Đại phẫu thì đau đớn nhưng ung nhọt sẽ bớt dần và hết hẳn

Thứ Năm, 10/05/2018, 21:28
Hiện trạng đang phản ánh cả hai khía cạnh: sự thật đáng buồn là nó đã như thế nhiều năm, và cái sự đáng mừng le lói xuất hiện là: cả xã hội đã vào cuộc quyết liệt để đại phẫu. Đại phẫu thì đau đớn, nhưng ung nhọt sẽ bớt dần và hết hẳn. 

Thưa nhà báo, liên tiếp những ngày qua cứ mở tivi, trang báo hoặc trang mạng xã hội ra, chúng tôi bị phủ ngập những tin sốc: các vụ bắt giữ lớn, các đường dây lừa đảo kinh hoàng với những người tưởng như "đức cao vọng trọng" bị lộ sáng. 

Rồi lừa đảo trong cả môi trường giáo dục khi tin về Trường Newton có dấu hiệu được "bảo kê" với chiêu liên kết với một trường "ma" bên Mỹ để lừa đảo bao học sinh và phụ huynh trên hàng chục tỉnh thành. 

Trong Y tế và trong an toàn thực phẩm cũng vậy, hết thuốc chữa ung thư làm bằng bột than tre được vinh danh "10 thương hiệu TOP đầu Việt Nam năm 2017" và ồ ạt bán ra để hành hạ thị trường; lại đến nhiều tấn cà phê bị nhuộm đen bởi lõi chì độc hại của các quả pin vừa bị Công an tỉnh Đăk Nông bắt giữ... 

Tại sao người Việt mình bây giờ lại tàn ác với nhau đến thế? Đâu là câu chuyện cốt lõi của vấn đề đang làm mất niềm tin vào cuộc sống trong một bộ phận không nhỏ người dân này? Muốn trở lại cái thời thực phẩm lành lẽ và "người với người sống để yêu nhau", thì ta phải làm gì? 

(Câu hỏi của các độc giả: Phan Bình Thanh, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và bác Minh Phương ở Lào Cai, cùng ông Nguyễn Chiêu ở thành phố Sơn La).

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng:

Phần chìm của tảng băng

Trước hết, phải nói rằng, không ai là không choáng váng, khi mà hằng  ngày tràn ngập thông tin sốc về những vụ lừa đảo; những thứ giả bây giờ như tràn ngập khắp nơi trong mọi lĩnh vực, cả Giáo dục, Y tế, hay vấn đề an toàn thực phẩm là điều trực tiếp liên quan đến tinh thần, sức khỏe, sinh mạng người dân. 

Ở thủ phủ lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam (tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk mới chỉ được tách đôi cách đây hơn chục năm), cảnh sát môi trường đột nhập và bắt quả tang việc đập dập lõi pin bằng chì đen kịt ra để nhuộm cà phê phế phẩm, đem đi đầu độc đông đảo người tiêu dùng. Cùng lúc, ở miền Bắc, lại tá hỏa với việc làm thuốc chống ung thư Vinaca từ than tre, bán khắp nơi rồi, giờ mới phanh phui nó là hàng “đểu”. 

Cú lừa thế kỷ này được chắp cánh bởi các giải thưởng mua bằng tiền, họ thớ lợ xếp thuốc của Vinaca vào TOP 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam (TOP 10) của năm 2017, do chính Viện Công nghệ chống hàng giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam) cấp. Thật kỳ lạ và trớ trêu.

Nhưng đó không chỉ là chuyện hy hữu, hay là cái tai nạn đột xuất để người ta bêu riếu hay cay nghiệt gì. Điều đau đớn nhất, là chúng ta đã để những thói đen bạc quá lớn, những kẽ hở chết người kiểu đó, để rồi người từng trải sẽ không bao giờ thấy bất ngờ bởi cà phê nhuộm đen bằng lõi pin hay Viện chuyên chống hàng giả lại cấp bằng vinh danh cho thuốc rởm hơn mọi thứ rởm rít. 

