Chúng ta còn bảo thủ đến bao giờ?

Thứ Ba, 12/12/2017, 10:59
Chúng ta bảo thủ nên nhất quyết không nhận sai mà còn trả lời quanh co dù vừa phát ngôn bất cẩn trên truyền hình hoặc có văn bản chỉ đạo sờ sờ trước đó.

Bác Trần Trọng Kim (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): Thưa tòa báo và các bạn đọc! Trong nhiều chuyển biến của xã hội hiện nay, tôi quan sát thấy được rằng chúng ta dường như khá là khó khăn trong việc thay đổi tư duy và thói quen cũ trong cuộc sống, đặc biệt là trong nhận thức. 

Thử nhìn xem chúng ta có bao nhiêu sự kiện để chứng minh cho điều đó, như là chuyện giáo dục của chúng ta năm nào cũng cải cách nhưng "không có cái gì mới" và rồi mọi thứ vẫn lại rơi vào tình trạng như cũ, là bệnh thành tích, học vẹt, chạy chọt, chương trình giáo dục lạc hậu. 

Hay chuyện năm nào tôi cũng nghe báo đài nói về sự phát triển, con người tiến bộ mà tôi vẫn thấy người nghèo ngày càng nghèo, con người thì thủ cựu, tư duy không thoát ra được lũy tre làng như kiểu học xong phải chạy vào biên chế nhà nước mới oai, sinh hoạt làng xã vẫn đậm chất theo tập quán tự nhiên, nhiều khi là hủ lậu, trình độ dân trí khá thấp mà lại rất khó để tương tác mà làm họ thay đổi cho kịp với sự vận động chung của thế giới. 

Vậy phải làm sao để có thể cải thiện tình trạng trì trệ như hiện tại, vì tôi và nhiều độc giả khác thực sự sốt ruột trước sự "bình chân như vại" của nhiều tầng lớp người trong xã hội ta.

Nhà báo Tôn Minh: Thưa độc giả. Câu hỏi của bạn đọc gửi về tòa soạn là câu hỏi rất khó để có thể trả lời cụ thể một cách rõ ràng và dứt khoát ngay được.

Nhưng thay vì bình luận theo góc độ triết nghiệm, tôi xin kể một câu chuyện mà tôi là một người trong cuộc.

Tôi xuất thân từ một vùng quê nghèo, vì nghèo nên ráng học hành miệt mài để tìm cơ hội cho mình khi trưởng thành. Tôi cũng tìm được công việc sau khi ra trường. Tuy công việc hơi vất vả vì môi trường để thực hành chưa có nhiều, nhưng vẫn cố gắng để làm tốt nhất trọng trách được giao phó từ ban lãnh đạo công ty. Khi làm việc với những người trong công ty, tôi gặp gỡ và tương tác với nhiều người từ nhiều vùng quê đến. 

Trong quá trình làm việc, giao lưu, do khác biệt nhiều về văn hóa vùng miền và do cả việc giáo dục được truyền thụ, nên hầu hết họ có suy nghĩ là "xin việc vào nhà nước làm cho ổn định", bố mẹ ở quê đang lo tìm chỗ quen biết để nhờ vả. Có người hỏi: thế cậu định làm gì nếu không vào biên chế? 

Minh họa: Lê Phương.

Tôi bảo: vậy nếu ai cũng có suy nghĩ như cậu thì khi nào mới có môi trường dân sự cho người ta làm việc? Thế là người ta lại lảng sang chuyện khác chứ không trả lời hay tranh luận lại câu hỏi của tôi vừa đặt ra.

Và tình trạng đó vẫn phổ biến trong quan niệm đa phần những người trong xã hội ta hiện nay. Ngay cả những tư tưởng như lấy vợ, lấy chồng gần nhà cho tiện, hôn nhân thì xem tuổi có hợp không, gia đình có môn đăng hộ đối không mà không xem xét tình yêu của họ có thực lòng và có mong muốn sống cùng nhau hay không. Hay chuyện cha mẹ lo cả đám cưới cho con, áp đặt cho những người trẻ suy nghĩ của bản thân và bắt buộc chúng phải theo. Những tư tưởng đó thực sự rất rõ nét mỗi khi tôi về quê nhà thăm cha mẹ. 

Ngay cả khi tôi sang chơi với làng xóm, họ cũng chỉ hỏi sao không vào nhà nước cho nhẹ nhàng. Khi nào lấy vợ? Tuổi cậu thì hợp với tuổi này, mệnh nọ, rồi cậu phải lấy được người như thế này chứ không lấy thế kia. Về quê bạn tôi chơi tôi cũng nhận được những câu hỏi và lời chia sẻ rất giống nhau như trên. 

Và có nói lại thì họ lại bảo tôi là cha ông các cụ bao đời như thế rồi, cái đó là tốt chứ có gì đáng phải phàn nàn. Rồi họ còn lôi cả chuyện cha mẹ mày cũng như vậy, như chúng tao, rồi thầy cô giáo cũng dạy thế. Đó là những truyền thống, luân lý, văn hóa lâu đời nên cứ thế mà theo. 

