Nỗi chua xót cho… cái miệng của người Việt!

Thứ Năm, 11/01/2018, 14:18
Nếu ngẫm thật kỹ sẽ thấy, riêng với thực phẩm bẩn, dung túng là tự sát và tự sát tập thể, không có ai là ngoại lệ cả.

Bạn đọc Trần Minh Tâm (Hà Nội); Ông Kiều Văn Nhật (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình); Độc giả Trần Tuyết Mai (cán bộ hưu trí sống tại TP HCM): Thưa Tòa soạn, có lẽ chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại nhức nhối đến đỉnh điểm như thời gian qua. Nạn thực phẩm bẩn đang khiến “con đường từ cái dạ dày ra nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ... ngắn thế”. Theo nhà báo, làm thế nào để ngăn chặn được nạn thực phẩm bẩn ở Việt Nam? Theo nhà báo, đâu là bản chất vấn đề, tại sao chúng ta chưa ngăn chặn được nạn thực phẩm bẩn?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi đã từng bị trận ngộ độc thực phẩm kinh hoàng khi đi công tác vì ăn món khoái khẩu và rất phổ biến, được quảng cáo là “ruột cá ngừ đại dương”, phải lết ra thang máy, xuống nhà ăn để xin bát cháo trắng. Cảm giác sự sống cạn dần đến giọt cuối cùng. 

Rồi những trận bà con tôi bị ngộ độ vài trăm người một lúc. Rồi bệnh viện ung thư tràn ngập bệnh nhân, với mức quá tải mà tận mắt tôi chứng kiến người ta nằm truyền hóa chất ngoài gốc cây trong gió lạnh. 

Ngay Viện K Trung ương ở phố Quán Sứ, trung tâm Hà Nội mà nhà vệ sinh xú uế tràn ngập thối tha, không một chỗ bớt bẩn thỉu để... đặt chân vào, đến mức trong giấc mơ tôi vẫn hãi hùng nghĩ đến cảnh đó. 

Con ngõ tôi sống, nhà nào cũng có người bị bệnh rồi chết ung thư. Tôi nghĩ, mình cần phải làm cái gì đó chống lại nạn thực phẩm bẩn, cứu mình, cứu gia đình, bạn bè rồi đồng bào mình. 

Đặc biệt đáng sợ là khi tôi hóa trang, vào vai người “trong cuộc” với các món ăn khoái khẩu hoặc đặc sản nổi tiếng thơm ngon xung quanh mình, thì ôi thôi, sờ đâu cũng thấy kinh sợ. Bẩn thỉu, tống hóa chất vào đầu độc người tiêu dùng. Tôi tự đặt câu hỏi: đến thứ tống vào mồm mình, dâng cho bố mẹ mình, đút mớm cho con cái vàng ngọc của mình, mà chúng ta còn vô trách nhiệm với nó, thì thử hỏi chúng ta là cái... loại gì!

Câu chuyện sau này trở thành như tiếu lâm chua xót, do đích thân tai tôi nghe, máy quay của tôi ghi lén được rồi đưa trong tác phẩm báo chí của mình: ấy là cảnh hai bệnh nhân ung thư nằm gần giường nhau. Người trồng chè và người trồng rau. 

Chợ hóa chất vỉa hè với hàng trăm loại hương liệu phục vụ làm hàng giả. Ảnh: L.G.

Họ tâm sự, tôi trồng chè phải để riêng một luống không phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng để tôi uống. Còn bác trồng rau cũng có luống rau sạch cho riêng mình. Thế rồi, bác trồng rau uống... chén thuốc sâu - chè mạn của bác trồng chè mỗi sáng. 

Và ngược lại gia đình bác trồng chè ăn rau đẫm hóa chất độc hại của bác trồng rau. Họ tự giết nhau và giết đồng bào vô tội, du khách vô tội hay các nhà “nhập khẩu” quà quê khác cũng chung số phận thảm sầu. Lúc đầu tôi giận họ và còn phẫn uất nguyền rủa họ “chả chết thằng ấy thì chết thằng nào”. 