Theo một số nhà báo có kinh nghiệm ở Tây Nguyên, chẳng qua bây giờ cảnh sát môi trường lập công bắt tận tay day tận trán cơ sở làm cà phê rởm của bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'Lấp thì sự việc mới sốt đùng đùng. 

Chứ các nhà báo tiến hành điều tra các chuyện này từ lâu (mà không chỉ riêng cà phê bị "nhuộm đen” kiểu này đâu nhé!) chỉ ngặt vì họ tinh vi kín cổng cao tường quá chưa "vạch mặt" nổi. 

Kẻ thủ ác và cơ quan điều tra đều thừa nhận, các đối tượng còn mở rộng nhà xưởng, ăn nên làm ra, kiếm ối tiền bằng trò trời không dung đất không tha này đã 10 năm rồi.

Vậy là các trò của quỷ sứ này hoàn toàn có thể đầu độc số người uống cà phê trong và ngoài nước với lưu lượng 3 tấn như khi bị bắt quả tang. Nếu nhân với 365 ngày của năm, nhân với 10 năm thì sao? 

Và chắc chắn không chỉ mình "mụ" Loan 43 tuổi, phốp pháp, mặc áo hở hai "gò bồng đảo", son phấn, sơn móng tay não nùng khi làm việc với công an và nhà báo kia "xuống tay" với đồng bào mình. Ý tôi muốn nói rằng, cái đáng sốc hơn là quy trình để cái ác tồn tại. 

Tương tự, chúng ta đã tố cáo: mắm tôm nhuộm hóa chất kịch độc, đũa tre ủ những thứ mà mút vào là bệnh tật kinh hoàng, chè mà bạn uống hàng ngày được nhuộm bằng than đá cho lên màu "shan tuyết" óng ánh, quết thêm mì chính và làm cho xanh nước với ve quét tường. Rau quả nhuộm chất kích phọt, thuốc trừ sâu Trung Quốc. Bánh phở, bún miến ướp phoóc môn, chất tạo màu công nghiệp. 

Mà chẳng đâu xa, chính tôi (Đỗ Doãn Hoàng) từng viết các loạt bài về "Phiên chợ của quỷ", cũng là chuyện cà phê làm bằng hóa chất. Chỉ một trăm nghìn, vào chợ Kim Biên, bạn có thể mua cả vài lít hóa chất đen kịt, nhỏ vài giọt vào đống bắp (ngô) rang cháy, thế là thành cà phê pha phin. 

Mùi của nó giống cà phê hơn cả cà phê, hương của nó thơm hơn mọi thứ hương trên đời. Và tiểu thương ồ ạt mua về mở quán, xập xình, điều hòa mát rượi, nam thanh nữ tú nhâm nhi cho đến khi... phát bệnh ung thư.

Ý tôi là: cần thấy cả tảng băng chìm. Nếu chúng ta chỉ sốc với "sự kiện" bắt cà phê nhuộm đen bằng chì trong lõi pin đập dập ở Đăk Nông hôm nay, thì dường như ta đã quên đi mất nỗi đau to lớn và cay xót hơn nhiều. 

Ấy là cả một hệ thống, cả một quá trình tính bằng thập niên, người Việt tự đầu độc chính bà con mình. Thật ra họ đầu độc chính họ và thân nhân ruột rà của họ nữa. Họ sấp mặt vì tiền, họ bán linh hồn cho quỷ.

Các cụ có câu: thương yêu nhau còn chưa đủ, sao tàn ác thế? Nếu nhà nước ta có một cơ chế xử phạt, trừng trị đúng tầm, giáo dục đầy đủ cho những loại người trồng rau trồng chè cứ là hai loại để nhà ăn và để bán, làm cà phê mình uống và số còn lại hàng trăm tấn mỗi năm thì nhuộm cái gì cũng được, uống vào giãy chết ngay cũng được, cốt sao vét cho đầy túi tham. 

