Rừng sẽ không bỏ đi, nếu chúng ta thật sự muốn giữ

Thứ Tư, 28/02/2018, 18:53
Đã đến lúc không thể để cán bộ biến chất làm lâm tặc, tiếp tay cho kẻ hạ sát rừng, "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi" rồi… hòa cả làng.

Các độc giả Minh Khanh (Quốc Oai, Hà Nội), Vũ Tuấn (Q5, TP HCM) và bác Trần Văn Tâm (P. Đồng Tâm, TP Yên Bái): "Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, là một người yêu rừng và nhiều năm hết lòng với cuộc chiến bảo vệ rừng ở Việt Nam, anh nghĩ như thế nào về bản chất của việc giữ rừng ở nước ta hiện nay? 

Làm thế nào để các giá trị quý báu đó tiếp tục che chở cuộc sống của hơn 90 triệu đồng bào? Biện pháp nào để tiêu diệt lợi ích nhóm và các cách hành xử gian dối đang đè nặng lên số phận thiên nhiên Việt Nam?".

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thú thật, sau mỗi tác phẩm của tôi, nếu không có độc giả, khán thính giả động viên, đồng thời nỗ lực để lan tỏa các ý tưởng, tâm huyết nhằm bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, thì chắc chắn tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Bởi thật ra, với cung cách quản lý hiện nay, thì rừng không mất mới là chuyện lạ!

Những cây nghiến nghìn năm tuổi, những bậc cổ thụ vĩ đại đường kính đến 3m bị xẻ thịt, những cánh rừng như báu vật của trời đất ban tặng xứ sở Con Lạc Cháu Rồng bị xóa sổ. Tôi biết, không một ai chứng kiến mà không công phẫn. 

Phá rừng gỗ nghiến ở Bắc Kạn

Nhưng thử hỏi, mấy ai quyết liệt lên tiếng, rồi bằng mọi giá phải đòi lại công bằng cho các cánh rừng vô giá? Dân thôn biết, cán bộ cơ sở, nhất là kiểm lâm, họ biết cả. Vậy thì, bởi tại làm sao, bằng cách này hay cách khác họ vẫn cứ "mặc kệ?”. 

Đôi khi họ cứ nói là "chúng tôi đã nỗ lực và đang bất lực", nói vậy, nói mãi như vậy thì cũng có nghĩa là họ luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm và thật ra là họ đang "mặc kệ". Xin độc giả ngẫm lại, có một sự thật thế này: hầu hết các vụ phá rừng lớn nhất, dân đều báo tin cho… nhà báo hoặc quan chức cấp trung ương, chứ tuyệt nhiên cán bộ thôn, xã, huyện, tỉnh không được "thông tin" - vì sao như vậy?

Là bởi vì quá nhiều người dân mất niềm tin vào tấm lòng của cán bộ cơ sở với rừng. Theo quy định, khi một cánh rừng bị tàn phá, cán bộ xã phải chịu trách nhiệm trước huyện, huyện chịu trách nhiệm trước tỉnh, tỉnh chịu trách nhiệm trước Trung ương. Dại gì mà cán bộ lại "thông tin" về việc mất rừng để "vạch áo cho người xem lưng".

Đã đến lúc chúng ta cần rành mạch điều tra: đâu là bất lực, đâu là mặc kệ. Khi anh chủ tịch xã, anh chủ tịch huyện thật sự chỉ đạo lực lượng hữu trách bảo vệ rừng, mà rừng vẫn bị lũ tinh ranh quái quỷ nó phá, thì không nên đổ vấy trách nhiệm cho người cán bộ cơ sở tử tế được. Mà phải tăng cường nhân vật lực hoặc cơ chế các thứ cho việc bảo vệ rừng hiệu quả hơn. 

Mặt khác, cũng cần minh bạch vạch mặt sự tiếp tay của kẻ thoái hóa cho lâm tặc để có lại được niềm tin từ nhân dân. Đã đến lúc không thể để cán bộ biến chất làm lâm tặc, tiếp tay cho kẻ hạ sát rừng, "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi" rồi… hòa cả làng.

Hơn 20 năm qua, tôi vẫn thường đi máy bay trên bầu trời Tây Bắc, lái xe xuyên các địa bàn "mỗi gốc cây mỗi huyền thoại", đi bộ xuyên rừng để cảm nhận. Thì rừng mất đi từng ngày. Tây Bắc, nơi thiên nhiên giàu có nhất Việt Nam, giờ ngồi trên máy bay nhìn xuống, núi bị trơ trụi như cái cằm của người đàn ông vừa cạo nhẵn râu xong. 