Rồi mỗi khi tôi nói về khoa học, về thế giới phát triển thế nào thì nhận được cái tặc lưỡi: Ôi dào, đất nước mình được như hôm nay là tốt lắm rồi, thời xưa không có cháo mà ăn. Mà ta đánh đuổi cường quốc mạnh nhất thế giới, thế giới phải nể ta chứ sao ta phải ngại chúng nó. Cứ như thế mà họ rao giảng cho tôi nghe.

Đó chính là cái bảo thủ (cố hữu) trong tư tưởng được duy trì và ảnh hưởng qua nhiều thế hệ, không chỉ tôi vẫn thấy, mà rất nhiều người trong chúng ta thấy hàng ngày trong cuộc sống với những con người rất gần gũi quanh ta.

Tôi thường chia sẻ bằng cách đưa ra những câu hỏi, hoặc những vấn đề mở để tranh luận, nhưng thường nhận được sự thờ ơ của những người xung quanh, hoặc họ dùng những nếp hành xử, tri thức, thói quen cũ của cộng đồng, của quá khứ để đem vào áp đặt lên và phá vỡ cuộc tranh luận đó. 

Họ không muốn tiếp nhận cái mới, còn muốn phủ nhận nó, thường tôn cái cũ kỹ lên, muốn được ổn định mà không muốn thay đổi. Những điều này là đặc trưng của tính bảo thủ tư tưởng, của nhận thức, và chính những người này lại không nhận ra rằng mình đang là một người thủ cựu.

Chính bạn, độc giả gửi câu hỏi cho tòa soạn, có khi nào áp đặt lên con cái những mong muốn của chính mình chưa? Có khi nào lại cho rằng đặt ra nguyên tắc sống là cùng một nội hàm với áp đặt tư tưởng không? Ví dụ, bạn không muốn con học hội họa mà phải theo ngành sư phạm vì truyền thống gia đình, hoặc vì "sự cao quý của nghề giáo", trong khi con bạn thực sự muốn được phát huy tài năng của mình? 

Hay bạn có khi nào bảo con rằng con cần phải "ngoan", cãi cha mẹ là hư, không nghe thầy cô là hỏng chưa? Có khi nào bạn nói với con là thế hệ cha ông đã như thế nên chúng ta cần như thế chưa?

Tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta đều có những sự bảo thủ và mắc phải lúc nào đó trong cuộc sống. Nhưng đến mức áp đặt lên người khác, không chịu nhìn nhận khách quan, e ngại thay đổi, không muốn nhìn nhận những bất hợp lý hay sai lầm, đó lại là câu chuyện của việc cố thủ trong tư tưởng và nhận thức, nó là cấp độ cao nhất của bảo thủ, dẫn đến con người ta không còn biết đúng sai, phải trái nữa. Và như thế chúng ta bị đóng khung, bị đơn độc, bị bỏ lại trong tiến trình phát triển tri thức của nhân loại.

Chúng ta nhìn vào cuộc sống xem những nếp sinh hoạt cổ hủ như việc ma chay thì kèn trống ầm ĩ, cỗ bàn rượu chè rõ lớn và kéo dài nhiều ngày; việc ăn mặc hở chút cũng coi là thô tục, không tôn trọng nét đẹp truyền thống; việc thầy cô, cha mẹ thì phải giỏi hơn con cái, thường luôn đúng mà không cho tranh luận; việc không muốn dùng đến pháp luật để hành xử trong đời thường; chỉ thích việc nhẹ, lương cao, thích vào nhà nước cho ổn định, thích được nịnh bợ tâng bốc, không muốn dấn thân và chối bỏ trách nhiệm khi hậu quả xảy đến… 

Những thứ đó là do chính cái thói bảo thủ tạo nên, vì bảo thủ thì thường e ngại cái mới lại rất sợ sai, và sợ sai thì thường chối bay chối biến những gì mình làm để cốt sao cho mình trở nên đúng (mà giữ nguyên cái cũ) hoặc chí ít là vô can để yên phận. Về quê thì lễ nghĩa đủ thứ, đôi khi phép vua thua lệ làng, quy định dòng họ còn cao hơn cả luật pháp. Đó là những chuyện không hề đơn lẻ mà khá là phổ biến trong xã hội hiện nay.

Chúng ta bảo thủ nên nhất quyết không nhận sai mà còn trả lời quanh co dù vừa phát ngôn bất cẩn trên truyền hình hoặc có văn bản chỉ đạo sờ sờ trước đó.

Chúng ta bảo thủ nên không cho ai nói trái ý dù đó có là sự thật hoặc đúng đắn. Vậy nên nhất định phải phạt cho bằng được cấp dưới có lời nhận xét "không hay" về mình.

Chúng ta bảo thủ nên không nghe ai góp ý, dù là chân thành, mà phải phản bác chúng đến cùng, rồi tìm lý do để nói "nó không phù hợp với chúng ta" hoặc "nó không thích hợp trong thời điểm hay hoàn cảnh này".

Vì vậy, để chúng ta trở nên cởi mở, có thể tiếp thu và học hỏi được những cái hay, cái đẹp và những giá trị văn minh của nhân loại, chúng ta cần phải tự mình thay đổi bằng việc không được đóng khung tư tưởng của chính mình, không được áp đặt tư tưởng của mình lên người khác, không được bài bác quan điểm của người không cùng chính kiến. Chỉ có như vậy chúng ta mới cải biến được con người, xã hội và đất nước theo hướng tốt đẹp hơn lên.

Tôn Minh
.
.