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng chục tấn cà phê bẩn trộn với lõi pin chuẩn bị xuất ra thị trường.

Cần một cơ chế tẩy chay loại người đó, vì nếu phạt như phủi bụi để họ tiếp tục hành nghề đó hoặc nghề khác, thì sự độc ác của họ lại lây lan như khí độc, như siêu vi rút chết người. Tử hình họ thì không được rồi. Ta có thể bêu tên, bêu mặt để cộng đồng tránh xa. 

Có thể phạt nặng đến mức thu hết nhà xưởng, nhà cửa, tài sản, để làm gương cho kẻ khác. Tôi có nghe nói ở nước ngoài, ví dụ một doanh nhân mở các cửa hàng bán bún bò, cần cược đủ số tiền vài chục nghìn đô la cho Chính phủ, những vi phạm về an toàn thực phẩm do anh cố tình đầu độc đồng loại, anh sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản đó, đồng thời bị bắt giam với án phạt là tội ác chống lại loài người. 

Dĩ nhiên, với những chuỗi cửa hàng mà họ mua hàng hóa có nguồn gốc, họ vô tình bị đối tác lừa mua dính hàng rởm rồi gây hậu quả, thì cần phân minh cái nào là "tình ngay lý gian", cái nào là cố tình đầu độc đồng loại. 

Ví dụ đối tượng tên Loan làm cà phê nhuộm bằng pin Con Ó kia, cô ta và đồng bọn làm trò này đã 10 năm, chúng biết rõ sự độc hại và sự dị mọ của chúng. Chúng cũng không đói khổ gì nếu không làm bậy bạ kiểu đó. Rõ ràng là hành vi cố tình gây thảm họa, mà gây suốt 10 năm ròng rồi. 

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân: thử hỏi đủ các loại cơ quan kiểm tra, xử lý, giám sát, xét nghiệm ở đất nước này, các vị đứng ở đâu, khi mà đồ ăn thức uống, thuốc thang, đồ dùng hằng ngày, cái gì cũng có thể gây độc hại hãi hùng, vậy mà chúng vẫn được tuồn trót lọt ra thị trường? 

Tại sao chỉ một con cá hay một quả vải Việt Nam xuất sang nước ngoài, có tồn dư kháng sinh hay bảo quản không đúng cách là nước bạn đã trả về và phạt nặng rồi? Cơ quan hữu trách, ở góc độ nào đó, rõ ràng đã có tội khi để người tiêu dùng lặn ngụp khổ sở trong mớ bòng bong "sống chết mặc bay!”. 

Chúng ta có đầy đủ các chế tài, các điều luật, nhưng việc thực thi còn bỏ trống; đâu đó, có quá nhiều cán bộ còn vô trách nhiệm với nỗi đau của bà con mình.

Trừng trị những kẻ bảo kê cho cái ác

Cụ thể là vụ thuốc (được quảng cáo là) chống ung thư Vinaca. Cũng như thực phẩm bẩn, cái loại người rác rưởi sẵn sàng giết người vì vài đồng bạc lẻ, thời nào cũng có. Vấn đề là cơ quan quản lý cần bài bản, quyết liệt bảo vệ lương dân khỏi những thứ bất lương. 

Chứ đừng để 10 năm bà con ăn mỡ thối, chấm mắm tôm nhuộm hóa chất kịch độc, ăn rau tẩm thuốc trừ sâu, uống trà nhuộm than đá và cà phê thì hòa lẫn lõi chì của quả pin, rồi một ngày đẹp trời tình cờ "vỡ ổ con chuồn chuồn" mới tá hỏa tam tinh. 

