Tâm thiện là Phật

Thứ Ba, 13/03/2018, 15:39
Đọc Kinh mà không hiểu kinh. Tu tính mà không có tri tâm. Ham muốn tầm thường mà muốn thanh cao, giác ngộ. Tham lam nên vẫn cầu xin, dâng hối.Thật hết sức tội lỗi.

Bác Trần Kim Quy (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), Anh Lê Trần Kiên (Mỹ Đình, Hà Nội), Chị Lê Thu Trang (Hải Dương) cùng nhiều bạn đọc: Thưa nhà báo! Vừa hết Tết Nguyên Đán là chúng ta bước vào mùa lễ hội. Nhưng Hội quá  nhiều, Lễ cũng quá nhiều và dường như đang có nhiều " biến thái". 

Chỉ cần nhìn cảnh hơn một vạn rưỡi (15.000) người đã ngồi ngoài đường để cùng nhau làm lễ cầu sao giải hạn (cầu an) tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) vào đêm 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất  vừa rồi, hay cảnh giẫm đạp tranh cướp giành lộc ở một vài lễ hội,… cảnh đốt vàng đốt mã khủng khiếp, chúng ta cũng có thể giật mình, bởi đây có còn là văn hóa, tín ngưỡng người Việt mình nữa không?

Chúng tôi thực lòng muốn nghe ý kiến của nhà báo.

Nhà báo Tôn Minh: Kính thưa bác Trần Kim Quy, Anh Lê Trần Kiên, Chị Lê Thu Trang cùng bạn đọc!

Có một điều mà có khi hỏi người dân, nhất là những người hay đi Chùa lễ bái, là Phật ở đâu thì chưa chắc họ đã biết và trả lời được câu hỏi đó.

Phật không ở chùa. Phật trước đây trước khi hành hương và đi truyền giáo lý, đạo pháp đã ngồi 49 ngày tại gốc cây Bồ Đề để tự triết nghiệm và tu đạo, để thấu hiểu các giá trị về đời sống, nhân sinh, quả nghiệp, luân hồi... sau đó vì thấy những cảnh sống khổ cực của dân chúng và sai lạc của những đạo phái khác (như đạo Bà La Môn, dành cho tầng lớp quý tộc, tăng lữ; hay đạo Kỳ Na giáo mà tu khổ hạnh kiểu hành xác) nên Đức Phật mới hành khất khắp nơi để truyền thụ giáo lý do mình giác ngộ nhằm diệt khổ đau và tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho nhân sinh.

Phật (Thích Ca Mâu Ni, hay Tất Đạt Đa) là một người đã được nhập cõi Niết Bàn khi chết và chuyển sang một kiếp khác mà vẫn tiếp tục việc phổ độ chúng sinh của mình.

Người dân thì hay nói, Phật tại tâm, nhưng không hiểu cớ làm sao họ lại hay đến chùa với sính lễ và các vật tế cúng để cầu xin gì ở Đức Phật? Phật đâu có ở chùa, mà Phật ở trong chính bạn. Khi bạn giác ngộ rồi thì người ta lại càng không phải đến chùa mới thấy Phật.

Ngày xưa, Hội giáo đầu tiên gồm Tăng đoàn tụ họp để bàn bạc và thảo luận về những thuyết giáo, những nguyên lý đạo pháp, và sau đó họ lại tỏa đi khắp muôn phương để truyền thụ và thâu nhập môn đồ (những người muốn tu tập và giác ngộ để được hạnh phúc). 

Sau này, một số tăng ni của nhà Phật (có chức vị trong Hoàng gia) dành một tu viện để các Tăng đoàn đến tu tập và trao đổi dưới sự hướng dẫn của đức Thích Ca Mâu Ni. Có lẽ đây là cơ sở hình thành và là căn cứ đầu tiên để nói lên nguồn gốc của Chùa (Chiền) là nơi tu tập và nơi của Phật tọa lạc.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Chùa (Chiền) không phải là nơi ban phát những lợi lộc hay giải quyết các vấn đề về danh vọng, tiền tài. Mà đó là nơi tu tập đạo pháp và dành cho những người đến đó để học về giáo lý, tu sửa tâm tính và tìm đến sự giác ngộ trong đời sống tinh thần. 

