Nhập khẩu chương trình đào tạo có giống nhập khẩu thịt bò Úc?

Thứ Tư, 20/09/2017, 16:02
Việc "nhập khẩu" giáo trình hay phương pháp giảng dạy của một nền giáo dục tiên tiến vào nền giáo dục còn quá lạc hậu của chúng ta là một tư duy mới, là một bước ngoặt.

Chị Phạm Thị Phương Minh (Phú Xuân, Huế) và một số bạn đọc: Thưa nhà báo Minh Đức, theo thông tin trên báo đài chúng tôi vừa được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu để nhập khẩu Chương trình đào tạo bậc tiểu học của nước ngoài về. 

Cụ thể sau chuyến làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Phần Lan vừa qua thì Việt Nam và Phần Lan đang trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, Tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan...

Quả thực đây là một tín hiệu theo chúng tôi cũng lóe lên hy vọng, vì bao năm qua ngành giáo dục ta tự mày mò cải tiến cải lùi quá nhiều dự án, hao tâm tốn của không biết bao nhiêu mà hầu như không thu nhận được kết quả mấy khả quan, thậm chí có những sai lầm làm ảnh hưởng đến vài thế hệ trẻ. 
Nhập khẩu sản phẩm giáo dục cần phải “Việt hóa” giáo trình ấy, phương pháp dạy và học ấy một cách khoa học nhất, sống động nhất và hấp dẫn nhất.

Vậy nên ta đi sau, ta yếu và lạc hậu hơn những nền giáo dục tiên tiến thì theo chúng tôi, ta học hỏi tiếp thu và có thể nhập khẩu các sản phẩm giáo dục là điều nên làm và một số nước đã làm (tương tự như câu chuyện trước đây Hàn Quốc "nhập khẩu" chương trình giáo dục của Nhật Bản chẳng hạn). Tuy nhiên, lựa chọn theo ai, và làm như thế nào lại là câu hỏi nên đặt ra. 

Với một sản phẩm nhập về như vậy nhưng kế hoạch triển khai đồng bộ là con người-các giáo viên ở đây có kế hoạch đầu tư tương ứng hay không? Thêm nữa Phần Lan là một nước Bắc Âu có nền giáo dục tiên tiến, nhưng liệu đặc điểm về con người, yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội... của người Phần Lan khác chúng ta nhiều và có thật sự phù hợp với đặc điểm điều kiện của người Việt ta hiện nay hay không? Về những băn khoăn này, chúng tôi rất mong được lắng nghe quan điểm của nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Phạm Thị Phương Minh và bạn đọc, không chỉ mình chị thấy lóe lên niềm hy vọng khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có chuyến thăm làm việc tại Phần Lan và sau đó Phần Lan và Việt Nam tiến hành trao đổi về việc có thể mua bản quyền một số giáo trình đào tạo bậc tiểu học mà nhiều người cũng thấy đâu đó lóe lên niềm hy vọng cho nền giáo dục Việt Nam.

Với cách nhìn của tôi, niềm hy vọng ở đây không phải là hy vọng về việc giáo trình một số môn của bậc tiểu học được thay thế bằng giáo trình của Phần Lan hay một nước nào đó có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới mà là hy vọng về sự thay đổi tư duy của những người lãnh đạo của ngành giáo dục Việt Nam sau quá nhiều "bảo thủ".

Giáo dục Việt Nam đã không tìm thấy "lối thoát" trong cái trận đồ bát quái về giáo trình mà đặc biệt là giáo trình cho bậc tiểu học. Chúng ta tốn bao tiền của, bao công sức vào việc thay đổi giáo trình mà vẫn không có hiệu quả gì đáng nói.

Quả thực, tư duy về một nền giáo dục tiên tiến không được hiện ra trong nền giáo dục chúng ta. Một trong những quan niệm đã cản trở đổi mới đối với nền giáo dục Việt Nam là nỗi sợ vô căn cứ vào các giáo trình ở một số bộ môn của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Phần Lan chẳng hạn.

Chúng ta cần hiểu rằng: phương pháp giáo dục đối với học sinh bậc tiểu học của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới có rất nhiều mẫu số chung. Bởi ở lứa tuổi học sinh tiểu học thì các nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý, về phương pháp tiếp cận đời sống... cho thấy cho dù ở nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng học sinh ở lứa tuổi này có sự phát triển tâm sinh lý giống nhau. 

Chúng ta cũng phải hiểu rằng: ở lứa tuổi này, những vấn đề về lịch sử, chính trị, tôn giáo... cho dù có được đưa vào chương trình giảng dạy cũng chưa ảnh hưởng gì đến lứa tuổi này vì khả năng nhận thức của những đứa trẻ ở lứa tuổi đó về những vấn đề phức tạp là không xác lập được. Chính vậy, việc thay đổi giáo trình đối với bậc tiểu học ở Việt Nam bằng giáo trình của những nước có nền giáo dục tiên tiến, theo tôi, là một thay đổi tư duy.

