Thuốc nào để chữa “ung thư vô cảm” và “ung thư thủ tục”???
- Vụ 20.000 viên thuốc ung thư hết date: Thủ tục chỉ có 23 ngày đã kéo dài 3 tháng
- Chấm dứt việc nhận thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng ngắn
- Để thuốc thuốc viện trợ trong kho đến khi quá "đát"
Chị Vương Thị Bích Loan, quận Bình Chánh, TP HCM: Thưa nhà báo, như báo chí đã đưa tin: "Gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg đặc trị ung thư máu giá gần 14 tỷ đồng tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM bị hết hạn sử dụng vì chậm trễ thủ tục nhận viện trợ.
Theo kết luận thanh tra TP HCM vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM đến ngày 31-12-2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài".
Lý do duy nhất làm cho số thuốc viện trợ trên không còn được sử dụng nữa là do thủ tục. Chúng tôi rất đau lòng và quá thất vọng về chuyện này. Gia đình tôi có người là bệnh nhân ung thư máu nên hiểu giá trị của những viên thuốc này như thế nào, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Sự thật lâu nay, có bao chuyện đau lòng xảy ra chỉ vì thủ tục.
Đảng và Nhà nước kêu gọi lâu nay gỡ bỏ những thủ tục gây ra biết bao khó khăn cho người dân nhưng đến lúc này hình như chuyển biến chẳng được bao nhiêu. Thưa nhà báo, vì sao lại có chuyện như vậy? Cho đến bao giờ thì những chuyện như thế mới chấm dứt?
Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Vương Thị Bích Loan, cho đến bây giờ, thủ tục vẫn là nỗi đe dọa và ám ảnh đối với người dân. Hầu như, mỗi khi có việc gì liên quan đến các thủ tục thì hầu hết người dân lại "rùng mình" sợ hãi. Chính cá nhân tôi cũng từng bị “con ma” có tên là thủ tục làm cho sợ hãi mà cứ nghe đến nó là ý chí như bị nung chảy.
Thủ tục rườm rà sinh ra từ ba nguyên nhân chính: một là năng lực quản lý và điều hành của các cơ quan liên quan quá yếu kém, hai là do sự vô cảm của những người liên quan ở các cơ quan hành chính đối với người dân. Và nguyên nhân thứ ba là người ta cố làm ra sự phức tạp của các thủ tục để kiếm lợi.
Bây giờ, tôi xin trở lại với vụ 20.000 viên thuốc viện trợ đặc trị ung thư máu bị hết hạn sử dụng chỉ bởi cái “con ma” thủ tục của chúng ta. Chị hỏi tôi câu hỏi "Vì sao lại có chuyện như vậy?". Câu hỏi này chúng tôi đã nhận được quá nhiều từ bạn đọc. Trong cách nhìn của tôi, có ba lý do dẫn đến việc này.
Lý do thứ nhất: Vì đó là hàng viện trợ. Nói như vậy nghe có vẻ lạ lùng. Chúng ta được biết rằng, thời gian từ khi Bệnh viện Huyết học truyền máu TP HCM có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM xin chấp thuận cho bệnh viện thực hiện chương trình Tasigna là 3 tháng.
Tiếp đó, từ khi Sở Y tế TP HCM có văn bản xin chấp thuận, UBND TP HCM quyết định phê duyệt tiếp nhận lô hàng cũng mất hơn 3 tháng. Như vậy, chỉ tính riêng mỗi thủ tục chấp thuận cho Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM tiếp nhận thuốc viện trợ đã mất hơn 6 tháng.
Trước hết, chúng ta đặt câu hỏi vì sao chính Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM lại chậm trễ đến không tưởng như thế trong việc xin nhập số thuốc đặc trị này? Vì đó là số thuốc họ không phải mất tiền mua và nhập về để bán lại kiếm lời.
Nếu bệnh viện này bỏ tiền mua số thuốc đó thì họ sẽ có "trách nhiệm" cao nhất và có "cách" khôn khéo nhất để nhập số thuốc đó trong thời gian ngắn nhất. Tôi cam đoan rằng: nếu số thuốc đó hay bất cứ loại hàng hóa nào mà do một tư nhân nhập về họ sẽ không bao giờ để rơi vào tình trạng nói trên.
