Xung quanh tự truyện của tuyển thủ Công Vinh: Sự thật là sự thật nào?

Thứ Sáu, 22/06/2018, 09:47
Với tự truyện của Công Vinh, theo đánh giá của những người hiểu Công Vinh, hiểu người chắp bút và hiểu làng bóng thì có những chỗ thậm chí "giọng" của người chắp bút còn đậm hơn cả "giọng" của bản thân Công Vinh.

"Thưa Tòa soạn, mới đây ngôi sao bóng đá Lê Công Vinh có trình làng cuốn tự truyện "Phút 89". Đọc một số chi tiết trong cuốn tự truyện này cá nhân tôi thấy hoang mang.

Vì, cuốn tự truyện nói những điều không hay về huấn luyện viên lão thành Lê Thuỵ Hải - một trong những HLV thành công nhất của bóng đá Việt Nam, một người mà tôi và rất nhiều người yêu bóng đá Việt Nam vô cùng mến mộ. 

Tôi cũng là người mến mộ Công Vinh từ rất lâu, vì theo tôi Công Vinh đã làm được những điều mà có lẽ trước và sau anh, không nhiều cầu thủ làm được. Vậy thì với những tiết lộ của Công Vinh về HLV Lê Thuỵ Hải trong tự truyện, tôi tự hỏi là ai đúng, ai sai? Và sự thật của câu chuyện rốt cuộc là như thế nào?

Thưa tòa soạn, tất nhiên không chỉ vì những chi tiết trong một cuốn tự truyện mà tôi bớt đi sự ngưỡng mộ HLV Lê Thuỵ Hải, và bớt đi sự yêu mến với Công Vinh, tôi chỉ hoang mang không biết nên phải nhìn nhận như thế nào cho chuẩn xác, nên rất muốn được lắng nghe những chia sẻ của tòa soạn trong trường hợp này.

 Xin chân thành cảm ơn!"

(Bạn đọc Hoàng Gia Khánh - TP Hồ Chí Minh)

Nhà báo Vương Trọng Tín:

Bạn Hoàng Gia Khánh thân mến!

Có lẽ không riêng gì bạn, mà rất nhiều người yêu bóng đá Việt Nam cũng có chung một thoáng hoang mang như bạn, sau khi đọc xong cuốn tự truyện "Phút 89" của cầu thủ bóng đá Lê Công Vinh. Đây là lần đầu tiên một cầu thủ bóng đá Việt Nam ra một cuốn tự truyện, nên những sự hoang mang trong tiếp nhận mà bạn đề cập là điều khó tránh khỏi.

Đúng là trong tự truyện của Công Vinh có những chi tiết không hay về HLV Lê Thuỵ Hải - người được mệnh danh là "Jose Mourinho" của Việt Nam. 

Cụ thể, Công Vinh kể rằng khi anh mới chân ướt chân ráo về CLB Becamex Bình Dương thì có người đã đưa cho anh bọc tiền, đề nghị đến biếu HLV trưởng Lê Thuỵ Hải, nhưng anh đã từ chối với lý do: "Tôi không thể dùng tiền để mua suất đá chính". 

Sau đó Công Vinh còn kể về một cuộc cãi vã nảy lửa với HLV Lê Thuỵ Hải, và trong cuộc cãi vã đó thậm chí anh còn bảo: "Bố không phải thằng đàn ông". 

Trước những thông tin như thế, ngay lập tức HLV Lê Thuỵ Hải đăng đàn chia sẻ trên tờ Thể thao & Văn hoá: "Tôi không muốn thanh minh mà chỉ muốn mọi người đánh giá sự việc công bằng, biết đâu là đúng sai. Tôi về Bình Dương, được hưởng tiền lót tay, hưởng lương 100 triệu/tháng, đội vô địch được thưởng riêng 1 tỷ đồng, thế thì lấy tiền của ai làm gì nữa".

Thực tế thì không chỉ HLV Lê Thuỵ Hải, một số cầu thủ khác cũng xuất hiện trong tự truyện của Công Vinh không mấy sáng lán, mà rõ nhất là Lê Tấn Tài. Theo Công Vinh, trong cả màu áo Bình Dương lẫn màu áo Đội tuyển Việt Nam, Lê Tấn Tài đều không chịu chuyền bóng cho mình. 

Về điều này, Lê Tấn Tài cũng đã phản pháo trên tờ Người lao động: "Mối quan hệ của tôi và Công Vinh tại Bình Dương hoàn toàn bình thường, tôi vẫn kiến tạo để cậu ta ghi bàn. Còn ở đội tuyển, Vinh nói tôi và Văn Quyết không chịu chuyền bóng là vô căn cứ. Tôi đá tiền vệ, thấy đồng đội nào ở vị trí thuận lợi thì chuyền cho người đó. Làm gì có chuyện phân biệt này nọ".

Như vậy có thể thấy, mọi việc đang diễn ra theo kiểu Lê Công Vinh thì "nói đi", còn những người như HLV Lê Thuỵ Hải hay cầu thủ Lê Tấn Tài thì cũng đang "nói lại". 

Nếu Công Vinh "nói đi" bằng công cụ là một cuốn sách - một tự truyện thì HLV Lê Thuỵ Hải và Tấn Tài "nói lại" bằng công cụ là những tờ báo, và sau đó thì cả hai phía còn nói đi - nói lại như thế trên cả trang facebook hoặc fan page cá nhân. Ai cũng bảo là mình đúng, và ai cũng đưa ra tất cả các lý lẽ mà mình cho là thuyết phục để bảo vệ cái đúng ấy đến cùng.

