Có phải chúng ta đang… tự sát?

Thứ Hai, 09/10/2017, 15:31
Chúng ta đang tự sát bởi chúng ta trắng trợn chặt phá những khu rừng nguyên sinh. Chúng ta đang tự sát bởi chúng ta thản nhiên tẩm chất độc vào mọi nguồn thực phẩm.

Chị Lê Thị Phương Huyền (Mỹ Đình, HN), Bác Ngô Trần Phương (Việt Trì, Phú Thọ) cùng một số bạn đọc: Thưa nhà báo, liền theo cơn chấn động vụ bê bối nhập thuốc giả của Công ty VN Pharma được công luận mổ xẻ, chúng tôi còn được biết trong số những dược chất được phép nhập khẩu có một số chất có khả năng được lưu thông rất nguy hiểm.  

Vì lợi nhuận của những thứ dởm/giả/lậu này còn lớn hơn cả ma túy mà người ta bất chấp để ký cho phép lưu hành, trong đó PSE nhập để điều chế thuốc cảm được vài doanh nghiệp "bao tiêu" sản phẩm nhưng có những bằng chứng cho thấy những lượng dược chất này bằng cách nào đó đã được đem sản xuất ma túy. 

Có thông tin cho biết hàng trăm kg ma túy đá chiết xuất từ thuốc cảm đã được phát hiện ngay gần những nơi sản xuất dược, vài chục km thôi. Và đặc biệt chất salbutamol (cũng điều chế dược phẩm) thì sau khi nhập về đã được trộn vào cám nuôi heo, gà với tên gọi dễ hiểu là chất tạo nạc thì được ghi nhận nhiều. Chúng ta nên tự hỏi bao nhiêu gia đình đã ăn thịt heo, gà có chất tạo nạc mà không biết? 

Vì salbutamon buôn 1 lời 10 (nhập 1,5 triệu/kg, bán 15 triệu/kg). Trong khi đó mỗi kg salbutamol trộn được "chỉ" 5 tấn cám. Và salbutamol nhập "dư" tính "chỉ" khoảng hơn... 12 tấn. Thật hãi hùng khi hơn 12 tấn salbutamon nhập dư ấy "chỉ" trong... 3 năm: 2014 và 2015, 2016.

Hàng ngày tất cả chúng ta phải ăn thịt, và kinh hãi thay phần lớn tất cả những thịt chúng ta mua ở ngoài chợ ấy lại là từ những con lợn bị đầu độc. Thưa nhà báo, liệu chúng tôi có thể hy vọng chờ đợi một sự quyết liệt và đủ cứng rắn ngăn chặn của chính quyền để xóa được những lỗ hổng trong phương thức nhập khẩu, phân phối dược và thiết bị y tế hay không? Nếu không, nguy cơ sẽ vẫn còn những đại án khác là có thật.

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa chị Lê Thị Phương Huyền (Mỹ Đình, HN), Bác Ngô Trần Phương (Việt Trì) cùng một số bạn đọc,

Trong nhiều năm nay, một câu hỏi thường xuyên vang lên trong óc tôi và tôi tin cũng vang lên trong óc nhiều người như tiếng bật của một lưỡi dao cạo. Câu hỏi đó là gì? Đó là: "Có phải chúng ta đang tự sát???".

Đúng. Chúng ta đang tự sát.

Chúng ta đang tự sát bởi chúng ta ngang nhiên làm ô nhiễm nghiêm trọng các hồ nước, các dòng sông....

Chúng ta đang tự sát bởi chúng ta trắng trợn chặt phá những khu rừng nguyên sinh.

Chúng ta đang tự sát bởi chúng ta thản nhiên tẩm chất độc vào mọi nguồn thực phẩm.

Và bây giờ chúng ta đang tự sát ở cấp độ cao nhất của hành động này bởi bán thuốc giả cho đồng loại mình và dùng dược phẩm để chữa bệnh cho con người làm thành những thứ giết con người.

Câu hỏi của chị Lê Thị Phương Huyền và bác Ngô Trần Phương cùng một số bạn đọc tuy chỉ là một câu hỏi nhưng đã khái quát một cách hết sức ngắn gọn và chính xác những gì mà con người trong xã hội chúng ta đang làm. Chỉ vài dòng thế thôi, chúng ta đã thấy sự kinh hãi tận cùng của những hành vi mà con người đối với con người. 

Bác Ngô Trần Phương, chị Lê Thị Phương Huyền và một số bạn đọc đã đặt một câu hỏi vô cùng cấp bách và đau đớn: "Liệu chúng tôi có thể hy vọng chờ đợi một sự quyết liệt và đủ cứng rắn ngăn chặn của chính quyền để xóa được những lỗ hổng trong  phương thức nhập khẩu, phân phối dược và thiết bị y tế hay không? Nếu không, nguy cơ sẽ vẫn còn những đại án khác là có thật".

