Bản án & thông tin

Thứ Tư, 08/08/2018, 10:47
Nhiều ngày đã trôi qua nhưng sau phiên tòa phúc thẩm vụ án nổ súng Đăk Nông có những câu chuyện lạ lùng.

Như nhiều hộ đồng bào dân tộc khác, gia đình Đặng Văn Hiến từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên khoảng năm 1998-2000. Đến 2004 thì tỉnh Đăk Nông tách ra từ một phần tỉnh Bình Phước và một phần tỉnh Đăk Lăk. 

Nghĩa là về nguồn gốc đất và tính sở hữu ở tỉnh Đăk Nông thì dân có trước Nhà nước địa phương. Nhìn rộng ra, sở hữu đất đai của Nhân dân luôn có trước Nhà nước.

Đến năm 2008, tỉnh Đăk Nông giao đất cho công ty Long Sơn và năm 2016 thì Đặng Văn Hiến nổ súng. 8 năm trôi qua ấy, những người dân tiểu khu 1535 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông thường xuyên bị bảo vệ công ty Long Sơn "cưỡng chế". 

Họ bị đánh đập không thương tiếc, kể cả đối với người già, phụ nữ mang thai hay đang nuôi con nhỏ. Đơn thư gửi lên huyện, lên tỉnh, lên Trung ương và thậm chí dân ngồi xe khách đội đơn ra Hà Nội kêu cứu mà vô vọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động để xác minh nguồn gốc đất nhưng công ty Long Sơn vẫn tự trang bị khiên, giáp, gậy gộc, xe đá (đất trên ấy không có nhiều đá để... ném) và tiếp tục "cưỡng chế". Trong đó, các bảo vệ của công ty Long Sơn lại không có hợp đồng lao động, có trường hợp như Điểu Vinh chỉ mới 16 tuổi…

8 năm liên tục bị đánh đập, cướp phá ấy của công ty Long Sơn không hề được nhắc đến như là nguồn cơn sự việc để thành 1 vụ án riêng. Đây là điều lạ lùng ở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. 

Cách xử án nhanh, gọn và bỏ ngoài các yếu tố giảm nhẹ tội cho người nông dân cùng đường Đặng Văn Hiến của hai cấp tòa khiến tôi hoang mang. 

Bởi không chỉ dân ở Quảng Trực đến tòa mà rất nhiều người dân khác ở Tây Nguyên cũng đến. Họ xem bản án của Đặng Văn Hiến - người nông dân bị cướp đất - để đối chiếu với số phận của mình.

Có một chi tiết mà rất nhiều người dân cùng khẳng định, công ty Long Sơn cũng trồng điều nhưng là điều mới. Số điều mới ấy trồng trên đất của những cây điều 8 đến 10 năm tuổi của những gia đình như Hiến. Số điều cũ bị phá đi bằng xe ủi, đẩy hết xuống khe núi phi tang.

Tôi hỏi dân rằng Long Sơn làm vậy với mục đích gì, dân đáp: Để các đoàn kiểm tra vào xem và thấy đó là vùng đồi núi trọc, giao cho công ty là hợp lý. Sự phi lý ấy có trong hồ sơ vụ án không?

Tỉnh Đăk Nông giao rừng trên giấy cho công ty Long Sơn. Chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh nơi đây làm gì với các khiếu nại, tố cáo của dân suốt 8 năm đau đớn ấy? Tại sao tòa không đưa trách nhiệm chính quyền địa phương như là bên liên quan của vụ án? 

Và hãi hùng khi tòa lại giảm án cho những kẻ chống lại chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng của Chính phủ thay vì là tình tiết tăng nặng. Nếu không có cuộc cưỡng chế trái phép sáng sớm 23-10-2016 (hôm xảy ra nổ súng) thì chắc gì đã có một Đặng Văn Hiến đối diện với mức án tử hình hôm nay?

Chủ tịch Nước đã chỉ đạo điều tra lại vụ án nổ súng ở Đăk Nông. Tôi mong đợi những tình tiết mới nhưng lại bị "bỏ qua" ở hai phiên tòa nói trên. Tử hình một thân phận nhỏ bé như Hiến rất dễ nhưng những thân phận như vậy lại đầy rẫy ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, vì mâu thuẫn đất đai sẽ ra sao? Giải quyết mâu thuẫn phải từ nguồn cơn gây ra mâu thuẫn, tôi nghĩ vậy.

Và nguồn cơn mâu thuẫn đất đai phải nhìn vào Luật đất đai chứ không phải chỉ tình tiết một vụ án.

Mai Quốc Ấn
.
.