Thách thức khi Thổ Nhĩ Kỳ đón chờ “siêu Tổng thống”

Thứ Tư, 26/04/2017, 08:00
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp theo hướng tăng quyền hạn cho tổng thống tại Thổ Nhĩ Kỳ không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Với 51,5% ý kiến ủng hộ, cánh cửa đã rộng mở đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong nỗ lực củng cố quyền lực. 

Sự chiến thắng của phe bỏ phiếu “ủng hộ” sẽ thay thế chế độ dân chủ quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiệm kỳ của “siêu tổng thống” cả về khía cạnh quyền hạn và thời gian giữ chức. Đây là một sự thay đổi cấp tiến nhất đối với hệ thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử hiện đại. 

Tuy nhiên đối với ông Erdogan, thắng lợi trưng cầu dân ý là con dao hai lưỡi với cơ hội và thách thức đan xen, có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thời kỳ hỗn loạn mới. Kết quả này phản ánh sự chia rẽ lớn trong xã hội và những thách thức cả đối nội cũng như đối ngoại không hề nhỏ đối với chính quyền Erdogan. 

Ngoài ra, việc trao cho tổng thống nhiều quyền lực hơn sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên phức tạp.

Siêu tổng thống

Ngày 16/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. Giới quan sát đánh giá đây là cuộc trưng cầu lịch sử vì sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Erdogan tăng cường đáng kể quyền lực. Khi người dân ủng hộ cải cách hiến pháp, phần lớn quyền hành pháp sẽ được tập trung vào tổng thống; trong khi đó, vị trí thủ tướng - hiện do ông Binali Yildirim nắm giữ - sẽ bị xóa bỏ. 

So sánh với các cuộc đảo chính đã làm hoen ố chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập kỷ qua, ông Erdogan nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nền cộng hòa, chúng ta đang thay đổi hệ thống quản lý thông qua chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao cuộc trưng cầu dân ý này rất có ý nghĩa”.

Theo Dự luật sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Erdogan - người sáng lập đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền - có thể tiếp tục nắm giữ cương vị tổng thống đến năm 2029 với hai nhiệm kỳ, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019. Dự luật cũng cho phép tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội. 

Cụ thể, tổng thống sẽ có thêm quyền bổ nhiệm các phó tổng thống, bộ trưởng, 12/15 thành viên Tòa án Hiến pháp và 6/13 thành viên Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên cấp cao. Như vậy, vị nguyên thủ chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp. Ngoài ra, bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử sẽ được tổ chức 5 năm một lần, thay vì 4 năm như hiện nay.

Đặt trong bối cảnh an ninh nhiều bất ổn hiện nay, với các nguy cơ nghiêm trọng từ sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở hai nước láng giềng là Iraq và Syria, thêm vào đó tình hình chính trường phức tạp với nhiều phe phái đối địch ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp coi đây một chuyển động tích cực đảm bảo cho sự ổn định chính trị. 

Việc mở rộng quyền hạn của tổng thống sẽ cho phép ông Erdogan dễ dàng hơn trong điều hành đất nước, tăng cường các biện pháp an ninh và kiểm soát được hoạt động chống phá từ bên trong lẫn bên ngoài, từ đó hy vọng giảm thiểu các nguy cơ đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia, mang lại sự ổn định và niềm tin cần thiết cho sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đất nước chia rẽ

Những người phản đối lo ngại thay đổi hiến pháp sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống, đe dọa dẫn đến chế độ độc tài tại đất nước vừa chứng kiến khoảng 40.000 người bị bắt sau vụ đảo chính hồi tháng 7-2016, dẫn đến làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Tại một số khu phố giàu có ở Istanbul, người dân đã xuống đường phản đối, trong khi những người khác đập các chậu và chảo ở nhà - một dấu hiệu của sự bất đồng đã phổ biến rộng rãi tương tự như trong các cuộc biểu tình phản đối ông Erdogan năm 2013. Phe đối lập chỉ trích dữ dội vì cho rằng ông Erdogan muốn tập trung quyền lực để trở thành “siêu tổng thống”, đi theo chế độ một người khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp nguy hiểm. 

Theo đó, cuộc bỏ phiếu có sự vi phạm quy chế và họ sẽ “khiến kết quả phải thay đổi” khi xem lại tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý này.

Hiến pháp sửa đổi cho phép tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay Tổng thống Erdogan, nhưng việc thi triển quyền lực đó như thế nào để có thể đoàn kết nội bộ và hòa giải dân tộc, ổn định chính trị để phát triển kinh tế đất nước là điều mà phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đang hoài nghi. 

Thực tế đã chứng minh việc xử lý các mâu thuẫn nội bộ không thỏa đáng là nguyên nhân khiến các vụ đảo chính quân sự đã trở thành những “điểm đen” trong lịch sử chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. 

