Nếu ở đâu còn những người lãnh đạo như thế

Thứ Bảy, 29/07/2017, 10:13
Nếu ở đâu còn có những lãnh đạo như bà Phó chủ tịch quận và ông Trung tướng như thế thì nơi đó chẳng bao giờ có dân chủ, chẳng bao giờ có công bằng và công lý.

Bác Lê Thị Liên (Cần Thơ) và một số bạn đọc khác: Liên tiếp trong tuần qua, người dân rất bất bình về việc trên mạng xã hội lan tràn thông tin một nữ Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân, Hà Nội đi ăn trưa đỗ xe trái luật rồi bị dân phản ánh, đã không xin lỗi và chịu xử lý theo pháp luật mà còn gọi điện cho Chủ tịch phường ra để "trông xe hộ" trong tình trạng giữ nguyên hiện trạng vi phạm đó một cách khá thách thức. 

Thậm chí cán bộ phường còn yêu cầu người dân lúc trước phản ứng phải xin lỗi bà phó chủ tịch kia.

Trước sự phẫn nộ của dư luận, bà phó chủ tịch lên báo chí thanh minh và tuyên bố rằng, một số kẻ lợi dụng sự việc này để chống đối, bôi nhọ chính quyền. Bà ta đã đồng nhất chuyện cá nhân bà với bộ máy chính quyền. Bà coi sai phạm của mình cần được bảo vệ và che chở bởi bộ máy chính quyền. Và ai lên tiếng để phản đối thì là chống đối lại chính quyền.

Vụ việc vẫn còn đang nóng trên dư luận thì tiếp tục tin từ Cần Thơ, một ông tướng về hưu, chạy xe quá tốc độ trên đường bị CSGT yêu cầu dừng xe xử lý đã chửi bới lăng mạ CSGT rất thậm tệ, thậm chí lớn tiếng: "…tao cho mày nghỉ việc luôn. Cả giám đốc mày tao còn cách chức được!". 

Quả thực những người dân như chúng tôi chẳng biết phải nói gì về tư cách của các ông bà công bộc bây giờ nữa. Cả hai trường hợp nêu trên cho thấy văn hoá cửa quyền, hống hách và trịch thượng, mượn chức vụ để lộng quyền và né tránh các sai phạm của bản thân họ. Chính họ mới là những con người làm xấu đi hình ảnh của chính quyền. 

Chúng tôi nhận thấy hiện tượng ngông cuồng quyền lực cá nhân, coi thường pháp luật, xem thường nhân dân, và sự sợ hãi của cán bộ, tổ chức cấp dưới đối với cấp trên, kể cả cùng cấp đối với nhau đang gia tăng. Và chúng tôi đang đặt câu hỏi, các vị biết sai phạm mà không xử lý lại còn ngang nhiên bao che cho nhau thì những cá nhân đó có thể có đủ tư cách để ngồi vị trí đó hay không? Hay chỉ là, nếu ta sai ta xin lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật? Chúng tôi xin được nghe ý kiến của nhà báo.

Những hình ảnh lan tràn trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa bác Lê Thị Liên, trong thư bác viết có một điều rất "hay" mà lâu nay nó giống như một "bóng ma" làm cho việc phê bình những cán bộ có quyền chức của nhân dân hay cấp dưới gặp không ít khó khăn và có cả sự sợ hãi vì bị đe dọa. 

Bác viết: "Trước sự phẫn nộ của dư luận, bà phó chủ tịch lên báo chí thanh minh và tuyên bố rằng một số kẻ lợi dụng sự việc này để chống đối, bôi nhọ chính quyền. Bà ta đã đồng nhất chuyện cá nhân bà với bộ máy chính quyền. Bà coi sai phạm của mình cần được bảo vệ và che chở bởi bộ máy chính quyền. Và ai lên tiếng để phản đối thì là chống đối lại chính quyền".

Lý lẽ của bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân là lý lẽ thường được không ít các ông bà có chức quyền sử dụng. Đã lâu nay, ở các thôn xã, huyện, tỉnh, thành phố... rồi cơ quan, xí nghiệp... hễ một người dân, một nhân viên cấp dưới lên tiếng phê bình lãnh đạo cấp trên hay lãnh đạo chính quyền địa phương thường bị gán cho một cái tội là bôi xấu lãnh đạo, bôi xấu chính quyền, làm mất đoàn kết nội bộ, lôi kéo bè phái....

Thế là, người phê bình hay tố cáo những hành vi sai trái của cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan... từ người đấu tranh cho lẽ phải bỗng trở thành kẻ gây rối và có âm mưu xấu. Tôi đã làm ở một số cơ quan và đã chứng kiến hơn một lần kiểu quy chụp như vậy. 

Bà Phó chủ tịch quận đã làm mất uy tín chính quyền hai lần: lần thứ nhất ngang nhiên đậu xe sai quy định, lần thứ hai là quy chụp người tố cáo hành vi sai trái của bà là "bôi nhọ chính quyền".

