Hiệp sĩ đường phố và những nghịch lý
- Cần lan tỏa tinh thần hiệp sĩ
- Mô hình “hiệp sĩ đường phố”: Cần một cơ chế pháp lý rõ ràng
- Nhiều tấm lòng hảo tâm hướng đến các “hiệp sĩ” và thân nhân
Bác Trần Công Thành (Gò Vấp, TP HCM), Anh Võ Quốc Tuấn, Chị Hồ Thu Hiền (Hà Nội) cùng một số bạn đọc: Thưa nhà báo, sự việc thương tâm vừa xảy ra khiến hai hiệp sỹ đường phố tử vong và ba người khác bị thương đã dấy lên một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là nhà nước cần có trách nhiệm như thế nào trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng này cũng như làm sao để có thể ngăn chặn tình trạng tội phạm đang ngày càng manh động trong xã hội như vậy.
Và tôi cũng thắc mắc là liệu có nên ủng hộ mô hình hiệp sỹ đường phố hay không và cần phải đảm bảo như thế nào nếu coi đó là một cách thức hỗ trợ cho các lực lượng chức năng?
Hiệp sỹ đường phố Trần Văn Hoàng điều trị tại bệnh viện. |
Nhà báo Khải Kỳ: Kính thưa bạn đọc và dư luận quan tâm đến tình hình không chỉ sự việc đáng tiếc vừa xảy ra mà còn đối với cả tình trạng về tội phạm cũng như việc giải quyết các nhu cầu thực tế đối với việc giữ gìn trật tự an ninh bằng các nhóm hiệp sỹ đường phố.
Một vấn đề mà cần phải được chúng ta bàn thảo và nhìn nhận hết sức thẳng thắn vào là xã hội không thể ủng hộ việc nhân rộng mô hình hiệp sỹ đường phố (tự phát và tự xưng) như hiện nay vì rất nhiều lẽ. Cụ thể là những cơ sở sau.
Đó là: Không ai được làm thay Nhà nước.
Chúng ta vẫn thường nghe thấy khẩu hiệu, công an là thanh gươm bảo vệ chế độ và lá chắn bảo vệ nhân dân. Vậy mà bây giờ chúng ta lại thấy cơ quan nhà nước đang muốn "mặc áo giáp cho các hiệp sỹ".
Nhưng chúng ta cần nhớ một điều rằng, Nhà nước được thiết lập nên là để thực hiện việc đảm bảo an ninh cho nhân dân, và theo đó lực lượng chuyên trách là công an phải đảm đương bổn phận đó trước nhân dân của mình.
Nếu lập ra các nhóm, hội, đoàn để săn bắt cướp hoặc bắt giữ tội phạm là đang làm cho xã hội bị lẫn lộn các chức năng mà đã được phân định theo pháp luật cũng như dựa trên tính chất, mục đích của từng thiết chế mà nhờ vào đó nó được hình thành và hoạt động.
Việc hiệp sỹ đường phố xuất hiện đã khiến chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi đối với trình độ và sự hoàn thành công vụ của lực lượng công quyền, thì không thể nào chúng ta có thể ủng hộ việc lập nên các nhóm, hội tự xưng như vậy tồn tại.
Nó xuất phát từ chế định trong Bộ luật Tố tụng hình sự về việc "bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ người phạm tội quả tang", nhưng không đồng nghĩa từ đó sẽ mọc lên một nhóm, hội nào đó để thực hiện chức năng theo dõi và truy bắt tội phạm, vì nó dẫn tới sự vi phạm về quyền riêng tư của công dân, xâm phạm vào chức năng điều tra và nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
Và người dân thì không thể nào tìm đến họ để thông báo về một vụ việc có dấu hiệu của tội phạm vì những con người dân sự này không có thẩm trách để tiếp nhận những thông tin hoặc sự tố giác đó, ngoại trừ anh ta trực tiếp chứng kiến tình huống phạm tội xảy ra trước mắt mình.