Từ đâu mà con người Việt Nam đang phải đối mặt với những điều kinh hãi như vậy? Tất cả vì lòng tham, tất cả vì con người đã và đang đánh mất lương tâm, tất cả vì chúng ta đã rời xa đạo lý và rời xa pháp luật. Có không ít người quả thực đang rơi vào tuyệt vọng vì thấy càng ngày con người càng vô cảm và độc ác. 

Nhưng chính lúc này, tôi thấy một niềm tin vững chắc hiện ra khi Đảng đang thực hiện những hành động kiên quyết và cụ thể trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đối với cả những người ở những vị trí mà lâu nay không ai dám chạm tới. 

Cùng với Đảng là nhân dân. Tiếng nói của nhân dân như bác Ngô Trần Phương, chị Lê Thị Phương Huyền và bao bạn đọc khác trong một đời sống dân chủ của xã hội đã tạo ra một sức mạnh không nhỏ.

Khi con người tàn phá thiên nhiên thì trong nhiều lý do vẫn có một lý do nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết một cách nghiêm trọng. Nhưng khi con người cố tình đầu độc nguồn nước uống, thực phẩm thì nguyên nhân không phải là sự thiếu hiểu biết hay ngu dốt nữa mà là sự độc ác. 

Nhưng khi con người vì lợi ích mà dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc chế biến một số loại dược phẩm để chữa bệnh cho con người thành những thứ giết người thì con người đã trở thành loài động vật man rợ. Những từ ngữ mà tôi dùng ở trên để chỉ những kẻ đang giết hại đồng loại cũng chưa đủ để nói về những hành vi man rợ ấy. 

Có những người biết đồng nghiệp mình làm những điều độc ác đã không ngăn cản, có những người biết người thân của mình làm những điều xấu xa đã không ngăn cản... Điều đó cho thấy sự vô cảm và độc ác đang lan rộng trong xã hội và cái ác đang càng ngày càng ngang nhiên trước mắt chúng ta.

Có hai điều cơ bản để ngăn chặn những hành vi độc ác của con người đối với con người trong một quốc gia. Thứ nhất là giáo dục lương tâm của con người. Con người phải tự thấy tội lỗi khi làm những điều xấu xa với đồng loại của mình. 

Nhưng khi con người chưa tự giác, chưa thấy lương tâm giày vò vì hành vi độc ác của mình thì pháp luật phải lên tiếng một cách kiên quyết nhất. Pháp luật yếu hay mạnh phụ thuộc vào những người nắm trong tay luật pháp. Riêng với những gì đã và đang diễn ra trong lĩnh vực y tế đã làm cho xã hội choáng váng. Lúc này đây, nhân dân chỉ còn trông chờ vào luật pháp. 

Để có được lòng tự giác và sự giày vò lương tâm chúng ta phải mất rất nhiều thời gian và có thể cả trăm năm. Nhưng luật pháp có thể phát huy sức mạnh của nó ngay sau khi nó ra đời. Nhưng nếu pháp luật không ra tay thì chúng ta không bao giờ ngăn cản được những hành vi độc ác vì lợi ích cá nhân hay những nhóm cá nhân như chúng ta đã và đang biết từng phần. Kinh doanh dược phẩm ở Việt Nam là một ngành kinh doanh có lợi nhuận khổng lồ. 

Cái mà những kẻ đang làm một cách vô lương tâm trong lĩnh vực y tế Việt Nam là vì tiền, tiền, tiền và chỉ vì tiền. Vì tiền là tất cả nên những kẻ đó không bao giờ để một kẽ hở cho lương tâm và nhân tính chen vào. Nếu luật pháp không ra tay thì nghĩa là luật pháp đã trở thành kẻ tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp cho những hành vi tội ác đó. Nếu luật pháp không ra tay thì bác Ngô Trần Phương, chị Lê Thị Phương Huyền, các bạn đọc và tôi nữa, chúng ta sẽ chìm trong tuyệt vọng.

Nhưng một thực tế cho thấy, trước kia những phản ứng và lên tiếng của người dân giống như ta ném hòn sỏi nhỏ xuống một hồ nước lớn. Tôi phải nói rằng có một thời gian nhân dân vô nghĩa với không ít quan chức. 

Nhưng bây giờ, mọi thứ đang đổi thay từng ngày. Việc Đảng công bố những sai phạm của một số quan chức cao cấp đã tạo niềm tin rất lớn đối với nhân dân. Chỉ như thế pháp luật mới thực sự bắt đầu thể hiện sức mạnh của nó.

Nói một cách cụ thể đó chính là sự kiên quyết và cứng rắn của chính quyền. Những gì đã và đang diễn ra gần đây cho chúng ta niềm tin ấy. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng: cuộc chiến đấu này của những đảng viên chân chính và nhân dân là cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn. Và chúng ta không được phép tuyệt vọng. Chúng ta, những người có lương tâm hãy lên tiếng và lên tiếng. Chúng ta hãy làm cho lương tâm lan tỏa rộng hơn trong xã hội. 

Luật pháp vô cùng quan trọng nhưng cũng chỉ là một công cụ. Chỉ khi có lương tâm của một con người thì luật pháp mới đi đúng con đường vốn là bản chất của nó.

Minh Đức
.
.