Từ câu chuyện của bà Phó chủ tịch quận, tôi nhớ cách đây khoảng 30 năm, tôi có đọc một truyện ngắn in trên báo Văn Nghệ có tên: ĐƠN XIN RA KHỎI ĐẢNG CỦA LÀNG CHẠNH. 

Truyện ngắn này kể về một nữ đảng viên thấy sự tha hóa của các lãnh đạo trong Chi bộ làng Chạnh mà bà sinh hoạt. Vì lý do đó bà viết đơn xin ra khỏi Đảng. 

Một cán bộ lãnh đạo Đảng ủy xã đến gặp bà và nói "Đồng chí xin ra khỏi chi bộ thôn là làm ảnh hưởng đến Đảng ủy xã. Làm ảnh hưởng Đảng ủy xã là ảnh hưởng đến huyện ủy. Làm ảnh hưởng huyện ủy là ảnh hưởng đến Tỉnh ủy. Làm ảnh hưởng Tỉnh ủy là ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản Việt Nam là ảnh hưởng đến phong trào Quốc tế cộng sản. 

Nghe vậy, nữ đảng viên sợ quá. Bà không nghĩ bà lại có thể làm ảnh hưởng đến cả phong trào Quốc tế cộng sản. Bà bèn rút đơn. Mấy ngày sau, bà gửi cho tổ chức một lá đơn khác có tên: ĐƠN XIN RA KHỎI ĐẢNG CỦA LÀNG CHẠNH. Bà nói với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là bà chỉ xin ra khỏi Đảng của cái làng Chạnh thôi vì sự suy thoái đạo đức của các lãnh đạo chi bộ làng Chạnh chứ bà không xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Phó chủ tịch quận nói những người lên tiếng về việc sai phạm của bà là chống đối và bôi nhọ chính quyền. Nhưng thực tế bà mới chính là người làm xấu đi hình ảnh chính quyền. Cái lý lẽ của bà bây giờ đã lỗi thời rồi. Nó thật hài hước và theo tôi sự ngụy biện kém cỏi ấy không được ai chấp nhận, kể cả chính lãnh đạo quận. 

Cùng với chuyện của bà Phó chủ tịch quận là chuyện của ông trung tướng về hưu. Sự hống hách và lộng quyền của ông này không phải là chuyện hãn hữu mà là chuyện khá phổ biến ở xã hội ta. Nếu không có sự phát triển của công nghệ và những bước tiến của nền dân chủ thì những hình ảnh tồi tệ của bà phó chủ tịch quận và ông trung tướng kia sẽ chẳng bao giờ được phơi bày trước công luận. Nghe những lời hống hách và trịch thượng của ông trung tướng mà thấy "sởn gai ốc". 

Ôi, đấy là một ông trung tướng đã về hưu, đã coi như hết quyền hành mà vẫn còn như thế. Sự hống hách và trịnh thượng ấy là dư âm của một ông quan. Không hiểu khi ông còn đương chức thì ông thế nào. Với những ông quan như thế nếu cấp dưới mà "mắc lỗi" với ông thì chỉ còn "nước chết". Bởi với một con người như thế mà lại có quyền chức trong tay thì số phận người dân thấp cổ bé họng trước ông không bằng con kiến. Bởi ông có thể cách chức cả một giám đốc công an tỉnh thì đám người như chúng ta chẳng đáng giá gì.

Qua hình ảnh của hai ông/ bà quan kia thì các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng sẽ hình dung được một phần nào các đảng viên có chức quyền cấp dưới của mình ứng xử như thế nào với nhân dân. Bởi thế mà có bao người cả đời oan ức, cả đời bị trù úm đến tan tành sự nghiệp. Bởi thế nên các ông/ bà quan chức có biệt thự này, lâu đài kia, tài khoản nọ... là chuyện dễ hiểu. Bởi thế mà có bao người đấu tranh cho lẽ phải, cho sự tốt đẹp lại trở thành những kẻ quấy rối, bôi nhọ chính quyền và suốt đời không thể ngóc đầu lên được.

Bởi sự thật những người không có quyền chức, không có quan hệ, không có nơi dựa dẫm thì khi bị ông/ bà thủ trưởng mà thù ghét vì đấu tranh sẽ rơi vào tuyệt vọng. 

Nhưng tôi tin mọi điều đang thay đổi. Đảng đã và đang kêu gọi những đảng viên chân chính của mình cùng với nhân dân tham gia cuộc đấu tranh quan trọng nhất của đất nước: cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lộng quyền, chống hách dịch, chống bất công. 

Nếu ở đâu còn có những lãnh đạo như bà Phó chủ tịch quận và ông Trung tướng như thế thì nơi đó chẳng bao giờ có dân chủ, chẳng bao giờ có công bằng và công lý. Nhưng cuộc đấu tranh cho lẽ phải chẳng bao giờ ngưng cho dù những người đấu tranh bị những ông/ bà lãnh đạo trên bóp méo sự thật và đe dọa đến cuộc sống của mình.

Minh Đức
.
.