10 năm, 20 năm, hàng triệu người bị đầu độc nhiều nghìn ngày ròng rã, phát hiện muộn như thế phỏng có ích lợi gì nhiều? Và chuyện Vinaca với những trò lừa đảo làm giàu ngớ ngẩn suốt nhiều tỉnh thành, với việc đốt than tre ra lừa và hãm hại những người vốn đã khánh kiệt tuyệt vọng vì "án tử hình ung thư" xuất hiện lúc này thật oái oăm. Nó lừa, nó bán tràn lan, sao dân lại tin nó mà đem uống trị bệnh? 

Cơ quan quản lý đứng ở đâu khi kẻ thủ ác múa võ giữa chợ người đông đúc mà không hề bị trói trật cánh khuỷu tống giam ngay từ lúc "ra mắt ba quân tướng sỹ"? Kẽ hở chết người đã nuốt nhiều mạng người, lỗi thuộc về tất cả chúng ta, lỗi hệ thống.

Hệ thống còn có lỗi lớn hơn là các cuộc thi, các lễ tôn vinh, các giải thưởng giả cầy tràn lan. Một đơn vị truyền thông chỉ nghĩ đến tiền, một đơn vị kiểu Viện Chống hàng giả bị dụ dỗ mượn danh nghĩa "trao thưởng". Cứ đóng tiền là xong hết. 

Tôi từng gặp nhiều vị lang băm nhận cả một tủ bằng khen, giấy khen, bằng vinh danh kiểu "Top 10 thương hiệu, dịch vụ hàng đầu Việt Nam" của Vinaca. Thậm chí bỏ tiền ra, còn ra nước ngoài nhận giải thưởng và chụp ảnh quay video đem về lòe dân lành. Lòe để kiếm nhiều tiền hơn, bù vào số tiền đã cống cho "ban tổ chức giải thưởng". Vừa oai oách vừa lãi ròng, tội gì!

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương nói toạc móng heo và rất tâm huyết trên báo: "Ai đời lại "Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam" lại đẻ ra "Viện Chống Hàng giả", lại đi cấp phép cho (Vinaca) đơn vị điển hình của làm hàng giả (để họ) vi phạm nghiêm trọng thế này thì làm sao lấy được niềm tin của người dân". 

Thưa ông Hùng, niềm tin kiểu này nó đã mất từ lâu, ai còn lạ gì cái trò này. Chỉ có điều lương dân vẫn hy vọng, cùng thì nó biến, biến thì nó thông, tức là bê bết thế này từ lâu thì sự chấn chỉnh quyết liệt lẽ ra phải được thực thi từ lâu!

Có một chi tiết mừng, ấy là sự minh bạch đang dần trở lại. Hàng chục năm họ làm cà phê nhuộm lõi pin, mắm tôm ướp hóa chất công nghiệp, giờ bị phanh phui rất sòng phẳng. Không muốn giấu giếm và không thể giấu giếm.

 Cả vụ Vinaca hay vụ trường "ma" "ở Mỹ" lừa hàng chục tỉnh thành, người ta đã bóc mẽ đến tận cùng, vạch mặt cả người và tổ chức đứng đằng sau "bảo kê". 

Như thế là có vẻ bắt đầu "đào tận gốc, trốc tận rễ" vấn đề rồi. Khi mà cả xã hội ra quân vì các điều tử tế đó, thì bà con tiếp nhận thông tin sẽ có cảm giác rằng chưa bao giờ tình trạng nó lại "bất an" và mất niềm tin đến vậy.

Không! Hiện trạng đang phản ánh cả hai khía cạnh: sự thật đáng buồn là nó đã như thế nhiều năm, và cái sự đáng mừng le lói xuất hiện là: cả xã hội đã vào cuộc quyết liệt để đại phẫu. Đại phẫu thì đau đớn, nhưng ung nhọt sẽ bớt dần và hết hẳn. Nếu không tin tôi, bà con cứ hỏi các bệnh nhân bị ung thư vì uống cà phê lõi pin rồi đang điều trị bằng thuốc Vinaca rởm thì sẽ biết.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.