Cao xanh sẽ còn "trả vố" con người

Thứ Tư, 01/11/2017, 07:50
Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao các trận lũ tàn ác, độc địa này lại xảy ra? Và làm thế nào để "đồng bọn" giết chóc của nó không tiếp tục tràn đến. Ai, cái gì là thủ phạm đích thực đây?

Rất nhiều người hoảng hốt. Không chỉ là những lương dân gào rú thất thanh trong các video được bà con quay tại hiện trường vụ lũ ống, lũ quét khủng khiếp xảy ra ở các huyện Văn Chấn, Phù Yên và Mù Căng Chải của hai tỉnh Sơn La, Yên Bái trong mấy tháng vừa qua. 

Những ngôi nhà kiên cố to đùng từ từ đổ sụp và từ từ biến mất trong dòng nước đục ngàu. Chắc chắn, nhiều triệu người tiếp nhận thông tin qua báo chí và mạng xã hội sẽ còn ám ảnh kinh hoàng rất lâu sau nữa vì những điều như thế. 

Hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn nhà cửa và vô số tài sản bị xoá sổ. Những khối đá to như toà nhà nằm án ngữ lối đi, nằm chềnh ềnh trước trường học Võ Thị Sáu của huyện miền núi nghèo và heo hút bậc nhất Việt Nam kia. Cả "quả núi" đè lên các thi thể người ở xóm Khanh (Tân Lạc, Hoà Bình). Cơ quan chức năng phải nổ mìn phá đá mới bới thấy các xác người. 

Ở Sơn La, người ta phải hối hả tìm xác các nạn nhân dọc... 100km dòng sông Đà, trong suốt nhiều ngày. Ở Yên Bái, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN bị trôi tới gần 100km đường sông, sau hơn 2 ngày huy động tổng lực thì mới được tìm thấy.

Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao các trận lũ tàn ác, độc địa này lại xảy ra? Và làm thế nào để "đồng bọn" giết chóc của nó không tiếp tục tràn đến. Ai, cái gì là thủ phạm đích thực đây?

Xin hãy bắt đầu với những thước phim câm được chúng tôi quay lại từ thảm hoạ xóm Khanh (Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình vào tháng 10 năm 2017), như sau:

18 người chết trong tích tắc, vì núi lở ụp xuống xoá sổ các căn nhà vào lúc 0 giờ. Có bà mẹ được đào thấy, thi thể cứng đơ. Chị đang ôm đứa con trai bé bỏng. Phải vất vả lắm người ta mới gỡ được tấm tình mẫu tử đó ra. 

Tám thanh niên lầm lũi khiêng chiếc quan tài của thi thể mới nhất vừa được lực lượng cứu hộ bới tìm thấy. Thi thể này là của bà Đinh Thị Đằng. Người ta đặt bà cạnh quan tài của người con trai bà, anh ấy tên là Đinh Công Nghĩa. Cả khu khâm niệm đồng loạt vang  lên những tiếng khóc hờ hờ khe khẽ. 

Người ngồi cạnh tôi lẩm bẩm bấm đốt ngót tay: thế là, chị Đinh Thị Chất, em gái anh Nghĩa, đã mất bốn người thân, gồm: bố mẹ và hai anh trai. Nỗi đau đó không nói thành lời.

Thảm cảnh lũ lụt ở Đà Bắc, Hoà Bình.

... Cách đó một chiếc quan tài, anh Đinh Công Huy cũng vẫn ngồi im như pho tượng cổ thô ráp. Nước mắt không còn để rơi. Trong nháy mắt, anh Huy mất đi bố (ông Đinh Công Huynh), em gái của mẹ và hai người em ruột thịt. 

Đặc biệt, trong số nạn nhân có cô bé Bùi Thị Son, bé gái nhỏ nhắn, xinh gái và học giỏi. Cô giáo của Son có mặt và vật vã khóc ngằn ngặt. Vài người mới có mặt, cứ ngỡ cô giáo ấy là người ruột thịt của bé Son. Trong đám đông và cuộc đưa tang tập thể giữa lán trại ngoài bìa núi (vì các ngôi nhà bị lở núi vùi lấp toàn bộ rồi) đó, chúng tôi đứng bần thần, không hỏi, nhưng anh Huy vẫn kể, như là đang kể với vong linh cô con gái nhỏ 3 tháng tuổi của mình. Thiên thần bé đó đã trở thành thiên thần thật rồi. Từ khi cháu còn đỏ hon hỏn, mới chỉ 3 tháng tuổi.

Tương tự, ở Mù Căng Chải, mẹ thiên nhiên cuồng nộ, 34 người chết thảm, có chàng trai cùng lúc tiễn đưa 5 người thân thiết nhất.

Vì sao các thảm cảnh này lại xảy ra với tần xuất ngày càng nhiều và mức độ thiệt hại ngày càng thảm khốc? Nhắm mắt cũng biết thủ phạm là ai. Có người đổ lỗi cho ông Đùng bà Đoàng, tức là do kiến tạo của vỏ trái đất, thổ nhưỡng khí hậu vùng Sơn La, Yên Bái (hai huyện gặp tai hoạ kia rất gần nhau, bà con đi bộ thăm nhau được). 

