Công bằng trở thành không công bằng

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:30
Có những trường hợp điểm ưu tiên tạo ra sự không hợp lý, nhưng cũng có những trường hợp điểm ưu tiên còn tạo ra sự bất công. 

Ông Trần Đức Thế, quận Lê Chân, TP Hải Phòng: Thưa nhà báo, vấn đề cộng điểm ưu tiên trong các kỳ tuyển sinh đại học đã được bàn đến từ nhiều năm trước, nhưng đến kỳ tuyển sinh năm nay thì đã lộ rõ không ít những bất cập của vấn đề này. Chính sách ưu tiên là một chính sách đúng nhưng việc thực thi chính sách ấy lại chưa hợp lý. Tôi muốn được biết quan điểm của nhà báo trong vấn đề này? Xin cám ơn nhà báo.

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa ông Trần Đức Thế, trước hết, chúng ta phải cùng nhau khẳng định rằng: chính sách ưu tiên, đặc biệt chính sách ưu tiên trong giáo dục mà cụ thể trong các kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng của Nhà nước ta đối với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, các thí sinh là con em những gia đình có công với đất nước... là một chính sách nhân văn và đúng trong chiến lược phát triển đất nước. 

Từ sự mất công bằng sẽ gây nên tâm lý bất mãn và không tốt cho thí sinh.

Chính sách ưu tiên không chỉ là việc "ưu tiên" mà là tạo ra một sự phát triển cân bằng và toàn diện trong một xã hội. Chúng ta đều biết rằng: ở các vùng sâu, vùng xa, học sinh không thể có điều kiện tiếp cận và được hưởng thụ một nền giáo dục tốt nhất và những điều kiện đời sống tốt nhất cho việc học tập như các học sinh ở các đô thị hay các vùng giáp đô thị. 

Chính vì vậy mà kết quả học tập của các học sinh ở những vùng đó không thể ngang bằng với học sinh ở các khu vực khác. Nếu chúng ta không có các chính sách ưu tiên thì càng ngày chúng ta càng gián tiếp đẩy dân trí cũng như sự phát triển xã hội ở các vùng đó cách xa các vùng khác và tạo ra sự mất cân bằng. 

Sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội không nhỏ. Nhưng chính sách ưu tiên này nếu không có tính toán phù hợp sẽ lại tạo ra một sự mất cân bằng khác, cụ thể là vấn đề tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Một ví dụ ở ngành y đa khoa, đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh theo báo chí đưa tin cho thấy: "Trong 404 thí sinh đỗ vào ngành Y đa khoa - Trường ĐH Y dược TP HCM chỉ có 26 thí sinh không được cộng bất kỳ điểm ưu tiên nào. 378 thí sinh được cộng điểm ưu tiên, chiếm tỷ lệ 93,5% số thí sinh đỗ vào ngành này. 

Cũng theo thống kê, trong tổng số 404 thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa chỉ 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi từ 29,25 trở lên. Điều đó có nghĩa nếu không có điểm ưu tiên, 320 thí sinh (tỷ lệ 79,2%) sẽ không trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của trường. 

Trong số 404 thí sinh có 370 thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực, 43 thí sinh được cộng ưu tiên đối tượng, 39 thí sinh được cộng cả ưu tiên khu vực cả ưu tiên đối tượng. Có 22 thí sinh được cộng mức ưu tiên cao nhất là 3,5 điểm".

Vấn đề điểm ưu tiên đã được bàn đến trong nhiều mùa tuyển sinh, trong đó có một số đề xuất nên điều chỉnh lại mức điểm ưu tiên. Ông Nguyễn Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận định mức điểm khuyến khích tối đa là 3,5 điểm có thể chiếm tỷ trọng lớn quá so với tổng điểm thi. 

GS Đào Trọng Thi,  nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc cộng điểm ưu tiên đối với các đối tượng chính sách là cần thiết nhưng với cách thi THPT quốc gia và xét tuyển "hai trong một" thì lẽ ra Bộ GD-ĐT cần phải xem lại mức độ ưu tiên như thế nào là phù hợp và điều chỉnh quy chế ngay từ trước kỳ thi.

Tôi thấy rằng, có những trường hợp điểm ưu tiên tạo ra sự không hợp lý, nhưng cũng có những trường hợp điểm ưu tiên còn tạo ra sự bất công. Ví dụ hai thí sinh cùng thi vào một ngành của một trường đại học: thí sinh không được ưu tiên có điểm thi chính thức là 19 điểm, thí sinh được ưu tiên có điểm thi chính thức là 16 điểm. Nhưng thí sinh được ưu tiên sẽ được cộng thêm 3,5 điểm. 