Có chỗ ý tứ hơn, như khu được đặt tên là "Rừng Già" rất hoành tráng giữa Hòa Bình và Sơn La (ven QL6) thì họ phá rỗng khu bảo tồn, chỉ để lại ít rừng "mặt đường" làm cảnh vẻ, cho đỡ bị dư luận chỉ trích thôi. Những rừng nghiến nghìn năm tuổi trải khắp các triền núi đá huyền thoại ở tuyến ngược núi Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, rồi miền thượng du Tuyên Quang, Hà Giang, giờ bị phá trơ trụi. 

Những cây gỗ đường kính 3m ở Yên Bái bị xẻ thịt. Hạ một cây nghiến ở Na Hang, lâm tặc có thể thu về hàng trăm triệu đồng khi bán ra chợ đen. Người ta nghĩ ra đủ mọi trò đến mức quái đản để phá rừng. Xin chỉ kể những trò mà tôi đã viết in trên báo, đã đủ sợ.

Ở Điện Biên, doanh nghiệp lấy lý do mở đường giúp dân, rồi "dọn dẹp" cây cổ thụ, cho lên xe đại xa… về xuôi. Ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, lâm tặc được sự bảo kê của "ai đó", đẵn hết cả những cây nghiến khổng lồ nhiều thế kỷ tuổi, ở ngay cái nơi mà từ chỗ nghiến cụ bị tàn sát nhìn xuống UBND xã Sơn Phú rõ mồn một. Tiếng cưa máy như ong bò vẽ vỡ tổ rền rĩ đêm ngày. 

Lũ quét ở Văn Chấn, Yên Bái.

Ông Nông Văn Lý (nguyên Chủ tịch UBND xã) phải lên tận trung ương, đi tìm các nhà báo Hà Nội để tố cáo. Bởi, trước đó, mọi lời tố cáo của ông và dân thôn đã trở nên bất lực trước sự "bảo kê" của cán bộ cơ sở với lâm tặc. 

Sau này, vì "mải mê" tố cáo, ông Lý bị cách chức oan uổng. Cây ngay không sợ chết đứng, cả nước bảo vệ ông Lý, giờ đây, với hơn 30 năm tuổi Đảng, ông Lý vẫn được dân bầu làm lãnh đạo thôn bản và tiếp tục đi tìm sự minh bạch cho các cánh rừng.

Có bao nhiêu người dám làm như ông Nông Văn Lý? Khi chúng tôi vào rừng, các thủ đoạn đi chiếm các cây nghiến nghìn năm tuổi, kỳ quan kiêu hãnh của núi đá Việt Nam còn kinh hoàng hơn. 

Lâm tặc như chuột chũi chui lủi trong rừng, thỉnh thoảng lại ăn trộm một cây cổ thụ. Chúng dùng cưa máy có hệ thống giảm thanh, như súng giảm thanh trong phim hành động. Chúng cưa vài phút ngã một cây gỗ đường kính gần 2m, cứng như sắt thép, nhưng không gây ra tiếng động nào đáng kể. Chúng cắm hệ thống "ống xả" của cưa máy vào… nước suối. 

Khi cưa, chỉ ùng ục tiếng giãy chết của rừng già. Chúng đẵn gỗ, bỏ lại trong rừng, bao giờ cây rêu mốc, ải mục vỏ (nhưng lõi nghiến hoặc pơ mu thì càng dầm dãi càng tốt) rồi mới lên khiêng dần về. Cán bộ tóm được thì bảo: ta đi thu lượm cây ngã đổ, gió bão nó phá rừng mà. 

Nhiều khi, lâm tặc còn phá rừng, đem hết gỗ đi, rồi đốt gốc cây phi tang. Cán bộ đi kiểm đếm cũng chả biết rừng quý đã từng… hiện diện trên rông núi ấy.

Ở Yên Bái, rừng pơ mu trên dãy Hoàng Liên Sơn, nóc nhà của Việt Nam bị đốn hạ suốt nửa thế kỷ qua, chưa một ngày ngưng nghỉ. Có lẽ chỉ khi nào hết sạch rừng thì lâm tặc mới bỏ cuộc. Họ làm ổ trong núi, đốt lửa nghi ngút, hút thuốc phiện và đâm chém, mại dâm trong rừng. 