Các cụ có câu: nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái. Mưa ở Yên Bái dai dẳng, tràn ngập và ngấm vào thứ núi đất cao ngỏng, thế là kết cấu núi bị vỡ âm, đủ mềm là nó trôi trượt. Chúng tôi từng gặp những vụ hai quả núi bị lở, bị trôi, chúng ụp vào nhau thành một quả núi. Đem trong bụng núi của mình vài gia đình, có nông hộ đang ngồi ăn cơm, lúc tìm được xác họ vẫn ngồi ở vị trí bữa cơm thanh bình trong xóm núi! Chuyện diễn ra ở cách Mù Căng Chải không xa, vẫn dải núi đất đá đặc trưng này, trong trận lũ quét xoá sổ thị trấn Ba Khe (huyện Văn Chấn, Yên Bái). 

Ngay tại thị trấn Mù Căng Chải, đã được Trung ương và tỉnh xác định là trọng điểm sạt lở, có kế hoạch di dời dân và từng diễn ra cảnh lực lượng vũ trang tính đến việc nổ súng để cưỡng chế những kẻ ương gàn quyết bám trụ "tấc đất cắm dùi", không chịu tin vào hiểm hoạ lở núi. 

Cách đây vài năm, ở xã La Pán Tẩn, một tích tắc, khoảng 20 người bị đất đá vùi lấp. Mưa lũ xé họ ra, có người trôi vài chục cây số mới tìm thấy xác. Chúng tôi dự những đám tang người Mông, bà con chỉ dựa vào mớ tóc dài để biết là thủ cấp tìm thấy của phụ nữ, dựa vào bộ răng bịt vàng lóng lánh để biết ai là con nhà ai. Có gia đình, hai người con trai cùng chết, để lại ngót chục đứa con và hai người vợ chưa đầy 20 tuổi, một anh khi mai táng, chỉ có mỗi một... cánh tay.

Lũ quét, lũ ống, lũ bùn, mưa dai Yên Bái là có thật, có từ xưa đến nay. Nhưng cũng đừng vin vào đó mà đổ hết lỗi cho bà mẹ thiên nhiên. Xưa nay chỉ có lũ nhẹ và ngập, lở đất nhẹ thôi. Hơn chục năm trở lại đây mới có những hãi hùng sửng sốt như vừa qua hoặc các cuộc xé tan cơ thể hàng chục người rồi nuốt chửng vĩnh viễn như ở La Pán Tẩn hay Ba Khe tôi vừa viết ở trên. 

Vì sao giờ đây trời đất nổi giận lôi đình đến cỡ đó? Đừng đổ lỗi bừa phứa cho một mình cái anh "biến đổi khí hậu". Vấn đề là lối ứng xử của chúng ta với thiên nhiên cũng như sự tàn độc của chúng ta trong chọc tiết rừng, xẻ thịt rừng để rồi thiên nhiên trả vố.

Chắc quý độc giả không thể nào hình dung được nỗi đắng lòng của chúng tôi khi có mặt rất sớm tại những điểm nóng lũ quét, lũ ống, lũ bùn, sạt lở đất của Yên Bái. Nửa cuối năm 2017, khi dư luận ồ lên, khi những hình ảnh đầu tiên về hồ thuỷ lợi Mồ Dề tràn ngập củi rác, gỗ lạt. Củi gỗ phủ kín toàn bộ mặt nước, bà con đông như kiến cỏ đến vớt củi kiếm ăn, cơ quan chức năng phải treo biển cảnh báo nguy hiểm "không vớt củi gỗ". 

Hoá ra, tất cả sự thật nằm ở đây. Phá rừng. Yên Bái, Sơn La có phần rừng quý, giàu có, nằm ở đuôi của dãy núi cao nhất Việt Nam: Hoàng Liên Sơn. Dãy núi nóc nhà sừng sững của toàn cõi Đông Dương với đỉnh cao hơn 3143m. này chạy về đến khu vực Sơn La, Yên Bái là chấm dứt hành trình dài 180km của mình. Đuôi của núi chứa vô số rừng già quý báu, đặc biệt là rừng pơ mu cổ thụ, phân bố ở độ cao từ 800m đổ lên. Nó có vai trò như tấm áo giáp bảo vệ sự sống, khi giữ rừng đầu nguồn và ngăn chặn thảm hoạ thiên nhiên cho bà con. 

Nhưng người ta đã phá tàn độc, phá theo kiểu uống thuốc độc dạng nước để giải khát, theo kiểu phá vỡ căn phòng ngọc ngà châu báu để tìm một con gián. Chúng tôi đã từng sống trong những bản làng toàn người đàn ông dắt díu nhau đi phá sơn lâm, đâm hà bá. Họ sống như thổ phỉ trong rừng già, hút thuốc phiện, trồng cây anh túc và nghiện ngập phá rừng pơ mu. Khi về, tất cả đều bị HIV/AIDS. 

