Các dự án BT: Tạm ngừng hay nên ngừng vĩnh viễn?
- Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” sai phạm ở các dự án BT, BOT2
- Các dự án BT ngàn tỷ của Hà Nội: "Rờ" đâu cũng có vấn đề
- Xác minh, làm rõ sai phạm, tiêu cực dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông
Mới đây báo chí đăng tải câu chuyện ở Bắc Ninh, để đổi lại việc làm một con đường có chiều dài 1,39Km, một chủ đầu tư đã được nhận lại tới 100 ha đất, khiến dư luận bất bình.
Mặc dù sau đó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã cải chính việc "đổi 100ha đất lấy 1,39 Km đường" là chỉ "đối ứng" 58, 46 ha, nhưng bản chất của việc đổi đất lấy công trình là hết sức méo mó, theo đánh giá của chính một lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ.
Do vậy, tôi muốn hỏi báo ANTG CT-GT rằng, liệu chăng đã đến lúc phải tính đến chuyện ngừng hẳn, chứ không chỉ là tạm ngừng các dự án BT như thế này không?
Rất mong quý báo trả lời. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Quang Thái (Hà Nội)
Kính thưa độc giả Nguyễn Quang Thái!
Trước hết phải thống nhất với nhau rằng, xét về mặt chủ trương, việc triển khai các dự án BT nhằm phát huy tối đa các nguồn lực xã hội vào việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương là hoàn toàn chính xác.
Bởi nếu không có những hình thức xây dựng - chuyển giao, với sự tham gia của những nhà đầu tư trong xã hội, mà cứ chăm chăm trông vào ngân sách nhà nước thì việc phát triển hạ tầng e là vừa chậm trễ vừa thiếu đồng bộ.
Vậy thì tại sao một chủ trương đúng khi được ồ ạt thực hiện lại khiến dư luận hoài nghi như những gì độc giả Nguyễn Quang Thái đặt ra? Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nguyên vấn đề nằm 3 lỗ hổng lớn sau đây.
Thứ nhất, là vấn đề định giá. Luật đất đai năm 2013 không có những điều khoản cụ thể về định giá tài sản và định giá hạ tầng để đổi đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận xét rất chính xác rằng: "Luật đất đai có thể không quy định về định giá hạ tầng, nhưng phải quy định về định giá đất, định giá thế nào để giá trị đất đai đem đổi tương xứng với giá trị hạ tầng".
Những hoài nghi mà độc giả Nguyễn Quang Thái đề cập xét cho cùng cũng nằm ở vấn đề tương xứng ấy. Và cũng từ đấy mà có hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu giá đất có bị tính quá thấp, còn giá hạ tầng lại được tính quá cao? Và liệu có từ những sự chênh lệch cao - thấp như vậy mà nhà đầu tư đã hưởng lợi đến khó tin không?
Ví dụ TP Hà Nội từng làm 5 con đường có chiều dài chỉ vài Km nhưng lại trả cho các nhà đầu tư hàng trăm ha đất mà theo một bộ phận dư luận thì tính ra, giá đất rất rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
Chúng tôi nhớ là tháng 10 năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng tổ chức một hội thảo khoa học rất nghiêm túc về các vấn đề phát sinh từ các dự án BT, và ở đó rất nhiều nhà khoa học thẳng thắn đặt ra câu hỏi: liệu đây có phải là cơ hội để một bộ phận nhà đầu tư nào đó thâu tóm đất vàng hay không?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc lúc ấy đã phân tích rằng, khá nhiều những khu đất được dùng để thanh toán trong những dự án BT đều là những khu đất vàng, nhưng lại đều được định giá thấp hơn giá thị trường.
Nhìn rõ những bất cập này mà Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017) mới có khá nhiều quy định mới về các dự án BT, trong đó có quy định đất đai phải được định giá cho phù hợp với giá thị trường, công trình hạ tầng cũng phải được định giá cho phù hợp với giá thị trường.
Theo chúng tôi đấy là những thay đổi rất đáng kể, tuy nhiên vẫn phải làm rõ thêm và cụ thể thêm: Thế nào mới thực sự là phù hợp với giá thị trường?