Cách đây chưa lâu, người ta xẻ thịt, vác gỗ pơ mu ra chợ gỗ lậu giữa rừng già, bán mua tưng bừng. Mỗi khi bão lũ, cả cánh đồng, rông núi, cả thung lũng vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ ken dày, phủ kín toàn gỗ quý. Bao gian dối bị lấp liếm bỗng… cháy nhà mới ra mặt chuột. Rừng trả lại cho loài người bạc bẽo những thân gỗ "máu xương" mà loài người đã chọc tiết và băm chặt. Nhiều người chết thảm, khi những cây gỗ lớn trôi trong bụng dòng nước, tạo ra sức mạnh kinh thiên, giúp thiên nhiên trả vố con người. 

Bây giờ, ở Văn Chấn, người ta có khi cấp phép cho chủ doanh nghiệp (là quan chức địa phương) cả trăm héc-ta rừng để nuôi cá tầm. Có thiên nhiên "giàu có" để cá nó trong lành sinh trưởng. Rồi họ phá chính cái rừng đó, mặc sức phá. Có khi một gã người Mông dựng giàn giáo đẵn cây gỗ phay về làm nhà. Kiểm lâm bắt anh ta đi tù. Số gỗ còn lại được huyện Văn Yên thanh lý. 

Một doanh nghiệp "có máu mặt" mua gỗ thanh lý, có hóa đơn, có giấy phép mang gỗ ra khỏi rừng. Rồi họ phù phép, lấy "lệnh bài" là giấy phép vận chuyển hơn chục mét khối gỗ ra khỏi rừng kia làm bình phong: họ liên tiếp phá rừng, vận chuyển rất rất nhiều gỗ quý ra khỏi rừng. 

Hình ảnh những cây gỗ đường kính tới 3m, giá chợ đen hơn 200 triệu đồng bị tàn sát, có lẽ còn ám ảnh nhiều người suốt nhiều năm nữa. Khi chúng tôi tố cáo, một loạt các cán bộ kiểm lâm "tay trong" cho thủ đoạn vô cùng tinh vi này đã bị xử lý nghiêm khắc.

Như trên đã nói, bản chất câu chuyện nằm ở chỗ: người ta đã giả vờ giữ rừng. Hoặc người ta đã không minh bạch, thậm chí dối trá, lợi ích nhóm trong các bi kịch của Mẹ Rừng. Chúng ta đã đưa ra vành móng ngựa cán bộ biên phòng tổ chức phá rừng tinh vi, nhiều kiểm lâm nhắn tin cho lâm tặc trước khi "ra quân bắt giặc rừng" đã bị vạch mặt. 

Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Làm thế nào để các khẩu hiệu, "Rừng là Vàng", "Phá rừng như thể phá nhà/ đốt rừng như thể đốt da thịt mình"… đều được người ta thực tâm nâng niu và hết lòng hành động? Chúng ta cần lan tỏa tình yêu thương thiên nhiên cây cỏ, nó là tiền đề quan trọng cho một xã hội nhân ái. Chúng ta cần bàn tay thép chống lại lâm tặc và các thế lực tiếp tay cho lâm tặc. 

Ví dụ, vừa rồi, khi Thủ tướng Chính phủ "hạ lệnh" giữ lá phổi xanh Tây Nguyên quyết liệt, Bộ Công an vào rừng bắt lâm tặc, vèo cái, rờ đâu là tóm được cả lũ lĩ. 

Trước đó, bao năm ròng, rừng Tây Nguyên bị tận diệt, cơ quan chức năng cứ ậm ờ báo cáo nỗ lực rồi mà bất lực. Chúng nó tinh vi lắm. Trong khi nhà báo lội rừng lần nào là sự thật lồ lộ bày ra tới đó. 

Thực chất đó rất nhiều khi là câu chuyện của trò "ngậm miệng ăn tiền". Rừng có một vài cửa, có barie, sao xe gỗ ùn ùn đi ra mà cán bộ đứng gác nói là không thấy? Chừng nào chúng ta còn dùng những lý luận chỉ đủ lừa trẻ lên ba kia để trả lời công luận, để làm chiếu lệ lấp liếm kiểu đổ gáo nước lạnh vào sự tử tế của những người yêu thương và tri ân rừng, thì rừng còn bị phá, phá cho đến lúc không còn gì bị phá thì thôi.

Người ta bảo, trong tất cả các loài sinh ra và lớn lên từ "tay nôi" Mẹ Rừng, chỉ có con người là quay lại tàn sát rừng một cách thủ đoạn và tàn độc đến vậy. Kể cả hổ dữ và rắn độc nó cũng không làm thế. Chỉ cần thấm thía điều này, chúng ta sẽ bảo vệ được rừng. Dễ lắm, chỉ cần bạn thật sự muốn giữ rừng, bạn đừng dối trá, thì rừng sẽ ở lại.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.