Chúng tôi từng đi cùng anh Giang, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa (Sơn La), đi dọc dãy điểm mút của hệ thống núi Hoàng Liên Sơn trong cả một tuần. Xách theo súng AK, súng K54 và các thuộc cấp thiện chiến của anh Giang. 

Chúng tôi chứng kiến những cây pơ mu cả nghìn năm tuổi bị chặt phá không thương tiếc, đường kính gốc lên đến 2m. Họ lập lán, hút thuốc phiện, xẻ gỗ trong đó. Chúng tôi cũng đi với ông Páo, bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, cũng lên "mặt núi" phía Yên Bái của dãy Hoàng Liên Sơn đó.

Đi trong mênh mông nương thuốc phiện và bạt ngàn cảnh phá rừng. Rừng bị đốn trụi. Họ không mang máy móc hiện đại hay xe cơ giới lên đó được, vì không có đường, vì vào đến chỗ các cây pomư báu vật thiên nhiên ken dày phải mất ít nhất 2 ngày đi bộ leo núi. Thế là họ bắc giá cao mà kéo cưa lừa xẻ, sau này có cưa máy giảm thanh thì cưa máy. 

Cầu treo bản Bó 2, xã Huy Hạ, Phù Yên, Sơn La bị lũ cuốn trôi.

Nhưng phanh thây một cụ pomư ra, lâm tặc chỉ có thể vác vài súc gỗ ra khỏi rừng, trên vai người phu phen. Chứ trâu kéo cũng không vào được, máy móc càng không. 

Thành ra, cả một "dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên" nghìn năm tuổi vô giá như vậy, nhưng người ta chỉ xẻ lấy vài bắp gỗ bé, vác vừa vai một người phụ nữ Thái hoặc đàn ông Khơ mú, rồi xuống núi. Rất nhiều cành, rễ, gốc, và vô thiên lủng các súc gỗ bị bỏ lại với rừng. Bỏ lại trong hàng chục năm.

Cơ quan hữu trách hầu như không biết hoặc cố tình không biết việc phá rừng, cho đến khi lũ về. Rừng bị phá, không có tấm áo giáp nữa, thì đất đá núi đồi cùng trôi bay theo dòng nước "mưa dai Yên Bái" và Sơn La. Lũ, bùn, nước cuốn theo trong bụng mình là vô thiên lủng gỗ quý. 

Bụng nước trở nên nặng, nó có sức công phá của cảnh dùng cây gỗ lớn húc vào cổng thành trong tấn công ở Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tức là dòng nước xoáy, có gỗ trong đó, nên sức mạnh của nó là vô tận. Đó là lý do để thị trấn Mù Căng Chải hay thị trấn Ba Khe bị xoá sổ nhiều công trình kiên cố trong tích tắc. 

Cả cột điện gãy như que đóm, cả búi tre khổng lồ cũng trôi vèo vèo. Trường học kiên cố bê tông cốt thép cũng lật nhào, vỡ vụn. Sức mạnh đó, tôi muốn gọi là sự trả vố của thiên nhiên với lối ứng xử ích kỷ, nhẫn tâm và thiếu kiến thức của con người.

Điều nữa cần nhấn mạnh đặc biệt ở đây: là cần thay đổi tập quán của bà con vùng cao, khi rừng già đã cay đắng bị phá cơ bản. Tức là từ thượng cổ bà con vẫn chọn nơi sạch sẽ, tốt tươi ven các dòng nước lớn (sông, suối) để định cư. Điều này đã trở thành tập quán, thành nét văn hoá. Nhưng nó là văn hoá yên bình trong thời rừng chưa bị phá và mẹ thiên nhiên chưa nổi giận. 

Nay, dù chẳng ai muốn, nhưng sự thật đã khác. Bà con cần cảnh giác, tránh việc bố trí dân cư ở ven sông suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các điểm đen này đã được cảnh báo. Nó còn được cảnh báo cao hơn, khi mà giá đất tăng cao, bà con chen chân vào ven suối và những chỗ bằng phẳng. Họ xây dựng công trình kiên cố lấn át dòng chảy, án ngữ đường thoát của sông suối. Khi lũ về, lũ bùn, lũ ống sẽ đòi lại dòng chảy của nó, thế là thảm hoạ xảy ra. 

Câu chuyện chính quyền ở Mù Căng Chải đã tính chuyện nổ súng cảnh báo để kiên quyết yêu cầu người dân di dời khỏi khu vực điểm đen sạt lở không còn là "huyền thoại" nữa. Nó là bài toán sống còn trong thời buổi "tay nôi" rừng già bị cạo trọc bây giờ.

Nói đi cũng phải nói lại, tất nhiên, một phần là do biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhưng biến đổi khí hậu không phải là thứ trời ban hay đất tặng, nó lại chính là hậu quả nhãn tiền từ chính việc con người đã huỷ hoại hành tinh mình đang nương náu.

Doãn Anh
.
.