Lý do thứ hai: Cũng là vì hàng viện trợ. Vì là hàng viện trợ thì hình như sẽ chẳng có "lợi lộc" gì cho người nhận và người giải quyết các thủ tục nhập. Và trong vụ thuốc đặc trị ung thư máu này chỉ có một người có lợi là bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Hơn ai hết, bệnh viện biết cụ thể số hàng viện trợ đó là gì và bao giờ thì hết hạn sử dụng. Vậy mà, thời gian họ tiến hành báo cáo Bộ chủ quản và cơ quan hải quan kéo dài đến ba tháng. Và khi nhận được công văn xin nhập số thuốc này thì thủ tục của cơ quan chức năng lại kéo dài đến ba tháng. Tôi lại cam đoan rằng nếu đây là thuốc nhập với mục đích kinh doanh thì người nhập và người cho phép nhập sẽ "cùng nhau" làm một cách nhanh nhất.
Lý do thứ ba: Sự vô cảm. Ai vô cảm trong vụ này? Xin thưa đó là bệnh viện. Hầu hết những người cần thuốc viện trợ là những người nghèo. Những người giàu nếu mắc bệnh ung thư họ đều đi nước ngoài chữa bệnh vì các bác sỹ ở các bệnh viên nước ngoài trách nhiệm hơn cho dù viện phí đắt hơn.
Mỗi viên thuốc trong lô thuốc viện trợ kia rất đắt. Vì thế đối với những bệnh nhân nghèo thì những viên thuốc ấy là vô cùng quan trọng với họ cả ở hai phía: chữa bệnh và chi phí. Biết thế mà bệnh viên cứ dửng dưng đến… 90 ngày đêm mới làm xong cái thủ tục xin nhập thuốc. Một sự vô cảm đến độc ác.
Hồi cha tôi còn sống, đã có lần ông nói: "Hãy lấy cái bờ cào cỏ cào đi dòng chữ Lương Y Như Từ Mẫu trên cổng của nhiều bệnh viện".
Và khi nhận được cái công văn xin nhập "vô hồn" ấy thì "các ông bà hải quan" lại dửng dưng cũng đến… 90 ngày đêm mới cho nhập. Sự vô cảm đã trở thành bệnh dịch và lan quá rộng trong xã hội chúng ta.
Chắc chắn, những người viện trợ cho chúng ta sẽ rất ngạc nhiên hỏi cái xứ sở họ viện trợ số thuốc trị giá gần 15 tỷ đồng là xứ sở gì mà có thể hành xử như thế?
Việt Nam có tất cả các bệnh ung thư mà thế giới có nhưng có lẽ chỉ Việt Nam mới có loại "ung thư vô cảm" và "ung thư thủ tục" mà thôi. Loại “ung thư” này không di truyền nhưng lâu nhất và nhanh nhất. Nó không giết chết vài ba ngàn người mà giết chết cả xã hội.
Đối với văn hóa Việt Nam, có hai người thầy được tôn kính là thầy giáo và thầy thuốc bởi sứ mệnh cao cả của họ và tính nhân văn trong việc làm của họ. Nhưng đến bây giờ, có lẽ hai người thầy này lại cần được chữa trị khẩn cấp nhất.
Chị Vương Thị Bích Loan hỏi "Cho đến bao giờ thì những chuyện như thế mới chấm dứt?".
Thưa chị và bạn đọc, tất cả những hành động nhân văn chỉ xuất phát từ một tâm hồn nhân văn. Ngay cả những thủ tục rườm rà, gây phiền nhiễu cho người dân và tạo cơ hội cho những kẻ trục lợi cho dù trên bề mặt nó thuộc về các qui định hành chính nhưng đều xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn.
Khi người ta vì con người thì người ta sẽ tìm ra những phương pháp tốt nhất để mang lại lợi ích cho con người. Còn cứ rút kinh nghiệm mãi chỉ là một trò hài như ông Nguyễn Bá Thanh từng nói đại ý: cái dây rút kinh nghiệm ở nước ta nó dài quá, rút mãi mà chẳng thấy hết.