Chúng ta và ngay cả chính quyền cần cổ vũ và khuyến khích cho các hành động ngăn chặn tội phạm hoặc là hợp tác trong việc phòng, chống các hành vi phạm tội đối với người dân, nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc sẽ ủng hộ cho việc lập nên các nhóm, hội ngăn chặn tội phạm kiểu như "hiệp sỹ đường phố" một cách có tổ chức và trở thành một thiết chế tương trợ như vậy.
Bởi ba lý do: mỗi người dân không thể trở thành một cơ quan điều tra và rồi dẫn tới cả tình trạng những hiệp sỹ này sẽ tự ngộ nhận cho mình nhiều quyền hành trước dân chúng trong xã hội hơn; và nhà nước thì sẽ dần rời xa nhiệm vụ cũng như chức trách của mình; cuối cùng là dẫn tới sự hỗn loạn trong việc phân định ranh giới và bổn vụ mà mỗi người, mỗi thành phần đã được phân công rõ ràng theo luật định.
Hệ quả mà nó dẫn tới là, nếu có xảy ra hậu quả đối với những "hiệp sỹ đường phố" theo cái cách nằm ngoài luật pháp thì bản thân họ trở thành người phạm tội hoặc lãnh chịu các tổn hại trước pháp luật chứ không có gì để bảo vệ họ vì địa vị pháp lý của họ chỉ là một con người dân sự thông thường.
Ảnh trong bài: L.G. |
Chúng ta hiện nay đã có các lực lượng bán chuyên trách như công an xã, dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ hoặc các lực lượng xã hội như các hội tự quản ở các địa phương, nên việc có thêm mô hình hiệp sỹ đường phố sẽ gây ra những sự chồng chéo cũng như sẽ tạo ra tình trạng phức tạp trong hoạt động, việc giẫm chân nhau hay sẽ có những sự "tranh giành" công trạng, rồi chỉ tiêu hay các kế hoạch.
Như vậy cũng khiến cho nhân dân khó lòng có thể an tâm về các lực lượng này trên thực tế.
Mặc dù chúng ta có Phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và trách nhiệm bảo vệ pháp luật đối với mỗi công dân là như nhau, nhưng việc ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm là chức năng cao nhất của lực lượng công an chuyên nghiệp và có quyền lực, công cụ, biện pháp để trấn áp, xử lý mọi trường hợp và diễn biến xảy ra khi đối mặt theo quy định của pháp luật.
Còn lực lượng hiệp sỹ đường phố thì không được trang bị công cụ, phương tiện bảo hộ hoặc cũng không được hành động quá mức phòng vệ trong giới hạn mà luật pháp cho phép.
Nên để công nhận hay nhân rộng mô hình tự phát có tính dân sự này là một vấn đề phức tạp và sẽ kéo theo trách nhiệm pháp lý liên quan đến tài sản cũng như sức khoẻ và tính mạng của những con người dân sự thông thường này.
Như vậy, rõ ràng là vấn đề an ninh trật tự một lần nữa sẽ phải đặt ra đối với tình trạng an ninh xuất phát từ chính các lực lượng, nhóm, hội tự phát được lập ra này khi lực lượng chuyên trách là công an lại phải "để mắt" và trông chừng trong việc hoạt động của nó và từ đó lại dẫn tới tình trạng thêm việc của công an là phòng, chống tội phạm cũng như đảm bảo trật tự an toàn của xã hội.
Mà thêm sự quản lý đối với các lực lượng này vì phải có cơ chế kiểm soát, phối hợp và hợp tác, huy động lại phát sinh thêm việc phải có nhân sự, ban bệ để thực hiện điều đó, và kéo theo tăng thêm biên chế, tăng thêm ngân sách để thực thi. Vô hình trung lực lượng này sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội không chỉ về hoạt động mà cả chi phí duy trì trên thực tế.
Vì vậy, cần phải xem xét lại ý kiến đề nghị nhân rộng hoặc là ủng hộ mô hình "hiệp sỹ đường phố".