Sau này khi nghe tin họ chết, tôi lại ân hận vì mình đã “khẩu nghiệp” như vậy. Thật ra thì họ đáng thương hơn là đáng giận. Chính tôi và tất cả chúng ta đều có lỗi trong việc quản lý, giáo dục vấn đề này cho bà con mình quá cẩu thả, vô lối.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn được nạn thực phẩm bẩn ở Việt Nam?

Tôi nghĩ, chúng ta bài bản, quy củ, có trách nhiệm với miếng ăn thức uống của mình và đồng bào mình là xong. Thông báo toàn quốc: ai vi phạm thì xử lý hành vi với tên gọi đích danh chính xác của nó “âm mưu giết người”, “đầu độc người khác”. Xử lý hình sự tất cả những trò chủ động thả hóa chất hay cố tình chế biến thức ăn bẩn thỉu bón vào mồm con người. 

Tại sao ở Mỹ hay Nhật, hoặc Châu  u, họ quản lý chặt đồ ăn thức uống thế. Bác xem tivi, đọc báo, thấy người ta ầm ĩ chuyện Việt Nam bán mẻ cá ngừ đầu tiên sang Nhật rồi đúng không? 

Lãnh đạo tỉnh Bình Định rồi bầu đoàn thê tử sang Nhật hân hoan bán vài con cá, rồi báo chí tự hào ca tụng. Rồi người Mỹ họ mua quả vải, quả thanh long của ta, họ giám sát tận gốc cây, họ lắp camera theo dõi suốt ngày qua tháng lại, họ xét nghiệm chi ly từng tí từng tẹo rồi mới mua. 

Mang hàng sang nước họ rồi, đong đếm phân tích bằng máy móc hiện đại, mà có tồn dư cái hóa chất gì là họ trả, họ phạt. Châu  u họ rút thẻ vì ta bán thứ cá được đánh ở lãnh hải còn gây tranh cãi, chứ chưa nói chuyện ướp tẩm gây ngộ độc nhé! 

Thử hỏi, đã bao giờ hoa quả, cá mú của ta bán cho 93 triệu đồng bào mình mà bị người tiêu dùng xét nghiệm rồi... trả lại chưa? Các vựa vải, thanh long khắp Việt Nam bán và đánh chén khắp Việt Nam đã bị thu hồi vì nhiễm chất nọ chất kia bao giờ chưa? Người Nhật bây giờ mới mua ít cá ngừ của ta, rồi lại dừng vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của họ.

 Nhân dịp đó, xin tự hỏi, từ trước đến nay, nghề đánh cá ngừ của ta các đội tàu lớn bắt được cá thì họ đem đi đâu, hay thả về... đại dương? Xin trả lời, ta vẫn ăn, miệng ta ăn loại cá mú hoa quả ướp gì, tẩm gì, ta đâu có biết. Hoa quả mang từ Trung Quốc về, bày trên bàn thờ 6 tháng vẫn... tươi nguyên. Họ ướp hóa chất gì ta biết cả, nhưng ai cũng tặc lưỡi, người ta ăn được, ta cứ ăn, người ta cũng đã... chết đâu!

Đôi lúc tôi thấy thương cái miệng, cái dạ dày và cơ thể của chúng ta, trong hiểm họa thực phẩm bẩn kia quá.

Có một chi tiết thế này, khi đi làm phim về Thủy sản Việt Nam, đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, tôi được mời vào tham quan ghi hình một cơ sở chế biến rồi xuất khẩu thủy sản sang nước ngoài. 

Ông giám đốc đã yêu cầu tôi lội qua nước vôi, tiệt trùng giày dép, mặc quần áo bảo hộ tiệt trùng trùm kín toàn thân. Ống kính máy quay cũng tẩy trùng. Đặc biệt, tóc của tôi cũng được bọc kín, với lý do: nhỡ anh đánh rơi một sợi tóc vào lô hàng này, là chúng tôi bị trả lại, bị phạt, thiệt hại cả triệu đô. Tôi tất nhiên là tôn trọng “gia chủ” và làm rất đúng quy trình. 