Nhưng cũng có không ít bạn đọc băn khoăn về vấn đề này như ý kiến của chị Phạm Thị Phương Minh: "Với một sản phẩm nhập về như vậy nhưng kế hoạch triển khai đồng bộ là con người-các giáo viên ở đây có kế hoạch đầu tư tương ứng hay không? Thêm nữa Phần Lan là một nước Bắc Âu có nền giáo dục tiên tiến, nhưng liệu đặc điểm về con người, yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội... của người Phần Lan khác chúng ta nhiều và có thật sự phù hợp với đặc điểm điều kiện của người Việt ta hiện nay hay không?". 

Nỗi lo lắng của chị Phạm Thị Phương Minh là hoàn toàn có lý. Đây cũng là nỗi lo lắng của cá nhân tôi. Nhưng tôi cũng tin đó là nỗi lo lắng của không ít các thầy cô và các chuyên gia giáo dục. Tôi nghĩ chúng ta nhập khẩu giáo trình của một nền giáo dục tiên tiến như là nhập khẩu nguyên liệu và phương pháp sản xuất để làm ra sản phẩm cho người Việt Nam dùng.

Ví dụ ta có thể nhập khẩu giáo trình tiếng Anh cho bậc tiểu học và phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh đó. Nhưng chắc chắn nội dung của giáo trình đó phải được xử lý một cách khoa học và nhuần nhuyễn cho những đứa trẻ ở một nền văn hóa khác mà cụ thể ở đây là văn hóa Việt. 

Cùng với văn hóa Việt là lịch sử Việt, thiên nhiên Việt, gia đình Việt, sinh hoạt Việt... Vì chúng ta không thể bê nguyên giáo trình tiếng Anh cho học sinh bậc tiểu học Phần Lan vào dạy cho học sinh tiểu học Việt Nam. Bởi trong giáo trình tiếng Anh cho học sinh ở một đất nước có một nền văn hóa khác biệt thì giáo trình đó sẽ trở nên vô cảm và không gợi mở cho một học sinh không ở nền văn hóa đó. 

Giáo trình của một nền giáo dục tiên tiến chỉ là "mách cách" (phương pháp) cho chúng ta làm cho học sinh tiếp cận một ngôn ngữ khác như thế nào có hiệu quả nhất. Nếu nội dung của bài giảng cho dù với phương pháp tiên tiến nhất nhưng không chứa đựng những gì quen thuộc và gần gũi với các học sinh thì phương pháp đó sẽ đánh mất đi rất nhiều tính hiệu quả vốn có của nó. 

Tôi đã từng đọc thử giáo trình lịch sử của bậc tiểu học của một vài nước tiên tiến và phương pháp dạy và học của họ, tôi thấy quả là chúng ta phải học tập. Nhưng chúng ta không thể "sao y bản chính" giáo trình, "sao y bản chính" cách dạy và cách học của các nền giáo dục tiên tiến ấy được mà phải nghiên cứu một cách vô cùng kỹ lưỡng và cẩn trọng để "Việt hóa" giáo trình ấy, phương pháp dạy và học ấy một cách khoa học nhất, sống động nhất và hấp dẫn nhất.

Chỉ như thế, chúng ta mới hiểu được bản chất của giáo dục và chỉ như thế việc "nhập khẩu" những ưu việt của một nền giáo dục tiên tiến mới có hiệu quả. Một người bạn của tôi nói: "Ngay cả nhập khẩu thịt bò 100% của Úc thì việc chế biến thịt bò lại là một việc khác".

Chị Phạm Thị Phương Minh, các bạn đọc của báo ANTG CT và cả tôi cho dù chúng ta không phải là những chuyên gia giáo dục nhưng chúng ta đã hiểu một cách căn bản bản chất của giáo dục và cụ thể hơn là chúng ta hiểu được cách xử lý như thế nào đối với bộ giáo trình của một nền giáo dục tiên tiến mà chúng ta có thể nhập về. 

Bởi thực chất, các nhà giáo dục không phải là một cái máy vi tính chỉ cần cài đặt một chương trình mới là xong mà các nhà giáo dục còn là những nhà tâm lý học, ngôn ngữ học, sử học... ở một mức độ nào đó tùy theo mỗi nghiên cứu hay bài giảng của mình.

Tôi đã từng tin vào sự thay đổi của ngành giáo dục nước ta và cũng đã từng thất bại. Nhưng quả thực việc nghĩ tới việc "nhập khẩu" giáo trình hay phương pháp giảng dạy của một nền giáo dục tiên tiến vào nền giáo dục còn quá lạc hậu của chúng ta là một tư duy mới, là một bước ngoặt. 

Còn sau bước ngoặt ban đầu ấy sẽ là gì thì chúng ta phải đợi chờ và đợi chờ trong tin tưởng. Hãy lý giải những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam, hãy phản biện nền giáo dục Việt Nam... và hãy tin tưởng ở những nhà giáo dục chân chính của chúng ta.

Minh Đức
.
.