Điều này đặt ra bài toán khó cho chính quyền Tổng thống Erdogan - đó là hòa giải dân tộc - trong khi đã xuất hiện các hành động phản kháng, dù mới bắt đầu manh nha tại một số thành phố lớn, song sẽ trở nên khó kiểm soát nếu chính quyền không phản ứng khéo léo và thận trọng. Những mâu thuẫn phe phái chưa bao giờ thôi âm ỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Recep Tayyip Erdogan, một nhà lãnh đạo có tư tưởng thấm nhuần những giáo lý hà khắc của Hồi giáo, trong những năm trở lại đây đã trở thành tâm điểm của sự chia rẽ sâu rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Erdogan không phải là mẫu lãnh đạo có chủ trương hòa giải, tiến hành những chính sách gây thổi bùng chia rẽ chính trị, xã hội và tôn giáo, hay những biện pháp mạnh tay để nghiền nát phe đối lập nhằm củng cố quyền lực của mình. Trong tương lai, người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận những chính sách mang tính áp đặt của chính quyền Erdogan. 

Đối với những người muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trở thành một nhà nước dân chủ, với quyền tự do ngôn luận và bình đẳng, con đường này đối với họ sẽ ngày càng khó đi hơn. Với việc ba thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, Ankara và Izmir đều bỏ phiếu phản đối, ông Erdogan được đự doán sẽ phải đối mặt với một làn sóng phản đối lớn hơn rất nhiều.

Quan hệ đảo chiều?

Không chỉ gây chia rẽ trong nước, cuộc trưng cầu ý dân còn khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và EU thêm xấu đi. Lấy lý do an ninh, chính phủ một số quốc gia châu Âu như Đức và Hà Lan đã ngăn chặn các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tuần hành vận động cử tri gốc Thổ đang sống tại nước mình. 

Phe đối lập chỉ trích dữ dội vì cho rằng ông Erdogan muốn tập trung quyền lực để trở thành “siêu tổng thống”.

Ankara đã phản ứng giận dữ trước động thái trên, coi đây là “mầm mống phát xít” và dọa xem xét lại quan hệ với EU sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên của khối này.

Các chính trị gia châu Âu lên tiếng bày tỏ lo ngại về kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là cơ hội cho nhà lãnh đạo theo khuynh hướng Hồi giáo bảo thủ trở thành một nhà độc tài chuyên quyền. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu nói kết quả sít sao cho thấy Ankara nên tìm kiếm “sự đồng thuận toàn quốc cao hơn” khi thực thi cải cách chính trị.

Nhiều nước và tổ chức châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên khá thận trọng. Chính phủ Đức thông báo ủng hộ phe nói “không” với sửa đổi hiến pháp. Áo thậm chí còn đề xuất các cử tri hai quốc tịch bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi hiến pháp nên bị trục xuất khỏi châu Âu. 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi tất cả các bên chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại với nhau. Ngoài ra, ông Hollande cũng cảnh báo Ankara hãy tôn trọng Công ước châu Âu về nhân quyền, cho rằng việc nước này tổ chức trưng cầu dân ý về khôi phục án tử hình sẽ phá vỡ hoàn toàn những giá trị và cam kết mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận khi gia nhập Hội đồng châu Âu. 

Dường như kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ khoét sâu những khác biệt giữa các nhà lãnh đạo EU và chính quyền của Tổng thống Erdogan, dựng thêm những hàng rào nghi kỵ, từ đó tác động tới những mục tiêu đối ngoại của Ankara.

Theo giới quan sát, một trong những yếu tố lớn có thể tác động đến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian tới là khả năng khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan lặp lại ý định  xem xét việc Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ án tử hình - một bước gần như chắc chắn sẽ đánh dấu chấm hết cho quá trình gia nhập EU của Ankara. Bởi lẽ, điều này vấp phải sự chỉ trích nặng nề của các nước EU khi một số nước thành viên đã cảnh báo sẽ không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ nếu khôi phục án tử hình. 

Trên thực tế, quan hệ hai bên thời gian qua đã tổn hại nghiêm trọng sau khi chính phủ nhiều nước EU bày tỏ quan ngại về “phản ứng thái quá” của chính quyền Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành năm ngoái. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, được tái khởi động từ tháng 6/2016, bị “đóng băng”.

Nếu cánh cửa đàm phán gia nhập EU đóng lại với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có thể hướng đến Nga. Đây là một điều bất lợi trong bối cảnh EU đang cố gắng đoàn kết để đối phó với những căng thẳng gia tăng với Nga cũng như một triển vọng không có Anh - một trong những thành viên quân sự quyền lực nhất của khối. 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng là thiên đường an toàn cho gần 3 triệu người tị nạn Syria và Thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ (đạt được trong năm 2016) đang mang lại lợi ích đặc biệt cho cả hai bên. Ngoài ra, EU và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi ích chia sẻ cũng như là đối tác đầu tư và thương mại lớn.

Giới quan sát cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên là cần thiết. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đang cần nhau hơn bao giờ hết, bất chấp việc hai bên có tiếp tục các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU hay không...

Việt Dũng
.
.