Tuy nhiên, ngay lúc đó, một nỗi xấu hổ dâng lên. Những đêm những ngày lăn lộn ở cực Nam Tổ quốc, tôi đã chứng kiến người ta đánh bắt cá, rồi tống nó vào ướp ủ, khênh cả nhiều tấn đi bán khắp nơi. Họ giẫm chân lên, họ ném ra đất, họ cho chúng tôi muốn làm gì với cá mú tôm cua thì làm thoải mái. Và cái mồm của người Việt Nam thật dễ tính trong việc... ăn. Còn khi đưa ra “làm xuất khẩu”, họ biết rõ, một sợi tóc có thể đáng giá triệu đô.

Từ bấy, tôi mang theo mình một nỗi xấu hổ: cái mồm của người Việt Nam bị chính người Việt Nam đối xử chưa công bằng, chưa có trách nhiệm như lẽ ra cần phải có. Và các loạt bài điều tra của chúng tôi đã cho thấy rõ điều này, những chuyện tôi nói còn nguyên trên các mặt báo, trên mạng internet. 

Thậm chí người ta đi bắt chuột cống ở nhà xác bệnh viện về làm đặc sản trên bàn tiệc, đôi khi chuột cống vào vai thú rừng, thỏ rôti, lợn sữa quay, nấu “nước hầm”. Tôi làm phóng sự, đăng bài, phát sóng, cơ quan chức năng vào cuộc ra quân “bắt bớ”.

Nhưng 10 năm sau quay lại tìm hiểu, tình trạng vẫn y như thế! Chúng tôi đi bắt chuột trắng đêm, vào tận hang ổ quay phim. Có khi người ta dùng mỡ thối làm tóp mỡ, làm mỡ nấu, làm bóng bì. Mà cả làng cũng làm, thứ xú uế vứt đi, kinh tởm đó, mấy chục năm nay mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy. 

Nhà báo vào đóng giả mua mỡ thối, họ vác dao dọa chém, cán bộ xã thì quanh co giấu diếm. Cơ quan chức năng nói là không bắt được thủ phạm, trong khi nhà báo vào cuộc lần nào cũng thấy mọi chuyện y nguyên cả khối ung nhọt. Kẻ “thủ ác” thì rất coi trời bằng vung. Quay phim chụp ảnh nét đanh, chuyện nào cũng rõ như ban ngày! 

Rồi mắm tôm đặc sản, mỗi tuần bán nhiều tấn từ Thanh Hóa về Hà Nội, họ dùng hóa chất, chất tạo màu, tạo mùi và làm mắm mau chín một cách vi phạm, độc hại. Mật ong nấu bằng đường và hóa chất. Thịt hun khói làm từ thịt lợn chết thối rã rục. Rau đặc sản, rau sạch truy xuất nguồn gốc nhưng lại mua ở chợ đầu mối hoặc bị cứ thế bịa ra các “nguồn gốc” giả cầy của rau rồi bán giá cắt cổ trong siêu thị danh tiếng. 

Có đến hàng trăm loại thực phẩm phổ biến, đắt đỏ, bị làm theo kiểu điêu trá kiểu trên. Có cả một chợ hóa chất như ở Kim Biên, Q5, TP HCM, với hàng trăm loại hương liệu, hóa chất chuyên phục vụ cánh làm hàng đểu. Cái gì cũng có, công khai bán, công khai đầu độc người tiêu dùng. 

Có thể, ai biết chuyện trên họ cũng sợ và cũng tự nhủ mình và gia đình mình sẽ tìm cách tránh các cái độc hại đó ra. Thế thôi, chứ họ không nghĩ lăn xả vào để chấm dứt các điều vô đạo, tàn độc đó cho cả xã hội.

Tôi vẫn thường phối hợp với nhiều tổ chức cá nhân khác để hợp sức điều tra, tố cáo, báo cáo rồi dẫn đường cho cơ quan quản lý bắt giữ, xử lý các sai phạm. Có người bảo tôi, làm vậy như muối bỏ biển, bắt cóc bỏ đĩa. Bởi cả biển trời vi phạm, trong khi các cuộc “vây ráp” trên rất hãn hữu, nhỏ lẻ, 10 năm nhà báo quay lại hóa ra “tệ nạn” cũ đã tái phát hơn 9 năm rồi. 