Tức là người ta đến Chùa chỉ để được nâng cao nhận thức của chính bản thân, đưa bản thân lên một cảnh giới cao hơn trong nhận thức để diệt trừ nguồn cơn của đau khổ trong đời sống, nhằm có một cuộc sống an lạc (hạnh phúc). Dần tiến tới sự vô ngã, gieo nhân thiện để gặt quả (nghiệp) tốt, được luân hồi và tới cõi Niết bàn sau khi chết đi.

Làm gì có thần phật nào lại ở chùa và ban phát cho con người tìm đến đó những lợi lộc vật chất hay thỏa mãn tính tư lợi hòng nâng mức sống và vị thế của bản thân họ. Không thần phật nào cần đến sính lễ hay đồ cúng tế, không thần phật nào khiến bạn trở nên tâm an khi chính tâm bạn không thiện (chân), vẫn tham, sân, si và không có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các triết lý của đạo Phật trong các lời răn, dạy của chính đức Phật.

Khi bạn đến chùa mà còn sắm sính lễ, chuẩn bị tiền bạc hay lợi ích khác để đặt trên bàn và trước các bức tượng Phật, sau đó là gửi đi những lời khẩn cầu để được ban phát lợi lộc, làm cho thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt, được xóa bớt tội lỗi hay cầu cho tai qua nạn khỏi là đang phỉ báng và làm vấy bẩn đức Phật và các đạo pháp mà Phật muốn truyền thụ từ hàng ngàn năm trước, khi Phật bắt đầu khởi sinh và lan toả đi.

Đó là vấn đề của những con người không có hiểu biết về Phật (pháp) mà lại đi tìm Phật để giải quyết các vấn nạn trong đời thường bằng cách mua chuộc hoặc hối lộ thánh phật.

Đọc Kinh mà không hiểu kinh. Tu tính mà không có tri tâm. Ham muốn tầm thường mà muốn thanh cao, giác ngộ. Tham lam nên vẫn cầu xin, dâng hối.

Thật hết sức tội lỗi. Vì họ đến để biến Phật thành những kẻ hám lợi, hám danh và để trao đổi, mua bán lợi ích cho lòng tham vô độ của họ.

Nhân câu chuyện này xin được trao đổi và bình luận thêm về những sự kiện đã vừa xảy ra vào ngày rằm tháng giêng và đối chiếu với lịch sử để có một bài học nào đó rút ra cho chúng ta nhìn nhận cho đúng.

Chúng ta cùng nhìn lại cảnh hơn một vạn rưỡi (15.000) người đã ngồi ngoài đường để cùng nhau làm lễ cầu sao giải hạn (cầu an) tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) vào đêm 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất vừa qua.

Tôi vẫn tự hỏi, hạn của họ, nếu có, là gì trong đời thường? Thần thánh hoặc các đấng tâm linh nào đó có thực sẽ giải hạn được cho họ hay không?

Dù họ có bỏ tiền của ra để cầu bái, khấn vái sao cho tai qua nạn khỏi, thì mọi nan đề của cuộc sống (những cái hạn thực sự mà họ phải đối mặt hàng ngày) vẫn còn nguyên đó: giá xăng tăng; thuế phí tăng, học phí và viện phí tăng; giáo dục vẫn lạc hậu; thực phẩm vẫn bẩn và độc hại; xã hội vẫn bạo lực và hành xử gian trá với nhau; luật pháp vẫn rối ren và môi trường vẫn ô nhiễm ngày càng nặng nề; đường giao thông vẫn xuống cấp và ùn, tắc mỗi ngày; tai nạn giao thông và bệnh ung thư ngày càng tăng cao; nạn chạy chọt, tham nhũng và háo danh (bằng cấp) vẫn hoành hành xã hội...