Những chuyện nói đi - nói lại như thế này trên thế giới vốn đã xuất hiện từ lâu. 

Chúng tôi nhớ là năm 2006, nghĩa là 2 năm sau khi chuyển từ CLB Everton sang CLB Manchester United, ngôi sao bóng đá nước Anh - Wayne Rooney đã bất ngờ ra cuốn tự truyện có tên: "My Story So Far", và trong cuốn tự truyện này, Rooney đã có những lời lẽ rất không hay về người thầy cũ của mình ở Everton là HLV David Moyes. 

Cụ thể, Rooney bảo Moyes luôn đố kỵ với mình, luôn ghen ghét vì mình đã thành công sớm. Ngay cả việc David Moyes không hài lòng vì Rooney ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng đến thể lực, do đó đã cử một chuyên gia thể lực giám sát việc ăn uống, tập luyện của mình cũng bị Rooney nhìn nhận một cách rất tiêu cực. 

Thậm chí Rooney còn "tố" việc chính David Moyes đã tiết lộ nội dung những cuộc nói chuyện rất riêng tư giữa hai người cho một số tờ báo, trước khi kết luận: "Tôi có thể đi bất cứ nơi đâu miễn là... tránh xa David Moyes".

Ngay lập tức, David Moyes đã xuất hiện trên báo chí Anh, khẳng định Rooney đã viết không trung thực, và đã xúc phạm tới danh dự cá nhân mình. Nhưng không chỉ xuất hiện trên báo, sau đó ông thầy này còn đưa Rooney, đơn vị xuất bản cuốn tự truyện, và người chắp bút cuốn tự truyện ra toà. 

Kết quả là năm 2008, trước khi phiên toà diễn ra, các luật sư của Rooney đã nhiều lần chủ động làm việc với David Moyes, và cuối cùng đạt được thoả thuận đền bù danh dự một khoản lên tới 500.000 bảng cùng một lời xin lỗi chính thức, công khai với vị HLV này.

Đây là lần đầu tiên một HLV kiện thành công một cầu thủ vì những chi tiết xúc phạm cá nhân mình trong cuốn tự truyện, và theo báo giới Anh thì kể từ vụ việc này, các nhân vật trong giới bóng đá đã thận trọng hơn rất nhiều trong việc xuất bản các cuốn tự truyện cá nhân.

Từ câu chuyện của Rooney và David Moyes xin trở lại với câu chuyện của Công Vinh và HLV Lê Thuỵ Hải. Nếu không đồng tình với cái cách mà mình xuất hiện trong tự truyện của Công Vinh, HLV Lê Thuỵ Hải hoàn toàn có thể đâm đơn kiện. 

Và theo ông Chu Xuân Hoà - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thì nếu tự truyện của Công Vinh viết sai sự thật và bị kiện, nó thậm chí sẽ lập tức bị thu hồi. Nhưng tính đến thời điểm này, ông Lê Thuỵ Hải và những người như cầu thủ Lê Tấn Tài cũng không hề đâm đơn kiện, mà chỉ phản ứng với Công Vinh trên báo chí hoặc các diễn đàn Internet mà thôi.

Vậy thì với chúng ta - trong tư cách của những độc giả, chúng ta nên ứng xử với một cuốn tự truyện cùng cái hệ quả "hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại" này như thế nào?

Tự truyện xét cho cùng là chuyện của một người. Mà con người khi kể chuyện về mình thường có xu hướng khiến mình hiện lên đẹp đẽ nhất, hoặc ít ra cũng là bớt xấu xí nhất. Rất ít người viết tự truyện để tự vạch trần những góc tối, những góc u uẩn muốn giấu kín của mình. 

Mà ngay cả khi con người muốn kể lại câu chuyện một cách khách quan nhất thì cái khách quan ấy xét cho cùng cũng chỉ là cái khách quan qua một lăng kính chủ quan. Đấy là còn chưa nói tới các phần lớn các nhân vật thể thao, họ thường không tự mình viết tự truyện, mà có xu hướng nhờ một nhà báo, một nhà văn, một cây viết nào đó "chắp bút" cho mình. 

Với tự truyện của Công Vinh, theo đánh giá của những người hiểu Công Vinh, hiểu người chắp bút và hiểu làng bóng thì có những chỗ thậm chí "giọng" của người chắp bút còn đậm hơn cả "giọng" của bản thân Công Vinh.

Một khi đã hiểu rõ như thế, chúng ta dễ cùng thống nhất với nhau rằng: sự thật qua những cuốn tự truyện về bản chất là sự thật qua lăng kính của tác giả tự truyện (và đôi chỗ là cả lăng kính của người chắp bút). 

Và vì thế, nó là một dạng, một kiểu sự thật để giới quan sát nói riêng và đông đảo độc giả nói chung nhìn vào để mà tham khảo, chứ tuyệt đối không nên lấy nó để phán xét.

Một khi đã thống nhất như thế, chắc chắn chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, hoặc ít ra là sẽ không hoang mang - như những gì bạn đọc chia sẻ, nếu phải tiếp tục đứng trước những cuốn tự truyện với những chi tiết gây tranh cãi tiếp theo.

Xin cảm ơn bạn đọc Hoàng Gia Khánh, và hy vọng những giải đáp của chúng tôi sẽ giúp bạn thoả mãn đôi phần.

V.T.T.
.
.