Tôi thì nghĩ khác, nếu ai cũng nhìn quá sâu vào những bất lực đó, thì ai sẽ là người thắp lên một que diêm hay truyền cảm hứng cho người khác cùng “chiến đấu” bảo vệ bà con mình? Chúng tôi làm, đã có tác dụng nâng cao và cảnh báo xã hội, đánh động cơ quan hữu trách, lay động lương tri của nhiều người chứ. 

Thực phẩm ở Việt Nam đã “sạch” hơn nhiều, bởi nhiều lẽ, nhiều góc độ. Thủ tướng Chính phủ đã cùng ăn cơm với công nhân khu công nghiệp. Lãnh đạo Trung ương mua giò, ăn phở ở trên phố như bà con để kiểm tra giám sát. Luật pháp và dư luận xã hội cũng đã xử nặng tội sản xuất kinh doanh thực phẩm hơn nhiều. 

Bây giờ, may thay! các vi phạm đã bớt dần hoặc họ rút vào hoạt động nhỏ lẻ hơn với một sự sợ hãi thật sự. Nhiều chương trình chuyên mục về VSATTP của chúng tôi thậm chí còn bỏ vì... thiếu đề tài. Tuyệt, đó là điều tôi mơ ước đã lâu.

Tôi nghĩ, lối ra cho vấn đề là cần kiểm soát chất lượng thực phẩm nghiêm khắc như khi ta xuất khẩu những thứ đó sang Mỹ, Nhật hay Châu  Âu vậy thôi. Xét nghiệm, lấy mẫu thường xuyên. Ngay cả khi công dân lương thiện cần lấy mẫu kiểm tra và tố cáo thực phẩm bẩn, nhà nước cần đài thọ toàn bộ kinh phí cho việc này. 

Mọi dung túng, bao che hay cố tình vi phạm cần được xử lý hình sự, phạt nặng gấp 100 lần hiện nay về tiền. Khởi tố, bắt giam, bỏ tù các đối tượng vi phạm. Luật cần theo kịp hoặc có ngoại lệ nghiêm khắc nhất cho hành vi trực tiếp hay gián tiếp “đầu độc người tiêu dùng”. 

Báo chí hiện nay đã bắt đầu quyết liệt đến mức: tố cáo đanh thép những cán bộ bao che, bảo kê cho các hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn. 

Tôi nghĩ, cả xã hội đồng thuận, tán thưởng với sự quyết liệt này. Nhà quản lý cần tạo hành lang cho “tai mắt nhân dân” và báo chí chung tay ngăn chặn bằng được “tệ nạn” thất nhân tâm trên. Nếu chúng ta lửng lơ, nửa vời trong câu chuyện nóng này, chắc chắn sẽ làm xói mòn niềm tin của bà con, làm suy giảm giống nòi Việt. Nếu ngẫm thật kỹ sẽ thấy, riêng với thực phẩm bẩn, dung túng là tự sát và tự sát tập thể, không có ai là ngoại lệ cả.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từng làm báo An ninh Thế giới, Công an Nhân dân, nay đang công tác tại Báo Lao Động. Anh cũng là người được biết đến như một cây viết điều tra, diễn giả trên nhiều kênh truyền hình rất có trách nhiệm xã hội. Anh dám xông thẳng vào các vấn đề nóng bỏng với các loạt bài có sức nặng tố cáo, đưa nhiều đối tượng từ “bục vinh quang” ra vành móng ngựa. Những năm gần đây, Đỗ Doãn Hoàng còn dành nhiều tâm huyết, đi đầu, chống lại nạn thực phẩm bẩn. Đỗ Doãn Hoàng từng viết: thực phẩm bẩn, tống hóa chất vào món ăn của chính đồng bào mình, ngoài các tai hại giết chóc như đã biết, nếu không khẩn cấp tạo ra một bàn tay sắt quản lý đích đáng, nó sẽ còn làm xói mòn lòng tin, làm suy giảm giống nòi Việt.


Đỗ Doãn Hoàng
.
.