Những vận hạn của họ thực sự là gì? Câu hỏi cứ luôn ám ảnh và vang lên trong thâm tâm tôi mỗi khi nhìn vào phía họ. Tại sao họ lại ngồi chen chúc nhau ngoài đường trong cái giá rét, mất tiền bạc, mất thời gian và sức khỏe chỉ để gửi vào hư không lời cầu xin sao cho tránh được các tai ương mà họ lo sợ là nó sẽ xảy ra với mình hoặc người thân?

Nếu đã bước chân đến chốn Thánh, Thần, Phật, thì tức là, có lẽ là một phỏng đoán, họ tin vào luật nhân quả cũng như căn nguyên tạo nên những khổ hạnh của con người. 

Thế nhưng họ né tránh cái "nhân" trực tiếp của các tội lỗi họ phạm phải hoặc đang hiện diện (đầy rẫy) trong xã hội mà có nguy cơ ảnh hưởng tới họ, nhưng nghịch lý là họ lại đi xin xóa "quả" ở một nơi không phải là nơi gieo "nhân" dẫn đến? Vì thần phật không tạo ra hay gieo "nhân" của những "quả" (xấu) đó cho con người và xã hội.

Người ta vẫn còn chìm trong những nhận thức mê muội đến mức này thì không biết họ sẽ giải quyết những biến cố trong đời sống như thế nào?

Ở Nam Định thì hàng chục ngàn người chen chúc và vật vờ cả đêm để chờ tới lúc phát ấn đền Trần. Đã có lần tôi viết với tiêu đề, xin ấn làm người, với nội dung nhắc nhở rằng, Đức Thánh Trần là một vị anh hùng dân tộc và đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ đất nước cũng như vương triều của mình. Đâu có phải là Thánh thần khi mới sinh ra với phép màu kỳ diệu để mà chỉ cầu xin ấn (triện của Hoàng đế) là đạt được những mục đích tư lợi khi tìm đến đó đâu. 

Nếu Đức Thánh Trần không giỏi lãnh đạo, không sáng suốt trong việc nước, việc mưu binh và không có dũng khí mà chỉ dâng lễ cầu sao giải hạn hay đi xin ấn thì có lẽ đã đánh mất quốc gia vào tay giặc rồi. Đến An Dương Vương có Nỏ thần và thần Kim Quy phò trợ mà còn để đất nước bị đánh chiếm và  mất cả con gái.

Thế nên, những người còn tiếp tục mê muội vào những việc tâm linh trong sự hạn chế về nhận thức, sự hiểu biết (về khoa học và đức tin) mà ươn hèn né tránh những vấn đề, đòi hỏi và bất công của cuộc sống, thì rồi một lúc nào đó, những hậu quả xấu do chính con người sống trong một xã hội hỗn loạn, nhiễu nhương sẽ mang đến cho họ.

Và tôi cũng lại thầm tự hỏi: Bao nhiêu người cầu xin để mang cái hạn tới cho người khác (có thể cùng chung đám đông đang ngồi với nhau); và sau khi dâng lễ giải hạn xong thì ai sẽ làm những điều xấu, điều ác và gây ra những điều tội lỗi cho con người trong đời thường?

Chúng ta cần nhớ vòng sinh diệt, luân hồi và quả nghiệp, nghĩa là ta tạo ra cái ác thì mình hoặc thậm chí người thân của mình sẽ gánh chịu (hoặc bị ảnh hưởng bởi) hậu quả của cái ác; hoặc nếu cố gắng cầu xin sự xóa bỏ cái tai hạn ở một nơi này hay đối với người này và tại thời điểm này, thì cái vận hạn đó sẽ được lưu chuyển đến một nơi khác hay cho (những) người khác vào một thời điểm khác.

Tôn Minh
.
.