Như một kẻ tội nghiệp và như một tên ăn trộm

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:19
Nếu luật pháp không nghiêm minh và người dân không có ý thức thì khi các quốc gia khác họ sống trong một thế giới văn minh, hiện đại thì chúng ta vẫn chỉ ngày ngày chen chúc trên những chiếc xe máy và không thấy CSGT là lại vượt đèn đỏ như một kẻ tội nghiệp và như một tên ăn trộm vậy.

Bác Lê Liêm, Mỹ Đình HN: Thưa nhà báo, là người dân HN nên chúng tôi đặc biệt quan tâm về chủ trương của thành phố vừa qua về việc cấm xe máy lưu thông trong thành phố như là một biện pháp trong đề án giảm ùn tắc giao thông. 

Các cơ quan chức năng còn công bố con số khảo sát có tới gần 90% người dân Hà Nội đồng ý chủ trương này. Tôi cũng như những người thân và bạn bè xung quanh thì cũng khá ngạc nhiên với con số thống kê này liệu đã khoa học và phản ánh đúng nguyện vọng người dân hay chưa (vì tôi và những người xung quanh mà tôi biết hay theo dõi mạng xã hội thì tôi vẫn thấy rất nhiều ý kiến chưa đồng tình)? 

Và kể cả trong trường hợp đây là một chủ trương được người dân đồng thuận cao thì chúng tôi cũng thực sự băn khoăn, liệu chính quyền thành phố với các cơ quan chức năng đã có một lựa chọn tối ưu hay chưa? 

Và nếu là một đề án rất nên thực hiện thì đã chuẩn bị một kế hoạch triển khai như thế nào vì việc này sẽ làm xáo trộn và thay đổi rất lớn đến nhịp sinh hoạt, làm việc và cuộc sống người dân. Và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống XH. Chúng tôi xin được lắng nghe ý kiến của nhà báo.

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa bác Lê Liêm, trước hết, việc thành phố tiến hành lấy ý kiến của người dân Hà Nội về việc cấm xe máy trong nội đô là có thật. Nhiều người sau khi nghe chính quyền thành phố công bố kết quả thăm dò ý kiến người dân thủ đô đã "không tin" với kết quả đó. Có không ít người nói họ không hề được lấy ý kiến. 

Đúng vậy. Việc lấy ý kiến thăm dò không phải là phát phiếu cho 100% người dân mà chỉ là khảo sát trên một con số nhất định. Cách làm này cũng là lẽ thông thường mà các nước trên thế giới làm khi cần lấy ý kiến thăm dò người dân về một vấn đề gì đó của quốc gia. 

Cách nghĩ rằng sẽ rất ít người đồng ý với chủ trương cấm xe máy bước đầu là trong nội đô đã cho thấy một tư duy thiếu tính đột phá của người dân. Bởi lúc này, người dân thấy xe máy là vô cùng tiện lợi với cá nhân họ. 

Nhưng nếu chúng ta không khởi đầu cho sự thay đổi lớn lao sau này thì chúng ta suốt đời sống trong sự hỗn loạn của giao thông mà xe máy là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây nên.

Đối với đất nước ta thì hầu hết mọi vấn đề cần phải được thay đổi và mọi thứ để thay đổi là vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta muốn có một môi trường không ô nhiễm thì việc khởi đầu cho sự nghiệp lớn ấy bằng những việc lại vô cùng nhỏ tưởng như chẳng có tác dụng gì như không vứt một cái rác xuống đường, không vứt một cái túi nilon xuống hồ nước. 

Nếu chúng ta không bắt đầu từ những việc nhỏ ấy thì đến một ngày chúng ta sẽ sống chìm trong đống rác thải bẩn thỉu do chính chúng ta vứt ra chứ không phải của một lực lượng quỉ dữ nào đổ xuống đầu chúng ta cả. 

Cũng như người thủ đô bây giờ sống chìm trong một biển xe máy. Mỗi người ngồi trên xe máy chỉ phục vụ cho cá nhân họ. Vì thế họ tìm mọi cách chen chúc, vượt ẩu để giành lợi thế cho mình. Nếu đứng trên cao nhìn xuống thủ đô, chúng ta thấy một thế giới hỗn mang bởi các phương tiện giao thông mà chủ yếu là xe máy. 

Tôi nghĩ, dự án cấm xe máy trong nội đô không phải là ngày mai sẽ áp dụng ngay mà chính quyền sẽ có từng bước đi hợp lý. Tôi không phải là lãnh đạo thành phố nên không biết lãnh đạo thành phố đã hoạch định những bước đi trong dự án lớn và hệ trọng này như thế nào. Nhưng chắc chắn lãnh đạo thành phố đã nghiên cứu kỹ trước khi thi hành dự án bỏ xe máy trong nội đô. 

