn hoặc vì chúng sống trong một căn nhà lớn hay được cưỡi ngựa và đua thuyền vào các ngày cuối tuần.

Còn câu nói của Balzac, nó đã từng đúng trong thời đại kinh tế tư bản hoang dã, chộp giật. Còn trong nền kinh tế thị trường đương đại, khi những thương hiệu phải cạnh tranh bán trải nghiệm chứ không chỉ là sản phẩm, không có tỉ phú nào làm giàu được mà không đem tới những giá trị hữu ích cho xã hội.

Và như thế, mô típ người giàu độc ác là một sự thật đã lỗi thời.

Người giàu có thể không xấu, nhưng…

Tiếp tục câu chuyện về “rich kids”, từ nhiều thế kỷ qua, người ta đã tranh cãi không ngớt về việc liệu quyền thừa kế có phải là một tác nhân gây ra sự phân tầng xã hội hay không. Cuộc tranh cãi ấy vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

“Cả đời tôi quần quật làm là để đời con tôi được hưởng”, điều này tưởng chừng quá hiển nhiên nhưng ngẫm nghĩ thêm một chút, phải chăng điều đó có nghĩa là: một người được hưởng những đặc quyền tốt hơn chỉ bởi vì anh ta may mắn có những đấng sinh thành giàu có hơn? Và như vậy thì có công bằng? 

Trong bài nghiên cứu của một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ, trên 60% nhân vật thuộc danh sách 400 người Mỹ giàu có nhất của tạp chí Forbes đều được sinh trưởng trong điều kiện xa xỉ và được thừa kế những khoản kếch xù. Nếu chỉ nhìn qua những con số, ta có thể nhanh chóng kết luận “con vua thì lại làm vua”.

Một tấm ảnh được Dorothy Wang đăng trên Instagram nhằm thể hiện cuộc sống xa xỉ. Dorothy là con gái ông Roger Wang, một CEO nổi tiếng với tổng giá trị tài sản lên đến 4 tỉ USD.

Nhà kinh tế học Thomas Piketty từng xây dựng một công thức đơn giản để tính toán vai trò của thừa kế trong sự phân bổ tài sản trên thế giới, ông đã giới thiệu nó ở cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 - tác phẩm bán chạy nhất được ấn hành bởi nhà xuất bản Đại học Havard.

Piketty đã lấy số liệu nước Pháp làm mẫu và nhận thấy rằng, từ năm 1950, nguồn gia sản đến từ việc thừa kế giảm xuống chỉ chiếm 4% tổng thu nhập quốc nội, so với con số 24% vào đầu những năm 1900. Nhưng những năm gần đây, con số ấy lại leo thang lên mức 11% và theo dự đoán của Piketty, nó có khả năng gia tăng lại tới mức 24% vào giữa thế kỷ. 

Những con số ở Anh, Đức, Mỹ đều có chiều hướng tương tự. Người giàu sẽ ngày một giàu thêm. Đó là dự cảm đáng buồn cho những nhà hoạch định mộng tưởng về một xã hội cân bằng.

Tuy nhiên, phản biện lại nghiên cứu dày công của Piketty, vị tỉ phú giàu nhất thế giới Bill Gates cho rằng, Piketty đang bỏ qua những yếu tố khiến cho gia sản bốc hơi. Thay vì nhìn thấy nửa cốc nước vơi khi một nửa số người giàu nhất nước Mỹ là nhờ sinh ra trong gia tộc giàu có, Gates muốn nhìn thấy nửa cốc nước đầy khi một nửa số người giàu nhất còn lại đều đi lên từ tay trắng. 

“Tôi không nhìn thấy ai trong danh sách có tổ tiên mua một mảnh đất ra trò vào năm 1780 và tích lũy tiền của cho cả gia đình nhờ thu tiền thuê đất từ bấy đến nay. Ở Mỹ, toàn bộ số tài sản xưa lắc lơ ấy đã đội nón ra đi - qua những biến cố, lạm phát, thuế, từ thiện, tiêu dùng”.

Với Gates, vấn đề không nằm ở sự bất công, mà là mức độ bất công có thể chấp nhận hay không. Ba người giàu có, người thứ nhất dùng tài sản để đầu tư sinh lời, người thư hai đóng góp cho các quỹ từ thiện, người thứ ba dùng để mua du thuyền, máy bay. Gates thẳng thắn nói, dù cả ba điều đều mang lại sự bất công nhưng hai trường hợp đầu tiên đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội. 

Đúng thế, dù chúng ta biết rằng, “tiền của họ, họ tiêu, đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”, đó là nói một cách quan liêu, nhưng khi bạn được phân bổ một nguồn lực lớn hơn không thông qua lao động thì bạn cần được giáo dục một cách đầy đủ về hiện trạng thế giới để đưa ra những quyết định tiêu dùng thông minh hơn.

Tỉ phú Warren Buffet nói, việc đổ quá nhiều tài nguyên vào những đứa trẻ nhà giàu với hy vọng chúng sẽ trở thành tầng lớp cấp tiến thay đổi xã hội cũng chẳng khác gì việc “lựa chọn đội tuyển thi đấu Olympic 2020 bằng cách lựa chọn con trai cả của các vận động viên đoạt huy chương vàng tại Olympic 2000”.

Ý ông là, con nhà giàu đừng nên coi sự may mắn của mình là một điều nghiễm nhiên.

Hiền Trang
.
.