Trong khi đó điểm đủ để trúng tuyển là  19,5. Như vậy, kết quả cuối cùng là thí sinh có điểm cao hơn (3 điểm) lại không trúng tuyển, mà thí sinh có học lực kém hơn (3 điểm) lại trúng tuyển. Việc điểm thi của hai thí sinh chênh nhau đến 3 điểm là một khoảng cách rất lớn.  

Một người chỉ thiếu 0,5 điểm thì trượt và một người kém tận 3,5 điểm thì đỗ. Việc xét tuyển như vậy sẽ dẫn đến hai vấn đề: vấn đề thứ nhất là chất lượng sinh viên không được đảm bảo khi được ưu tiên đến 3,5 điểm. Vấn đề thứ hai là sự mất công bằng. Từ sự mất công bằng này sẽ gây nên tâm lý bất mãn và không tốt cho thí sinh.

Có một điều chúng ta cần nghĩ tới là: có không ít những học sinh tuy ở thành phố nhưng gia cảnh vô cùng khó khăn và có những trường hợp còn khó khăn hơn những thí sinh ở các khu vực được ưu tiên. Bởi thế, các em ở hoàn cảnh này cũng không dễ dàng có được hoặc không thể có được điều kiện học tập tốt như các học sinh thành phố khác. 

Trong khi đó, cũng không ít học sinh thuộc các khu vực ưu tiên lại có một gia cảnh đầy đủ. Từ đó các học sinh này có điều kiện học tập vô cùng tốt, thậm chí rất tốt. Đấy là chúng ta chưa kể tới những trường hợp học sinh học ở một trường thành phố nhưng khi thi lại làm hồ sơ ở nơi có hộ khẩu là khu vực được ưu tiên.

Việc thực hiện chính sách nhân văn và hợp lý của Nhà nước đối với học sinh ở các khu vực ưu tiên phải được tính toán lại một cách hợp lý và công bằng. Tôi nghĩ, việc cộng thêm điểm, thậm chí cộng điểm rất cao, đến 3,5 điểm là không hợp lý. Chúng ta nên có chính sách tuyển sinh dành riêng cho các khu vực ưu tiên và có một điểm sàn riêng cho các thí sinh ở các khu vực này là bao nhiêu phần trăm. 

Như vậy, số phần trăm còn lại dành cho những thí sinh ở các vùng không có ưu tiên. Làm như vậy thì số thí sinh được ưu tiên có kém những thí sinh tuyển chính thức dựa vào kết quả thi thật bao nhiêu điểm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Theo cá nhân tôi, nếu chúng ta có được các trường đại học, cao đẳng chất lượng cho riêng học sinh ở từng khu vực ưu tiên thì tốt bao nhiêu. 

Ví dụ trường đại học cho các con em các dân tộc miền núi. Ở đó, sinh viên không chỉ học kiến thức, chuyên môn riêng mà còn học ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc họ. Một hiện thực cho thấy hiện nay không ít các sinh viên con em các dân tộc miền núi được ưu tiên vào các trường đại học, cao đẳng. Nhưng sau khi học xong họ lại chuyển về thành phố làm việc và sinh sống. 

Vì thế mà những người được đào tạo tốt lại không quay về phục vụ cho cộng đồng của họ mà trong chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với các dân tộc miền núi trong đó có đào tạo là đào tạo ra một lớp người có trình độ và chuyên môn cao để phát triển các vùng miền núi nhằm nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của vùng và tạo ra sự cân bằng cần thiết trong phát triển xã hội nói chung.

Kính thưa ông Trần Đức Thế,

Một chính sách tốt, một chiến lược tốt là sự khởi đầu quan trọng nhưng phải có những phương thức thực hiện tốt thì chính sách đó, chiến lược đó mới trọn vẹn. Chính quyền có rất nhiều chính sách và chiến lược quan trọng và nhân văn nhưng do những người trực tiếp thực thi các chính sách và chiến lược đó chưa tốt, thậm chí lợi dụng để cầu lợi thì trở thành bất lợi và đôi khi nguy hiểm vô cùng. 

Cụ thể chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với các thí sinh ở các vùng sâu vùng xa và các đối tượng khác là quan trọng, là cần thiết và nhân văn. Chính sách đó có thể nói tạo ra sự công bằng cho người dân. Nhưng cách thực thi chỉ là cộng thêm điểm, mà tối đa là 3,5 điểm thì nó lại tạo ra sự mất công bằng cho các thí sinh như tôi đã nói ở trên.

Minh Đức
.
.