Nhưng cùng với các bước đi hợp lý của dự án thì từng bộ phận người dân thủ đô phải hy sinh thói quen và cả những quyền lợi nho nhỏ của mình để thực thi dự án này. Có như vậy đến một ngày con cháu chúng ta mới không còn trở thành nạn nhân của tắc nghẽn giao thông nữa. 

Để dọn dẹp một đống rác, hay thậm chí dọn một ngôi nhà, người ta phải dọn từng chút một với một ý thức cao và sự kiên nhẫn. Nếu ai cũng sốt ruột thì rồi mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu. Ai cũng biết việc làm thông thoáng vỉa hè là cần thiết và là lẽ đương nhiên.

Thế mà chỉ sau mấy tháng vỉa hè lại bị tái chiếm. Nguyên nhân nào đã gây ra việc tái chiếm vỉa hè? Nguyên nhân chính là người dân không có ý thức và cũng không có tầm nhìn chiến lược cho chính thành phố của mình. Hay nói một cách đau lòng hơn là người dân thủ đô đấy nhưng lại vẫn sống một lối sống tạm bợ và rất tùy tiện.

Thưa bác Lê Liêm, trong thư bác viết: "Nếu là một đề án rất nên thực hiện thì đã chuẩn bị một kế hoạch triển khai như thế nào vì việc này sẽ làm xáo trộn và thay đổi rất lớn đến nhịp sinh hoạt, làm việc và cuộc sống người dân". Chắc chắn sẽ có "xáo trộn và thay đổi lớn đến nhịp sinh hoạt" của người dân. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng: bất cứ cuộc cách mạng tiến bộ nào cũng làm thay đổi xã hội. Sự thay đổi này là cần thiết. 

Đơn giản ngay việc cá nhân gia đình chúng ta làm một ngôi nhà mới cũng thay đổi cách sinh hoạt của chúng ta. Nhưng đó là thay đổi đến một lối sống văn minh, tiên tiến và tốt đẹp hơn. Ý kiến của người dân lúc nào cũng có hai khuynh hướng. Một là bảo thủ, hai là tiến bộ. Người dân chúng ta và kể cả người dân thủ đô đang sống một cách bảo thủ và rất cá nhân. Đôi khi chỉ vì ảnh hưởng đến một chút quyền lợi cá nhân của họ thì họ sẽ dễ dàng trở thành vật cản đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. 

Bác hay tôi hay nhiều người đều biết rằng: sẽ khó khăn không nhỏ cho những người đang sử dụng phương tiện xe máy trong sinh hoạt và công việc của họ. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi mãi băn khoăn về những khó khăn đó mà không vượt qua được thì những khó khăn lớn hơn đối với đất nước trong đó có chúng ta sẽ chẳng bao giờ vượt qua được.

Cần tạo ra mạng lưới giao thông công cộng trước khi triển khai đề án cấm xe máy. Ảnh: L.G

Thưa bác Lê Liêm, tôi hiểu những băn khoăn của bác. Và tôi cũng đồng ý với bác rằng nếu dự án bỏ xe máy trong nội đô mà chính quyền thủ đô lại không có kế hoạch tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng cho người dân, trước hết là người dân nội đô thì dự án bỏ xe máy sẽ dễ dàng rơi vào thất bại. 

Điều quan trọng nhất bây giờ là song song với việc hy sinh và thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân thủ đô lâu nay là một kế hoạch kỹ lưỡng và hợp lý của thành phố. 

Chỉ như thế, việc bỏ xe máy trong nội đô mới có thể thực hiện được. Nhưng việc gì khởi đầu cũng khó khăn. Để bỏ thói quen hút thuốc nơi công cộng, bỏ thói quen ngủ muộn, dậy muộn, bỏ thói quen nói chuyện riêng trong phòng họp, bỏ thói quen vượt đèn đỏ... cũng luôn luôn khó khăn. Tất cả những điều đó cần sự cố gắng lớn, bền bỉ và ý thức xã hội thì con người mới có thể làm được. 

Chính vì vậy mà bỏ thói quen đi xe máy để chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng không dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta không bắt đầu từ những việc đó thì chắc chắn chúng ta chẳng thể nào làm được việc gì lớn hơn. Và như thế, đất nước chúng ta sẽ mãi mãi là một quốc gia luôn đi sau. 

Tôi tin rằng, nếu luật pháp không nghiêm minh và người dân không có ý thức và tầm nhìn thì khi các quốc gia khác họ sống trong một thế giới văn minh, hiện đại đến như thế nào thì chúng ta vẫn chỉ là những kẻ ngày ngày chen chúc trên những chiếc xe máy và không thấy CSGT là lại vượt đèn đỏ như một kẻ tội nghiệp và như một tên ăn trộm vậy.

Minh Đức
.
.