Thứ hai là vấn đề chỉ định thầu. Ngày 19 tháng 7 năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố một kết luận rất đáng chú ý rằng trong số 15 dự án BT ở Hà Nội thì chỉ có 1 dự án duy nhất được thực hiện theo hình thức đấu thầu, còn 14 dự án là chỉ định thầu.
Như đã phân tích, bản thân việc định giá đã khiến giới quan sát nghi ngờ thì việc chỉ định thầu, chứ không thông qua đấu thầu rất dễ khiến sự nghi ngờ tăng cao. Chỉ định thầu chắc chắn sẽ làm giảm sự cạnh tranh, tạo ra những kẽ hở lớn cho cơ chế xin - cho, và vì vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khôn lường.
Cũng trong kết luận thanh tra về 15 dự án BT ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết, một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư... của một số dự án BT đã được UBND thành phố phê duyệt chưa chính xác. Đã vậy rất nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí đầu tư.
Thời điểm ấy Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu truy thu số tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.
Câu hỏi đặt ra là nếu các dự án BT đều được thực hiện bởi hình thức đấu thầu, và là đấu thầu thực chất, công khai, minh bạch, chứ không phải là chỉ định thầu thì có xảy ra những hậu quả như vậy hay không?
Thứ ba là quy trình trả đất cho các nhà đầu tư. Trong dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội kéo dài 41 Km đường từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín) chẳng hạn, theo hợp đồng đã được ký kết thì Nhà nước sẽ trả cho chủ đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng.
Vấn đề đáng nói là sau 9 năm thực hiện, mới chỉ có 12 km/41 Km đường được hoàn thành, ấy thế mà đất đai cho phát triển 2 khu đô thị nói trên đã được giao hẳn cho chủ đầu tư và chủ đầu tư thậm chí đã đủ thời gian bán lại đất Thanh Hà cho một chủ đầu tư khác.
Việc nhà nước giao đất đối ứng cho các chủ dự án BT khiến các chủ dự án giống như người "nắm đằng chuôi", và có lý; chính vì vậy mà câu chuyện "đất đã nhận", thậm chí "đã sang tên đổi chủ kiếm lời" nhưng "dự án vẫn chậm", "hạ tầng vẫn chưa xong" là điều không chỉ diễn ra ở Hà Nội.
Thưa bạn đọc Nguyễn Quang Thái, chỉ ra 3 lỗ hổng trên đây không phải để kiến nghị dừng hẳn các dự án BT, bởi như đã nói ngay từ đầu, xét về mặt chủ trương, đấy đều là những dự án hợp tình hợp lý, giúp chúng ta có thể phát huy tối đa các nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ở các địa phương.
Tổng kết lại 3 lỗ hổng trên đây, vì thế là để tính đến việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của luật pháp để những dự án BT trong tương lai không rơi vào những "vết xe đổ" và không khiến dư luận nhìn vào với những cái nhìn hoài nghi như trước nữa.
Cụ thể, phải có một cơ chế định giá đất đai và định giá công trình thực sự phù hợp với giá cả thị trường; phải thay cơ chế chỉ định thầu bằng đấu thầu, và toàn bộ quá trình định giá - đấu thầu phải diễn ra công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của nhân dân.
Vấn đề cuối cùng, đáng phải bàn bạc thêm là nên áp dụng các dự án đầu tư theo hình thức BT ở những địa phương nào? Theo rất nhiều chuyên gia có uy tín thì câu trả lời là những địa phương chưa phát triển, nguồn thu ngân sách địa phương còn yếu kém.
Còn với những địa phương đầu tàu kinh tế, có rất nhiều những "khu đất vàng" mà nhiều doanh nghiệp mong muốn sở hữu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... thì thực sự là nên tính đến việc chính thức khai tử BT. Ở những địa phương này, nên áp dụng cơ chế nhà nước đấu giá các khu đất vàng, rồi lấy nguồn tiền đó phát triển cơ sở hạ tầng.
Xin chân thành cảm ơn độc giả Nguyễn Quang Thái đã gửi câu hỏi, chia sẻ quan điểm của mình với chúng tôi, và rất mong là sẽ tiếp tục nhận được những chia sẻ như thế này xung quanh những vấn đề xã hội nhức nhối, được nhiều người quan tâm.